Thursday, December 6, 2012

Thủy điện Việt Nam đi “ngược chiều” thế giới - Kỳ 4: Chỉ phát điện, không phòng lũ - TNO

Thủy điện Việt Nam đi “ngược chiều” thế giới - Kỳ 4: Chỉ phát điện, không phòng lũ

Việc phát triển hệ thống thủy điện của Việt Nam hiện nay có nhiều lỗ hổng. Nhiều công trình không có dung tích phòng lũ và không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐGTĐMT) trên toàn hệ thống.

Một nghiên cứu chuyên đề về “Đánh giá tác động xả lũ của thủy điện Sông Ba Hạ đến hạ lưu sông Ba” của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết: Thực tế thủy điện Sông Ba Hạ là công trình đơn mục tiêu, mặc dù trong nhiệm vụ có nêu đây là công trình tham gia xả lũ cho hạ lưu (Bộ Công thương 2009). Do không có dung tích phòng lũ nên khả năng hỗ trợ phòng lũ hạ lưu của công trình chủ yếu phụ thuộc vào chủ quan của người vận hành hồ chứa (Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ).
 Thủy điện Sông Ba Hạ
Thủy điện Sông Ba Hạ, một trong nhiều công trình thủy điện không có dung tích phòng lũ - Ảnh: Đức Huy
Trong trận lũ 11.2009, kết quả nghiên cứu cho thấy do thủy điện Sông Ba Hạ không có dung tích phòng lũ nên khi lũ lớn về đầy hồ chứa (phát điện) đã đe dọa đến chính bản thân công trình. Toàn bộ lượng lũ đều được xả qua công trình và một phần lượng nước trong hồ cũng phải xả để bảo đảm an toàn. Kết quả làm lũ đến hạ lưu tăng khoảng 10% so với lũ tự nhiên.
Dung tích phòng lũ là phần hồ chứa được để trống trước mùa lũ. Khi có lũ lớn, nước vượt giới hạn dung tích hồ chứa thì lượng nước trên sẽ được cho chảy vào phần hồ phòng lũ nhằm hạn chế tác hại của lũ.

Còn theo một báo cáo khác của Sở NN-PTNT Quảng Nam, quy hoạch tổng thể dự án 10 thủy điện bậc thang của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có tổng dung tích phòng lũ là 1,07 tỉ m3 nước. Tuy nhiên hầu hết các thủy điện này có dung tích phòng lũ rất nhỏ so với dung tích toàn bộ công trình. Cụ thể như tổng dung tích của 3 hồ thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Đắk Mi 4 khoảng 1,5 tỉ m3 nước. Nhưng thực tế dung tích phòng lũ của 3 hồ này chỉ đạt 125 triệu m3. Vì vậy mà các hồ chứa này không có chức năng phòng lũ.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xanh, cán bộ vận động chính sách của VRN nói: “Nhiều dự án thủy điện (DATĐ) khi xin cấp phép thì ghi trong hồ sơ, mục đích là phát điện và phòng lũ. Nhưng khi được cấp phép thì các nhà đầu tư (NĐT) đã làm lơ mục đích phòng lũ mà chỉ đơn thuần là phát điện. Đi thực tế các công trình thủy điện ở miền Trung chúng tôi đã thấy rất nhiều trường hợp như vậy. Đây là điều rất nguy hiểm vì người dân cứ nghĩ là các đập thủy điện này có khả năng phòng lũ. Nó tạo ra một tâm lý an toàn giả tạo cho người dân. Nên khi có lũ hay sự cố xảy ra thì vùng tổn thương sẽ càng lớn và thiệt hại sẽ cũng nặng nề hơn. Chính phủ có chỉ đạo các bộ xây dựng quy định về quy chế vận hành liên hồ chứa. Nhưng thực tế là các hồ không có dung tích để chứa thì làm sao nó có thể chứa được”.

Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), trong quy hoạch, thủy điện trung bình trở lên thì có phần dung tích phòng lũ. Nhưng để tiết kiệm đa phần các NĐT đều không đưa nó vào trong thiết kế, thi công.

