Monday, December 17, 2012

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Nhiều tổ chức tiếp tục phản đối - NLĐ


Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Nhiều tổ chức tiếp tục phản đối

Chủ Nhật, 16/12/2012 22:30

Vị trí xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là khu vực “bất khả xâm phạm”. Không chỉ trong nước, các tổ chức quốc tế cũng chờ quyết định của Chính phủ Việt Nam

Ngày 16 - 12, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã tổ chức hội thảo: “Lưu vực sông Đồng Nai - tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”. Những nhận xét, đánh giá trong hội thảo sẽ được VRN một lần nữa tập hợp, gửi đến Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
“Nôi” của các loài cá
Bên cạnh phản biện những giải pháp không tưởng và nhiều thiếu sót trong 2 bản ĐTM dự án, VRN cũng công bố kết quả nghiên cứu độc lập về tác động hồ chứa trung lưu sông Đồng Nai đến di cư cá và nghề cá. Theo đó, khu vực trung lưu sông Đồng Nai là cái “nôi” bảo vệ và sinh sản của các loài cá.  Khi thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ngăn dòng, không gian sinh tồn của các loài cá kích thước lớn, giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá lóc, cá trèn… bị mất đi.
 
Ban thư ký Công ước Ramsar Quốc tế đang rất lo lắng nếu cho xây 2 dự án
thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ ảnh hưởng đến Ramsar Bàu Sấu.
(Ảnh do Nhóm tình nguyện “Yêu quý bảo vệ Cát Tiên” cung cấp)
 
Hồ thủy điện kiểu hồ sông, lại điều tiết ngày, tức là lượng nước trong ngày thay đổi nên cá không thể sống, ngư dân cũng không thể đánh bắt được vì sẽ trôi mất ngư cụ. Các loài cá giá trị từ chân đập thủy điện Đồng Nai 6 về đến hồ Trị An sẽ giảm mạnh, trong khi khu vực thủy điện Đồng Nai 4 trở lên thượng nguồn đứng trước nguy cơ mất các loại cá lớn vì cá không thể “bay” qua các đập thủy điện! Ước tính mỗi ngư dân sẽ thiệt hại khoảng 100.000 đồng/ngày do giảm sản lượng đánh bắt, riêng nguồn lợi thủy sản trong khu vực ước tính thiệt hại hơn 2 triệu đồng/ngày.

Điểm nóng đa dạng sinh học
Đại diện Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, TS Phạm Hữu Khánh một lần nữa khẳng định khu vực 137 ha vùng lõi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có tính đa dạng sinh học rất cao. Khu vực hội đủ 5 kiểu rừng đặc trưng của VQG, có thảm thực vật phong phú, đa dạng về loài, có nhiều cây gỗ quý như cẩm lai, trắc, mun… và nhiều loại cây mới vẫn đang được các chuyên gia phát hiện thêm.
 
Về động vật, tổng hợp sơ bộ có khoảng 3 đàn bò tót (khoảng 15 cá thể), 3 đàn vượn đen má vàng (5- 10 cá thể), ít nhất 10 cá thể chà vá chân đen, khỉ đuôi lợn… tất cả là động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, 2 dự án sẽ tác động đến dòng chảy sông Đồng Nai cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến Ramsar Bàu Sấu. Hệ sinh thái đất ngập nước rất nhạy cảm nếu 2 dự án được thực hiện, không chỉ Bàu Sấu mà các bàu lân cận có nguy cơ mất dần giá trị, chức năng và sẽ biến mất.
Nếu làm 2 dự án thủy điện sẽ tác động đến đời sống tinh thần,
văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số S’tiêng, Chơ Ro, Mạ…
 
Việc xây dựng 2 thủy điện thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ phá hủy sinh cảnh của các loài quý hiếm, phá vỡ nhanh chóng hệ sinh thái và cấu trúc rừng nguyên sinh. Chưa kể hiện nay, Việt Nam đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới đối với VQG Cát Tiên, nếu Chính phủ Việt Nam không có sự cam kết mạnh mẽ sẽ khó thuyết phục UNESCO.
 
Riêng đối với các danh hiệu quốc tế đã được công nhận, nếu  không thực hiện nguyên tắc bảo tồn theo các công ước quốc tế và phát triển bền vững, có thể bị tước mất. Ngoài ra, việc thực hiện 2 dự án thủy điện này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam (gồm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa, Nghị định 109/2003/NĐ-CP về bảo tồn, phát triển bền vững các khu đất ngập nước và Nghị quyết 49/2010/QH 12 về những công trình, dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư) và các cam kết quốc tế (Công ước Ramsar, sự điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO và MAB- Chương trình con người và sinh quyển).

