Monday, October 8, 2012

Nguyễn Khắc Tâm (NKT) trả lời email của anh Nguyễn Vũ Trung (NVT), Cục Thẩm định và ĐTM, Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguyễn Khắc Tâm (NKT) trả lời email của anh Nguyễn Vũ Trung (NVT), Cục Thẩm định và ĐTM, Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

From ngvutrungtb@yahoo.com.vn On Sun, Oct 7, 2012 at 11:38 PM

NVT: Dear All,
Có lẽ tôi không có nhiều thời gian để dành cho những cuộc tranh luận kiểu như thế này!

NKT: Thưa anh, tôi cũng bận rộn chẳng kém gì anh, nhưng vì quá ưu tư cho thiên nhiên đất nước Việt Nam nên phải tranh thủ ít thì giờ để “vác ngà voi”. Đôi lúc vợ con không hiểu chuyện mình làm nên rầy rà lắm.

NVT: Tôi chỉ xin nhắc anh Tâm rằng tôi đã có nhiều ý kiến cả chung và riêng cho anh, vấn đề là anh có chịu hiểu hay không muốn hiểu ý kiến của tôi một cách đúng đắn mà thôi. Đây là lần cuối cùng tôi có ý kiến đối với những câu hỏi thiếu thiện chí của anh Tâm:
- Thứ nhất đã đọc phải đọc cho hết, suy nghĩ đầy đủ trước khi cảm nhận một vấn đề, anh đã trích một đoạn trong câu trả lời của tôi (điều này tối kỵ trong phê phán người khác) nhưng lại cố tình hiểu sau chính đoạn văn đó, "Cần đề xuất được những giải pháp giảm thiểu mà có thể chấp nhận được đối với các nước vùng hạ lưu thì có thể chấp nhận để được xây dựng" đã bao hàm lợi ích quốc gia, trong đó có lợi ích của cộng đồng xã hội rồi đấy anh ạ! còn cả đoạn sau, anh đã cố tình không nhắc đến.
Là người sống tại Hoa Kỳ, hình như anh chưa hòa nhập với văn hóa Mỹ, lại quên cả truyền thống văn hóa dân tộc rồi.

NKT: Thưa anh Trung, theo tôi, hai câu hỏi của tôi rất thẳng thắn, rõ ràng, không có gì gọi là thiếu thiện chí cả. Nhất là ở cương vị quan trọng của anh thì lại càng cần tỏ rõ sự công minh, sáng suốt trong quá đình thẩm định các dự án cho nên việc anh trả lời hai câu hỏi trên cũng chẳng có gì là khó khăn. Điều này cũng có thể góp phần xóa tan những dư luận không tốt vừa qua về quá trình thẩm định ĐTM.
Thưa anh, truyền thống hiền hòa của dân tộc ta xuất phát từ một nền văn minh nông nghiệp với những cánh đồng phì nhiêu được nuôi dưỡng bởi những con sông hùng vĩ nước chảy quanh năm. Những người có ăn học như tôi và anh có lẽ không bao giờ quên được mình từ đâu mà ra. Tuy ở Mỹ đã lâu (40 năm) nhưng tôi chưa bao giờ quên được màu xanh mát dịu của những cánh đồng lúa non bát ngát, những ngày ấu thơ đi lượm củi trên rừng mỏi cả đôi chân và ngâm mình trong giòng sông Ba tắm gội thỏa thích. Đối với tôi, thiên nhiên Việt Nam là một cái gì đó thiêng liêng hạnh phúc vô cùng, hơn cả những mời gọi của tiền bạc, danh vọng, xe hơi nhà lầu ở đất Mỹ giàu sang này. Chính vì tiếng gọi thiêng liêng đó mà tôi phải dấn thân vào công việc mà vợ tôi hay mắng là “tào lao” này.

