Wednesday, May 29, 2013

VẬN CHUYỂN D.A BÔXIT HƯ CẦU, ĐƯỜNG KHÔNG THUỘC TKV !??

Bôxit xuất xưởng cầu đường “rùng mình”

29/05/2013 09:33 (GMT + 7)
TT - Khi lô hàng alumin đầu tiên rời Nhà máy bôxit Tân Rai tập kết tại cảng Gò Dầu để xuất ra nước ngoài cũng là lúc “cung đường bôxit” oằn mình chịu trận, có xe chở quá tải đến 19 tấn.
Ngày 28-5, ông Nguyễn Văn Thắng - phó giám đốc Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng - cho biết: “Từ ngày 12 đến 25-5, công ty đã đóng gói và vận chuyển 12.000 tấn alumin ra khỏi nhà máy. Hiện lô hàng đầu tiên này đã xuất xưởng hoàn tất”. Cũng theo ông Thắng, công ty chỉ lo mọi hoạt động sản xuất bên trong nhà máy, còn về hợp đồng xuất bán cũng như kế hoạch vận chuyển, tải trọng của các xe là do Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) chịu trách nhiệm.
Quá tải từ 6-19 tấn
Một tài xế tại Nhà máy bôxit Tân Rai cho biết các xe vận chuyển alumin có tải trọng 18-40 tấn. Trước đây, xe ít nhất chở 18 bao alumin (tương đương 18 tấn), xe nhiều nhất chở 32 bao alumin (tương đương 32 tấn), chưa tính trọng lượng xe. Tuy nhiên, trước lo ngại về tải trọng các cầu không đảm bảo, nhất là cầu La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai (cầu yếu với tải trọng 23 tấn trong khi lưu lượng xe cộ lại dày đặc), hiện các xe vận chuyển alumin chỉ dám vận chuyển 18 tấn/chuyến.
Theo ông Nguyễn Văn Gia - phó giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, tải trọng cho phép của các xe phụ thuộc vào tải trọng cho phép của các cầu nằm trên tuyến vận chuyển bôxit từ nhà máy về cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Toàn tuyến vận chuyển bôxit qua đường tỉnh 725 ra quốc lộ 20, về đường tỉnh 769 có khoảng 20 cầu với tải trọng 10-30 tấn, trong đó có nhiều cầu yếu với tải trọng chỉ 10-15 tấn.
Thực hiện công văn của Cục Quản lý đường bộ, Bộ GTVT và công điện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, ngày 30-5 Thanh tra giao thông Sở GTVT Lâm Đồng cùng với Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Lâm Đồng sẽ triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải, mà trọng yếu là tại các tuyến đường vận chuyển bôxit.
Trong khi đó, ngày 28-5 Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai cho biết thời gian gần đây lực lượng CSGT liên tục phát hiện, xử lý nhiều xe vận chuyển bôxit từ Tân Rai về cảng Gò Dầu luôn vượt quá tải trọng thiết kế.
Trạm CSGT quốc lộ 51 (thuộc phòng CSGT) đã phát hiện 15 trường hợp xe chở bôxit đi từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu chở quá tải trọng thiết kế từ 6 tấn đến... 19 tấn.
Những trường hợp này CSGT buộc phải hạ tải, xử phạt 1-9 triệu đồng và tước giấy phép lái xe của tài xế từ 30-60 ngày. Đáng chú ý, trong số các trường hợp lái xe đầu kéo chở bôxit quá tải trọng có ba tài xế không hề có giấy phép lái xe nên trạm phải giữ xe chở bôxit.
Đội CSGT số 2 (tuần tra kiểm soát trên quốc lộ 20) cho hay đã xử lý nhiều trường hợp xe chở bôxit về cảng Gò Dầu, xe chở nguyên vật liệu (than đá) về Nhà máy Tân Rai khi qua quốc lộ này. Chỉ riêng ngày 27-5, đội phát hiện hai xe đầu kéo chở bôxit quá tải khi ngang qua khu vực huyện Định Quán để về cảng Gò Dầu. Cân tải trọng, hai xe này chở quá tải 3,6-4,4 tấn. CSGT ra quyết định xử phạt và tước giấy phép lái xe của tài xế vi phạm 30 ngày.
Tương tự, Thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai đã xử phạt 22 xe chở bôxit quá tải khi đi qua cầu La Ngà trên quốc lộ 20. Cầu La Ngà hiện chỉ cho phép tải trọng 23 tấn nhưng thường phải “gánh” xe chở bôxit có tải trọng từ 30-40 tấn.
Đại tá Ngô Văn Chiến, trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai, khẳng định: “Tôi chỉ đạo phải kiên quyết xử lý xe quá tải cho dù xe đó là của ai. Nếu phát hiện xe vi phạm quá tải trọng thiết kế phải buộc hạ tải và xử lý theo quy định để đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế xảy ra tai nạn giao thông”.
Đơn vị vận tải chịu trách nhiệm
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 28-5, ông Nguyễn Tiến Chỉnh - người phát ngôn TKV về các vấn đề bôxit - cho biết alumin xuất khẩu sẽ đi theo đúng tuyến từ nhà máy xuống cảng Gò Dầu, qua quốc lộ 20 và quốc lộ 51.
Về chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu vận chuyển bôxit phải phù hợp khả năng chịu tải của đường, ông Chỉnh cho hay TKV đã thuê đơn vị vận tải (xã hội hóa), TKV không trực tiếp đầu tư xe để vận tải alumin từ nhà máy ra cảng. Vì vậy, TKV chỉ là người đi thuê, các đơn vị vận tải trực tiếp sẽ phải chịu trách nhiệm để đảm bảo vận tải phù hợp với tải trọng của cầu đường.
Trước đó, tại buổi họp báo chính thức về dự án bôxit ở Tây nguyên, ông Chỉnh đã khẳng định nhu cầu và lưu lượng vận tải đối với Nhà máy alumin Tân Rai chỉ khoảng 140 lượt xe/ngày. Trong khi đó, lưu lượng cho phép của quốc lộ 20 là 15.000 lượt xe/ngày, quốc lộ 51 là 25.000 lượt xe/ngày. Alumin đưa đi tiêu thụ của Tân Rai sẽ qua con đường này nên ông Chỉnh cho rằng “vận tải của chúng tôi so với tổng thể là quá nhỏ”.
Cũng tại cuộc họp báo, trước thực trạng trên đoạn đường ra cảng Gò Dầu có nhiều cầu yếu, tải trọng tối đa chỉ được 25 tấn, ông Nguyễn Tiến Chỉnh cho biết theo tính toán sơ bộ, tải trọng mỗi chuyến hàng chỉ là 15 tấn. Tuy nhiên, trao đổi lại với Tuổi Trẻ ngày 28-5, ông Chỉnh cho biết tính toán 15 tấn/xe là tính dựa trên lưu lượng và nhu cầu vận chuyển. Còn thực tế công ty vận tải chở bao nhiêu, họ sẽ có tính toán và chịu trách nhiệm.
Đường chưa xong, xe chạy ầm ầm
Dự án nâng cấp, cải tạo đường 725 (dài 18km, Lâm Đồng) và đường 769 (dài 33km, Đồng Nai) được khởi công từ cuối năm 2011. Theo dự kiến, hai tuyến đường này sẽ hoàn thành trong sáu tháng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều đoạn chưa hoàn thành. Theo nhiều người dân sống dọc đường tỉnh 725, đường vận chuyển alumin từ Nhà máy bôxit Tân Rai ra quốc lộ 20, những ngày gần đây các xe trọng tải lớn chở than vô và chở bôxit ra đã liên tục hoạt động. Thời gian xe chạy chủ yếu từ 16g-20g. Do nhiều đoạn đường vẫn đang thi công nên sự xuất hiện của các xe vừa dài vừa nặng nề này đã khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn.
Anh Trần Minh Hùng (người dân sống bên đường 725) phản ảnh: Có nhiều lúc cả đoàn xe 4-5 chiếc nối đuôi chạy trên đường với tốc độ cao và không nhường đường. Đoàn này cách đoàn kia chỉ 5-7 phút. Khi đoàn xe này qua thì buộc các phương tiện khác đều phải dừng lại và nép sát vào lề.
Kiên quyết không để chở bôxit quá tải
Trong một công điện gửi Ban an toàn giao thông tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và TKV, Khu quản lý đường bộ VII, Tổng cục Đường bộ VN từng yêu cầu các đơn vị lưu ý trong việc xử lý phương tiện quá tải trọng cho phép của cầu đường trên quốc lộ 20.
Công điện nêu rõ: “Qua kiểm tra hiện trường nhận thấy trên quốc lộ 20 xuất hiện rất nhiều xe chở quặng bôxit quá tải trọng cho phép của cầu đường, gây mất an toàn giao thông và hư hỏng công trình đường bộ”. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ VN đã đề nghị TKV chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để các phương tiện chở quặng bôxit quá tải trọng cho phép của cầu đường và tải trọng cho phép của phương tiện...

