Saturday, October 6, 2012

Những hạn chế của ĐTM cho hai DA thủy điện Đồng Nai 6 & 6A

Những hạn chế của Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) việc thực thi xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6 & 6A (ĐN 6)

Saving Cattien NP, 06/10/2012. Chúng tôi xin giới thiệu nhận xét của một chuyên gia người Việt ủng hộ Nhóm chúng tôi, đang sống ở CHLB Đức, về báo cáo đánh giá tác động môi trường việc thực thi xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6&6A, xâm hại VQG Cát Tiên. Một số từ tác giả dùng tiếng Anh trong bản gốc, Nhóm chúng tôi đã tự dịch ra tiếng Việt, và để các từ tiếng Anh đó vào ngoặc đơn. 

A)   Tổng thể
Báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A (TĐĐN 6) mới chỉ thể hiện phần đánh giá ảnh hưởng môi trường NỘI VÙNG TRONG KHU VỰC DỰ ÁN của quá trình khai hoang, xây dựng, và vận hành của TĐĐN 6, mà chưa hề có thông tin nào đánh giá ảnh hưởng NGOẠI VÙNG ĐẶC BIỆT VÙNG HẠ LƯU nơi mà môi trường và hệ sinh thái bị ảnh hưởng do việc can thiệp điều tiết chế độ dòng chảy theo cơ chế phát điện của thủy điện.
Nếu đánh giá tác động ảnh hưởng môi trường do thủy điện chỉ cần đánh giá ảnh hưởng nội vùng thì Việt Nam, Camphuchia và thế giới đã không cần phải phản ứng với việc xây dựng thủy điện Xayrabury của Lào và Thái Lan trên dòng sông Mekong.
B)   Cụ thể cho từng phần

1)    Đánh giá cân bằng nước qua mô hình thủy văn
-       Tại sao kết quả mô hình thủy văn lại chỉ thể hiện kết quả cân bằng nước và dòng chảy từ thượng nguồn đến đập TĐĐN 8?
-       Kết quả tính toán cân bằng nước với công trình dự kiến chi tiết “nước đến” và “lưu lượng phát điện” ở các bảng 3-55 ÷ 3-57, và kết luận ĐTM: “Tại bậc thang Đồng Nai 8, lưu lượng nước đến trung bình bị suy giảm vào năm nhiều nước và vào năm ít nước có sự chênh lệch không đáng kể (0,21 m3/s và 0,19 m3/s tương ứng với năm nhiều nước và năm ít nước). Sự thay đổi này bị gây bởi thất thoát do bốc hơi nước bề mặt và thấm đáy của hai hồ chứa Đồng Nai 6 – 6A. Tỉ lệ lưu lượng suy giảm cho cả hai trường hợp khá thấp: 0,05% và 0,09%, chưa tới 0,1%, nên tác động thay đổi dòng chảy không đáng kể.”. TUY NHIÊN, có một vấn đề cần làm rõ: việc tính toán lưu lượng TRUNG BÌNH NĂM từ việc tính toán lưu lượng TRUNG BÌNH THÁNG có thể công bằng cho thực tế việc điều tiết dòng chảy không đều theo chế độ ngày đêm trong ngày? Sự thay đổi lưu lượng dòng chảy TRUNG BÌNH có thể không nhiều, nhưng sự thay đổi mực nước sông giữa ngày và đêm (timing and time lag) và ảnh hưởng của việc quá cạn và bị phơi nắng trong ngày trong khi đó thì lại quá ngập vì xả nước ban đêm lên hệ sinh thái phía dưới hạ lưu đập mới là vấn đề phải làm rõ.
-       Kết quả mô hình thủy văn chưa thấy thể hiện sự ảnh hưởng cộng dồn/ tương tác của chế độ thủy triều. TĐĐN 6 là thủy điện nằm trên dòng chính của sông Đồng Nai, trong quá trình vận hành thủy điện, do không xả nước, mực nước sông phía dưới hạ lưu đập sẽ rất thấp (như đã trình bày trong báo cáo: có nơi cạn thấy đáy làm thuyền bè không di chuyển được), và hạ lưu sông Đồng Nai từ Sai Gòn trở ra biển chắc chắn sẽ bị nước biển xâm thực, và tất nhiên thủy triều thì không thể chờ lúc thủy điện xả nước mới dâng.
-       Phần mềm MIKE BASIN rất hiệu ích sử dụng trong cân bằng tính toán tài nguyên nước của lưu vực, và cũng giúp để cải thiện chính sách hồ chứa và vận hành thủy điện hồ chứa. Tuy nhiên, TĐĐN 6 là thủy điện trên dòng sông. Các chuyên gia mô hình về kỹ thuật thủy lợi (water engineering) cần làm rõ việc sử dụng MIKE BASIN có thực sự phù hợp trong việc đánh giá thay đổi dòng chảy sông do ảnh hưởng thủy điện?

