Monday, September 30, 2013

Thơ tặng anh Nguyễn Huỳnh Thuật!

Gửi tặng anh Nguyễn Huỳnh Thuật

Anh sinh ra phải đâu nơi núi rừng,
Mà tâm sâu thẳm vạn điều đợi mong.
Núi rừng xanh thiêng nào đâu riêng một,
Đâu của riêng người, đâu của riêng ai.

Anh lớn lên trong cuộc đời bươn trải
Dệt mộng xanh, nuôi mơ ước trong lành
Rừng chẳng phải tư gia riêng ai cả,
Rừng là nhà, lá phổi của chúng ta.

Bảo vệ rừng ,nuôi hơi thở quốc gia
Anh bền chí, vững tâm dù gian khó
Nay rừng thiêng được giữ vững vai trò
Lá phổi chung vẫn ôm lòng đất mẹ

Anh vững tin trên con đường anh nhé!
Chút tâm tình em gái nhỏ phương xa
Gửi đến anh, chúc an mãi an hòa
Giữ rừng thiêng, hơi thở của chúng ta.

GỬI ANH NGƯỜI GIEO ƯỚC MƠ XANH
N.H 30.9.2013
CHÚC ANH THÀNH CÔNG ,HẠNH PHÚC, VẠN ĐIỀU BÌNH AN!

BỘ CT CÓ XEM XÉT LẠI QĐ vi phạm luật và làm khổ chủ đầu tư ĐLGL vì đã bỏ hàng trăm tỷ cho ĐN 6 và 6A!??



