Wednesday, October 3, 2012

Vài câu hỏi cho những ai có trách nhiệm trong việc thẩm định ĐTM của 2 dự án Thủy điện ĐN 6 & 6A - TS. Nguyễn Đức Huỳnh

02/10/2012
Dear Save CATTIEN National Park Group <nationalpark.cattien@gmail.com>;

Đọc bài của PV Thao Lan của Bộ TNMT (MONRE) trên Link http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428&CateID=24&ID=121438&Code=QOCP121438 tôi định yên lặng nhưng có cái gì đó thuộc về "lương tâm" bắt tôi phải lên tiếng. Cho tôi được hỏi những ai có trách nhiệm trong việc thẩm định ĐTM của 2 dự án TĐ ĐN 6 & 6A vài câu hỏi:
1.     Về khẳng định : “Hội đồng chưa nhận được ý kiến phản hồi nào mang tính thực tiễn, khoa học”.
Vậy xin hỏi rằng những lý luận gì của Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động Môi trường hay của Hội đồng TĐ (Hình như Hội đồng chưa họp? thì lấy đâu ra ý kiến?) liên quan đến 2 dự án TĐ này là mang "Tính thực tiễn, khoa học", Tôi thấy quí vị toàn viện dẫn luật này thông tri nọ, rồi ông A & bà B của hội đồng để làm gì?... Tôi cố gắng luận giải mãi mà không hiểu  được... chứ chưa thấy một dòng về những lập luận mang "Tính thực tiễn, khoa học" của quí vị hay của Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động Môi trường. Khi bản thân mình không thể chứng minh được "Tính thực tiễn, khoa học" của dự án thì làm sao đủ kiến thức thuyết phục để khẳng định người khác là "Hội đồng chưa nhận được ý kiến phản hồi nào mang tính thực tiễn, khoa học"? Đó là chưa nói đến rằnh trong khoa học khi anh muốn phản bác luận cứ nào của ai thì anh phải đưa ra luận cứ khoa học của riêng mình, chính xác hơn, đúng đắn hơn, để thuyết phục người khác. Ở đây tôi cố tìm điều này mà không thể!
Những gì đọc được ở bài báo toát lên đây chỉ là “phán quyết” của người có quyền uy, người quản lý, người “Quyết định”.. .
2. VN chúng ta đã có quá nhiều thí dụ về ĐTM các dự án khác nhau mà hậu quả sau  một thời gian  khi nẩy sinh các sự cố môi trường (thì nhận  được lời giải thích của người lập Báo cáo ĐTM và của những người trách nhiệm của chính quyền rằng "Đó là hạn chế về nhận thức vào thời điểm lúc bấy giờ..." còn hậu quả thực thì người dân phải lãnh đủ (Ví dụ Công ty VeDan đã giết chết dòng sông Thị Vải, Thủy điện sông Tranh 2... và còn nhiều, nhiều lắm những thí dụ tương tự khác không sao kể hết...). Riêng đọc những lý luận của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho 2 dự án TĐ ĐN6&6A sao tôi thấy hao hao với những gì mà bộ TNMT đã bảo vệ cho các dự án Bôxit Tây Nguyên trước đây thế! Cái gì là đang chờ đợi về hậu quả liên quan đến Môi trường & Sinh thái cho các dự án Bôxit Tây Nguyên cũng sẽ là những gì là hậu quả liên quan đến Môi trường & Sinh thái mà hai dự án TĐ ĐN6 sẽ phải gánh chịu. Lúc đó chắc chắn điệp khúc "Đó là hạn chế về nhận thức vào thời điểm lúc bấy giờ..." lại sẽ vang lên.
3. Với bất kỳ quốc gia nào: Một tiêu chí rất quan trọng và có tính quyết định việc cấp phép cho bất kỳ dự án nào là "Tham vấn ý kiến cộng đồng". Tôi không được đọc mục này trong B/C ĐTM của 2 dự án này nhưng qua nội dung của bài báo thì tôi biết UBND tỉnh Đồng Nai không đồng thuận cho 2 dự án này. Tuy nhiên ý kiến của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho rằng: "Việc này như đã nói ở phần trên, các tỉnh hạ lưu căn cứ vào các đánh giá tác động của 2 dự án, đề xuất phòng ngừa, giảm thiểu có liên quan đến các tác động của 2 dự án đối với địa phương mình để đưa ra các ý kiến trong phạm vi chức năng, quyền hạn do địa phương mình quản lý, không nên có các ý kiến đối với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền và trách nhiệm của UBND các tỉnh khác" Đọc xong ý này tôi có 2 suy nghĩ:
- “…các tỉnh hạ lưu căn cứ vào các đánh giá tác động của 2 dự án” Đánh giá tác động của hai dự án. Vậy b/c ĐTM chưa được phê duyệt thì các tỉnh dựa vào “các đánh giá tác động của 2 dự án” này ở đâu? Hay họ tự đánh giá, liệu họ có đủ số liệu để tự đánh giá được không?
- Đây là ý kiến quá chủ quan và thiếu tôn trọng của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường đối với ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai, nơi có dự án, hơn nữa cũng không thấy Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường nêu ý kiến chính thức của UBND các tỉnh hạ lưu khác. Nhưng, tôi nhấn mạnh rằng "Nhưng" vì đây mới là yếu tố quyết định: đó là, tôi không thấy ý kiến bày tỏ có hay không ủng hộ đối với 2 dự án TĐ 6 & &6A của cộng đồng dân cư sống dọc 2 bờ sông ĐN nơi chịu ảnh hưởng của 2 dự án TĐ này. Đây sẽ là yếu tố quyết định theo chuẩn mực quốc tế hiện nay. Tôi tin Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường hiểu hơn tôi về vấn đề này!
4. Điều cuối cùng tôi muốn gợi ý với Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường: Nên chăng thông qua mạng hay một hình thức nào đó Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường lấy ý kiến của cộng đồng người làm công tác KH-CN Việt Nam về việc có hay không xây dựng hai dự án TĐ ĐN 6 & 6A. Nếu là những người dám đối mặt với sự thực thì đây là việc làm cần thiết.
Tôi mong Nhóm "Save CATTIEN National Park" cố gắng chuyển thư này của tôi cho Cục Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường và các thành viên Hội đồng Thẩm định B/c ĐTM của hai dự án TĐ ĐN 6 & 6A.
Trân trọng
TS. Nguyễn Đức Huỳnh
Nguyên GĐ Trung tâm NC PT An Toàn & Môi Trường Dầu Khí