2)    Đánh giá ảnh hưởng chất lượng nước
-       Việc ước tính tổng lượng ôxy hòa tan (DO- Dissolved Oxygen) cho cả hồ chứa/đập (khi đã tích nước) bằng cách lấy giá trị ước tính chuẩn hàm lượng oxy hòa tan của một khối nước nhân với tổng thể tích khối nước của hồ chứa. Trong khi đó hàm lượng oxy hòa tan là rất khác biệt theo cột nước và vùng. Càng xuống sâu cột nước hàm lượng oxy càng thấp, và việc phân tầng (stratification) cột nước ở các thủy vực nhiệt đới là tương đối bền vững. Hàm lượng oxy cao ở tầng nước mặt rất khó khăn được đảo xuống tầng nước sâu. Việc để lại các sản phẩm hữu cơ/cây xanh từ việc khai hoang trong hồ nhờ qua trình phân hủy tự nhiên sẽ rất dễ dàng làm sụt giảm hàm lượng oxy ở tầng đáy cột nước và theo vùng, và sẽ ảnh hưởng đến sinh vật ở những nơi này. Vì thế, cần phải có mô hình GIS base thể hiện hàm lượng oxy hòa tan tự nhiên theo độ sâu và vùng từ đó sẽ giúp nhà đầu tư xác định vị trí trong lòng hồ để phân hủy sản phẩm thừa từ cây xanh.
-       Việc đánh giá trầm tích (bao gồm cả tải trọng đáy (bed load) và tổng chất rắn lơ lửng (TSS - total suspended solids) cũng cần phải đánh giá sự ảnh hưởng của đập làm giảm thiểu lượng phù sa xuống dưới khu vực hạ lưu của đập. Việc giảm thiểu phù sa sẽ làm giảm thiểu năng suất sơ cấp, năng suất thứ cấp của hệ sinh thái phía dưới đập do thiếu chất dinh dưỡng (N và P). Mô hình ước tính tải trọng và truyền tải chất dinh dưỡng (nutrient load and transportation) cần thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của đập.