Di sản chôn vùi theo thủy điện
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích - văn hóa tỉnh Đồng Nai, khẳng định rừng mất đi ngàn năm có thể lấy lại nhưng di sản văn hóa mất đi không bao giờ lấy lại được.  Dòng sông Đồng Nai được các nhà khoa học trong và ngoài nước tôn vinh là “dòng sông văn hóa” vì tồn tại một nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai. Năm 2009, để phục vụ công tác lập hồ sơ trình UNESCO công nhận VQG Cát Tiên là di tích thiên nhiên, văn hóa thế giới, các chuyên gia đã điều tra khảo sát cổ học vùng và phụ cận.
 
Kết quả bước đầu đã phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học thời tiền sử: Bến Nôm Đồi Ba, Phú Cát… và một số di tích kiến trúc cổ dạng Óc Eo: Cây Gáo, Đồng Bơ… cho thấy khu vực đã chứng kiến hoạt động sống liên tục của cộng đồng người từ xa xưa (5.000-6.000 năm trước đây) đến nay. Điều đau lòng là hơn 100 di chỉ khảo cổ học đã bị chôn vùi khi xây dựng thủy điện Trị An. “Và sẽ còn bao nhiêu di chỉ khảo cổ học đã và chưa được khai quật chìm xuống lòng hồ khi xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A?
 
Chưa kể việc di dời cộng đồng dân tộc thiểu số: S’tiêng, Chơ Ro, Mạ…  khỏi nơi sinh sống để thực hiện dự án sẽ tác động đến đời sống tinh thần, văn hóa bản địa, đi ngược lại Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, VQG Cát Tiên đã được công nhận là  di tích quốc gia đặc biệt.
 
Vì thế, 137 ha mà chủ đầu tư dự án thủy điện nhắm vào chính là vùng bất khả xâm phạm, di sản lưu vực sông Đồng Nai còn lại rất lớn. Cho phép đầu tư vào vùng này là vi phạm Luật Di sản văn hóa. “Với những tính toán sai lầm và cố tình bỏ qua tác động về văn hóa xã hội, tôi cho rằng chủ đầu tư không phải đang tính toán mà là toan tính để thực hiện cho được 2 dự án này!” - ông Dũng nhấn mạnh.
Đại diện WWF (Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới), ông Hoàng Việt, cảnh báo Việt Nam đang chi rất nhiều tiền để trồng rừng ở khu vực này, khu vực kia nhưng lại đi phá rừng đầu nguồn là nơi lẽ ra phải được bảo vệ, không đụng đến. Hai dự án sẽ gây ra những tác động không lường đối với VQG Cát Tiên và khu vực hạ lưu, thậm chí có phá đập đi cũng không thể khôi phục lại. Vì thế, WWF cho rằng Việt Nam không nên xây dựng 2 công trình thủy điện này.
Rất đau khổ nếu không bảo vệ được rừng
PGS - TS Lê Trình, Chủ tịch Hội ĐTM Việt Nam, nhận xét ĐTM 2 dự án chưa tính đến tác động liên đới phát sinh sau khi có công trình. Dẫn chứng từ thủy điện Trị An, diện tích công trình chỉ 210 km2 nhưng khi thực hiện hàng ngàn km2 rừng xung quanh vùng hồ Trị An bị tàn phá. Đó cũng là tình trạng của tất cả các công trình thủy điện Việt Nam hiện nay, vì thế diện tích rừng bị phá hủy bởi 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chắc chắn lớn hơn con số 370 ha chủ đầu tư đưa ra.
Chưa kể, chủ đầu tư vẫn chưa tính đến diện tích rừng sẽ bị mất để xây dựng đường dây cao thế và hệ thống truyền tải điện. “Nếu không tôn trọng luật pháp về đất đai, môi trường mà cho làm 2 dự án này thì tác động rất lớn. Dự án cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) không tác động lớn đến sinh thái như 2 dự án này nhưng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã phản đối kịch liệt, nếu thông qua 2 dự án này chắc chắn là không bình thường! Nếu không bảo vệ được cánh rừng trăm năm cho đất nước, tôi rất đau khổ. Vì vậy, Hội ĐTM Việt Nam phản đối 2 dự án này!” - PGS-TS Lê Trình nói.
Ban thư ký Công ước Ramsar quốc tế đã gửi văn bản đề nghị phía Việt Nam cho biết về những tác động của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến VQG Cát Tiên nói chung và Ramsar Bàu Sấu nói riêng.
Ai khẳng định không ảnh hưởng, phải chịu trách nhiệm!
Ông Trần Văn Mùi, Phó Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, cho biết tỉnh Đồng Nai đã bỏ ra hơn 100 tỉ đồng đề trồng thêm rừng trong khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Tuy nhiên, việc trồng rừng mới thay thế diện tích rừng đã mất do chủ đầu tư đưa ra không phải là giải pháp đền bù. Nhiều cây chưa hẳn có rừng, rừng trồng không thể nào sánh được với rừng tự nhiên về chất lượng. Cũng không thể lấy rừng phía Bắc rồi trồng bù từ phía Nam, như thế sẽ thay đổi tiểu khí hậu vùng, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh cao thứ hai thế giới. “Tôi cho rằng cá nhân, tổ chức nào khẳng định 2 dự án này không ảnh hưởng lớn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm!”- ông Mùi nói.
THU SƯƠNG