BỘ CÔNG THƯƠNG CÓ XEM XÉT LẠI QĐ 5117 (ngày 14/10/2009)!??
Cuối năm 2002, phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, do Bộ Công nghiệp khảo sát, nghiên cứu và lập (Số: 1843/CP-CN, ngày 19/11/2002). Tất nhiên, quy hoạch này chỉ là quy hoạch nguồn dạng sơ bộ, chia sông ĐN thành các bậc thang, chưa phối hợp với các bộ, ngành khác và chưa đặt trong quy hoạch tổng thể chung. Theo đó TĐ ĐN6 với CS 180 MW, tổng diện tích đất ngập tự nhiên của lòng hồ Đồng Nai 6 ứng với MNDBT 205.0m là 1.954 ha, trong đó huyện ĐakR’lap, tỉnh Đăk Nông ngập 285 ha, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước ngập 937ha và huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngập 732 ha (rừng gỗ, tre, cây bụi 705ha, đất nông nghiệp 25 ha, thổ cư 1.8ha). Quy hoạch này chủ yếu dựa vào bản đồ tỷ lệ 1:25.000, 1:10.000 để tính diện tích ngập theo vị trí và cao trình đập.
Sau khi có Luật điện lực ( Số: 28/2004/QH11 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp 6 thông qua ngày 03/12/2004), ngày 18/7/2007, Thủ tướng đã Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI). Trong Quy họach này hòan tòan không có Thủy điện Đồng Nai 6. Việc loại bỏ Thủy điện ĐN 6 công suất 180MW ra khỏi Quy hoạch chắc chắn có tính toán cân nhắc nhiều mặt. Và đương nhiên, Quy hoạch điện VI đã phủ nhận Quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai ngày 19/11/2002 ( VB số 1843/CP-CN nói trên).
Thế nhưng, tháng 10/2007, Đức Long Gia Lai vẫn thuê Công ty Tư vấn xây dựng Điện 1 nghiên cứu, lập báo cáo đầu tư một dự án thủy điện ĐN6 không có trong Quy hoạch điện VI nói trên. PECC1 đã tách ĐN6-180MW thành ĐN6-135MW & ĐN6A-106MW theo tiêu chí đặt hàng: " Qui mô các phương án được xem xét trên cơ sở Diện tích chiếm đất của công trình chính + công trình tạm + hồ chứa nhỏ hơn 200ha". Họ đã khảo sát 35 km sông Đồng Nai (dưới ĐN 5,  lập nhiều phương án chia tách và chỉ quan tâm sao cho diện tích chiếm đất của từng DA < 200 ha. Khi đó sẽ không phải trình Quốc hội xem xét đầu tư theo NQ: 66/2006/NQ-QH11
Vì Doanh nghiệp cố đeo bám làm thủy điện ĐN6…, ngày 14/7/2008 VP Chính phủ có văn bản Số: 4621/VPCP-KTN do Phó VPCP Văn Trọng Lý ký, ghi rõ: " Bộ Công Thương hướng dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lập hồ sơ dự án thủy điện Đồng Nai 6 theo quy định hiện hành, trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia."
Như vậy: Bộ Công Thương chỉ có quyền thẩm định, trình Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung vào Quy họach do Thủ tướng đã duyệt mà thôi.
Thế nhưng, ngày 14/10/2009,  thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào lại ký Quyết định số 5117/QĐ-BCT Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai.  
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003, Về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, và Thông tư của Bộ Tư pháp số: 01/2004/TT-BTP ngày 16/06/2004, Về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, văn bản hợp pháp cần các điều kiện:
- Được ban hành đúng căn cứ pháp lý.
- Được ban hành đúng thẩm quyền
- Nội dung của văn bản phù hợp với quy định của pháp luật.
- Văn bản được ban hành đúng thể thức và kỹ thuật trình bày.
-…
Chỉ với bốn điều kiện trên thì Quyết định của Bộ Công thương Số: 5117/QĐ-BCT, ngày 14/10/2009 do thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào ký, Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy họach bậc thang thủy điện sông Đồng Nai: " Điều chỉnh DATĐ ĐN 6 -180MW thành các DA là TĐ ĐN 6-135MW và TĐĐN 6A -106MW, là văn bản có dấu hiệu trái pháp luật-cần phải xem xét lại:  
- Quyết định Số: 5117/QĐ-BCT của Bộ lại điều chỉnh Quyết định của Thủ tướng đã hết hiệu lực được chăng!??
- QĐ 5117 (viết tắt) về Quy họach điện lại chỉ căn cứ vào Luật Xây dựng mà bỏ qua Luật Điện lực?  
- Phần "Nơi nhận": Hòan tòan không có gửi lên Thủ Tướng-người ký Văn bản bị Bộ Công thương điều chỉnh: để biết hay Báo cáo. Vậy có đúng thẩm quyền và nguyên tắc hành chính hay không?
- Tại Phụ lục: Điều chỉnh, bổ sung Quy họach bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai ( Kèm theo QĐ Số: 5117/QĐ-BCT nói trên), phần tọa độ vị trí của 7 Dự án đều sai căn bản: kinh độ và vĩ độ chỉ có trị số, không có phần chữ ghi hướng đông; tây; nam; bắc ( tiếng Anh là E; W; S; N).
Quyết định 5117 này dường như đã cố hợp thức cho Đức Long Gia Lai một việc đã rồi, gây bao hệ lụy kéo dài chưa có hồi kết. Có người ví von " hai dự án này đầu thai nhầm thế kỷ", vậy mẹ cha nó là ai? Đợi thế kỷ sau, khi phá xong rừng VQG Cát Tiên chắc khỏi bị phản đối? Có người nói " hai cái dự án quái thai, Chính phủ đã chôn lấp rồi, Bộ Công Thương còn lén móc lên, dung dưỡng để nó tác yêu tác quái"…cay đắng cho THỦY ĐIỆN bị lạm dụng biến thành ác quỷ với người dân. Hãy học Bộ NN&PTNT chỉ đạo, gia súc bị bệnh dịch dù xót của cũng phải chôn liền. Chỉ bọn bất lương mới canh me đào trộm, ướp tẩm hóa chất lạ, đánh lừa dân trục lợi.

Đến ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ VII, Quy hoạch điện VII), thì Dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A đã được đưa vào danh mục.
Ngay lập tức, Nguyễn Huỳnh Thuật có thư gửi Thủ tướng thỉnh cầu cứu Cát Tiên vào ngày 26.7.2011, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A bằng Văn bản Số: 5890/UBND-CNN do phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh ký ngày 29.08.2011 (đây là công văn phản đối đầu tiên của tỉnh Đồng Nai).
Trích toàn văn:

" ỦY BAN NHÂN DÂN                          CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ  NGHĨA VIỆT NAM
   TỈNH ĐỒNG NAI                                                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
     ─────────                                                            ─────────────────
Số: 5890/UBND-CNN                                                Đồng Nai, ngày 29 tháng 08 năm 2011
V/v: ảnh hưởng tác động của Dự án
thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai
       6A trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.