3)    Đánh giá ảnh hưởng lên sinh vật
-       Phần đánh giá tác động này còn rất hạn chế và chưa thể hiện được việc ảnh hưởng của đập TĐDN 6 lên sinh vật. Phần trình bày đánh giá tác động môi trường của đập thủy điện lên sinh vật hầu như mới chỉ lặp lại phần trình bày điều kiện tự nhiên.
-       Báo cáo đã đưa ra được các biểu thị (indications) về sự tồn tại của một số loài quí hiếm và nằm trong danh sách đỏ, hoặc loài đặc hữu trong vùng dự án. Điều này cho thấy khu vực dự định phát triển dự án rất quan trọng và cần phải được bảo vệ bảo tồn.
-       Việc đánh giá đa dạng sinh học mới chỉ dừng lại ở những chỉ thị mang tính định tính, liệt kê số loài. Ngay cả việc đánh giá định tính đa dạng sinh học cũng chưa thể hiện được tính đầy đủ của khoa học, số liệu chưa cho chúng ta thấy da dạng sinh học của vùng nghiên cứu đang ở mức độ nào, trừ phần đa dạng sinh học các loài chim được trình bày ở Hình 23: Biểu đồ đường cong tích lũy các loài chim đã được ghi nhận. Mặc dù bị hạn chế về thới gian, nguồn nhân lực, năng lực và có thể ngân sách, nhưng số liệu điều tra đa dạnh sinh học, thành phần loài cần phải được thể hiện như Hình 2-3, có thế mới đảm bảo tính khách quan về mặt khoa học.
-       Báo cáo đã cố gắng so sánh mức độ đa dạng sinh học cùa vùng dự án với một số vùng khác, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc so sánh số lượng loài. Việc đánh giá đa dạng sinh học cần phải có các chỉ số Shannon-Weiner index (H’) cho cấp độ quần xã và chỉ số Rarely index (R – chỉ số quý hiếm) cho cấp độ loài. Các chỉ số này sẽ phần nào thể hiện định lượng đa dạng sinh học, và có thế thì mới có các chỉ thị (indication) cụ thể để đánh giá ảnh hưởng và giám sát mức độ ảnh hưởng sau này.
-       Riêng với nguồn lợi thủy sản, việc ghi nhận có cá chình hoa, là loài di cư sinh sản bắt buộc trong vòng đời là điều rất quan trọng để xem xét việc xây thủy điện hay dừng, hoặc xây thì phải làm thế nào để đảm bảo việc di cư sinh sản của loài cá này. Ngoài ra cần có việc đánh giá sản lượng khai thác, và hơn nữa là cần phải đánh giá trữ lượng (stock assessment) của một số loài quan trọng về mặt sinh thái. 
-       Việc đánh giá và xây dựng bản đồ môi trường sống/vùng sinh thái (habitat/ecoregion) cho những loài, quí hiếm, loài thuộc danh sách sách đỏ, loài đặc hữu là cần thiết từ đó mới đánh giá được mức độ ảnh hưởng của dự án. Có thể chỉ 70-80 ha VQG Cát Tiên thuộc dự án TĐĐN 6 cũng đã làm mất đi toàn bộ sinh cảnh sống của một số loài.
-       Chính vì thiếu những chỉ số định lượng này mà phần đánh giá tác động môi trường cũng như phần khắc phục giảm thiểu ảnh hưởng lên đa dạng sinh học chưa thể hiện được.
-       Báo cáo ĐTM khẳng định là đa dạng sinh học thủy vực trong hồ thủy điện sẽ tăng là chưa có cơ sở. Cấu trúc quần xã và số lượng quần thể của các loài sẽ thay đổi rất hiếm khi chuyển từ môi trường dòng chảy sang môi trường tĩnh. Một số loài ưa môi trường tĩnh sẽ thuận lợi phát triển và sẽ chiếm ưu thế (dominant) hệ sinh thái, trong khi đó một số loài ưa dòng chảy sẽ bị mất đi, hệ sinh thái sẽ thay đổi nhiều.
-       Về đánh giá ảnh hưởng lên thực vật, Báo cáo ĐTM chưa cung cấp bản đồ phân bố của các loài thực vật.
-       Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa hề đề cập đến ảnh hưởng của thủy điện lên hệ sinh thái đất ngập nước (Bàu Sấu), hệ sinh thái quan trọng và nhạy cảm. Khi chứa nước, toàn bộ hệ sinh thái ngập nước ven sông Đồng Nai trong vùng dự án sẽ bị xóa sổ. Số loài thực vật bậc cao của hệ sinh thái ngập nước rất ít (<5%) trong tổng thể số loài thực vật, nhưng rất quan trọng cho cả sinh vật trên cạn và dưới nước.
-       Trong phần các biện pháp khắc phục ảnh hưởng lên sinh vật, báo cáo có đề cập, sinh vật sẽ tự di chuyển lên vùng khác sinh sống, hoặc Chủ đầu tư sẽ phối hợp với BQL VQG Cát Tiên để đem nuôi trồng trong khu lưu trữ bào tồn. Điều này quá mơ hồ và mù mờ cả về mặt khoa học và thực tiễn. Thử hỏi, san hô sẽ tự phát triển lên vùng trên nếu mực nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu chăng?

4)    Đánh giá về mặt kinh tế xã hội
-       Báo cáo đã cung cấp tính toán lọi ích mang lại từ thủy điện, tuy nhiên chưa thấy đánh giá những giá trị kinh tế và sinh thái của tài nguyên cái mà phải đánh đổi cho thủy điện. Để công bằng việc đánh giá lợi ích của thủy điện, cần tính toán việc mất rừng, mất tài nguyên và sự quay vòng tái sinh của tài nguyên rừng cho 100 hay 200 năm hạn sử dụng đập.
-       Hiện nay Việt Nam đã ban hành các luật/qui chế về phí/thuế môi trường, chi trả sử dụng hệ sinh thái (environment fee/tax, ecosystem service payment), việc xây dựng TĐĐN 6 sẽ gây ản hưởng đến môi trường và hệ sinh thái và đa dạng sinh học phía dưới hạ lưu do thay đổi dòng chảy, do ảnh hưởng nhiễm mặn, vì thế cần tính toán để yêu cầu Chủ đầu tư chi trả những thiệt hại này cho công đồng người dân vùng hạ lưu.