1 comment:

  1. Lý Văn Hanh

    Chặt phá đi một cây ở trên rừng mà để phục hồi sinh lại được sẽ mất 10 năm, 20 năm (tức là cây đó đã trồng sống được và có thời gian từ 10 - 20 năm trở lên). Trong đó có những cây sẽ vĩnh viễn không trồng lại được và cũng là mất hết sự phục hồi sinh trở lại. Chính vì vậy chặt phá rừng sẽ cực kỳ nguy hiểm, Đời trước tổ tiên cha ông chúng ta chỉ khai thác rừng một cách hợp lý và rất khoa học, nhờ vậy mà chúng ta và con cháu chúng ta mới có được rừng đấy! Tiếp nối truyền thống tốt đẹp và trí tuệ giữ rừng đỉnh cao của tổ tiên ta thì ngày nay chúng ta phải bảo vệ rừng và trồng thêm cây để gây thêm rừng rộng lớn ra chứ, ai đời lại chặt phá một cách không thương tiếc như vậy. Thử hỏi sự tồn tại được bao lâu, bền vững không? Thánh nhân đã dạy "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá", nghĩa là phá núi, phá rừng là nguy hiểm không lường được, thứ hai xây dựng các công trình, nhà cửa... mà phạm phải Long mạch (đâm phải long mạch) thì ngóc đầu không lên nỗi ( nghèo, dân trí thấp, hiểm họa...). Cho nên đời tổ tiên cha ông chúng ta làm bất cứ một việc gì là phải quy hoạch và xây dựng cho đúng phong thủy ( khảo sát và lập bản vẽ phong thủy, trên cơ sơ đó mới thực hiện các công việc tiếp theo như thiết kế, kiến trúc, xây dựng...). Tất cả đều phải tuân thủ một cách nghiêm minh. Ngày nay rừng của chúng ta còn lại không nhiều, đây là vấn đề đau xót và bây giờ chúng ta phải khẩn trương trồng rừng và mạnh mẽ quyết liệt bảo vệ diện tích rừng còn lại. Hãy kêu gọi tất cả mọi người trong xã hội từ Trung Ương đến địa phương thành tâm bảo vệ rừng, kiên quyết với một trái tim rực lửa, cháy bỏng để cùng nhau bảo vệ và giữ gìn được rừng càng phát triển tươi tốt. Hội tụ các cơ quan ban ngành có trách nhiệm và đang chịu trách nhiệm với chức năng nhiệm vụ của ngành mình và cùng với nhân dân để thực hiện bảo vệ rừng và trồng thêm rừng. Phân tích như trên để các bộ ngành liên quan và các quan chức lãnh đạo ngành, quan chức Chính phủ chúng ta phải hết sức cân nhắc để quyết định thực thi dự án thủy điện. Những ai liên quan thực thi đến dự án thủy điện 6, 6A đều phải chịu trách nhiệm một cách toàn diện về việc mình làm. Không được từ chối và đổ thừa chung chung. Mình làm là mình phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm về mình nếu có vi phạm. Trên đây là ý kiến đóng góp của tôi, có điều gì cần trao đổi, phản biện xin quý vị liên hệ số điện thoại 0904127282 - Lý Văn Hanh - Kỹ sư hệ thống điện. Trân trọng cám ơn!

    ReplyDelete