Monday, December 24, 2012

Thủy điện hại dân sinh

SCT-Dear all, Chào cả nhà, 


ENV lập lờ giá điện và cuối cùng quyết định tăng giá điện?! 

Lời hứa gió bay! Hay là: "Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi "!

Khi không có các biện pháp chế tài thích hợp, và các báo các ĐTM chỉ
làm cho có lệ được dễ dãi thông qua, có chủ đầu tư thủy điện nào lại
dại dột thực hiện nghiêm túc "lời hứa" trồng rừng sau khi đã hoàn
thành tàn phá đại ngàn (và tận thu gỗ quí) nấp dưới danh nghĩa thủy
điện? Bài học ở nhiều nơi khắp nước đã qua rõ, ai đi qua sông Tranh, sông Ba rồi qua sông Đồng Nai thì sẽ rõ hơn thế nữa. Xót xa và đau lòng qua. Nào cùng chung tay với nhóm Yêu Quý Bảo vệ Cát Tiên (SCT) để trước mắt cứu Cát Tiên thoát khỏi thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A sau đó tiến đới cứu những cánh rừng đại ngàn ít ỏi còn sót lại của đất nước, những cảnh quan thiên nhiên và văn hoá, những di tích và di sản, sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hoá (bio-cultural diversity) của đất nước chúng ta. 



Thủy điện hại dân sinh


Chủ Nhật, 23/12/2012 22:38

Hàng loạt dự án thủy điện được cấp phép xây dựng ồ ạt ở các tỉnh miền Trung và sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư đang khiến hàng trăm hộ dân rơi vào tình cảnh khổ trăm bề