Một câu hỏi khác: có phải một loạt các bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai là nguyên nhân để gần đây nước mặn đã xâm nhập rất sâu vào đất liền, và Sài Gòn luôn hứng chịu triều cường khủng khiếp?

Hải Yến – Germany

8 comments:

  1. Dư Văn Toán MONREOctober 6, 2012 at 8:43 PM

    Gợi ý thêm vài hướng tiếp theo:

    - Nên đi thêm về sự lộn xôn đập, hồ TĐ quốc gia với dân cư, sinh kế, MT, trách nhiệm đạo đức kinh doanh với các nước ASEAN, hay EU, Mỹ? Tại sao ta phản biện Xyabury và các đập TQ trên Mê Công?

    - So sánh với sự cố đập Tam Hiệp và MT?? Các nhà KH TQ muốn quay lại trước? Mỹ cũng muốn trả lại các dòng sông thiên nhiên?

    - Viễn tưởng sửa đổi Luật MT và thẩm định-trách nhiệm ĐTM, Luật tham vấń nhân dân,

    - Các cá nhân xuất chúng thời đại như KTS. Trần Thanh Vân viết thư riêng vượt cấp về các CT trọng đại đất nước cấp tới TT CP Phan Văn Khải??, các gương mat thời xưa và nay dám dũng cảm hy sinh về MT

    ReplyDelete
  2. Our Petition today has 426 supporters, just on 2nd day!

    Hôm nay, chỉ sang ngày thứ 2, Kiến nghị đã có hơn 400 người ký tên:

    http://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a#

    Please continue inviting friends to sign. Emailing your contacts is the best way to get more signatures on the Petition / Xin hãy tiếp tục mời (bằng cách gửi email) bạn bè ký tên. Thank you!!

    ReplyDelete
  3. Rất chí lý và cao thượng!
    Mong tấm lòng của các nhà khoa học chân chính, bạn hữu gần xa trao đổi, tranh luận để mọi người có nhận thức và hiểu biết đúng đắn.
    Các ĐTM ở VN nói chung thường do Chủ Dự án thuê Đơn vị tư vấn nào đó lập cho đủ thủ tục ( ĐV nào chào giá rẻ, có quan hệ tốt với nơi Thẩm định... thì đặt hàng) nên sơ sài, cắt dán là chính Dù Chủ DA phải ký vào từng trang của cuốn ĐTM nhưng họ không thực hiện các cam kết cũng chẳng sao.
    Chính vì hai DA ĐN6 và ĐN 6A xâm hại đến VQG CT nên nhiều người biết đến và giật mình về những khiếm khuyết của nó. May mà nó vẫn chưa triển khai, chứ như kiểu Sông Tranh 2 thì dù có bao lời xin lỗi do sơ xuất cũng không cứu vãn được VQG với nhiều giá trị cần bảo tồn. Hãy cố gắng trước khi quá muộn!
    Tối nay trên HTV 9 ( từ 8pm) có Phim về STr2 rất hot, bà con lưu ý xem lại nha.

    ReplyDelete
  4. Báo Đại đoàn kết :
    Lập lờ trong nghiên cứu khoa học: Không chỉ niềm tin bị hủy hoại (06/10/2012)
    Xét lại ĐTM Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
    http://daidoanket.vn/Index.aspx?Menu=1422&chitiet=56206&Style=1

    Trường hợp lập lờ ĐTM Thủy điện Sông Tranh 2 là một bài học cho ĐTM thủy điện nói chung. Ngày 2-10 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã gửi ý kiến nhận xét, phản biện đối với dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tới Cục thẩm định và Đánh giá Tác động Môi trường - Bộ TNMT, Hội đồng Thẩm định báo cáo ĐTM 2012 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. VRN khẳng định hai dự án này nếu được phê duyệt sẽ gây ra tác động, tổn thất lớn cho môi trường và sẽ để lại hậu quả lớn cho xã hội mà không có biện pháp nào có thể cứu chữa, hay đền bù lại được. Chính vì vậy, theo các thành viên VRN nó chưa thể đủ điều kiện để được xem xét thông qua.