Kính gửi: Bộ Công Thương

       Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã được Bộ Công Thương (được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Khu vực Dự án nằm trên địa bàn 03 tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước và Đắc Nông (bao gồm các xã Hung Bình tỉnh Đắc Nông, xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 tỉnh Lâm Đồng và xã Đồng Nai tỉnh Bình Phước).

      Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ VII), theo đó Dự án thủy điện Đồng Nai 6 được đưa vào danh mục công trình vận hành năm 2016.

     Qua rà soát, nghiên cứu và đánh giá các ảnh hưởng, tác động khi thực hiện xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A trên địa bàn tỉnh và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai (năm về phía hạ du của thủy điện Đồng Nai 6, 6A), UBND tỉnh Đồng Nai kính báo cáo Bộ Công Thương một số nôi dung như sau:

    Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A khi triển khai xây dựng có một phần nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên, trong đó diện tích chiếm đất rừng là 137ha. Khi triển khai thực hiện dự án trong quá trình mở đường giao thông, khai thác đá, thi công và vận hành công trình, đời sống sinh hoạt của công dân trong quá trình xây dựng công trình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài nguyên động thực vật rừng và công tác bảo vệ rừng đặc dụng, khu dự trữ sinh quyển, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến quy định của Ủy ban UNESCO trong việc lập hồ sơ đề nghị công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Khu di sản thiên nhiên thế giới.

     Ngoài ra, Dự án khi được xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành khai thác sẽ có tác động nhất định đến dòng chảy của sông Đồng Nai (nhất là phần hạ lưu Dự án), ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Cát Tiên và hiện trạng môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai như: công tác điều tiết lũ, đẩy mặn, cấp thoát nước của các tỉnh phía hạ lưu sông Đồng Nai.

     Ngoài các tác động chung, Đồng Nai là tỉnh nằm phía hạ lưu Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nên chịu ảnh hưởng tác động trực tiếp và gián tiếp của Dự án. Các ảnh hưởng chủ yếu ở khu vực huyện Tân Phú và Định Quán trước hồ thủy điện Trị An (khu vực này có lòng sông hẹp, nhiều ghềnh thác) sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như một số công trình công cộng dọc 2 bên bờ sông một khi có điều tiết lũ của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ngoài ra, Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng sẽ có tác động không nhỏ đến việc vận hành của Nhà máy thủy điện Trị An và hồ thủy điện.

      Trong quá trình xem xét, khảo sát, nghiên cứu, thẩm định dự án cho đến khi dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện sông Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai hoàn toàn không được lấy ý kiến đánh giá các ảnh hưởng, tác động trong việc xây dựng Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, không có hồ sơ cụ thể về thông số kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường cũng như các ảnh hưởng tác động đến tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, qua các đánh giá sơ bộ nêu trên UBND tỉnh Đồng Nai có một số kiến nghị như sau:

            - Mặc dù Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A không nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng khi triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến môi trường – xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên – Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận, ảnh hưởng đến việc thiết lập hồ sơ công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương yêu cầu Chủ đầu tư Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A thực hiện đánh giá, phân tích kỹ ảnh hưởng, tác động môi trường- xã hội của Dự án khi triển khai thực hiện, đồng thời cho tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, nhân dân các địa phương liên quan có thể bị ảnh hưởng tác động bởi Dự án thông qua hội thảo, lấy ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi quyết định đầu tư.

            - Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã được bổ sung vào Quy hoạch thủy điện sông Đồng Nai tại Quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo Điều 7 Luật đa dạng sinh học và Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất vườn quốc gia từ 50ha trở lên phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A./."
    
