Monday, December 3, 2012

Sai lầm lớn nếu không dừng thủy điện Đồng Nai 6, 6A - TTO

SCT - Lại xin kính cảm ơn GS. Nguyễn Hoàng Trí!
Các nhà khoa học có trách nhiệm, các tổ chức của thế giới đã phản đối đến mức này mà một số những người mang nặng trách nhiệm còn cố tình ngoảnh mặt che tai, cố đấm ăn xôi, thì tương lai môi trường VN sẽ ra sao? 


Thứ Hai, 03/12/2012, 10:18 (GMT+7)
Sai lầm lớn nếu không dừng thủy điện Đồng Nai 6, 6A
TT - “Chúng ta phải có một động tác nào đó để thúc đẩy việc dừng hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Nếu không thì sẽ mắc sai lầm lớn: đa dạng sinh học của khu vực sẽ nằm trong cấp nguy hiểm.”

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí  - Ảnh: H.Giang

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, tổng thư ký Ủy ban quốc gia chương trình Con người và sinh quyển (thuộc UNESCO), lý giải như vậy với Tuổi Trẻ về lý do ủy ban này đề xuất tỉnh Đồng Nai dừng triển khai hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ông cũng chia sẻ nhiều trăn trở về công tác bảo tồn đa dạng sinh học nhìn từ câu chuyện thủy điện:
- Khi nghe anh em địa phương và báo chí đưa tin về dự án xây dựng hai nhà máy thủy điện này nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển, cá nhân tôi và nhiều tổ chức trong nước, quốc tế đều rất quan tâm. Hai nhà máy này ở vùng lõi vì khu dự trữ sinh quyển có một phần thuộc đất vườn quốc gia Cát Tiên, mà vườn quốc gia này nằm vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển.
Đây là địa bàn khá nhạy cảm vì khi làm hồ sơ đề cử khu di sản thiên nhiên thế giới cho nó đã xảy ra một sự kiện được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên phát hiện là con tê giác Java cuối cùng đã chết. Đó là tín hiệu không tốt về bảo tồn cho Cát Tiên, một thất bại trong bảo tồn và cũng là một bài học sâu sắc. Ta có thể nói nhiều, nói hay nhưng vẫn phải nhìn vào kết quả cuối cùng chính là các loài được bảo vệ, bảo tồn ra sao.
Lấy bêtông thay cho màu xanh
"Cần nhận thức rõ cái nào tốt cái nào xấu, tại sao dừng thủy điện: không phải vì ghét thủy điện hay doanh nghiệp mà do nhu cầu nội tại của công tác bảo tồn sinh học buộc chúng ta phải tỉnh ngộ trước khi sa xuống vực thẳm"
* Ủy ban quốc gia chương trình Con người và sinh quyển đề nghị dừng triển khai hai nhà máy thủy điện ở đây. Nhưng rõ ràng để phát triển kinh tế, chúng ta buộc phải đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng cao?
- Trong các khuyến cáo của UNESCO về thủy điện nói chung đều nhắc tới mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển và nhu cầu bảo tồn. Chúng ta thấy việc dừng bảo tồn để nhường chỗ cho phát triển kinh tế đã phải trả giá ở thế giới và nước ta rồi.
Hầu hết các nhà máy thủy điện khi đánh giá tác động môi trường chỉ tính tới diện tích hồ - đập xây dựng, vận hành chứ ít nói đến việc bao nhiêu xe tải vào ra, nổ mìn, phá đá ảnh hưởng ra sao tới động vật, sinh vật xung quanh. Điều quan trọng nhất trong khuyến cáo của UNESCO là các loài động thực vật đang sống yên ổn, khi bị chia cắt nơi ở, nơi sống sẽ làm kết nối sinh thái bị phá vỡ.
Từ loài sâu bọ nhỏ nhất đến thú lớn nhất không di chuyển được thì chúng sẽ không thể kiếm thức ăn và thực hiện giao phối, sinh sản dễ dàng như trước. Bởi vậy những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng sẽ dẫn đến chỗ tuyệt chủng. Chia cắt nơi ở và nơi sinh sản là cách gây tuyệt chủng nhanh nhất chứ không phải là săn bắn.
