Thursday, January 31, 2013

Sự thật đau lòng



Hơn cả sự lãng phí
(LĐO) - Chủ nhật 27/01/2013 17:57
30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”-  đó là lời khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
“Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu ''sáng cắp ô đi, tối cắp về'', không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” - ông nói. Với 2,8 triệu công chức đang hưởng lương, thì  con số 30% vô tích sự kia sẽ cho ra một con số cực lớn những người vô tư lĩnh lương trên sự đóng thuế của nhân dân.

Với phát biểu của Phó Thủ tướng, căn bệnh “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, hóa ra ở tầm cỡ quốc gia chứ không chỉ còn là “chuyện nhỏ” ở một địa phương, như Đồng Tháp nữa. Nhắc lại, Báo Tuổi Trẻ có lần dẫn lời Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp nói đến con số 30% “có mặt chỉ để lãnh lương”. Chưa tính đến “30% chỉ cầm chừng” khác.

Đây rõ ràng là một sự lãng phí và bất công. Lãng phí với đồng lương còm chưa bao giờ “đủ sống” mà những đồng nghiệp của họ tháng tháng vẫn phải nhận để đối phó với lạm phát, mà chỉ riêng tháng này đã lên tới 1,25%. Và bất công đối với những đồng nghiệp trẻ.

Những người- nói như Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Đặng Công Luận- “làm việc hết sức hiệu quả, bằng nhiều lần các chuyên viên chính, nhưng chế độ lương, thưởng của họ lại rất thấp, trong khi đó những chuyên viên chính chả làm được bao nhiêu nhưng lại vẫn hưởng chế độ cao, đã thế lại giữ khư khư cái chức (dân gian gọi là cái ghế) làm cho lớp trẻ không phát triển được.”

Nhưng con số 30% “công chức cắp ô”- ngoài sự lãng phí- còn có một hàm nghĩa khác. Nói như cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài : Tôi thấy chúng ta nghèo, nhưng sử dụng nhân lực rất sang. Điển hình trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tôi nghe 70% cán bộ có trình độ sau ĐH làm công tác quản lý cũng băn khoăn. Họ đã được đào tạo chuyên môn sâu, nhưng không làm nghiên cứu khoa học mà đi làm quản lý thì vài năm kiến thức rơi rụng, quá lãng phí.

Giám đốc sở Đặng Công Luận phát biểu: Ở các nước bộ máy họ rất tinh gọn, họ quản lý nguyên cả nhà ga xe điện mà thấy có vài người. Còn riêng hầm Thủ Thiêm chúng ta có một đoạn mà tốn gần cả trăm biên chế.

Cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài: Chúng ta phê phán thái độ của công chức đối với dân vô cảm rồi đặt camera quan sát. Nhưng đó chỉ là vấn đề cảm xúc thôi. Có camera thì công chức tiếp dân sẽ cười tươi với dân, nhưng cười hoài mà nhu cầu của dân không giải quyết được thì cũng vô nghĩa.

Còn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chế độ công chức của chúng ta hiện nay vẫn nặng tính bao cấp. Ông khẳng định, nếu chúng ta không đổi mới chế độ công vụ, công chức thì sẽ thất bại trước nền kinh tế thị trường.

Bộ máy công chức nhà nước đang thiếu. Điều đó đúng. Bộ máy đó cũng đang thừa rất nhiều những ''công chức cắp ô''. Điều đó cũng không sai.

Câu hỏi đặt ra là vì sao cải cách hành chính, đã đi qua một quãng đường dài, rất dài, nhưng số lượng những người hưởng lương lại ngày một lớn?

Hôm qua, lại thêm một vụ lùm xùm quanh chuyện vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y. Ông này bị tố tuyển con dâu vào cơ quan theo “ngạch phục vụ”, nhưng sau đó chị này chĩnh chện ngồi ghế “kế toán trưởng”.
Dường như, vụ việc không hề cá biệt này có ý nghĩa như một câu trả lời.
http://laodong.com.vn/Chinh-tri/Hon-ca-su-lang-phi/100772.bld

1 comment:

  1. TT - Về mặt hành chính, Ban Kinh tế trung ương cũng sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1-2-2013.
    Hôm nay (1-2), dự kiến Bộ Chính trị có quyết định thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do tổng bí thư làm trưởng ban, đồng thời quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 31-1, ông Phạm Anh Tuấn, phó trưởng Ban Nội chính trung ương, cho biết: “Đến hết ngày 31-1-2013, Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN được thành lập theo Luật PCTN (năm 2005) cũng như các nghị quyết và quyết định có liên quan, kết thúc hoạt động theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN. Trong ngày, công việc bàn giao Văn phòng Ban chỉ đạo với nhân sự 86 cán bộ, công chức, nhân viên sang Ban Nội chính trung ương được thực hiện xong và Ban Nội chính trung ương chính thức hoạt động từ ngày 1-2. Ngoài ra, cán bộ, công chức, nhân viên thuộc Vụ Nội chính và Vụ Pháp luật (Văn phòng Trung ương Đảng) cũng có quyết định thuyên chuyển sang Ban Nội chính trung ương”.

    Trả lời câu hỏi hoạt động của Ban Nội chính trung ương có gì mới so với Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN trước đây, ông Phạm Anh Tuấn nói: “Ban Nội chính trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và PCTN. Đồng thời, Ban Nội chính trung ương còn thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN. Như vậy, hoạt động của Ban Nội chính trung ương sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ nêu trên và đó chính là các điểm mới”.

    Cũng theo ông Tuấn, khác với trước đây có ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh, lần này ở địa phương không tổ chức ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về PCTN. Các tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo trung ương về PCTN khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Ban Chấp hành trung ương đã giao Bộ Chính trị xem xét, quyết định cụ thể việc lập ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy để tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính và công tác PCTN.

    * Chiều qua, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Thạch, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết về mặt hành chính Ban Kinh tế trung ương cũng sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1-2-2013 và dự kiến sớm có lễ ra mắt trong những ngày tới. Số lượng cán bộ, công chức, nhân viên ban đầu của Ban Kinh tế trung ương khoảng 30 người, bao gồm cả cán bộ, công chức từ Vụ Kinh tế và Vụ Xã hội từ Văn phòng Trung ương Đảng chuyển sang.

    Theo ông Thạch, Ban Kinh tế trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.

    ReplyDelete