Monday, January 28, 2013

Hãy nhớ 21 triệu người sử dụng nước từ lưu vực sông Đồng Nai

Thứ tư 23 Tháng Giêng 2013
Siêu marathon xuyên Việt vì « Nước sạch »

Ông Pat Farmer (hàng đầu, thứ 2 trái qua) trên đoạn cầu Thuận Phước (Đà Nẵng), với một số người chạy cùng và các cổ động viên.
Ảnh : http://www.baodanang.vn
Tại Việt Nam vừa diễn ra một sự kiện đáng chú ý trong đời sống cộng đồng. Đó là cuộc chạy siêu marathon dọc Việt Nam mang theo thông điệp "Vì nước sạch cho dân nghèo Việt Nam", với các mục tiêu chính là phổ biến các hiểu biết và khơi dậy ý thức bảo vệ nước sạch, và đặc biệt là vận động quyên góp tiền cho các dự án nước sạch của Hội Chữ thập đỏ Úc tại Việt Nam, qua các hợp tác với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Cuộc chạy đua siêu marathon dọc Việt Nam được sự tham gia của hai vận động viên. Ông Pat Farmer, cựu nghị sĩ - vận động viên nổi tiếng người Úc - từng chạy từ Bắc cực đến Nam cực (Pole to Pole Run) với hơn 21.000 km cách đây một năm, để gây quỹ cho các chương trình nước sạch của Hội Chữ thập đỏ quốc tế -, và một vận động viên nghiệp dư là anh Mai Nguyễn Đình Huy, một du học sinh Việt Nam tại Úc.
Cuộc marathon xuyên Việt hơn 3.000 km được khởi đầu vào ngày 10/12/2012 tại kilomet số 0 thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) xuyên qua 30 tỉnh và thành phố Việt Nam, và kết thúc vào ngày 18/01/2013 tại mũi Cà Mau, cực Nam đất nước. Gắn một sự kiện thể thao với các hoạt động từ thiện nhân đạo vốn là một điều không hiếm trong thời gian gần đây tại Việt Nam, tuy nhiên quy mô của sự kiện « Nối liền một dải Việt Nam » là chưa từng thấy. 
Sự kiện thể thao vì cộng đồng hy hữu này được thực hiện chủ yếu với sự tài trợ của Phòng thương mại và Công nghiệp Châu Á tại Úc (ASIAN Chamber of Commerce & Industry), mà chủ tịch là luật sư Nguyễn Hoàng Tranh. Sự kiện này đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền nhiều tỉnh và thành phố Việt Nam.
Trong tạp chí Cộng đồng của RFI tuần này, chúng tôi xin chuyển đến quý thính giả tiếng nói của ông Lý Đợi, một thành viên trong ban tổ chức sự kiện này, và các chia sẻ của anh Mai Nguyễn Đình Huy, người đã cùng chạy với đại sứ thiện chí của Hội chữ thập đỏ Úc Pat Farmer suốt gần 3.000 km.
Phần phỏng vấn các ông Lý Đợi và Mai Nguyễn Đình Huy (Sài Gòn)

23/01/2013

Ấn tượng lớn nhất : Sự tham gia của những người bình thường nhất
Lý Đợi : Chúng tôi đã đi hai ngày bằng mô tô nước, từ Năm Căn lên Cần Thơ, và từ Cần Thơ về Sài Gòn, kết thúc vào chiều ngày 17/01. Thực sự là, khi đi ở dưới sông, chúng tôi mới biết rằng cái mục đích của chương trình mình nó thêm ý nghĩa, dù việc dưới sông là việc phụ, trên bờ mới là chính. Đi mới thấy sông bị ô nhiễm, rác rưởi ném xuống sông. Càng thấy ý nghĩa của chương trình là thiết thực, thấy việc mình làm không uổng công.(...)