* Cũng đã đăng trên trang Tin nhanh về môi trường Việt Nam:
http://www.tinmoitruong.vn/cau-noi/-luong-tam--bat-toi-phai-len-tieng-_73_17417_1.html

5 comments:

  1. GS. TSKH LÊ Huy BáOctober 3, 2012 at 8:40 AM

    KG TS Nguyễn Đức Huỳnh
    Hay quá, anh Huynh ơi!
    Cám ơn anh đã nói hộ cho những nhà KH trung thực
    GS. TSKH Le Huy Bá

    ReplyDelete
  2. Trịnh Quốc NghĩaOctober 3, 2012 at 9:24 AM

    Mời xem về việc Lý giải động đất tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 tỉnh Quảng Nam và tham khảo cho hai công trình thuỷ điện tại vùng lõi khu bảo tồn Cát Tiên mà tôi đã gửi trực tiếp đến nhóm "Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên", Trích: "... tại sao nước trong các hồ chứa lại làm cho các cấu trúc địa chất trở nên dễ dịch chuyển hơn?
    Trả lời:
    Để có thể dễ hình dung về hiện tượng này và lý giải bằng ngôn ngữ phổ thông, ta có thể đơn giản hóa và xem xét một ví dụ thông thường mà bất cứ ai cũng có thể thử nghiệm được. Đó là việc mang một tảng đá nặng trong nước sẽ dễ dàng hơn so với việc mang cùng tảng đá đó trên cạn. Bởi lẽ, khi ở trong nước, tảng đá đó chịu tác động của áp lực đẩy nổi của nước và nó trở nên ”nhẹ” hơn.