Tại nơi 3 dự án thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, gồm thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện A Vương (Quảng Nam) và thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), cuộc sống của hàng ngàn hộ dân tái định cư (TĐC) đều rơi vào cảnh thiếu đất sản xuất, thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng…
Chủ đầu tư hứa suông
Tháng 8-2003, công trình thủy điện A Vương (Quảng Nam) chính thức khởi công với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng. Trên 400 hộ dân ở 2 huyện Đông Giang và Tây Giang phải di dời nhà cửa, nhường đất cho thủy điện. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân trước khi xây nhà tại các khu TĐC nên đã khiến người dân bức xúc.
Ông A Lăng Khía (khu TĐC PachePalanh, xã MàCooih, huyện Đông Giang) cho biết gia đình ông có đến 10 nhân khẩu nhưng chỉ được bố trí một ngôi nhà chính rộng 42 m2, kèm theo công trình phụ gồm nhà bếp, nhà vệ sinh nên gia đình không đủ chỗ để sinh sống. Khi về nơi TĐC, ban quản lý dự án có hứa là bố trí nhà ở và đất vườn cho mỗi hộ trên 400 m2 nhưng thực tế chưa đầy 200 m2 nên người dân không có đất để trồng trọt, chăn nuôi.
Gần 100 ngôi nhà ở khu tái định cư A Lua (xã Dang, huyện Tây Giang - Quảng Nam)
bỏ hoang, lãng phí tiền tỉ. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Người dân ở khu TĐC 2 thôn A Lua và K’la (xã Dang, huyện Tây Giang) cũng khốn khó trăm bề. Tại thôn A Lua, không có hệ thống nước sạch nên người dân phải bắc ống dẫn nước từ trên suối về sử dụng. Hệ thống trường, trạm xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm cho việc học tập và  khám - chữa bệnh. Đường giao thông đi vào khu TĐC bị sạt lở, gây ách tắc.
Tương tự, hàng trăm hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) đã di dời về khu TĐC gần 5 năm nay nhưng chưa có đất sản xuất; nhà TĐC xuống cấp trầm trọng; đường sá, nước sinh hoạt cũng thiếu thốn theo những lời hứa suông của chủ đầu tư.
Dân quay lại phá rừng làm rẫy
Hầu hết các khu TĐC tại các xã Trà Bui, Trà Tân, Trà Giác (huyện Bắc Trà My - Quảng Nam) đều có nhà bị bỏ hoang. Nguyên nhân là do các khu TĐC này không có nước sinh hoạt hoặc hệ thống cấp nước liên tục bị hư hỏng, đất sản xuất hạn hẹp nên có gần 40 hộ buộc phải về lại quê cũ ở để kiếm kế sinh nhai. Bà Hồ Thị Lan (xã Trà Đốc) cho biết từ khi về vùng “đất hứa”, chủ đầu tư hứa mãi đến nay 5 năm cũng chưa có đất cho dân sản xuất.
“Cuộc sống khó khăn đối với người lớn chúng tôi đã đành nhưng việc học hành của trẻ nhỏ cũng trở nên mơ hồ hơn do trường lớp chưa được đầu tư bài bản” - bà Lan nói. “Ngày trước, mỗi hộ gia đình đều có vài sào đất ruộng trồng lúa nước, gần 10 ha nương rẫy, còn bây giờ 1 ha đất rẫy cũng không có, lấy gì mà sinh sống. Do đó, hàng loạt gia đình đã bỏ khu TĐC để chuyển vào rừng cấm khai hoang, đốt rừng làm rẫy ” - ông Ploog Dít (xã Dang) cho biết.
Trong khi đó, hàng trăm hộ dân TĐC ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhường đất xây Nhà máy Thủy điện A Lưới do Công ty CP Thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư cũng  rơi vào cảnh thiếu đất sản xuất trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, cho biết sau khi bị lấy đất, 114 hộ dân trên toàn huyện A Lưới phải di dời đến khu TĐC ở xã Hồng Thượng nhưng họ chỉ được cấp 40 ha đất sản xuất, trong đó có 8 ha dùng để trồng lúa nước. Diện tích được giao cho người dân trồng lúa vốn là vùng đồi núi, sỏi đá nên đất đai nghèo nàn không thể canh tác, người dân lại đi phá rừng làm rẫy.
Nghiêm trọng hơn, theo ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Quảng Nam, để bảo đảm an toàn sinh mạng người dân, đến thời điểm này, huyện đã phải di dời toàn bộ hơn 70 hộ dân thôn A Lua đến nơi ở mới do tình trạng sạt lở ở hai khu TĐC A Lua và K’la. Riêng gần 80 hộ dân thôn K’la, huyện đang tiến hành hoàn thành việc san ủi vùng đất mới để di chuyển người dân đến sinh sống trong cuối năm nay. Như vậy, hàng tỉ đồng mà EVN bỏ ra xây dựng khu TĐC nay phải bỏ hoang...
Mất rừng
Hiện tại, tỉnh Phú Yên có 3 nhà máy thủy điện đang hoạt động là Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’năng. Để đổi lấy 354 MW công suất của 3 nhà máy thủy điện này, đã có hơn 1.000 ha rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bị mất. Ngoài ra, còn có 2 thủy điện nhỏ là Đá Đen và La Hiện đang xây dựng với tổng công suất 26 MW. Hơn 200 ha rừng đã mất nhưng cả 2 dự án thủy điện nhỏ này vẫn chưa phát điện dù đã xây dựng từ 4 đến 7 năm nay.
Theo ông Lê Thanh Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, mặc dù địa phương liên tục thúc nhắc phải trồng trả lại rừng theo quy định nhưng Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ vẫn ì ạch. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, hiện công ty này chỉ mới trồng chưa đến 30 ha rừng trong tổng số 204 ha buộc công ty phải trồng trả lại rừng. Ông Đặng Văn Tuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho rằng điều rất khó là không bố trí được đất để trồng trả lại rừng.
H.Ánh
HOÀNG DŨNG - QUANG TÁM
http://nld.com.vn/2012122310381737p0c1042/thuy-dien-hai-dan-sinh.htm

No comments:

Post a Comment