Saturday, January 12, 2013

Chính thức ra quân chương trình “Hành động vì Hạ Long” tại Hà Nội (Có ảnh VQG Cát Tiên)

Nhìn những hoạt động hồn nhiên không vụ lợi của giới trẻ VN và trên 100 bạn trẻ thế giới tại KS Hồng Hà đêm qua, tôi hiểu rằng đã đến lúc, không kẻ nào có đủ sức mạnh thôn tính, đàn áp dân tộc này.
KTS Trần Thanh Vân
Bàu Sấu - Cát Tiên, một trong khoảng năm chục bức ảnh được triển lãm trong Chương trình Action For Ha Long

6 giờ rưỡi tối ngày 10/01/2013 tại khách sạn Hồng Hà, Hà Nội, đã diễn ra tiệc chào mừng 150 tình nguyện viên trong nước và quốc tế từ khắp bốn phương (gần 40 nước) tụ họp về đây tham gia vào chương trình “Hành động vì Hạ Long” nằm trong chuỗi chiến dịch bảo vệ môi trường các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tại Việt Nam.
Để gây không khí hào hứng, ngay trước giờ đón khách, gần 100 bạn tình nguyện viên trong nước và quốc tế đã tập trung bên ngoài khách sạn Hồng Hà, cùng hô vang các khẩu hiệu và hát các bài hát bảo vệ môi trường. Tiếng hô sang sảng và lời ca ấm áp cất lên, làm cho cái lạnh gay gắt của Hà Nội như cũng bị xua bớt đi nơi khoảng không trước ngôi lầu khách sạn mới tu bổ khang trang nhìn ra đường Trần Quang Khải.
Trước đó nữa, liền trong vài ba ngày kế cận, nhiều hoạt động cũng đã diễn ra sôi nổi với sự hưởng ứng nhiệt tình của các tình nguyện viên. Sáng ngày 10/01, triển lãm “Vì màu xanh Hạ Long” đã đem đến một cái nhìn toàn cảnh về kỳ quan Hạ Long. Triển lãm được trình bày theo hình thức tương phản với những thước ảnh sống động của nét đẹp Hạ Long, đối lập với những hình ảnh ghi lại những hoạt động gây ô nhiễm môi trường và hậu quả của nó.
Tại cuộc triển lãm, nhiếp ảnh gia Trần Thanh Sang đang chia sẻ với TS. Đào Trọng Tứ ý nghĩa và các khoảnh khắc thực hiện những bức hình mà ông tâm đắc.
Chị Nguyễn Thị Phượng,  Tổng Giám đốc Chương trình “Hành động vì Hạ Long”, có mặt nơi tiền sảnh khách sạn Hồng Hà cùng với hai hàng thanh nữ với những bó hoa trong tay và nụ cười niềm nở đón khách. Ngoài 150 tình nguyện viên, tham dự buổi ra mắt Chương trình còn có nhiều vị khách quý, các chuyên gia đầu ngành về môi trường, về địa chất, về nguồn nước, các nhà văn hóa có tên tuổi, đại diện một vài tổ chức bảo vệ di tích văn hóa nổi tiếng: GS. Nguyễn Trường Tiến, GS. Nguyễn Huệ Chi, KTS. Trần Thanh Vân, TS. Đào Trọng Tứ, nhiếp ảnh gia Trần Thanh Sang chuyên chụp ảnh về môi trường đất nước, nhà thơ Dương Thuấn, Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Bộ CA, nay là Chủ tịch Quỹ tu bổ đền Hùng, ông Lê Kim Thắng, doanh nhân, nguyên Giám đốc hãng kem Tràng Tiền, nay là Phó Chủ tịch Quỹ tu bổ đền Hùng... cùng các nhà tài trợ chính cho chương trình, như ông Quốc Tuấn đại diện Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và kết nối doanh nghiệp C&C, các vị lãnh đạo khách sạn Hồng Hà (những người niềm nở và tận tình, đến tận từng bàn tiếp xúc thân mật với khách): Ông Nguyễn Trung Hải (Giám đốc), Lê Bắc (Phó GĐ), Mr Pierre Olivier Mailliard và bà Kate Nguyễn Tú Anh (Bộ phận Marketing)…
Hầu như tất cả những người đến đây đều có chung tâm nguyện vì cuộc đấu tranh cho một thiên nhiên sạch đẹp ở Hạ Long cũng như nhiều nơi khác tại Việt Nam như Tam Đảo, Cát Tiên, Sa Pa, Đà Lạt, Tây Nguyên, Phú Quốc… vốn là những tài sản vô giá mà Việt Nam được trời ban tặng, nhưng do tầm nhìn quá thiển cận, người ta đang để cho không ít cái lợi kinh tế trước mắt làm hư hỏng đến khó lòng cứu vãn.