    Tương tự như vậy, khi các hồ chứa xuất hiện và tích nước, nước hồ thấm sâu vào lòng đất đến một mức độ đủ để làm “giảm nhẹ” một khu vực cấu trúc địa chất đủ lớn thì cấu trúc địa chất đó bắt dầu dịch chuyển và gây ra các hiện tượng rung động địa chất (“chấn động địa chất” hay còn gọi là “động đất”) có thể cảm nhận được. Độ lớn của các chấn động này phụ thuộc vào khối lượng của cấu trúc địa chất cũng như mức độ dịch chuyển của nó. Nói như vậy để nhấn mạnh rằng khi bắt đầu tích nước là đã có thể có tác động dịch chuyển". Nếu tôi và các chuyên gia địa chấn quốc tế có được bảng DTMs cùng các số liệu chính xác liên quan chắc chắn tôi sẽ có được phản biện chuẩn mực để hội đồng thẩm định, thủ tướng và Quốc hội xem xét ra quyết định cuối cùng. Ở nước ngoài DTMs được công bố công khai để lấy ý kiến tham vấn cộng đồng và ý kiến chuyên gia độc lập, sao tôi không thấy ở VN làm điều này, phải chăng luật định không cho phép? Hay đây là bí mật quốc gia?
    Hôm nay tôi thấy bài đã đăng tại đây http://www.boxitvn.net/bai/41702

    ReplyDelete
  3. Nhóm chúng tôi vừa nhận được email của Ông Nguyễn Ngọc Lung – GS.TSKH, Chuyên ngành lâm nghiệp; Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ Rừng, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiêp; thành viên HĐTĐ ĐTM 2 Thủy điện ĐN 6:

    Kính gửi : - TS. Nguyễn Đức Huỳnh, - -Các bạn đồng nghiệp Lâm nghiệp và Bảo vệ môi trường,


    Những ngày gần đây tôi nhận được nhiêu thư từ, e-mail của các anh, các chi, các tổ chức … về việc thẩm định tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A .

    Tôi thành thực cám ơn các bạn đã cung cấp nhiều thông tin, quan điểm phong phú, đa dạng, thêm cơ sở để đánh giá 1 cách khách quan vấn đề này .

    Hội đồng chưa họp, tuy đẫ khảo sát, đánh giá hiện trường, tuy nhiên tôi chỉ là 1 thành viên, 1 lá phiêu nên tác động cũng rất hạn chế, nhưng hứa với các bạn, là cán bộ khoa học thì sẽ trung thực và khách quan .

    Tôi cũng muốn chia sẻ quan điểm về các dự án “Đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế kinh tế” .

    Trường hợp Thuỷ điện Đồng nai 6 và 6a là dễ so sánh vì biết trước lợi ích kinh tế mỗi năm thu được bao nhiêu KWh điện cho xã hội (xin bỏ qua bình luận về cơ chế độc quyền của các quả đấm thép), việc mất trên 100 ha rừng tự nhiên (RTN) thì cũng rõ ràng, nhưng tác động tới bão lụt, hạn hán, thiên tai, khí thải nhà kính thì còn phải đánh giá, tác động thay đổi môi trường sống và thiệt hại về giảm thiểu tính ĐDSH cũng khá rõ ràng, vì vậy việc cân đong lợi hại của sự đánh đổi này có thể thực hiện được, trong hoàn cảnh không nhất thiết phải hy sinh môi trường để chống đói nghèo như 20 năm trước đây.

    Nỗi đau đớn hơn của chúng ta là mất 100.000 ha rừng tự nhiên tại Tây Nguyên để trồng cao su mà vẫn phải chịu (1.000 lần so với Đồng Nai 6 và 6a), chính ngành lâm nghiệp cũng bị ngỡ ngàng đến mức ra thông tư hướng dẫn đã rất chậm, lại còn 9 lần sửa đổi bổ sung chỉ từ tháng 5/2007 đến tháng 9/2009 thì bị động đến mức nào .

    Sự đánh đổi này tệ hại ở chỗ chỉ có thể ước tính thiệt hại khổng lồ về bảo vệ môi trường của RTN đầu nguồn dẫn tới lũ lụt, tàn hại sinh mạng, tài sản vùng hạ lưu ven biển (tư liệu VTV1), mà lợi ích kinh tế lại mù tịt, vì chưa thử nghiệm, không biết % cao su sẽ sinh trưởng tốt, có ra mủ không ? sản lượng ? , chất lượng mủ ?, giống hệt đồng bào Tây Nguyên trồng tiêu, điều, cà phê, khi thu hoạch không lãi thì chặt đi trồng thứ khác . Hội đồng ĐTM cũng chỉ hạn chế được khi các đại gia lấy RTN giàu, và yêu cầu cam kết trồng lại rừng nếu cao su thất bại .

