Monday, December 24, 2012

Dân vào cuộc cứu các dòng sông - TP

Dân vào cuộc cứu các dòng sông
TP - Kể từ 1-1-2013, ngày Luật Tài nguyên Nước bắt đầu có hiệu lực, lần đầu tiên cộng đồng dân cư có địa vị pháp lý tham gia góp ý các dự án hoặc hoạt động liên quan đến tài nguyên nước ở nơi họ sinh sống, điển hình là ở các lưu vực sông.
Thủy điện Hố Hô giáp tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh không ngăn được lũ năm 2008, làm ngập nhà hàng ngàn hộ dân ở hạ lưu sông Ngàn Sâu, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án này không hề lấy ý kiến dân bản địa.
            Ảnh: QD
Thủy điện Hố Hô giáp tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh không ngăn được lũ năm 2008, làm ngập nhà hàng ngàn hộ dân ở hạ lưu sông Ngàn Sâu, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án này không hề lấy ý kiến dân bản địa.  Ảnh: QD.

Cộng đồng ngoài rìa, sông bị băm nát
Dẫn chứng điển hình được đại diện Bộ Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) nêu tại hội thảo hôm qua ở Hà Nội về tài nguyên nước là câu chuyện ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, gần công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 với các trận động đất bất thường mới đây.
Hàng nghìn hộ sống quanh biển nước này, trải trên hai địa phương Trung Bộ là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Tuy nhiên cộng đồng ở lưu vực Vu Gia-Thu Bồn hầu như không có bất cứ tiếng nói gì dù nơi đây được mệnh danh là biển dự án, công trình.
Về nông nghiệp và thuỷ lợi, không dưới 820 công trình cấp nước được xây dựng, trong đó có 72 hồ chứa, 546 đập và 2.002 trạm bơm; Về cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt, có tới ba nhà máy công suất từ 6.000 m3/ngày đêm trở lên.
Về điện, tám công trình thủy điện lớn đang và sắp hoạt động. Nói riêng dự án thuỷ điện Đắk Mi 4 làm hụt một tỷ mét khối nước trên sông Vu Gia trong chín tháng mùa khô.
Tất cả các dự án trên đều không có sự tham gia góp ý của cộng đồng lưu vực Vu Gia-Thu Bồn.
Thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia, mấy năm qua, mặn liên tiếp xâm nhập sâu vào sông Vĩnh Điện, một nhánh của Vu Gia. Hậu quả là hơn 3.000 héc ta đất nông nghiệp của Hội An, lớn gấp sáu lần Hồ Tây của Thủ đô Hà Nội, và một phần TP Đà Nẵng đói nước kinh niên mỗi khi mùa khô về.
Nhiều người cho đấy là bức tranh chung tại hầu hết trong số tám lưu vực sông trên cả nước dù được tám ủy ban lưu vực sông giám sát hẳn hoi (?!).
Lời nói chưa chắc đi đôi hành động
Luật lần đầu tiên quy định là thế nhưng, để triển khai trong thực tiễn ở VN, không ai dám nói trước điều gì. Chính bà Trần Thị Huệ ở Cục QLTNN, cơ quan chấp bút dự thảo Luật TNN, cũng cảnh báo việc làm nghị định hướng dẫn nội dung này sẽ “rất khó khăn”.
Ai cũng ủng hộ chủ trương dân chủ, ủng hộ dân phải được tham gia xây dựng dự án ngay từ đầu. Ai cũng ủng hộ yêu cầu chủ dự án đề cao trách nhiệm để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của dự án như đã và đang xảy ra tràn lan khắp nơi.
Nhưng quy định ra sao để cụ thể hoá chủ trương này, ban soạn thảo lại không giấu băn khoăn trước hàng chục đại biểu tham dự hội thảo đầu tiên kể từ khi Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012.
Bà Nguyễn Thuý Anh, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), lo ngại không chỉ về thời gian soạn thảo nghị định hướng dẫn quá ngắn khi chỉ còn chín ngày nữa là phải thực thi luật.
Điều bà lo ngại hơn cả là nguy cơ ban hành các quy định chung chung trong nghị định hướng dẫn khiến cho các bên không thực thi cũng không sao.
“Tôi đề nghị bộ phận soạn thảo cần đưa ra các quy định cụ thể như đề ra quy trình tham vấn cộng đồng gồm các bước nào, nêu rõ cách thức tham vấn. tránh tình trạng chủ dự án sẽ dùng đủ chiêu trò để tổ chức tham vấn hình thức, lấy được ý kiến của tất cả đại diện cộng đồng nhưng thực chất đấy không phải là ý kiến của họ”, bà Thúy Anh kiến nghị.
Trao đổi với Tiền Phong, TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia mạng lưới Cộng tác vì Nước Việt Nam (VNWP), đề nghị “Không nên vì bất cứ lý do gì để có thể trì hoãn việc cụ thể hoá chủ trương này trong luật nữa. Dân càng được tham gia, càng giúp bảo vệ tài nguyên nước tốt hơn, càng có cách giúp cứu vãn hàng trăm dòng sông đang chết dần chết mòn hiện nay”.
Cộng đồng lên ngôi
Chủ các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, và cả xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, thậm chí cá nhân liên quan.
Theo ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên&Môi trường, việc đưa nội dung này vào nhằm thực hiện chủ trương dân chủ hoá ở cơ sở, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.
Ông Thuần nhấn mạnh, việc lấy ý kiến này phải được thực hiện “ngay từ khi chuẩn bị thực hiện dự án”. “Cần có các điều khoản quy trách nhiệm với các mức phạt cụ thể cho các chủ dự án không thực hiện tham vấn cộng đồng hoặc thực hiện lấy lệ”, bà Nguyễn Thúy Anh, IUCN

Quốc Dũng

2 comments:

  1. http://www.tienphong.vn/xa-hoi/606357/Vi-sao-du-an-Thuy-dien-Son-La-vuot-tien-do-ba-nam-tpp.html
    http://www.tienphong.vn/xa-hoi/606147/Dan-vao-cuoc-cuu-cac-dong-song-tpp.html
    http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/526506/%E2%80%9CCoi-noi%E2%80%9D-dap-thuy-dien.html (TT - Với việc tùy tiện nâng cao trình đập thêm 1m, Nhà máy thủy điện Sông Côn 2 sẽ thu thêm khoảng 10 tỉ đồng/năm, đổi lại, hàng trăm hộ gia đình kêu cứu vì mất đất sản xuất và nguy hiểm hơn là câu chuyện về an toàn đập.)

    ReplyDelete
  2. http://kienthuc.net.vn/chuyen-gia/201212/Tiet-lo-gay-choang-ve-xay-dung-thuy-dien-o-VN-1866764/

    ReplyDelete