Saturday, January 12, 2013

Hãy dừng dự án thủy điện, để vườn Quốc gia Cát tiên trở thành di sản thiên nhiên thế giới.


02:54, 07 Tháng Giêng 2013

(DSX)- Là một trong 6 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam, vườn Quốc gia Cát Tiên có nhiều triển vọng trở thành di sản thiên nhiên thế giới.
Vườn quốc gia Cát Tiên
Vườn quốc gia Cát Tiên (VQGCT), nơi có một trong 5 khu đất ngập nước Ramsar của Việt Nam, không chỉ có phong cảnh thiên nhiên kỳ thú với vô số loài chim đẹp, loài thú quý hiếm và hệ thực vật giàu đẹp mà còn hội tụ những nét văn hóa đặc sắc lâu đời.
Trải trên diện tích 71.350ha thuộc địa bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, VQGCT là thiên đường nhiệt đới âm duy nhất còn lại tại miền Nam Việt Nam với vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu cho khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Theo các nhà khoa học, điều kiện địa hình, khí hậu và khả năng dung chứa tới 5 kiểu rừng đã khiến VQGCT trở thành nơi tập trung của các loài động thực vật, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ nguồn gen quý hiếm, đặc trưng cho hệ sinh thái Đông Nam Bộ. 
Hệ động vật đa dạng và phong phú tại VQG Cát Tiên

VQGCT có hệ động vật đa dạng và phóng phú về thành phần loài mang những đặc trưng của hệ động vật vùng bình nguyên Đông Trường Sơn với 113 loài thú (trong đó có tới 43 loài thú đang bị đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi thế giới, 18 loài là đạc hữu cho tiểu vùng địa sinh học Đông Dương. Hiện nay, VQGCT còn có khoảng trên dưới 20 đàn bò tót với tổng số lượng khoảng 120 con sinh sống, được đánh giá là quần thể bò tót hoàn hảo nhất của Việt Nam); 351 loài chim (trong đó có 17 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam như hạc cổ trắng, công, già đẫy java, gà so cổ hung…); 109 loài bò sát ( trong đó có 18 loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam như:cá sấu Xiêm,trăn gấm, trăn đen…; 450 loài bướm chiếm hơn 50% tổng số loài bướm được ghi nhận ở Việt Nam; 159 loài cá nước ngọt… Với tỷ lệ các loại đặc hữu cao trong đó có nhiều loài quý hiếm, VQGCT có vai trò quan trọng đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Cát Tiên còn là thế giới của các loài thực vật vùng nhiệt đới, đại diện cho các 5 kiểu rừng chính như: rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rụng thường xanh nửa rụng lá, rừng hỗn giao gỗ, tre nứa, rừng tre nứa thuần loại, thảm thực vật đất ngập nước với 1.610 loài thực vật thuộc 724 chi, 162 họ, trong đó có các loài thực vật quý hiếm trong sách đỏ như gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), gõ mật (Sindora siamensis), cẩm lai Bà Rịa (Dalbergia bariensis), cẩm lai nam (D. cochinchinensis), cẩm lai vú (Dalbergia mammosa), giáng hương (Pterocarpus macrocarpus)...  
Cùng với hệ động thực vật phong phú, VQGCT còn là nơi cư trú của 11 dân tộc với kho tàng văn hóa bản địa giàu đẹp, nơi có không gian văn hóa, di sản Ốc Eo. Do đó, việc bảo tồn VQGCT cũng đồng hành với việc bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc, của không gian sống hòa nhập giữa con người và thiên nhiên kỳ thú. 
Vẻ đẹp VQG Cát Tiên

Với những giá trị thiên nhiên, văn hóa đặc sắc, UBND tỉnh Đồng Nai đã lập hồ sơ đề cử VQGCT trở thành di sản thiên nhiên của thế giới từ năm 2006. Ngày 18/9/2012, đoàn chuyên gia của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã làm việc trực tiếp tại VQGCT nhằm thẩm định lại nội dung của hồ sơ đề cử trên. Theo đó, các vần đề thuộc các yếu tố ảnh hướng đến tài nguyên, chiến lược bảo tồn và quản lý di sản thế giới được các chuyên gia đặc biệt quan tâm, đặc biệt là các thông tin đánh giá tác động về môi trường nếu triển khai 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tuy nhiên, theo Ủy ban quốc gia UNESCO, hồ sơ này chưa đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại Hướng dẫn thi hành Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới liên quan đến diện tích khu vực đề cử, tính toàn vẹn và kế hoạch quản lý khu di sản… Vì vây, mặc dù đánh giá rất cao hệ động thực vật ở đây nhưng do hồ sơ được chuẩn bị chưa tốt nên IUCN đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai phải bổ sung hoặc làm lại từ đầu. Dự kiến, ngày 31/1/2013, IUCN sẽ làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và VQGCT xung quanh vấn đề này. Ngày 3/1/2013 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp với Ban Quản lý VQGCT và các ban ngành liên quan nhằm hoàn thiện hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới VQGCT trình UNESCO xét công nhận Di sản thiên nhiên thế giới.
Việc đề cử UNESCO công nhận VQGCT là Di sản Thiên nhiên thế giới diễn ra trong bối cảnh Cát Tiên sẽ phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng khi hai dự án thủy điện 6 và 6A được triển khai.Thời gian qua, giới khoa học trong và ngoài nước khuyến cáo việc xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong vùng lõi VQGCT sẽ gây tác động xấu tới môi trường sinh thái, hủy hoại hệ thống đa dạng sinh học của vườn. Đồng thời, vào cuối tháng 11/2012 UNESCO cũng đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và Ban quản lý khu Dự trữ sinh quyển VQGCT cần có những khuyến cáo mạnh mẽ đối với các cấp có thẩm quyền nhằm dừng triển khai hai dự án trên.
Việc được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới là một chặng đường khó khăn nhưng việc bảo vệ di sản đó trước những thách thức của nền kinh tế, của lợi ích còn khó khăn hơn rất nhiều. Để VQG Cát Tiên được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, để bảo vệ nguồn gen quý hiếm, đa dạng sinh học cũng như cứu lấy lá phối xanh của đất nước, việc dừng triển khai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ngày càng trở nên cấp thiết hơn./.  
TH
Tin liên quan

No comments:

Post a Comment