Lỗ hổng

Theo TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, có nhiều lỗ hổng trong các báo cáo ĐGTĐMT của các đập thủy điện ở Việt Nam. Lỗ hổng lớn nhất là các báo cáo này không có đánh giá tác động tích lũy (Cumulative Impact Assessment - CIA) khi có ít nhất hai hoặc nhiều hơn công trình hay DA tác động lên một hệ sinh thái. Chỉ riêng trên dòng chính sông Đồng Nai, người ta có thể đếm được 14 công trình thủy điện cho một đoạn sông chừng 420 km. Mật độ thủy điện như vậy là khá dày đặc. Khi thực hiện ĐGTĐMT cho một DATĐ lên một hệ sinh thái, một nguồn tài nguyên thiên nhiên hay một thành tố xã hội phải xem xét trên và dưới DATĐ này còn có các công trình nào khác mà sự tác động của chúng khi cùng vận hành tạo ra các hiệu ứng “cộng hưởng” hay tạo ra một chuỗi tác động tiêu cực theo dạng “domino” cho môi trường lưu vực và dân sinh.

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, bản thân việc ĐGTĐMT hiện nay vẫn mang tính chất hình thức. “Có thể thấy ví dụ điển hình ở những DA có sự quan tâm của dư luận chẳng hạn như Đồng Nai 6 và 6A… có quá nhiều vấn đề khi chúng ta nhìn sâu vào đó. Thế nhưng hầu hết các DA khác không được theo dõi và giám sát chặt chẽ như thế. Không một hệ thống tự nhiên nào có thể tự điều chỉnh, tái cân bằng khi bị băm nát, phá vỡ và phân mảnh dưới tác động của phát triển thủy điện như hiện nay. Sự phản hồi cực đoan của hệ sinh thái sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu cho môi trường và con người như chúng ta đã thấy ở nhiều trường hợp. Các báo cáo đánh giá về thủy điện vẫn chủ yếu tập trung vào những mặt tích cực của thủy điện. Thế nhưng không thể nói phải ưu tiên an ninh năng lượng cao hơn an ninh lương thực, ổn định xã hội cũng như an ninh môi trường được”.

TS Đào Trọng Tứ nhận định: “Hiện nay với quy định NĐT phải lập ĐGTĐMT, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì theo tôi, ta sẽ rất khó có được một ĐGTĐMT theo đúng nghĩa để giúp nhà nước nhận định và ra những quyết định đúng đắn. Với quy trình này ai cũng thấy rằng, chẳng thể có công trình nào mà NĐT (cả tư nhân và nhà nước) lại bỏ ra rất nhiều tiền để chứng minh rằng công trình hay DA của mình không đáng đầu tư. Tôi kiến nghị nhà nước phải quản lý và điều hành hoạt động lập ĐGTĐMT, nhưng phải có quỹ cho công tác này từ đóng góp của các NĐT và nhà nước. Sự tham gia thực sự của cộng đồng chịu tác động và các bên liên quan phải là quy chế bắt buộc... Ngoài ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cho cho ĐGTĐMT cần phải được điều chỉnh và bổ sung”.

“Việt Nam dường như đang thiếu một quy trình cho việc đánh giá tác động tích lũy bên cạnh các báo cáo ĐGTĐMT. Chính phủ Việt Nam đã từng khuyến cáo DATĐ Xayabury ở Lào phải được đánh giá trên cơ sở tổng thể tất cả các bậc thang thủy điện đến các vùng hạ lưu chứ không thể tách riêng ra từng DA để đánh giá. Không cớ gì mà chúng ta khuyến cáo cho phía nước ngoài mà bỏ qua các khuyến cáo như vậy cho các DATĐ trên một dòng sông trong nước”, TS Lê Anh Tuấn kết luận.