Ấn tượng lớn nhất là những người dân, những người dân bình thường nhất, từ những cụ già, em bé, những người bị thương, những người bị bệnh. Có nghĩa là mọi tầng lớp, những người dân bình thường nhất người ta đã đến với chương trình này, với một cái niềm vui khó mà diễn tả hết. Có người thì chạy theo cho chúng tôi một nải chuối, có người chạy theo tặng Pat Farmer một hoa hồng màu vàng, có người chạy theo để hôn ông Pat Farmer… Có một em bé bị gãy tay chạy theo, có một cụ già 70 tuổi cũng chạy theo để cổ vũ cho chương trình. Đó là một điều rất xúc động.
Theo ước đoán của tôi, có khoảng 20.000 người, trong đó có các vận động viên chuyên nghiệp, không chuyên, và đặc biệt là phần đông là người dân đã chạy theo chương trình, trong suốt 40 ngày. Có người chạy một cây số, một trăm mét, vài cây số, có người 20, 30 cây số, có người vài trăm cây… 20 nghìn con người đó là một cảm xúc rất khó tả. Vì tôi không nghĩ rằng, mọt chương trình bình thường như chúng tôi mà đã được khoảng 20 nghìn người dân trên khắp mọi miền đất nước đã ủng hộ.
Cái thứ hai, tôi cũng nói vui là, khi biết chương trình vì nước sạch, thì nhiều người nói rằng, nhờ chương trình mà họ ý thức được hơn về sự quan trọng của nước. Họ tự hứa, họ nói với chúng tôi là từ nay chúng tôi sẽ cố gắng giữ cho nguồn nước sạch, và xài nước tiết kiệm hơn, không phung phí cho những việc như rửa xe, tưới cây…
Thay đổi thói quen là không dễ, nhưng đã có nhiều người hiểu ra
Một điều cuối cùng nữa là, đây không phải là hành trình của ông Pat Farmer hay bạn Mai Nguyễn Đình Huy, mà đây là một hành trình tự mỗi con người, qua hành trình này, cảm thấy có trách nhiệm. Như bản thân tôi là người rất ghét chạy, thì đã ngày nào cũng chạy nửa cây số, một cây số. Có những người không thể chạy, vì thân thể rất to, họ cũng chạy. Ngay trong ban tổ chức, ngay cả luật sư Nguyễn Hoàng Tranh, có ngày chạy 30 cây số, 10 cây số… Bản thân cái chương trình chúng tôi làm không chỉ để tác động đến cộng đồng không, mà tự chương trình cũng tác động đến chúng tôi. Điều đó tôi rất lấy làm vui, và xúc động.
RFI : Xin anh cho biết các biện pháp của đoàn trong việc tuyên truyền về vấn đề nước sạch, và làm thế nào để đoàn có thể vừa chạy như vậy, lại vừa làm được việc tuyên truyền ?
Lý Đợi : Chúng tôi biết rằng, để thay đổi được thói quen, ý thức của con người về bất cứ vấn đề gì, cũng không phải là việc một sớm một chiều. Chúng tôi xác định chương trình này như là một cái gì đó gợi hứng, một cái gì đó như « một tiếng chuông nhỏ » đánh lên, giữa trời đất rộng bao la. Chắc là những người nghe được cũng chẳng được. Nhưng rõ ràng, đã có những người nghe được và họ đã chia sẻ với chúng tôi.
Ví dụ như, có một cụ già bán cafe và hủ tiếu ở Cần Thơ, trước khi chúng tôi đi qua, cụ đã quét rác xung quanh nhà và đốt. Khi chúng tôi tình cờ ghé uống cafe, thì hỏi tại sao lại làm như vậy. Cụ trả lời, thấy trên tivi có một người bên Úc qua đây chạy để bảo vệ nước sạch cho Việt Nam, tôi là người Việt Nam lâu nay ở đây cứ ném rác dưới sông, thấy người Úc giúp mình như vậy, tại sao mình không có giúp mình. Đó là một câu chuyện rất là riêng tư.
Thực sự để cải biến được một cái gì đó đều rất khó. Nhưng đã có những con người như vậy, thì chúng tôi rất là vui. Thứ hai là, chúng tôi xác định đây là một chương trình lâu dài, chứ không phải kết thúc 40 ngày này là xong. Chúng tôi muốn kết hợp với Hội Chữ thập đỏ Úc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và những người khác để làm chương trình lâu dài. Trong tương lai, sẽ có những chương trình kế theo, để cho người ta thấy vấn đề nước sạch không phải riêng của Việt Nam, không phải riêng của hôm nay, mà đó là tương lai của con người nói chung. Và việc ô nhiễm nước nói chung sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và an ninh lương thực của thế giới chúng ta trong nhiều thập niên tới.