    VRN cũng đề nghị các bên liên quan, đặc biệt là Hội đồng thẩm định ĐTM xem xét ý kiến phản hồi từ nhiều phía để có quyết định sáng suốt; làm rõ những nghi ngại, những vấn đề còn bỏ ngỏ cũng như việc thông báo công khai, rộng rãi những quyết định liên quan đến 2 dự án này cho công chúng và các bên liên quan, nhất là cộng đồng bị ảnh hưởng.

    Đây là ý kiến của đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu về tài nguyên nước, đa dạng sinh học, thủy điện, sinh thái nhân văn, văn hóa và xã hội học, đã tham gia phản biện việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 & 6A từ khi ĐTM đầu tiên của dự án Đồng Nai 6 & 6A được thưc hiện năm 2011. Với báo cáo ĐTM mới (2012) cho 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A các chuyên gia cho rằng còn có rất nhiều điểm nghi ngại cần phải được làm rõ. Như việc Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A chưa được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư, có sự vi phạm Luật Đa dạng sinh học. VRN cũng nghi ngại rằng diện tích rừng sẽ bị mất cao hơn so với dự kiến của dự án Thủy điện đã nêu ra, nghi ngại các giải pháp Bảo tồn tài nguyên rừng đề xuất trong ĐTM, vấn đề Bảo tồn Đa dạng sinh học, vấn đề tính toán thủy văn trong ĐTM, lượng bùn cát bồi lắng lòng hồ, tác động văn hóa xã hội của dự án, tính khả thi của các giải pháp ứng phó với sự cố. Thông qua đó, VRN cũng nêu ra những nội dung cần bổ sung và làm rõ trong báo cáo ĐTM của 2 dự án Thủy điện.

    Thế giới có chính sách "không khoan thứ” về gian lận khoa học nên họ xử lý vấn đề đến nơi đến chốn, không khoan nhượng. Ở Mỹ năm 2006, có một giáo sư gian lận trong khoa học phải ngồi tù.

    Trở lại báo cáo ĐTM thủy điện Sông Tranh 2, Nhà nước cần thành lập một hội đồng khoa học khách quan để nghiên cứu làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể cho những cơ quan liên quan trực tiếp đến việc để xảy ra sự cố ở đập thủy điện, lấy lại niềm tin cho cộng đồng. Nhất là sau kết quả nghiên cứu độc lập của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) công bố mới đây.
    Thanh Như
    http://daidoanket.vn/Index.aspx?Menu=1422&chitiet=56206&Style=1

    ReplyDelete
  5. Nguyen Xuan Vinh - Acting Head of Department of Ecology (DoE), Institute of Tropical Biology (VAST/ITB)October 7, 2012 at 3:09 PM

    Nhờ anh Dư Văn Toán và em Huỳnh Thuật giúp chia sẻ suy nghĩ dưới đây của tôi và hai báo cáo đính kèm với ACE trong mạng lưới. Thank you very much! Xin lỗi là không có báo cáo tiếng Việt, do initiatives này được thực hiện từ nguồn kinh phí quốc tế (MWBP và IUCN). Tuy nhiên sau đó đã có một hội thảo trong nước tại Hà Nội để nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu/đề xuất và các đại biểu thảo luận.

    Trong lãnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, chúng ta đều hiểu rõ những giới hạn (limitation) của nhận thức và khoa học tại một thời điểm cụ thể. Vì thế nên có khái niệm “Uncertainties” và “Adaptive Management”, trong khoa học Natural Resources Management. Điều này cũng đúng (applicable) cho các nghiên cứu ĐTM, khó mà dự báo hết các tác động của các dự án đầu tư hay các chủ trương/chính sách cụ thể. Tôi minh họa bằng trường hợp của hồ chứa thủy điện Sông Hinh: Báo cáo ĐTM dự án đã không thể hình dung được vẫn còn cá sấu hoang dã (wild crocodiles) tại Sông Hinh; và khi tích nước lòng hồ các cá thể wild crocs này sống trong sông suối tự nhiên bị phơi bày ra để bị đánh bắt bởi cộng đồng ngư dân hình thành kèm theo hình thành hồ chứa.