Thưa anh, tôi đã đọc hết bài phỏng vấn của anh ở RFA. Nếu anh muốn tôi nhắc đến đoạn sau thì tôi sẵn nói luôn. Đúng là anh có đề cập đến chuyện thay đổi dòng chảy dẫn đến tổn thất nông nghiệp của vùng hạ lưu, nhưng sau đó anh lại tuyên bố rằng:  “Thủy điện bao giờ cũng giảm lũ lụt. Từ khi có thủy điện thì tất cả các trận lũ đều được cắt lũ, cắt ngọn. Cho nên về lũ lụt thì lại không lo lắm” Tôi mong anh xét lại câu nói này của anh. Vì theo tôi biết, đó là trên lý thuyết mà thôi, chứ còn trên thực tế, các nhà máy thủy điện một khi vận hành thì luôn ưu tiên cho phát điện, cắt giảm lũ chỉ là chuyện đi sau anh ạ. Hãy xem thử mấy năm nay hệ thống thủy điện dày đặc ở miền Trung đã “cắt lũ, cắt ngọn” như thế nào mà các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Phú Yên gần đây năm nào cũng phải chạy lũ dài dài. Mà khi xả lũ thì ảnh hưởng hạ lưu, dòng chảy, làm sạt lở bờ sông kinh khiếp lắm. Đập Xarayburi nếu được xây dựng thì cũng vậy thôi, chắc chắn họ sẽ ưu tiên cho việc phát điện và xả lũ vào mùa mưa để bảo vệ đập cũng tích nước vào mùa khô để phát điện. Rốt cuộc những tác dụng ngăn lũ, tưới tiêu của thủy điện chỉ là trên giấy tờ thôi.
Vả lại, vấn nạn Xarayburi không phải là chỉ là một con đập Xarayburi, mà còn là về 12 con đập khác đang chờ đợi để được xây dựng trên giòng chính của sông Mê Kong. Anh có biết rằng đây là một viễn tượng rất khủng khiếp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long hay không? Tôi chỉ e rằng cách trả lời của anh có thể vô tình “tiếp tay” cho những người muốn xây đập Xarayburi, mặc cho bao nhiêu phản đối từ các tổ chức và nhân dân Việt Nam, Cambodia, Thái Lan, Lào.

NVT: Thứ hai, tôi không có nghĩa vụ phải thuyết phục ai ủng hộ hay phản đối thủy điện Đồng Nai cả, là người được giao trách nhiệm xử lý hồ sơ thẩm định báo cáo ĐTM của 2 dự án thủy điện nói trên, trách nhiệm của tôi là xem xét báo cáo ĐTM, ý kiến của các thành viên hội đồng, ý kiến của các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân để đánh giá nghiêm túc chất lượng của báo cáo, yêu cầu Chủ dự án đánh giá đầy đủ các tác động đến các thành phần môi trường, đa dạng sinh học tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, xã hội và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đến cộng động, môi trường, sinh thái và văn hóa, lịch sử.

NVT: Lại “giảm thiểu”? Sao anh không thể dùng từ “hủy bỏ” dự án mà lại cứ muốn “giảm thiểu tác động tiêu cực”. Nếu phải nổ hàng ngàn tấn mìn, cày xới, chặt trụi và vùi lấp cả một vùng rừng núi quý hiếm và linh thiêng của tổ quốc, thì “giảm thiểu” thế nào hả anh Trung? Trong ĐTM thì luôn có đủ các kế hoạch giảm thiểu, trồng rừng, quản lý chặt chẽ cái này cái nọ, nhưng thực tế thì khâu giám sát, thực hành như thế nào ai cũng biết!
Cũng xin thưa với anh, nhân dân Việt Nam đã bị quá nhiều bài học đau đớn về thủy điện nên nay đã đủ khôn lớn để hiểu rõ những lời hứa gió bay của các chủ đầu tư rồi. Khi muốn được việc thì họ hứa hẹn đủ điều, đến khi được việc rồi thì sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi thôi. Tôi không nói oan cho ai. Cứ vào Google tìm sẽ thấy các chủ dự án của các thủy điện từ miền Bắc tới Tây Nguyên đã thực hiện những lời hứa trồng rừng, bảo đảm cuộc sống tái định chư cho dân... của họ như thế nào. Không lẽ một người làm trong cương vị của anh mà không biết thực tế đau xót này hay sao?

NVT: Những ý kiến của các tổ chức, cá nhân không mang tính khoa học, khách quan và thực tiễn (trong đó có cả những ý kiến mang động cơ cá nhân) nhằm tạo sức ép đến hội đồng thẩm định không có ý nghĩa để xem xét đánh giá trong quy trình thẩm định.