Mỗi tỉnh thành ở Việt Nam một ứng xử riêng
RFI : Xin anh cho biết các khó khăn trong cuộc hành trình vừa qua.
Lý Đợi : Nói chung thì khó khăn thì rất nhiều. Thực sự là mỗi tỉnh thành ở Việt Nam có một cách ứng xử khá đặc thù. Thành ra, có những tỉnh thì người ta rất là chào đón chúng tôi. Người ta đã chủ động, ví dụ như tỉnh Bình Thuận đã huy động 3.000 người ra đón tiếp chúng tôi và đưa chúng tôi đi. Hay là ở Quảng Ninh, chúng tôi đã có một lễ xuất phát, mà có thể dùng cái chữ « hoành tráng », tôi rất ghét dùng chữ này lắm, nhưng thực sự rất hoàng tráng. Người ta đã huy động 2.000 – 3.000 người, có một đội mô tô chuyên nghiệp, cảnh sát dẫn đường. Người ta đã huy động tổng lực tất cả những gì người ta có. Người ta đã chủ động nhận tờ rơi, chủ động tuyên truyền trên mọi phương tiện.
Cái khó khăn lớn nhất của chương trình này là chúng tôi không đủ thời giờ và kinh phí, để có thể làm được nhiều hơn điều mình mong muốn. Thí dụ, thay vì thả 20.000 – 30.000 tờ rơi, thì nếu được, chúng tôi muốn có được một đội thả tờ rơi trước, và thả hàng triệu tờ ở khắp mọi nẻo đường. Hay chúng tôi muốn có nhiều tiền hơn, để các cơ quan truyền thông quốc tế, trong nước có thể tham gia tác nghiệp nhiều hơn. Đó là khó khăn trực tiếp.
Còn khó khăn gián tiếp, khó khăn khách quan là : Không phải ai cũng nghĩ là chương trình này là vì mục đích tốt đẹp. Người ta vẫn nghĩ là chương trình có một mưu cầu gì đó ở phía sau, thành ra… cũng có gây nhừng khó khăn, trở lực. Vì thế khiến cho thời gian của chúng tôi vốn đã ít, hàng ngày chúng tôi xuất hành từ 6 giờ sáng, và đến nơi là khoảng 5, 6 giờ chiều, có ngày là 6, 7 giờ tối, nên rất ít thời giờ. Vì đến 40 ngày nên nhiều chuyện quá, không thể kể hết ra được.
Có điều tôi thấy rằng, càng về sau khi chương trình đi vào kết thúc, khi thông tin được nhiều nơi biết, khi chúng tôi đi vào miền Nam, thì thứ nhất là họ phóng khoáng, thứ hai là họ đã được các thông tin, nên càng về sau chương trình diễn ra càng dễ dàng hơn, và người dân có những cảm thông chia sẻ với chúng tôi nhiều hơn. Chứ những ngày đầu tiên, khi chúng tôi rời Quảng Ninh, để đi Hải Dương, Thanh Hóa, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, từ khách quan đến chủ quan, cũng như thái độ của người dân ở khu vực miền Bắc, người ta đã miệt thị, người ta đã chửi chúng tôi, giống như là những người « ăn hại », những người « lấy tiền nhà nước để tiêu xài », lợi dụng chương trình này, chương trình nọ để « tiêu tiền của nhân dân »… Người ta đã chửi chúng tôi rất nhiều về những chuyện như vậy. Vì họ không đủ thông tin để họ biết rằng, đây là một chương trình từ thiện, tiền túi của một công ty, của những cá nhân, chứ không phải tiền của Nhà nước. Tất cả những cái đó rồi cũng qua, và người ta chia sẻ được.