Rõ ràng Bộ Công Thương và tất cả các bên liên quan đều biết hai dự án thủy điện này vi phạm pháp luật và thuộc diện phải trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư. Vậy mà cứ dây dưa, dung túng cho doanh nghiệp bất chấp các sự phản đối kịch liệt, phớt lờ Nghị quyết Số: 49/2010/NQ-QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội, tiếp tục làm các thủ tục đến bước trình Báo cáo ĐTM lên Bộ TN&MT thẩm định.
Theo Báo cáo tài chính của DLG, từ 01/01/2013 đến 30/6/2013, chi phí xây dựng dở dang cho DA thủy điện ĐN6 tăng 678.523.926, VNĐ nâng tổng chi phí lên: 10.571.495.070, VND ( hơn mười tỷ rưỡi). Trong 6 tháng đầu năm 2013, có lẽ chỉ sửa chữa hai BC ĐTM kiểu cắt-dán; quà Tết; tháp tùng các đoàn kiểm tra thực địa…mà tốn hơn 678 triệu trong khi tình hình tài chính DLG khó khăn, phải bán đổ tháo nhiều thứ thì biết quyết tâm theo đuổi hai dự án này mức nào. Không biết còn chi phí nào khác mà một số báo chí xót xa rằng: doanh nghiệp đã chi hàng trăm tỷ theo đuổi hai dự án này.
Dù sửa chữa báo cáo ĐTM đến lần thứ 3 ( chính thức) sau rất nhiều phản biện nhưng thực chất vẫn là đồ dỏm, cắt dán chưa " sạch nước cản", tháng 7/2013 đem nộp và Bộ đã lập Hội đồng thẩm định nhưng đùng một cái, ĐLG lại rút Báo cáo ra xin sửa chữa, bổ sung khiến Bộ TN&MT không thể chịu nổi, làm Báo cáo gửi Thủ tướng rất minh bạch, rõ ràng khỏi chờ nộp lại ĐTM để thẩm định tiếp.
Thôi thì, đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng kiêm Trưởng  Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy họach phát triển điện lực Quốc gia Hoàng Trung Hải, ý kiến của Bộ TN&MT cũng đã tỏ tường, mong Bộ Công Thương công tâm xem lại trách nhiệm một số cá nhân có liên quan, nếu sai, nhầm lẫn phải dũng cảm khắc phục. Còn Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng không thể bắt Nhà nước lấy thuế dân đền bù vì biết sai mà vẫn cố tình chạy chọt, lách luật: tham thì thâm, các cụ đã bảo rồi. Có nhiều tiền dễ trở thành vịt béo, bò sữa rồi đi hỏi ông Trời.
Bộ NN & PTNN, có Tổng cục Lâm Nghiệp cũng xem xét lại các cá nhân liên quan, ban hành một số Văn bản không bình thường nhằm ủng hộ triển khai dự án, sẵn sàng cắt rừng Vườn Quốc gia được giao quản lý, không tham mưu về chuyên môn đảm trách mà lại có tính chỉ đạo ngược lên Thủ tướng. Xem lại vì sao Mr. Bạch Thanh Hải, trưởng một phòng của VQG Cát Tiên dám nổi xung toan hành hung Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật tại cơ quan khi dám công khai phản đối các toan tính phá rừng, ép buộc tới mức phải tự xin thôi việc sau 12 năm gắn bó với rừng VQG.
Ba tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Phước nhất loạt từ 01-03/12/2008 ký Văn bản chỉ đạo việc chuyển đất lâm nghiệp sang xây dựng thủy điện cho Đức Long Gia Lai. Dù là ba tỉnh cách nhau hàng trăm cây số nhưng hình thức, bố cục, nội dung giống nhau như do mội nơi soạn sẵn. Nếu nói 3 cái tỉnh này ủng hộ ĐLGL làm thủy điện thì phải trưng cầu ý dân, một vài cán bộ đương chức ký văn bản không thể đại diện ý chí toàn dân được. Ai cũng biết Mr. Trương Tấn Thiệu, nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Phước ký VB Số 3685/UBND-SX ngày 01/12/2008 nói trên là người rất bê bối, đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; làm trái các quy định của pháp luật trong việc giao đất đối với một số dự án, thay đổi chủ đầu tư, phương thức đầu tư, cùng một số sai phạm khác gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu nhiều tỉ đồng của ngân sách, gây dư luận bất bình trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân"( trích kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Phước) . Chắc Bình Phước lại xin tiền Trung ương để chuyển đàn bò tót sang gửi bên Đồng Nai vì rừng chỉ còn trên báo cáo thì làm sao bảo tồn?
 Cho đến giờ này, chẳng rõ vì sao Ủy ban sông Đồng Nai đã sang nhiệm kỳ 2 rồi mà vẫn im hơi lặng tiếng khi hai dự án thủy điện ĐN6 &6A có nguy cơ xảy ra xung đột cấp Chính quyền, nhân dân của một tỉnh với chỉ một doanh nghiệp tư nhân. Cũng chẳng rõ trụ sở Ủy ban này ở đâu, có trang Web hay E-mail sao đó để dân chúng liên hệ khi cần?
Cuối cùng, mong các vị ở Viện MT &TN của Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh đã tham gia lập Báo cáo ĐTM thuê cho ĐLG hãy nghĩ về danh dự người thầy, lòng tự trọng nhà khoa học mà có hành xử phù hợp, ít ra là để sinh viên nơi đó đỡ phải hổ thẹn. Đôi khi vô tình để bằng cấp, danh hiệu bị lợi dụng vào những chuyện phi pháp. Phàm đã là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Giáo sư…thì tối kỵ việc để mấy tên trọc phú thảy ra ít tiền bảo sao làm vậy, trừ khi không phải là thứ thiệt.
Việc xem xét đề nghị đưa vào, rút ra một dự án thủy điện nào đó khỏi quy hoạch là rất bình thường đối với Bộ Công Thương. Hy vọng sẽ sớm có quyết định sáng suốt nhất.
Đồng Nai, ngày mưa âm u do áp thấp nơi xa chuyển lên bão-Trần.