NKT: Tôi không cho rằng trên đất nước Việt Nam chỉ có một số ít người là có đủ trình độ khoa học, tính khách quan để phán xét các dự án thủy điện. Rất nhiều người dân đã bị nhiều bài học đau thương mất mát do thủy điện gây ra, cả người lẫn của, trong đó có những bạn bè bà con của tôi ở tỉnh Phú Yên. Không lẽ vì họ không có bằng cấp khoa học, không khách quan, không “thực tiễn” cho nên hội đồng thẩm định sẽ không lắng nghe tiếng nói của họ hay sao?
Còn nói về “động cơ cá nhân” thì tất cả chúng ta đều có. Nếu không có “động cơ cá nhân” thì chẳng ai bỏ thì giờ làm gì cả. “Động cơ cá nhân” của tôi và các bạn ở Nhóm SavingCattien... cũng như của hàng triệu người Việt Nam là muốn bảo vệ và gìn giữ những gì ít ỏi còn sót lại của thiên nhiên Việt Nam mến yêu. Vậy thôi. Còn “động cơ cá nhân” của bác nông dân Nguyễn Văn Đức ấp 4, xã Tà Lài, là bảo vệ nguồn sống của gia đình và đồng loại của ông, cho nên ông đã phải thốt tiếng kêu thống thiết sau đây: “Như năm 2010, mặc dù chưa có thủy điện nhưng toàn xã đã gánh chịu thiếu nước và khô hạn do thời tiết. Người dân chỉ canh tác được 1 vụ, còn lại bỏ đất hoang. Thử hỏi, nếu chặn dòng làm thủy điện 6 và 6A thì nước ở đâu ra cho người dân trồng trọt”. Thưa anh Trung, ông Đức là một nông dân, cũng như ông bà cha mẹ của tôi (và có thể là của anh) ngày xưa, ông không có “chuyên môn”, trình độ khoa học, thậm chí có thể không biết chữ. Nhưng không lẽ lời kêu gọi của ông không có một chút sức nặng nào trong sự “phán xét” của hội đồng thẩm định vốn cũng là những con người có trái tim và lương tâm được thêm nhãn mác khoa học, bằng cấp, trình độ chuyên môn? Đôi lúc tôi tự hỏi, có ai trong chúng ta mà không xuất thân từ những người nông dân chân lấm tay bùn, chắt bóp trồng từng sào lúa để nuôi con cái ăn học thành người. Giờ này khi đã có thân phận bằng cấp rồi, sao chúng ta lại chóng quên họ đến thế? Vả lại, thiên nhiên là bình đẳng, là công bằng, mọi người sinh ra trên đất nước Việt Nam đều có quyền dựa vào thiên nhiên để mưu sinh. Sao có thể nhân danh lợi ích của một tập thể xã hội (gồm chủ đầu tư và những người xài điện) mà tước đoạt kế mưu sinh của nhiều người khác vốn nghèo khổ và thiệt thòi hơn?

NVT: Sự minh bạch đã được thể hiện rất rõ, báo cáo khảo sát, báo cáo ĐTM của 2 dự án đã được gửi đến các cơ quan và cộng đồng khoa học, những người có tâm huyết (trong đó có bạn Thu Sương, báo người lao động có trong nhóm thư của anh gửi cho tôi đã nhận được báo cáo khảo sát này rồi; VRN cũng đã có báo cáo ĐTM của 2 dự án nói trên và gửi ý kiến phản biện về hội đồng thẩm định). Tôi không có trách nhiệm và nghĩa vụ phải đáp ứng các yêu cầu thiếu tính xây dựng của anh và một số nhóm người. Sự dối trá về năng lực, tự nhận về học vị là điều mà những người có lòng tự trọng phải cảm thấy tự hổ thẹn. Tôi không phải là phật tử nhưng xin nói thẳng rằng: cái tâm có sáng, trái tim có nhân nghĩa thì mới đủ tư cách để nói về lý thuyết nhà Phật được anh ạ.

NKT: Để trả lời anh, tôi xin mượn lời của các thành viên của nhóm SavingCattien..: “Tại sao không công khai ĐTM và Báo cáo đầu tư theo góp ý của TS. Tô Văn Trường, GS. Lê Huy Bá, GS. Nguyễn Trường Tiến và Nhóm chúng tôi? Phải chăng công khai là không tốt? Là vi phạm điều Luật nào đó? Biên bản Khảo sát hiện trường công khai khi nào, ở đâu?”. Còn về chuyện lý thuyết nhà Phật và bằng cấp..., tôi không biết anh đang nói tới ai. Nếu anh có nói về tôi, thì tôi cũng chưa bao giờ khoe khoang về bằng cấp học vị bản thân, và cũng chưa bao giờ thuyết giảng với anh về Phật hay Chúa gì cả. Còn nếu anh muốn nói về ai đó trong nhóm chúng tôi, thì cứ việc thắng thắn nói rõ họ tên.

NVT: Xin lỗi, đây là lần cuối cùng tôi trao đổi với anh về các vấn đề có liên quan.

NKT: Rất đúng ý của tôi. Chúng ta không nên làm phí thì giờ của nhau nữa. Tuy nhiên, tiện đây, nếu không có vấn đề gì, tôi xin phép anh cho tôi đăng lại trên trang web và trên blog hai email trao đổi cách đây hai tháng giữa chúng ta để rộng đường dư luận.