Ấy thế mà khi vừa bước chân qua hai cánh cổng khách sạn, vị khách nào cũng không khỏi sửng sốt bất ngờ bởi một một không khí đầy náo động và hồn nhiên khác thường, do tuổi trẻ khắp nơi hội tụ về đây đang tình nguyện dấy lên, không phải bắt nguồn từ một lệnh chỉ nào truyền bảo như cung cách mà người ta vẫn thấy. Những ánh mắt nồng nhiệt, vô tư, những việc làm vô vụ lợi của họ khiến các bậc tuổi tác không ai không vui mừng cảm động. Người nào cũng hào hứng trao đổi với nhau về một đêm gặp gỡ lý thú, nói lên sự gắn kết giữa những người cùng thế hệ ở trong và ngoài nước, một sự gắn kết tự nguyện mà keo sơn thân thiết, với bản lĩnh kiên cường, tinh thần vượt khó vượt khổ, và lòng yêu thiên nhiên vô tận không chỉ dành riêng cho một địa phương nào mà cho bất cứ nơi nào là kho báu tự nhiên trên thế giới đang có cơ nguy bị con người xâm hại, thật ứng với câu “Đâu có giặc / giặc tàn phá môi trường / là ta cứ đi…”
GS. Nguyễn Trường Tiến đang trò chuyện với KTS Trần Thanh Vân...
GS. Nguyễn Trường Tiến đang trò chuyện với KTS Trần Thanh Vân…
Và lần này KTS Trần Thanh Vân lại “rôm rả” với ông Lê Kim Thắng, trong khi GS. Nguyễn Trường Tiến thì tranh thủ quay sang nói đôi điều tâm đắc cùng GS. Nguyễn Huệ Chi...
Và lần này KTS Trần Thanh Vân lại “rôm rả” với ông Lê Kim Thắng, trong khi GS. Nguyễn Trường Tiến thì tranh thủ quay sang nói đôi điều tâm đắc cùng GS. Nguyễn Huệ Chi…
Và rồi, lễ khai mạc bắt đầu. Nhiều khuôn mặt trẻ trung đĩnh đạc lần lượt bước lên diễn đàn, phát ngôn bằng hai thứ tiếng Anh hoặc Việt, trước hết là những tình nguyện viên đến từ Á, Âu, Mỹ… Họ tự giới thiệu mình để người bên cạnh biết rõ về thân thế họ. Họ tự cởi lòng mình ra để kết mối đồng tâm với những người mình lần đầu làm quen và tự nguyện sẽ chung sống lâu dài, no đói có nhau, miễn đạt được mục tiêu làm sạch môi trường nơi mai đây họ sẽ cùng nhau tìm tới. Họ vui lòng hiến dâng sức lực để giữ lấy bất cứ đâu cái lá phổi của nhân loại, mà trước mắt là cảnh đẹp đến mê hồn nếu ngắm tổng quan song lại gần thì đầy rác bẩn đến khiếp sợ như một Hạ Long của Việt Nam.
Tiếp theo họ, TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển tài nguyên Nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), phát biểu. Là một chuyên gia về nguồn nước, ông kêu gọi toàn thể cử tọa hãy nghĩ đến nước, cái không thiếu được cho con người không khác gì không khí, nhưng cũng là cái đang có nguy cơ cạn kiệt, vì nhiều dòng sông đang bị các đập thủy điện cắt khúc làm vỡ vụn và đang chết dần, chết hẳn (sông Hồng, sông Cửu Long, các con sông miền Trung...), hoặc đã và đang bị con người san lấp vô tội vạ để xây nhà ở, làm đường sá mà không biết rằng làm thế chính là một cách hủy hoại sự sống vốn có trong hàng nghìn năm của chính mình, mặc dù trong điều kiện kinh tế hiện nay làm thế nhiều khi cũng là bất khả kháng (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu...). Những con sông chính là lịch sử nhân văn của một nước hay nhiều nước. Những con sông sẽ chết thì không chết trong một hai năm mà trong hàng trăm năm nên con người bình thường ít khi nhận ra và quan tâm đúng mức đến cái chết đau thương của chúng. Sông chết thì con người không còn nước để uống, để tắm giặt và tưới cho lúa và hoa màu sinh trường, không còn cá, không còn điều kiện giao lưu thuận tiện bằng thuyền bè. Sông chết thì biển vẫn còn nhưng biển sẽ rất buồn. Những người tình nguyện vì môi trường chúng ta đừng quên đánh động nhân dân bằng mọi cách hữu hiệu nhất cứu lấy những con sông.

