Tuesday, January 29, 2013

Quốc hội và Nghị quyết số 49 sẽ tính sao?


Hệ lụy từ thủy điện Thượng Kon Tum: Mất rừng, cạn suối
Thứ bảy, 19/01/2013, 07:46 (GMT+7)
Thủy điện Thượng Kon Tum đang được xây dựng ở đầu nguồn sông Đắk Snghé là một trong những dự án thủy điện lớn, nhưng nó sẽ lấy đi hơn 382ha rừng phòng hộ đầu nguồn của tỉnh Kon Tum và khi đi vào vận hành sẽ làm cạn khô sông suối ở hạ lưu vì nó chuyển nước sang sông Trà Khúc (Quảng Ngãi).
  • Mất rừng phòng hộ đầu nguồn
Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Bình Định) làm chủ đầu tư có công suất 220MW và điện lượng trung bình hàng năm khoảng 1.094 triệu kWh, được khởi công xây dựng vào ngày 27-9-2009. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, được xây dựng theo phương án chuyển nước sang lưu vực sông Trà Khúc.
Cụm công trình đầu mối và hồ chứa (diện tích khoảng 374km²) nằm trên địa bàn các xã Măng Cành, Đắk Tăng (huyện Kon Plông) và Đắk Kôi (huyện Kon Rẫy), còn nhà máy đặt trong đường hầm dẫn nước dài khoảng 25km đi qua núi ở xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông) của tỉnh Kon Tum. Tổng diện tích đất đai chiếm dụng để xây dựng thủy điện này khoảng 782ha, trong đó có 414 đất rừng tự nhiên và 135ha đất sản xuất nông nghiệp thu hồi của 154 hộ dân trong vùng.
Nhiều cánh rừng phòng hộ ở tỉnh Kon Tum sẽ bị chuyển đổi để làm thủy điện Thượng Kon Tum.
Thủy điện Thượng Kon Tum được xây dựng tại đầu nguồn sông Đắk Snghé. Khu vực này nằm trọn trong cao nguyên Kon Tum với hệ sinh thái phong phú, đa dạng và những cánh rừng đầu nguồn có độ che phủ cao nhất nước, ở các xã Đắk Tăng, Măng Bút (huyện Kon Plông), một phần thuộc các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông. Khu vực này có vai trò bảo vệ và điều tiết nguồn nước cho vùng hạ lưu và cả hệ thống sông Sê San. Trong 414ha rừng tự nhiên chuyển đổi làm công trình này, có tới hơn 382ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Theo quan sát của chúng tôi, những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn này rất rậm rạp và có nhiều cây gỗ lớn. Từ trên tỉnh lộ 676 xuống sông Đắk Snghé là những cánh rừng xanh thẳm với hệ sinh thái phong phú và đa dạng.
  • Cạn khô sông suối
Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên thượng nguồn sông Đắk Snghé và đây là công trình thủy điện cuối cùng trên bậc thang năng lượng của sông Sê San. Sông Đắk Snghé chảy từ độ cao 1.780m, băng qua dãy núi Đắk Khích và Đắk Chun rồi đổ về sông Đắk Bla. Nhưng thay vì nhận nước từ sông Đắk Snghé và đổ về hạ lưu, Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum sẽ đổ nước về sông Trà Khúc với tần suất 11,89m3/s. Và như thế, sông Đắk Snghé sẽ thường xuyên khô cạn và không còn nước cung cấp cho sông Đắk Bla, một trong 3 chi lưu lớn của sông Sê San.