Nguyễn Khắc Tâm

4 comments:

  1. Nguyễn Vũ Trung ơi, đừng chửi bằng cấp, học vị nhé. Hay xem lại mình là ai??

    ReplyDelete
  2. Trung "Cát Tiên" hãy về với nông dân và thiên nhiên Việt Nam.

    ReplyDelete
  3. Xin đăng lại Câu hỏi của ông Nguyễn Khắc Tâm
    Đã gửi 8:23 Thứ Sáu, 5 tháng 10 2012 ;

    Gửi anh Nguyễn Vũ Trung

    Trong cuộc phỏng vấn do đài RFA thực hiện trước đây về việc phản đối đập Xayaburi, anh phát biểu như sau:

    Trích:
    “Vừa rồi Việt Nam có đưa ra đề nghị tạm dừng xây dựng trong vòng mười năm nhưng mà tôi nghĩ rằng đấy là ý kiến của nhà nước, còn về cá nhân tôi là một chuyên gia thì tôi lại không đồng ý với ý kiến đấy.
    Bởi vì thế này, đối với một công trình thì bài toán của nó là phân tích đầy đủ các tác động của một dự án. Tác động bất lợi về môi trường, sinh thái, xã hội. Cần đề xuất được những giải pháp giảm thiểu mà có thể chấp nhận được đối với các nước vùng hạ lưu thì có thể chấp nhận để được xây dựng.”
    Hết trích.

    Đầu tiên, xin chúc mừng anh có đủ "can đảm" và trình độ khoa học, chuyên môn, để "phản biện" tiếng nói của nhà nước Việt Nam, vốn là đại diện cho phúc lợi của hàng chục triệu người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
    Sau nữa, tôi xin hỏi anh Nguyễn Vũ Trung, nếu những "biện pháp giảm thiểu", cứ cho là được thông tin minh bạch rõ ràng đi, mà các nước vùng hạ lưu không thể chấp nhận được, thì họ có quyền kêu gọi Lào ngừng xây đập chứ? Chừng đó, với tư cách là một "cá nhân", "chuyên gia", và một công dân của nước Việt nam, anh sẽ đứng về phía nào, thủy điện hay nhân dân Việt Nam?

    Tương tự như vậy, đối với hàng triệu người dân tỉnh Đồng Nai mà đại diện là UBDN Tỉnh, nếu họ không thỏa mãn với những "giải pháp giảm thiểu" mà Đức Long Gia Lai đưa ra, thì họ có quyền phản đối việc xây dựng ĐN 6 và 6A chứ?

    Nếu anh muốn thuyết phục những người phản đối thủy điện ĐN 6,6A thì hãy thông tin minh bạch về Bản khảo sát hiện trường cũng như DTM và Báo cáo đầu tư để mọi người có thể thấy rõ được những "giải pháp giảm thiểu", nếu có, từ phía chủ đầu tư Đức Long Gia Lai. Chừng đó biết đâu họ sẽ được sự đồng thuận tốt hơn?

    Chừng nào mà mọi việc còn nằm trong bóng tối thì người dân có quyền hoài nghi và phản đối. Chắc anh không có thời gian vào đọc tất cả các comments trên các báo về TD ĐN6 và 6A. Tuyệt đại đa số đều phản đối. Không phải tất cả họ đều là những nhà khoa học và có thể đưa ra luận cứ khoa học như anh muốn, nhưng nhân dân đã học được quá nhiều bài học nhãn tiền về thủy điện rồi nên họ có quyền hoài nghi. Muốn phản bác các ý kiến phản đối thì cách hay nhất là các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Thẩm Định Bộ TNMT, đưa ra thông tin minh bạch về hai dự án để các nhà khoa học làm rõ trắng đen trước công luận.

    Nguyễn Khắc Tâm

    ReplyDelete
  4. Cần gì phải nhọc công Kiến nghị đến vậy, theo như tôi biết, cái gọi là "Tập đoàn đức long gia lai" này thực chất chỉ là 1 doanh nghiệp nhỏ với khoảng 40 công nhân và hiện nay đang bị phá sản tới nơi. Cũng chính doanh nghiệp này đã hối lộ quan chức 2 tỉnh Đak Nông, Bình Phước để được làm chủ đầu tư dự án BOT 70 Km quốc lộ 14 nhưng ko có tiền để làm. Hiện đoạn quốc lộ nói trên đã trở thành con đường đau khổ do bị đào bới lên để đó. Vì vậy làm gì có tiền để triển khai 2 dự án này.

    ReplyDelete