GS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch hội cơ học địa chất Việt Nam, thành viên Viện hàn lâm Kỹ thuật và công nghệ Châu Á, cố vấn nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên, cũng bước lên, bằng giọng nói hết sức vang động, hoan nghênh tuổi trẻ thế giới đến với Việt Nam. Ông dùng chữ “chúng ta”, coi mình cũng là một trong số 150 người trẻ đang ở ngay trước mặt, tự khẳng định rằng có một tương lai bất định đang đón đợi chúng ta, có được hạnh phúc để hưởng nó hay không chính là do bàn tay và khối óc của chúng ta quyết định: biết loại trừ mọi sự tàn bạo đối với môi trường, biết nâng niu sự sống của chim muông hoa cỏ xung quanh mình, biết lắng nghe lời kêu cứu thầm lặng mà khẩn thiết của thiên nhiên ở đâu đó xa hay gần để kịp thời có mặt và cứu lấy những gì còn cứu được. Và những cái “biết” ấy không phải là một mệnh lệnh ở đâu xa nữa mà đang hiện diện rõ ràng trước mắt – đó là chính là tuổi trẻ, là thanh niên, là 150 anh chị em đúng “tứ hải giai huynh đệ”, với cái nghĩa vụ tự nguyện biến một tương lai bất định thành tương lai cho ta.

Với giọng nói sôi nổi không kém gì GS. Nguyễn Trường Tiến, nhiếp ảnh gia Trần Thanh Sang, người từng được giải đồng quốc tế về một bức ảnh đặc tả cảnh bắt cua đồng ở một vùng quê Việt Nam, chiếm lĩnh diễn đàn ngay sau đó, lên tiếng tâm sự với mọi người về con đường đưa ông đến với công việc làm những bức ảnh phóng sự nóng bỏng về môi trường đất nước đang bị hủy hoại từng ngày, một công việc không kém gian nan nhưng cũng đầy hứng thú mà ông đã không thể rời bỏ nó vì thấy nó đáp ứng cái ý nghĩa sống lớn nhất của cuộc đời ông. Ông đã cho chiếu lên màn ảnh rộng để cử toạ nhìn tận mắt những bức ảnh ông mới chụp gần đây nhất, những bức ảnh cũng vẫn theo thủ pháp sóng đối tương phản về một Hạ Long kỳ vĩ và về một Hạ Long lềnh bềnh những bao nylon, rác bẩn, xương súc vật... ùn ùn tích lại thành đống ngay dưới chân những nơi kỳ vĩ ấy, những bức ảnh mà bất kỳ ai thoạt xem đến cũng không khỏi rùng mình cho một tương lai u ám của một kỳ quan gọi là Hạ Long. Và cũng là những bức ảnh biết nói, biết lên tiếng gọi đàn, chính nó đã góp phần quan trọng gọi những con người tâm huyết ở mọi phương trời, bỏ hết mọi công việc của họ tìm đến Việt Nam...

