Nhóm yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên (SCT)
Mới đây, ngày 18/01/2013, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với TKV về việc vận chuyển than đá, hóa chất và alumin qua quốc lộ (QL) 20; QL51; tỉnh lộ ĐT769 thuộc tỉnh Đồng Nai. Tuyến vận tải này đáng lo nhất là cầu La Ngà (Km35+707) trên QL 20 chỉ cho phép xe có tổng trọng tải cao nhất đến 23 tấn đi qua. Tuy nhiên, đại diện TKV vẫn cho rằng về mặt kỹ thuật thì các xe vận chuyển trọng tải 40 tấn đều được.
Hình 1: Biển báo trọng tải đầu cầu La Ngà hướng từ Biên Hoà lên.
Hình2: Biển báo, hướng từ Đà Lạt về, sau khi sửa từ 25t xuống 23t.
Sau nhiều lần duy tu, sửa chữa và do cầu đang xuống cấp, từ tháng 4/2012, Khu Quản lý đường bộ VII thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thay tải trọng chịu lực của cầu La Ngà từ 25 tấn xuống còn 23 tấn.
Cũng theo TKV, khi nhà máy ở Tân Rai-Bảo Lộc vận hành đạt công suất thiết kế 600.000 tấn/năm, sẽ có khoảng 300 lượt xe/ngày qua lại trên các QL20, QL51 và tỉnh lộ ĐT769 với trọng tải xe hơn 40 tấn. Trong 6 tháng vừa qua, TKV đã vận chuyển được 13.000 tấn xút và 30.000 tấn than, từ cảng Gò Dầu lên Bảo Lộc, trung bình vận chuyển khoảng 5-6 xe/ngày.
Xin gửi những tấm ảnh mới nhất của Câu lạc bộ nhiếp ảnh Đồng Nai tới những nhà khoa học trường Đại học Giao thông, các Bộ, Ban, Ngành… có liên quan cùng một số câu hỏi, mong được quan tâm và sớm trả lời thỏa đáng, công tâm, minh bạch:
1. Ngành Giao thông khi nói về tải trọng có câu: "cầu nhân ba; phà nhân đôi" nghĩa là cầu La Ngà có thể chịu tải tới 23*3=69 tấn (hệ số dự trữ k=3)!??
Xin hỏi: Thực sự hiện nay cầu La Ngà này chịu được tải trọng bao nhiêu? Cự ly giãn cách xe như thế nào? Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm định và công bố kết quả? Ai có thể ra quyết định cho phép phương tiện có tổng trọng tải của phương tiện trên mức 23 tấn qua cầu?(Hình 3)
Hình 3: Toàn cảnh thân cầu nhìn từ bờ phía La Ngà sang Định Quán.
2. Cuối tháng 8/2011, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cấp sửa chữa đường phục vụ vận chuyển bô-xít Lâm Đồng khi chưa có cảng Kê Gà. Theo đó, TKV và Bộ GTVT thống nhất dùng xe 25 tấn vận chuyển bô-xit (hiện TKV dùng xe tải trọng 40 tấn và 25 tấn để vận chuyển). Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai sớm các dự án sửa chữa, cải tạo tuyến ĐT 725, ĐT 769, và yêu cầu TKV ứng vốn cho Sở GTVT Lâm Đồng và Đồng Nai. Trường hợp TKV chưa bố trí được vốn, đề nghị Thủ tướng cho triển khai theo hình thức BT, TKV cam kết trả sau cả gốc và phần lợi nhuận hợp lý. Với tiểu dự án QL 20, Bộ đề nghị Chính phủ giao TKV ứng trước vốn để Tổng cục Đường bộ (TCĐB) gia cường sớm hai cầu yếu La Ngà và Gia Đức. Bộ GTVT cũng cho phép TCĐB lập trạm cân kiểm tra trọng tải xe tại Bảo Lộc để kiểm soát trọng tải xe.
Xin hỏi: Các loại xe đầu kéo (Freightliner) cùng rơ-mooc chở than đá, alumin, bồn chứa hóa chất… như hình 4, hình 5 và hình 6 đưới đây có tổng trọng tải bao nhiêu tấn?
Hình 4: Xe đặc chủng (22 bánh) vận chuyển cho Dự án Bô-xít trên QL20.
Hình 6: Một ga-ra cạnh QL20, tập kết phương tiện vận chuyển đường bộ
3. Hiện nay, việc sửa chữa QL20 rất chậm và chỉ mang tính chắp vá. Chưa thấy tiến hành sửa chữa các cầu (nhất là cầu La Ngà) và trạm cân kiểm tra trọng tải xe tuyến QL20.
Xin hỏi: Khi nào thì việc nâng cấp cầu, đường đáp ứng xe trọng tải lớn của Dự án Bô-xit sẽ hoàn thành? Nếu cầu La Ngà như hiện nay mà xe tải trọng lớn chạy cấp tập gây sự cố thì ai chịu trách nhiệm?
Đã có nghiên cứu, dự báo tình trạng và các phương án dự phòng cho an toàn giao thông tuyến vận chuyển cho Dự án Bô-xít qua Đồng Nai như thế nào?
Hình 7: Nâng cấp QL20 đoạn qua huyện Định Quán.
Hình 8: Một đoạn QL20 đang được mở rộng, nâng cấp.
Mong các nhà khoa học và những người có trách nhiệm trả lời người dân Đồng Nai càng sớm càng tốt. Không để các tai nạn giao thông gia tăng trên tuyến đường này.
(Ghi chú: Các hình trong bài do HV Câu lạc bộ nhiếp ảnh Đồng Nai cung cấp)
SCT
No comments:
Post a Comment