Nhóm PV Tuổi Trẻ
Nguồn:  http://tuoitre.vn/Kinh-te/550872/boxit-xuat-xuong-cau-duong-rung-minh.html#ad-image-0

SCT: Quá lo lắng cho an tòan QL20, ĐT 725 khi vận chuyển hai chiều cho DA Bôxit bằng các lọai xe chuyên dụng tải trọng rất lớn so với mức chịu tải. Nếu chở đúng tải cầu, đường cho phép thì chi phí tăng rất nhiểu, số lượng và mật độ xe, tần suất phải tăng lên, thời gian tảu biển lên, xuống hàng tại cảng sẽ tăng lên ( dôi nhật) và cả xã hội đều thiệt hại chung, mức độ hòan tòan đo đếm được. Nếu chỉ cần CSGT Đồng Nai kiên quyết thì đơn vị vận tải lấy đâu xe, tài xế mà chạy tiếp ( lỗi giam xe, giữ bằng lái). 
Mong những ai quyết định cho phép các xe quá tải này được phép họat động bình thường hãy công khai các giải trình và cam kết chịu trách nhiệm khi hư đường, sập cầu và gia tăng TNGT cho nhân dân được biết.

Xin đăng lại một số hình ảnh do HV CLB Nhiếp ảnh Đồng Nai cung cấp.
 Cầu La Ngà trên QL20 là nơi rất xung yếu, đã và đang xuống cấp, phải hạ tải từ 25T xuống còn 23T.
 Gầm cầu La Ngà nhìn từ hướng Biên Hòa đi Đà Lạt.
 Các cầu, đường QL20 và TL 725 sẽ chịu nổi các đòan xe vận tải nặng này bao lâu nữa?
  Xe này chở đầy than đá; vôi; quặng... sẽ có tổng trọng tải không dưới 46 tấn, vẫn vô tư qua cầu 23T.

Một Ga-ra xe vận tải chuyên dụng phục vụ DA Bôxit ven QL20.

No comments:

Post a Comment