Wednesday, October 9, 2013

Thư gửi thầy và người thương SCT!

SCT - BBT SCT xin đăng lại bức thư cảm động mà Nguyễn Huỳnh Thuật có gửi cho một vị thầy đã cố vấn, yểm trợ anh và nhóm SCT trong quá trình đấu tranh bảo vệ Cát Tiên để chia sẻ cùng quý vị yêu quý bảo vệ thiên nhiên.

Thư  gửi  thầy!
Không biết tự bao giờ con rất thích ở và thả bộ chậm rãi và dừng lại nơi các núi đồi hay nơi các công viên. Sau những bước chân dạo thả theo nhịp thở nhẹ nhàng đến cây Vua trong rừng Cát Tiên nơi mà hai thầy trò mình cùng gia đình đã có dịp đến thăm và cầu nguyện. Tại gốc cây Vua hùng vĩ và đồ sộ này con dừng lại để tận hưởng cái ấm từ những tia nắng cùng sự sống xung quanh tại nơi mà con cho đây là “thiền đường mở”. Khung cảnh hôm nay ở đây sao đẹp lạ thường thầy ạ, các loài, chim đua nhau kéo về đây hót ca, anh chị sóc đua nhau về đây lượn cành trình diễn các kỹ năng chuyền cành đã được tu luyện khá kỹ. Trên bầu trời kia có trăng-sao vẫn còn đó, từng đàn bướm bay lượn trên không. Xa có núi Lang Biang cao nhất trong không gian và cảnh quan gần, tiếp sau nhiều dãy núi chập chùng của dãy Trường Sơn. Im lặng và lắng nghe, lại có tiếng thác reo từ Bến Cự (Forest Floor Lodge), bên những chiếc lá đong đưa theo gió nhẹ, có chiếc lá vàng rơi xuống nhẹ nhàng-bình an tuyệt đẹp và bản nhạc hòa tấu của muôn loài nơi đây đã bắt đầu từ bao giờ mà con không hề được thông báo trước. Giờ phút hội tụ này con rõ hơn “một tâm mà động mười phương”
“Tịnh Độ, Niết Bàn hay Nước Chúa
Bất kể tên gọi đó là chi
Miễn sao lòng bình an vô hạn
Tất cả là đây ở chốn này”
Hòa chung ước mơ được du học tại các nước phát triển của bao bạn trẻ, con may mắn và tin có sự sắp đặt nào đó cho con cơ hội du học 2 năm tại xứ hoa Anh Đào. Sau một thời gian ngắn đến Tokyo con đã hiểu ra rằng để ăn những món mình thích, để tìm được một quán ăn chay không dễ nên con đã phải chọn cách ăn ít thịt cá nhưng nhiều rau đậu. May thay sau hơn 3 tháng thì con được giáo sư Ogiwara cho một miếng đất nhỏ để làm vườn tại Fuchu cách trung tâm Tokyo 20km và con có được nơi ở với bếp nấu ăn đầy đủ tiện nghi cách vườn 25 phút xe đạp. Con ý thức rất rõ rằng mình phải sắp xếp có thời gian trồng trọt-chăm sóc (culture) thật tốt mảnh mảnh vườn tâm (vườn trong) và mảnh vườn do thầy Ogiwara hiến tặng (vườn ngoài) vì hai mảnh vườn này có quan hệ chặc chẽ. Lập tức con đến một chủ vườn rau chuyên nghiệp tại đây để họ chỉ dạy thời gian này nên trồng rau quả gì, trồng chăm như thế nào? Căn vườn được con thương bằng cách dẫy cỏ, cuốc xưới-làm nhuyễn đất, dọn dẹp sạch-thoáng. Sau 3 ngày hong đất, con cẩn thận gieo xuống các hạt giống mua được từ siêu thị D2. Qua thời gian chờ đợi không lâu những lá cải, mồng tơi, cành ngò sạch đã lớn lên và con có dịp thưởng thức trước lúc chúng tàn khi đông đến. 