Biến mơ ước "viển vông" thành hiện thực
RFI : Anh có thể cho biết vì sao ông Farmer đã chọn Việt Nam ?
Lý Đợi : Tháng 1/2012, khi ông Pat Farmer thực hiện thành công cuộc chạy từ Bắc cực đến Nam cực, thì bạn Mai Nguyễn Đình Huy, du học sinh ở Úc, có email và đến gặp ông và nói rằng, tôi muốn ông qua Việt Nam chạy từ Bắc đến Nam, và cho tôi chạy cùng ông. Rồi ước mơ đó đã đến được với anh Nguyễn Hoàng Tranh, Phòng thương mại và Công nghiệp Châu Á tại Sydney, cũng là giám đốc hãng luật East West Lawyers, và cô Tiffany Nguyễn. Hai người này thấy đây là một ước mơ, tuy nó hơi « điên rồ », hơi viển vông. Nhưng hai người cũng muốn thực hiện, về Việt Nam… Rất may mắn là, dù có nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã vượt qua được bằng những giấy phép và những quyết định, mà theo tôi là rất là sáng suốt và rất là tốt đẹp, từ chính phủ và nhà cầm quyền Việt Nam để họ cấp phép cho chúng tôi làm vấn đề này một cách suôn sẻ. Và chúng tôi thực sự cũng đã được sự hỗ trợ rất là đắc lực qua nhiều tỉnh thành.
Bản thân anh Nguyễn Hoàng Tranh, là một luật sư, cũng nói rằng, bản thân việc này là một đầu tư chẳng sinh ra lợi nhuận gì. Một chương trình từ thiện ở Việt Nam này chẳng giúp gì cho công ty của anh ấy ở Úc hết. Ảnh là một đứa trẻ rời Việt Nam từ năm 13 tuổi, bây giờ anh ấy là một luật sư tương đối thành công tại Sydney, thì anh ấy muốn gợi hứng cho các bạn trẻ ở Việt Nam, nếu có ước mơ, thì hãy nhìn vào Pat Farmer, hãy nhìn vào Mai Huy… những người đã rất kiên nhẫn trên từng đường chạy, từng bước chân của mình. Bởi vì tất cả mọi người đều có ước mơ, nhưng không phải ai cũng có đủ kiên định để thực hiện. Thì, chúng tôi muốn là gợi ra như vậy, để trong tương lai, giới trẻ có những Pat Farmer, những… trong tương lai, trong mọi lĩnh vực, chứ không chỉ trong thể thao. Từng mỗi con người đều có giá trị của mình, điều quan trọng là, chúng ta hãy tự hỏi mình, là « mình có ước muốn gì, ước mơ gì mà mình muốn thực hiện », thì sẽ rất là tốt. Đây không phải là câu nói của tôi, mà của Pat Farmer.
Ai cũng một nụ cười trên môi
RFI : Xin chào anh Mai Huy, xin anh cho biết những ấn tượng chính của anh trong chương trình marathon xuyên Việt.
Mai Nguyễn Đình Huy : Ấn tượng đầu tiên của Huy là nước Việt Nam của mình rất là đẹp. Cái cuộc chạy này là một cơ hội rất hiếm có, vì Huy cũng chưa bao giờ đi được chiều dài của toàn đất nước Việt Nam. Bắt đầu từ Móng Cái qua tỉnh Quảng Ninh, ở đó có một mỏ than, nó rất dơ, nhưng chỉ cách Quảng Ninh chừng 20 km là tới ngay vịnh Hạ Long, Mà vịnh Hạ Long lại là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Huy thấy là ngành công nghiệp than tạo ra nguồn thu cho đất nước. Mà cái nguồn thu này cũng có thể được dùng để bảo trì vịnh Hạ Long và làm sạch đất nước Việt Nam.
Một cái nữa mà Huy thấy là con người Việt Nam rất là thân thiện. Bởi vì, lúc nào, chạy qua đâu, cũng thấy người dân ra coi, lúc nào cũng vẫy tay, và lúc nào cũng có một nụ cười trên môi. Cái đấy Huy để ý là từ ngoài Bắc vô tới Nam. Có một kỷ niệm mà Huy muốn kể là, khi Huy vừa chạy ra khỏi Hà Nội, thì có một em bé chạy theo, trên tay có hai trái quýt, một trái cho ông Pat, một trái cho Huy. Đó là một kỷ niệm Huy đã nhớ từ đầu, để lại cho Huy ấn tượng sâu nhất về con người Việt Nam.