    Xin đọc báo cáo đính kèm để thấy tác hại của hồ chứa đến đa dạng sinh học (file “Song Hinh Crocodile Report Aug 2005.pdf”). Cụ thể là đoạn trích dưới đây từ báo cáo:

    “Song Hinh Reservoir is currently not a suitable habitat for crocodiles to survive, particularly in dry season, given high fishing intensity and no riparian habitats relevant for crocodiles such as fringing forests and vegetation. Due to high water level fluctuation (8-10m) every year in the reservoir and human-induced disturbances like cultivation and cattle grazing activities, edge habitats of the reservoir mainly are barren, short grassy or agriculture lands.

    The crocodiles of Song Hinh reservoir have most likely originated from the now flooded Hinh River and its tributaries. Raising water levels have flooded these rivers, restricting crocodiles to the intensively fished reservoir. If there are a few crocodiles existing in the reservoir, they are in hopeless situation as they face unsuitable habitat, direct hunting and the extensive use of fishing nets and electro-fishing gear (3 crocodiles have already been killed or captured in 2004).”
    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  6. Nguyen Xuan Vinh (VAST/ITB)October 7, 2012 at 3:10 PM

    (tiếp theo và hết)

    Và (các) cá thể cá sấu hoang dã bàu Hà Lầm cũng đang chịu cùng số phận này khi Đập Sông Ba Hạ tích nước. Xin đọc báo cáo đính kèm (SiameseCrocodileConservationInitiative_Nov2006FieldMissionReport_Final.doc) và cụ thể là đoạn trích dưới đây về dự báo lúc đó Tương lai của các cá thể wild crocs. Rất tiếc là nỗ lực tìm được kinh phí để thành lập khu bảo tồn đất ngập nước bàu Hà Lầm dựa vào cộng đồng Ê Đê bản địa đã không thành công.

    “3.2.4. Future of Ha Lam crocodiles when the reservoir is impounded?

    At its highest water level of 107meters amsl, the 7,994ha future reservoir will submerge the 800 ha of Ea Lam Commune, including Ha Lam Lake. Habitat loss due to the reservoir is the current greatest threat to the critically endangered freshwater crocodile. When flooded, the reservoir will rise approximately ten meters from ground level. The current raised bank of the Ba River may be a natural dyke of the submerged 800HA and some areas inside with high ground elevations will rise as islands. Each year normal levels will be maintained for about eight months and the high water level may exist for two to three months, when the lake will be connected with the Ba River at its mouth (80 - 100 meter wide) (Mr Len - DARD Phu Yen, pers. comm. 2006). It is likely the Ha Lam crocodiles will make use of the Lake. However, fishermen from outside the Lake will be attracted to the newly established reservoir to set up fisheries. The crocodiles are very sensitive to people. Some may venture out into the larger reservoir but it is more likely they will come back to safe areas where there is regular food. It may be better to encourage coordinated management of the reservoir by the local ethnic minority community.”

    Báo cáo ĐTM thì luôn có đủ các kế hoạch giảm thiểu, như có ban quản lý lòng hồ, chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các luật của Việt Nam, trong đó có luật về ĐDSH, thủy sản, lâm nghiệp, ... trồng rừng thay thế, blah blah. Thực tế thì khác hẵn. Một nghiên cứu rà soát lại giữa nội dung trong các ĐTM các đập thủy điện được thông qua và thực tế tác động sẽ làm rõ các “myths” này.

    ========================
    Nguyen Xuan Vinh
    Acting Head of Department of Ecology (DoE)
    Institute of Tropical Biology (VAST/ITB)
    Address of ITB's Section for Ecology, Resources and Environment Studies (SIERES):
    85 Tran Quoc Toan Street, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam
    Tel/Fax: (84-8) 3932 5995