Thật hạnh phúc và may mắn so biết bao người. Con có nhiều thời gian để thăm quan-thưởng ngoạn nhiều nơi, leo đến đỉnh núi Phú Sĩ và leo nhiều đồi núi hiểm trở cùng hội "Yêu thiên nhiên và thích leo núi Nhật Bản" mà nhất là Khu di sản thiên nhiên thế giới Sharikami-Sanchi vùng Aomori phía bắc nước Nhật. Nhiều cơ hội hòa nhịp ăn mừng mùa hoa đào nở, thỏa thích vui đùa bên bạn bè khắp năm châu trên những công viên hay phố đi bộ,... 
Thầy ạ, con may mắn và vinh dự lắm khi được bình chọn để tham gia và đóng góp phần mình vào những hội nghị lớn, có lẽ bà Chủ tịch Shizuyo Sato cũng đã hiểu về con nên đã có viết trong thư mời con dự “Hội nghị toàn cầu về phát triển con người lần thứ 7” (the 7th Conference on Human Development) để chia sẻ với các bạn trẻ về dự hội nghị: “Ở hội nghị này, Cô muốn cháu hướng dẫn thảo luận với những kiến thức và kinh nghiệm vốn có của cháu” (In this conference, I want you to lead discussion with your experience and knowledge). Cũng vậy, tại hội nghị thanh niên nông dân Nhật tại Fukushima, hội nghị trao đổi khoa học Việt-Nhật (VJSE 2008) tại Kyoto, hội nghị vùng Mê Kông tại Bogor-Indonesia, diễn đàn quốc tế đối thoại giáo dục phát triển bền vững tại Đại học LHQ (UNU), Hội nghị chuyên đề hợp tác Nông nghiệp Nhật-Braxin tại Nokodai hay hội nghị thanh niên thế giới lần 4 tại Quebéc-Canada,…con cũng đều gửi đến một ít kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu mà mình có được. Họ ấn tượng nhất là mỗi khi con thấy những nguy cơ đe doạ đến di sản hay ảnh hưởng xấu đến cộng đồng thì con dấn thân lên tiếng và tranh đấu chống lại những nguy cơ và hành động tổn hại này, dù biết rõ rằng việc lên tiếng và hành động dũng mãnh này sẽ bị đe doạ đến an nguy của bản thân và gia đình. 
Mỗi ngày con vừa làm vừa quán chiếu và học hỏi để đi tiếp.     
Những ngày khó khăn vừa qua nhất là khi con lên tiếng và gửi thư kêu cứu Cát Tiên đến chủ tịch nước, bị lãnh đạo cơ quan kiểm điểm, bị nhiều anh em cơ quan và hàng xóm hiểu không đúng bản chất vấn đề con đấu tranh cho môi trường chung, bị lạnh run người do sốt về khuya,...  nhưng trong con ấm dần và sức khoẻ được hồi phục nhanh kỳ lạ khi được những nguồn năng lượng hiểu thương-đồng cảm, năng lượng lành gửi đến đi cùng với nhiều lá thư tay hay email, những hình ảnh kỷ niệm, những thiệp chúc mừng đặc biệt. 
Con thấy cái ấm áp đó là do mình đã đầu tư từ trước, nếu như các trong quá trình thực thi các hoạt động của dự án đầu tư này mà con đã không làm với tâm hoan hỷ-bố thí bình đẳng thì con đâu có được quả đầu tư trên. Đi đến đâu con cũng chọn sống tri túc thiểu dục.  
“Đói có rau ăn hoặc tuyệt thực
Đã quyết từ đây thôi tìm kiếm
Đông đến rồi đi vốn lẽ thường
Tri túc thiểu dục với tình thương”
Kính trọng và nâng niu tất cả.       
Con của thầy,
Nguyễn Huỳnh Thuật

No comments:

Post a Comment