    Cũng như các bạn tôi đã từng đấu tranh cho môi trương Tây Nguyên trong dự án Bauxite, nhiều dự án liên quan tới phát triển kinh tế trong các VQG, khai thác quặng, … nhưng thất bại nhiều hơn thành công vì VN mới tỉnh ngủ về môi trường sau Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu 1992 .

    Đây là tâm tư , quan điểm hoàn toàn riêng của tội sau khi nhận được rất nhiêu thư từ các bạn .

    Kính

    Nguyễn Ngọc Lung

    ReplyDelete
    Replies
    1. Phá đập thủy điện, trả lại dòng sông xưa
      TT - 28 tổ chức đã đạt được thỏa thuận sơ bộ hôm 1-10 về việc phá bỏ bốn đập thủy điện để trả lại nguyên vẹn dòng sông Klamath chảy dọc ranh giới hai bang California - Oregon (Mỹ) như trước kia.

      >> Đập nước hủy diệt các con sông

      Đập Copco 1 ngăn dòng Klamath ở gần Hornbrook, California - Ảnh: Christian Science Monitor

      Quyết định phá bỏ bốn đập nước hiện do Công ty PacifiCorp vận hành được đưa ra sau nhiều năm gây áp lực từ các nhóm môi trường. Họ cho rằng những đập thủy điện lớn nhất miền tây nước Mỹ này gây ra hàng loạt vấn đề về môi trường như cản trở sự di trú của cá hồi và các loài cá khác cũng như tạo ra các loại tảo độc trong dòng nước.

      28 tổ chức liên quan ký vào thỏa thuận sơ bộ bao gồm Công ty PacifiCorp, chính quyền California, Oregon, các bộ lạc da đỏ châu Mỹ sống dọc dòng sông, các cơ quan liên bang và những nhóm bảo vệ môi trường.

      Theo đó, đến năm 2020, các đập nước khổng lồ sẽ được phá bỏ để trả lại dòng sông như nguyên trạng lịch sử của nó. “Đây sẽ là dự án phá bỏ đập thủy điện lớn nhất trên thế giới. Thật đáng chờ đợi việc khôi phục dòng sông lịch sử này, không chỉ giúp dòng sông khỏe mạnh hơn mà còn lấy lại sức sống cho cả các cộng đồng ở đây” - Steve Rothert, giám đốc nhóm môi trường Các dòng sông nước Mỹ có trụ sở tại California, nói.

      Tuy nhiên, chi phí cho dự án này sẽ không rẻ chút nào. PacifiCorp tính toán tổng cộng cần tới 450 triệu USD để di dời các đập thủy điện. Bang Oregon đã chấp nhận bỏ ra 180 triệu USD. Còn bang California có thể bỏ ra 250 triệu USD dù bản thân đang phải vật lộn với tình trạng thâm hụt ngân sách.

      Dẫu sao, tất cả các bên đều cho thấy quyết tâm thực hiện thỏa thuận đã đạt được. “Thỏa thuận này cho thấy một bước tiến lớn trong việc khôi phục sông Klamath. Chúng tôi trông chờ tất cả các cộng đồng bộ lạc, nông nghiệp và ngư nghiệp ở lưu vực sông Klamath sẽ tham gia triển khai các giải pháp khôi phục dòng sông” - Troy Fletcher, một thành viên của bộ lạc Yurok sống ở lưu vực sông Klamath, nói.

      Sông Klamath dài hơn 420km bắt nguồn từ hồ Thượng Klamath, chảy dọc biên giới hai bang Oregon - California miền tây nước Mỹ và đổ ra Thái Bình Dương.