90% sức mạnh là ý chí và tình cảm
RFI : Vốn không phải là vận động viên chuyên nghiệp, làm thế nào anh có thể vượt qua được một thử thách lớn như vậy, trong cuộc marathon vừa qua ?
Mai Nguyễn Đình Huy : Khi bắt đầu Huy chạy là từ cách đây hai năm. Huy có một ước muốn là, cho thế giới thấy là, giới trẻ Việt Nam, khi đã nghĩ được, và dấn thân, hy sinh, biến ước mơ thành hiện thực. Đấy là nguồn sức mạnh, khiến Huy ngày nào cũng ra đường để chạy.
Chạy như vậy 90% là ý chí, chỉ có 10% là cơ thể của mình thôi. Ví dụ như, ngày nào ra chạy Huy cũng muốn bỏ cuộc hết. Ngày này khi thức dậy, đánh răng, ăn sáng, bỏ giầy vô, mặc đồ vô là Huy đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Ngày nào cũng thế, 40 ngày là cả 40 ngày đều nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng mà, đã có mục đích là Huy muốn cho thế giới thấy như vậy, nên Huy cứ thế mà đi tới. Ngày nào Huy cũng nói với Huy như vậy, cứ một bước nữa, một bước nữa, rồi sẽ đến đích thôi.
RFI : Như mọi người biết, ở chặng khoảng 700 km đầu, anh đã bị chấn thương khá nặng. Làm thế nào anh có thể vượt qua tai nạn này để trở lại chạy thêm 2.000 km nữa ?
Mai Nguyễn Đình Huy : Chạy được 700 km thì Huy bị chấn thương. Lúc đó Huy buồn lắm. Bởi vì ý chí của Huy vẫn còn đó, nhưng mà cái cơ thể không cho phép. Thực sự là bước thêm một bước là té, thì cái lúc Ban tổ chức cuộc chạy thì bắt Huy phải dừng. Bác sĩ coi chân Huy thì nói rằng, phải ít nhất 3 tuần lễ, để cho cái chân được khỏi hẳn. Nếu chạy sớm quá, thì có thể mất một cái chân luôn.
Huy suy nghĩ về cái đó nhiều lắm. Huy có một quan niệm sống là, ai cũng có một đời để sống hết. Bởi vậy nên sống mà không có một hối tiếc gì cả. Huy nghĩ đơn giản là, không ai biết lúc nào mình chết hết. Bởi vậy, nên cứ đi thôi, chuyện gì nó đến sẽ đến. Lúc đó suy nghĩ của Huy là như vậy. Huy rất là muốn chạy. Rồi các anh em trong đoàn động viên, nói rằng em cứ làm đi, em cứ chạy hay không chạy nữa thì các anh cũng ủng hộ em hết. Thì cái đó chính là nguồn năng lượng mới để cho Huy bắt đầu Huy chạy.
Năm ngày sau, Huy quyết định chạy lại. Lúc đó, Huy chạy chỉ bởi vì Huy muốn chạy thôi. Không có còn phải suy nghĩ về áp lực nào khác nữa. Cái cơ thể con người nó hay lắm, với lại tình cảm con người với nhau nó tạo ra những phép lạ kỳ diệu lắm, anh.
RFI : Trong quá trình chạy thì vết thương cũ của anh ra sao, và thể trạng hiện nay của anh sau cuộc chạy này ?
Mai Nguyễn Đình Huy : Có một điều Huy rất ngạc nhiên là Huy đã dừng chạy cách đây ba ngày rồi. Trong vòng ba ngày Huy nghĩ nó phải bị nặng lắm luôn. Nhưng bây giờ chân Huy lại hoạt động bình thường. Cái đó Huy cũng không hiểu cơ thể nó như thế nào.