Theo ông Nguyễn Thanh Cao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH-KT tỉnh Kon Tum, việc chuyển nước từ Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum sang sông Trà Khúc sẽ tác động tiêu cực đến tính đa dạng sinh học và sinh kế vùng hạ lưu sông khi khoảng 40km từ đập thủy điện đến đoạn hợp lưu với sông Đắk Bla bị cạn khô nước. Trên đoạn sông này không có suối lớn mà chỉ có các con suối nhỏ nên thường cạn kiệt vào mùa khô và không đủ cấp nước cho sông Đắk Snghé. Khi hình thành hồ chứa, đoạn sông này sẽ không được cấp nước và nguy cơ trở thành “sông chết”.
Trong đề án “Đánh giá những tác động, ảnh hưởng đến chế độ thủy văn và môi trường lưu vực sông Đắk Snghé và sông Đắk Bla sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước” do Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Liên hiệp Các hội KH-KT tỉnh Kon Tum phối hợp thực hiện, các nhà khoa học cũng cho rằng, việc chuyển nước sang sông Trà Khúc sẽ làm suy giảm dòng chảy của con sông Đắk Bla, nhất là vào mùa khô. Từ đó, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nước, môi trường sống của hàng trăm ngàn hộ dân thành phố Kon Tum vì sông Đắk Bla chảy qua thành phố này. Việc chuyển nước xuống sông Trà Khúc cũng sẽ làm giảm khoảng 7,7% lưu lượng nước sông Sê San và giảm khoảng 321 triệu KWh của các nhà máy thủy điện trên sông Sê San gồm: Ialy, Sê San 3, Sê San 3A và Sê San 4.
Khi Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, sông Đắk Bla sẽ thường xuyên cạn nước vào mùa khô và từ đó ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm ngàn hộ dân thành phố Kon Tum.
  • “Tiền trảm, hậu tấu”?
Mặc dù chưa được đồng ý chuyển đổi hàng trăm hécta rừng phòng hộ đầu nguồn, nhưng chủ đầu tư công trình thủy điện Thượng Kon Tum vẫn khởi công xây dựng. Sau một thời gian thi công, hiện giờ chủ đầu tư mới bắt đầu sốt sắng lo chuyển đổi rừng phòng hộ đầu nguồn cho công trình này. Để hợp thức hóa việc chuyển đổi rừng cho công trình này, ngày 4-10-2012, UBND tỉnh Kon Tum có công văn 1793/UBND-KTN gửi Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT xin chuyển 68,76ha đất lúa nước và 382,29ha rừng phòng hộ đầu nguồn để làm thủy điện Thượng Kon Tum. Nhưng theo công văn trả lời ngày 4-12-2012 của Bộ NN-PTNT, việc chuyển đổi đất lúa nước được thực hiện theo Nghị định số 42 ra ngày 11-5-2012 của Chính phủ và tỉnh phải có phương án bù đắp diện tích đất lúa chuyển đổi. Còn việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ đầu nguồn trên 50ha phải báo cáo Quốc hội theo Nghị quyết số 49 ra ngày 19-6-2010 của Quốc hội.
Ông Nguyễn Thúc Chân lại nói rằng vì công trình chưa tích nước nên rừng chưa bị ngập, vì thế đơn vị vừa xây dựng vừa chờ việc chuyển đổi rừng phòng hộ cũng được (?). Như vậy, phải chăng chủ đầu tư đã “tiền trảm, hậu tấu” trong việc chuyển đổi rừng phòng hộ đầu nguồn để xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum?


Phá vỡ hệ sinh thái
Theo kết quả khảo sát năm 2007 của Viện Sinh học nhiệt đới, quần thể rừng Kon Plông có diện tích hơn 65.000ha, nằm trong khu vực sinh thái vùng núi cao Kon Tum và có quần thể rừng đa dạng với 644 loài cây. Khu vực này cũng là nơi cư trú của nhiều loài thực vật, chim, thú, bò sát được đưa vào danh sách các loài bị đe dọa trên phạm vi toàn cầu.
Trong khi đó, nơi xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum cũng là vùng có tiềm năng về tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của quần thể rừng Kon Plông, trong đó, khu vực lòng hồ có độ che phủ rừng cao nhất cả nước (85%). Vì thế, việc xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum tại đây sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với khả năng phòng hộ, điều tiết nước cho hệ thống sông Sê San và các sông suối phía Đông Trường Sơn cũng như tiềm năng du lịch sinh thái quốc gia trên cao nguyên Măng Đen.


CÔNG HOAN

http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2013/1/309662/

No comments:

Post a Comment