Hơn nữa, việc chia cắt như thế sẽ làm giảm sự đa dạng di truyền vì động vật buộc phải giao phối cận huyết nên các thế hệ sau này không còn sức sống như cũ và nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Đây chính là xói mòn di truyền.
Ai cũng công nhận chúng ta cần đáp ứng nhu cầu điện năng, nhưng vì nó nằm trong tác động đa dạng sinh học mà chúng ta đã cam kết bảo vệ, bảo tồn thì tại sao còn vi phạm? Đó là điều tôi băn khoăn. Nếu phải đánh đổi thì phải chọn lấy cái lợi hơn. Nếu được điện mà mất đa dạng sinh học thì cái nào thiệt hại hơn? Thủy điện không làm ở đó còn có thể chuyển đi nơi khác, còn khu bảo tồn thì không thể chuyển chỗ được. Nhiều lý luận cho rằng “tôi chỉ lấy mảnh rừng nhỏ thôi, tại sao ông cứ làm toáng lên?”.
Chúng ta hãy nhìn rộng ra xem 200ha đó nằm ở đâu? Cả một vùng lõi là một thể thống nhất và giống như cơ thể con người, một tế bào bị ung thư sẽ khiến cơ thể đau quặn thế nào. Đây là một vùng lõi, lấy đi trái tim của nó, tại sao không đau? Chúng ta đều nghe nói tới triết lý “phát triển cho bảo tồn, bảo tồn cho phát triển”, tức là phải hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nếu chỉ lấy bêtông thay màu xanh thì không thể là phát triển bền vững.
Không cẩn thận, 3 giây sẽ mất
* Ông nhậqn thấy công tác bảo tồn di sản nói chung ở VN đang như thế nào?
- Với các khu sinh quyển khu di sản mà được UNESCO công nhận danh hiệu thì mỗi quốc gia đều rất hăm hở lúc đầu. Sau đó có hai xu hướng: sử dụng sự công nhận đó làm kinh tế, thúc đẩy cộng đồng, dân tộc đi lên. Ta tạm gọi đó là bài học thành công và thường thấy ở các nước đã phát triển như Đức, Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha. Xu hướng thứ hai là ngồi chờ người khác mang tiền đến vì hình dung khu di sản là dự án đầu tư.
Tôi gọi đây là bài học thất bại. Trong nhóm đó có một số nước ở châu Phi và châu Á. Tại sao có tâm lý đó? Là vì các nơi đó cho rằng “tôi nghèo nên tôi bảo tồn thì anh phải mang tiền đến cho tôi”. Đó là hiểu sai vấn đề. Cứ ngồi chờ thì di sản sẽ “teo” dần.
Tất nhiên, khi chưa được UNESCO công nhận thì chỉ có một số nhà khoa học trên thế giới biết đến, được công nhận thì người dân thường ở các nước cũng quan tâm và muốn tới tham quan, du lịch... Nhưng có hai mặt của vấn đề: nổi tiếng đi kèm trách nhiệm. Nếu xây nhà máy thủy điện thì đa dạng sinh học giảm sút.
Tôi chưa cần nói đến rút danh hiệu, chỉ cần các nhà khoa học trên thế giới trích dẫn trường hợp xấu của chúng ta trong báo cáo, nghiên cứu của họ là đã đủ thiệt hại rồi. Xây dựng danh hiệu mất ba năm nhưng không cẩn thận thì chỉ cần ba giây sẽ mất ngay danh hiệu đó.
HƯƠNG GIANG thực hiện
Biết mà lờ đi
“Câu chuyện giữa đập thủy điện và khu dự trữ sinh quyển chỉ là một hoạt động thể hiện bối cảnh chung của đất nước. Bao nhiêu cánh rừng ở Bình Phước thành rừng cao su, hồ tiêu; rừng ngập mặn thành đồng nuôi tôm/cá; rừng khộp thành rừng cà phê. Tất cả giống nhau ở tư duy. Nếu không tôn trọng thiên nhiên thì anh sẵn sàng xâm hại thiên nhiên để lấy giá trị trước mắt. Đó là cách ăn xổi ở thì.
Theo tôi, xu hướng không biết tác động, hậu quả ngày càng ít đi. Xu thế thứ hai là biết mà làm như không biết mới là đáng lo ngại. Điều nguy hiểm là điều đó khiến nhiều người dân bị lẫn lộn đúng sai. Với những người làm khoa học có lương tri, chúng ta không chỉ tranh đấu cho thế hệ chúng ta mà cả thế hệ mai sau”. 
GS.TS NGUYỄN HOÀNG TRÍ