RFI : Xin anh cho biết thêm về giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chạy xuyên Việt đầy thách thức này.
Mai Nguyễn Đình Huy : Khi Huy tập chạy cách đây một năm rưỡi, Huy có mục đích chạy xuyên Việt Nam, Huy đã xác định một mục đích rõ ràng rằng Huy sẽ chạy trong tháng 12/2012, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Mới đầu, Huy chạy từ 1 km, 2 km, đến 5 km, 10 km. Sau ba tháng, Huy chạy được liên tục 20 km. Rồi Huy phát hiện được cuộc đua 100 km ở trong rừng, thì Huy đăng ký tham gia. Huy có một ý nghĩ trong đầu là : Nếu Huy chạy được 100 km liên tục, thì Huy sẽ chạy được dọc chiều dài đất nước Việt Nam. Cứ thế Huy tập luyện tiếp. Rồi mỗi ngày Huy chạy 40 km trong vòng 5 tháng, cứ liên tục như vậy.
Buổi sáng Huy thường dậy 4 giờ 30 phút. Rồi sau khi ăn sáng, Huy chạy từ 5 giờ kém 15 đến 7 giờ rưỡi, thì về nhà, tắm rửa chuẩn bị đi làm. Huy đi làm từ khoảng 8 giờ đến 5 giờ chiều. Sau khi về nhà, ăn uống một tí, rồi chạy khoảng chừng nửa tiếng, rồi lên máy vi tính, ngồi làm việc, gửi email những người có thể giúp đỡ cho Huy trong cuộc chạy này. Khoảng chừng 9 giờ tối Huy bắt đầu đi ngủ. Cũng phải hy sinh nhiều lắm, anh.
Xây công trình nước sạch, giáo dục ý thức bảo vệ nguồn nước
RFI : Làm thế nào anh đến được với chương trình của ông Pat Farmer ?
Mai Nguyễn Đình Huy : Khi Huy gặp ông Pat Farmer thì ông ấy đề nghị với Huy, nếu mình đã làm những chuyện như vậy, nếu mình bỏ cơ thể mình qua những đau đớn, mà để chạy suốt chiều dài đất nước, thì mình nên làm cho một tổ chức từ thiện nào đó, để mình giúp đỡ được cho những người khác nữa. Ông ấy mới đề nghị với Huy là Hội Chữ thập đỏ Úc đã tìm được những dự án nước sạch ở Việt Nam để giúp. Huy với ông cũng đồng ý sẽ dùng chương trình này để gây quỹ cho Hội Chữ thập đỏ Úc, để giúp các dân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa Việt Nam.
RFI : Cụ thể giúp nước sạch là như thế nào ?
Mai Nguyễn Đình Huy : Có thể là xây những giếng nước, xây những nhà vệ sinh, hoặc là dẫn nước từ trên núi về các vùng sâu, vùng xa. Cái đó là điều đầu tiên mà Huy nghĩ khi về Việt Nam. Nhưng mà trong quá trình chạy, nhất là khi chạy cano nước từ mũi Cà Mau về lại Sài Gòn, thì Huy mới thấy là dự án có thể dùng tiền để đào tạo người dân vùng sâu, vùng xa, bằng cách nào đó giữ các nguồn nước sạch nữa. Ví dụ như các dòng sông ở Việt Nam bị ô nhiễm nhiều lắm. Người dân cứ ‘‘giục’’ rác xuống đó, dơ lắm. Như vậy việc giáo dục ý thức vệ sinh môi trường, thì cũng là giữ cho nguồn nước sạch dưới lòng đất. Khi mình đụng chạm với người dân, khi mình thấy được như vậy, thì Hội Chữ thập đỏ Úc sẽ dùng số tiền đó cho những dự án có hiệu quả cao nhất ở Việt Nam.
RFI xin chân thành cảm ơn hai anh Lý Đợi và Mai Nguyễn Đình Huy đã dành thời gian cho tạp chí Cộng đồng tuần này.


http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130123-sieu-marathon-xuyen-viet-vi-%C2%AB-nuoc-sach-%C2%BB


Các tin, bài liên quan

No comments:

Post a Comment