    ReplyDelete
  7. Comment trên Báo Tiền Phong, trong bài "Nên dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A"
    http://www.tienphong.vn/xa-hoi/594168/nen-dung-du-an-thuy-dien-dong-nai-6-va-6a-tpp.html
    Góp thêm chút gió !
    Sông Đồng Nai cũng như nhiều dòng sông khác trên đất Việt mến yêu của chúng ta đều có cuộc sống riêng, nhưng đều chung nhau ở một điểm quan trọng mang tính sống còn: Đó là nguồn nước. Sông không nước như mùa xuân không hoa, như cuộc sống không có ánh mặt trời ! ( Một nhà thơ Nga viết đại ý thế). Sông muốn có nước phải nhờ rừng giữ nước, điều tiết giữ lại khi mưa xuống. Rừng bị cạo trọc trên nguồn thì mưa xuống sẽ có nhiều lũ quyét rồi nước chảy tuột ra bể. Còn phần rừng ngập do hồ chứa thuỷ điện thì môi trường mất đi nhiều thứ lắm, mất vô giá mà các nhà khoa học đã nói nhiều!
    Có vẻ như hiện nay, những tổ chức, những con người , kể cả những tổ chức bảo vệ môi trường đang nhào nặn, che chở , thai nghén và đỡ đẻ, nuôi dưỡng những dự án thuỷ điện trên sông Đồng Nai và trên các dòng sông khác ...
    Cám ơn Tiền phong !

    ReplyDelete
  8. Nguyen Xuan Vinh (VAST/ITB)October 9, 2012 at 2:59 PM

    “Hồ chứa Sông Hinh hiện nay không phải là một nơi sinh sống thích hợp để cho cá sấu có thể sống sót được, đặc biệt là vào mùa khô, do cường độ đánh bắt cá mạnh và do không có các môi trường sống ven sông phù hợp cho cá sấu, ví dụ như các khu rừng ven và thảm thực vật. Do sự thay đổi mực nước lớn (8-10m) mỗi năm trong hồ chứa và các xáo lộn gây bởi con người như trồng trọt và chăn thả gia súc, mà các môi trường sống ven rìa của hồ chứa hầu hết là trơ trọi, cỏ mọc ngắn hoặc là đất nông nghiệp.
    Cá sấu của Hồ chứa Sông Hinh có thể có nguồn gốc từ chính dòng sông Hinh cũ và các phụ lưu của nó, mà nay đã bị nước dâng ngập. Việc dâng cao mực nước hồ đã làm ngập các dòng sông suối này, dồn cá sấu xuống lòng hồ luôn có các hoạt động đánh bắt cá. Nếu hiện còn có vài cá thể cá sấu tồn tại trong lòng hồ, thì chúng đang ở trong tình trạng vô vọng vì chúng phải đối mặt với việc sống trong môi trường không phù hợp, sự săn bắt trực tiếp, và sự sử dụng quá nhiều lưới đánh cá và ngư cụ kích điện (3 con cá sấu đã bị bắt và giết năm 2004)”.

    “3.2.4.Tương lai của cá sấu Hà Lầm khi hồ chứa được hình thành?
    Ở mực nước cao nhất là 107m so với mực nước biển TB của nó, hồ chứa tương lai rộng 7994ha sẽ làm ngập 800 ha của Xã Ea Lâm, bao gồm cả Hồ Hà Lầm. Việc mất mát môi trường sống do làm hồ chứa là mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với loài cá sấu nước ngọt đang cực kỳ lâm nguy. Khi dâng nước, hồ chứa sẽ cao lên khoảng 10m từ cao độ mặt đất tự nhiên. Bờ đã nâng cao hiện nay của Sông Ba có thể là một con đê tự nhiên của 800ha bị ngập và một số vùng bên trong có cao độ lớn sẽ nhô lên như những hòn đảo. Mỗi năm, các cao độ bình thường sẽ được duy trì trong khoảng 8 tháng, và mức nước cao có thể tồn tại trong hai đến 3 tháng, khi hồ chứa sẽ được nối với Sông Ba ở cửa sông (rộng 80 – 100m) (Theo nói chuyện riêng với Ô.Len – Sở NN&PTNT Phú Yên năm 2006). Rất có thể là cá sấu Hà Lầm sẽ lợi dụng lòng hồ để sống. Tuy nhiên, ngư dân từ bên ngoài lòng hồ sẽ bị thu hút về hồ chứa mới xây để hành nghề đánh cá. Mà các con cá sấu thì lại rất nhạy cảm với con người. Một số trong chúng có thể liều lĩnh đi tìm những hồ lớn hơn, nhưng đa phần là chúng sẽ quay lại các khu vực an toàn mà ở đó có thức ăn thường xuyên. Tốt hơn cả là nên khuyến khích việc quản lý phối hợp hồ chứa bởi cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương”.

    ReplyDelete