Trước khi vào bữa tiệc buffet thân mật, mọi người tràn hẳn lên sân khấu nói to lên với nhau những điều đã ấp ủ bao lâu mà chưa được nói ra, vì thời gian dành cho việc đăng đàn quá eo hẹp, những lời hứa chung tay nhau vì sự sống còn của môi trường mà dấn thân không tiếc sức. Rồi chừng như chưa thỏa, họ lại tiếp tục hát với nhau những khúc hát ca ngợi môi trường nhưng người nghe thấy rộn ràng như những khúc tình ca, những khúc ca làm trái tim đập mạnh hơn, bước chân nhanh hơn, và sự ấm áp bỗng nhiên lan tỏa, dù ngoài kia Hà Nội đang xuống đến gần 10 độ.

Tuệ Phương – Thái Bình

Phó tổng giám đốc Cty C&Cvà Bích Hồng Rosy

Đội quốc tế họp khá căng thẳng về công tác tổ chức










Thái Bình hướng dẫn nhà thơ Dương Thuấn thăm ảnh VQG Cát Tiên

Đoàn tình nguyện viên trẻ đa quốc gia


Nhiếp ảnh gia Trần Thanh Sang và TS Đào Trọng Tứ

Bên ngoài thềm KS Hồng Hà, số 204 Trần Quang Khải, Hà Nội

GS Trường Tiến giao lưu cùng bạn trẻ





Các tiết mục Văn nghệ của các tình nguyện viên trẻ




Thái Bình & Bích Hồng, Ban tổ chức

Make It Greener, Make It Cleaner, Make It Last, Make It Fast & Do It Now!
(Hãy làm cho Xanh hơn, Hãy làm cho Sạch hơn, Hãy làm Sống mãi, Hãy Thực hiện Nhanh, và hãy Làm Ngay!)






Quốc Tuấn (C&C), Nhà thơ Dương Thuấn, Bích Hồng, Quang Long


Thái Bình, Quốc Tuấn (C&C), Nhà thơ Dương Thuấn, và Bích Hồng


4 comments:

  1. Dẫn lời KTS Trần Thanh VânJanuary 12, 2013 at 3:41 PM

    KTS Trần Thanh Vân viết nửa đùa nửa thật: "Vâng. Tôi đề nghị anh Huệ Chi bổ sung thêm vài câu nói về KS Hồng Hà, nơi diễn ra sự kiện tối hôm 10/1/2013 như sau: KS Hồng Hà, đơn vị tài trợ chính cho hoạt động tình nguyện sự chăm sóc hậu cần thật chu đáo.
    - Ông giám đốc người Pháp ...... phát biểu rất hăng hái cả 3 thứ tiếng Anh, Pháp và mấy câu tiếng Việt lơ lớ nhưng đáng yêu.
    - Ông Phó giám người Việt ..... thì đến từng bàn chạm cốc với quan khách và hứa sẽ phục vụ "miễn phí" cho mọi người ân cần chu đáo, cho dù đưa ai đến vẫn đảm bảo bí mật hoàn toàn" :)

    ReplyDelete
  2. http://disanxanh.cinet.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=61149&sitepageid=30#

    ReplyDelete
  3. Chào các ACE, xin phép cho tôi được viết tên đầy đủ nhé: Mr Pierre Olivier Mailliard
    Cảm ơn các ACE
    Lê Bắc - Phó Giám Đốc khách sạn Hồng Hà

    ReplyDelete
  4. Tin mới:

    TNMT - Tình nguyện vì màu xanh Vịnh Hạ Long

    http://www.tainguyenmoitruong.com.vn/moi-truong--cuoc-song/tinh-nguyen-vi-mau-xanh-vinh-ha-long-.html

    ReplyDelete