____________

1 comment:

  1. Supporter of Save Cattien GroupDecember 3, 2012 at 2:47 PM

    SỰ KIỆN VÀ VẤN ĐỀ
    Cân bằng giữa rừng và thủy điện
    Thứ hai, 03/12/2012, 05:51 (GMT+7)
    Những biểu hiện tiêu cực của thủy điện như thấm đập, liên tục gây ra động đất kích thích tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam), mới đây lại thêm sự cố khó tin khi để xảy ra vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) bên trong toàn xây bằng đất, cát đá… đã làm bà con ăn không ngon ngủ không yên, không dám tin vào sự an toàn của thủy điện. Nhưng các chuyên gia và nhiều người dân cho rằng tác hại của việc phát triển ồ ạt nhà máy thủy điện vừa và nhỏ không chỉ dừng lại ở đó, mà còn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu bảo vệ rừng, tàn phá môi trường sinh thái...

    “Cuộc chiến” giữa nhiệm vụ giữ rừng và dự án làm thủy điện bắt đầu bùng lên khi có chủ trương xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ở đây, dự án không chỉ ảnh hưởng tới rừng thông thường mà nghiêm trọng hơn là “nuốt” cả một phần Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi trú ngụ của một số loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn nghiêm ngặt.

    Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã được giao tổ chức rà soát lại diện tích rừng bị chuyển đổi sang thủy điện. Theo báo cáo Bộ NN-PTNT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có 160 dự án thủy điện có việc chuyển đổi rừng sang làm thủy điện. Tổng diện tích rừng phải nhường chỗ cho nhà máy và hồ thủy điện là gần 20.000ha. Điều đáng lo là phần lớn diện tích rừng bị chuyển đổi đều bị mất trắng, chưa được phục hồi trả lại. Trong 29 tỉnh, thành có dự án thủy điện chuyển đổi rừng thì đến nay chỉ có vỏn vẹn 8 tỉnh làm được việc trồng lại rừng mới, với diện tích rất ít ỏi: 735ha.

    Tuy nhiên, nếu theo thông tin của Bộ Công thương, từ trước tới nay, cả nước ta đã có tới 1.114 công trình và dự án thủy điện, trong đó 1.004 dự án là thủy điện vừa và nhỏ (gồm cả công trình đã hoàn thành, đang triển khai hoặc còn ở bước lập dự án). Phần lớn các thủy điện đều có liên quan đến việc chuyển đổi rừng. Như vậy, diện tích rừng bị triệt hạ, xâm hại là không nhỏ.

    Trong khi theo các chuyên gia, phần lớn các dự án thủy điện nhỏ đều không có bước đánh giá tác động môi trường. Các thủy điện vừa và nhỏ phá rừng và ảnh hưởng đến sinh thái nghiêm trọng hơn thủy điện lớn. Mặc dù nước ta thường xuyên phải đối mặt với thiên tai bão lũ, nhưng đa số công trình thủy điện vừa và nhỏ đều không có nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ du.

    An ninh năng lượng là việc cần phải lo xa, nhưng cũng phải tính đến chuyện cân bằng lợi ích giữa phát triển thủy điện và mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn tính mạng và điều kiện sống của nhiều người dân. Muốn vậy, chúng ta phải có quy hoạch cụ thể, đưa ra cơ chế đúng đắn bắt buộc chính quyền địa phương, các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch trồng và bảo vệ rừng.

    Do đó, hoàn toàn đồng tình với chủ trương của Bộ NN-PTNT khi vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ áp dụng quy định trong thời gian tới, bắt buộc các dự án xây dựng thủy điện có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang làm công trình thủy điện phải có phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng đã bị mất.

    Mọi trường hợp không có phương án trồng rừng thay thế được duyệt, kiên quyết không được khởi công dự án. Không trồng bù lại diện tích rừng chuyển đổi thì không cho phép đi vào hoạt động, tích nước. Đồng thời, hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang làm thủy điện. Về lâu dài, phải đẩy mạnh và mở rộng hình thức nhà máy thủy điện chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người trồng rừng, lâm trường để thu hút được nhiều người dân trồng rừng, bảo vệ rừng trong khu vực các công trình thủy điện.

    PHÚC VĂN
    Theo SGGP.

    ReplyDelete