      HẢI MINH (Theo Christian Science Monitor)

      Delete
  4. Khắc Dũng, Báo Lao Động
    Đàn bò tót 13 con tại VQG Cát Tiên. (ảnh do VQG Cát Tiên cung cấp).
    Bò tót Cát Tiên lại bị sát hại

    Thứ ba 09/10/2012 09:31





    Ngày 8.10, GĐ VQG Cát Tiên cho biết, qua điều tra nhanh trong các ngày từ 5 – 7.10, cơ quan chức năng huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) bước đầu xác định vừa có thêm một con bò tót ở VQG Cát Tiên bị sát hại.
    “Chiều tối ngày 5.10, một con bò tót đực theo một đàn bò nhà “rời núi” xuống gần khu vực dân cư thuộc xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, thì bị sát hại. Ngay trong đêm 5 rạng sáng ngày 6.10, con bò đã bị xẻ thịt. Đến 7.10, khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường thì tang vật chỉ còn lại... bộ lòng bò!” – một cán bộ có trách nhiệm của huyện Cát Tiên cho biết.

    Thực trạng nạn săn bò tót trong thời gian qua tại VQG Cát Tiên thực sự đáng để gióng lên hồi chuông nguy cấp, dù cơ quan chức năng trong và ngoài nước đã có rất nhiều cố gắng để bảo vệ loài thú này trước nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, trong một đoạn phim hy hữu ghi lại được dấu vết bò tót Cát Tiên, chỉ có mỗi một con xuất hiện trong ống kính của người quay phim không chuyên này là điều đang lưu tâm.

    Ghi nhận bò tót Cát Tiên

    Theo VQG Cát Tiên, đoạn video bò tót mới nhất này dài 1 phút 42 giây, được ông Vũ Ngọc Duyến quay tại khu vực Núi Tượng của vườn vào chiều ngày 18.7.2012. Trong đoạn phim này, chỉ có một cá thể bò tót trưởng thành xuất hiện. Đó là một con bò tót đực trưởng thành; một trong hai chiếc sừng của con bò này có thể đã bị khuyết tật từ trước (sừng bên trái của con vật đã gãy và mọc lại) nên ngắn hơn nhiều so với chiếc sừng bên phải.

    “Đây là đoạn phim được quay hoàn toàn tự nhiên, không lồng ghép, không sử dụng kỹ xảo”. Đáng lưu ý, theo nhận định của các cán bộ chuyên môn, con bò tót trưởng thành trong đoạn video rất có thể là con đực trong quần thể bò tót được ghi nhận cách đây khoảng một năm rưỡi, cũng bằng video tại VQG Cát Tiên.

    Hình ảnh con bò tót đực trưởng thành ''một sừng bị cụt'' ghi lại được tại VQG Cát Tiên ngày 10.4.2011. (ảnh do VQG Cát Tiên cung cấp).
    Trước đó, cũng theo thông tin do VQG Cát Tiên đã công bố, ngày 10.4.2011, một cộng tác viên của vườn tên là Tăng A Pẩu đã ghi lại bằng máy quay phim một đàn bò tót 13 cá thể. “Đây là một đàn bò tót có số lượng cá thể khá lớn, lần đầu tiên được ghi nhận tại VQG Cát Tiên. Và điều đáng nói là trong quần thể này, có cả những con non cùng sống chung trong bầy đàn với những cá thể trưởng thành”.

    Bò tót Cát Tiên đang bị “mai một”?

    Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Thành, cách nay hơn một năm, quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên có từ 110 – 120 cá thể, sống theo bầy đàn (19 – 22 đàn). Trong sách Đỏ VN, bò tót (Bos gaurus) được xếp vào dạng nguy cơ tuyệt chủng cao. Con bò tót đơn độc trong video mới nhất với con bò tót trong đàn bò tót 13 con trong video cách nay gần một năm rưỡi có phải là một hay không thì còn (và rất cần thiết) phải kiểm tra lại bằng các biện pháp nghiệp vụ. Và, vì sao con bò tót này trở nên “đơn độc” cũng là vấn đề đáng lưu tâm!

    Hiện, thước phim mới nhất về “một cá thể” bò tót được ghi tại VQG Cát Tiên đang được rất nhiều cán bộ chuyên môn quan tâm! Và, câu hỏi đặt ra: Qua hai đoạn phim, cho thấy đàn bò tót ở Cát Tiên đã và đang bị “mai một”? Hy vọng cơ quan hữu trách sẽ trả lời câu hỏi này! Còn bây giờ, sự nối tiếp “ra đi” của một con bò tót Cát Tiên nữa khiến không ít người sốt ruột.

    ReplyDelete