Chí Nhân

4 comments:

  1. Vỡ thủy điện Đăk Mek 3 ở Kon Tum: Thân đập chỉ toàn đất, cát, đá - Lao Động
    http://www.baomoi.com/Vo-thuy-dien-Dak-Mek-3-o-Kon-Tum-Than-dap-chi-toan-dat-cat-da/148/9868182.epi

    "May là đập vỡ Kịp thời
    Nếu không rích nước Chết toi cả Làng"

    Chào cả nhà,
    Thêm thông tin về vỡ đập Thủy điện. Riêng tỉnh này có 65 công trình Thủy điên. Sản xuất hơn 500 MW điện. Có ít nhất 5000 ha rừng bị phá để làm Hồ chứa nước. Có những thay đổi về khí hậu, thời tiết, mưa do cac Hồ chứa nước.Chiến lược phát triển năng lượng của Việt nam phải xem lại toàn diện. Nhất là chuyện phát triển Thủy điện ồ ạt, với bất kỳ giá nào?
    Mong cả nhà cùng suy ngẫm

    ReplyDelete
  2. Ve dieu nay, tu 2003 toi da trao doi voi cac ban Thuy dien tai van phong SWECO tai VN, http://www.sweco.se/sv/Sweden/. Cac ban noi chung ta dang tan pha thien nhien. SWECO co mot dieu tra rat rong ve cac du an thuy dien tai VN trong nhieu nam. Khong biet ket qua dieu tra ay dang nam o dau?

    Toi hoan toan nhat tri: Thuy dien khong sach, khong re va khong duoc nuoc nao thuc hien o at nhu o nuoc ta. O VN xin lam thuy dien qua de, kiem ra tien nen ai cung lam. Chi chet nong dan, va chi hai cho dat nuoc.

    ReplyDelete
  3. Chào cả nhà và T,
    Cám ơn các thông tin của Toản.Các bài viết rất hay.Từ cuối thập kỷ 90, đã có những ý kiến của các nhà khoa học về Thủy Điện.Tiếc là Việt nam đã không đọc,không nghe,không biết.Chúng ta đã phát triển quá nóng Thủy Điện.Ai cũng đầu tư cho THủy Điện.Theo gương của Sông Đà và chỉ đạo của Bộ xây dựng.Thủy điện Bản vẽ là của TCT Xây dựng Hà Nội.Năm 2004, các bạn quốc tế đã hội thảo về Thủy điện ở Nhật, nhất là câu chuyện của sông Mekong.Con ông Xu pha nu vong,học điện ở Nga, cực kỳ phản đối Thủy điện.
    Chúng ta đã,đang và sẽ còn chịu hậu quả của Thủy Điện.
    Rất tiếc là cho tới tận hôm nay,vẫn còn nhiều người mơ giấc mơ Thủy điện và làm Thủy điên với bất kỳ giá nào.Họ bảo vệ sông Tranh, Cát Tiên bằng mọi giá.Thủy điện Hòa Bình đã phải tính toán kiểm tra với Động đất cấp 9.Sông Tranh 2 cũng phải làm như vậy.Điều này được Tiêu chuẩn của Ân Độ yêu cầu rất cụ thể.Sau khi có các đập bị phá hỏng do động đất kích thích.
    Thay đổi nhận thức,thay đổi tư duy, suy nghĩ Minh Triết và Văn minh Tâm Linh sẽ cho chúng ta các lựa chọn và quyết định đúng. Mọi chuyện là phải Biết.Khó nhất là Biết Gì. Nên biết Âm Dương,Ngũ Hành,Phong Thủy,Kinh Dịch và Triết học VN.
    Chúc an lành

    GS T,

    ReplyDelete
  4. 4 kỳ "thuỷ điện Việt Nam đi ngược chièu thế giới" cần kèm thêm danh sách tên, vị trí công tác của những người giữ trọng trách trong thiết kế, thẩm định, duyệt những dự án "ngược chiều thế giới" này ! Họ sẵn sàng "đi ngược chiều" thế giới thì nên để con cháu họ, người dân nước Việt và cả thế giới này biết đến hoạt động ngược chiều của họ!
    TT

    ReplyDelete