Cuộc chiến bảo vệ rừng Cát Tiên khác hẳn trước đây và tri thức trẻ bắt đầu quan tâm đến bảo vệ môi trường!

Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường

Vườn Quốc gia Cát Tiên
Vườn Quốc gia Cát Tiên
Vyacheslav Stepanyuchenko/Wikipedia

Minh Anh
Tại Việt Nam, một số trí thức trẻ bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường, mà ví dụ minh chứng là một làn sóng nhỏ đang nổi lên phản đối dự án xây đập thủy điện tại Cát Tiên. Đối với tác giả bài viết trên tờ The New York Times, được tuần san Courrier International trích dịch lại qua hàng tựa “Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường ”, sự việc cho thấy có thay đổi dần dần trong tâm thức người dân ở một đất nước quá quen thuộc với quan niệm « Cha chung không ai khóc ».

Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường
« Vì lợi ích mười năm, phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm, phải trồng người ». Đây là câu châm ngôn rất phổ biến của Hồ Chí Minh, xuất hiện tại hầu hết các lớp học ở Việt Nam. Thế nhưng, ngày càng có nhiều trí thức trong nước bắt đầu tự vấn phải chăng là vế đầu của câu châm ngôn đó đã không được quan tâm đúng mức.
Như ý thức được vấn đề đó, một số trí thức trẻ bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường, mà ví dụ minh chứng là một làn sóng nhỏ đang nổi lên phản đối dự án xây đập thủy điện tại Cát Tiên. Đối với tác giả bài viết trên tờ The New York Times, được tuần san Courrier International trích dịch lại qua hàng tựa “Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường ”, sự việc cho thấy có thay đổi dần dần trong tâm thức người dân ở một đất nước cộng sản quá quen thuộc với quan niệm là « Cha chung không ai khóc ».
Tác giả ký tên Liên Hoàng (một nữ ký giả và là nhà văn Việt Nam sinh sống tại New York) cho biết vừa qua tại Việt Nam, hơn 4700 người đã ký vào một bản kiến nghị trên trang mạng change.org, đề nghị chính phủ Việt Nam ngăn cấm dự án xây dựng hai đập thuỷ điện do tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư.
Vấn đề ở chỗ là để thực hiện dự án trên, tập đoàn này phải cho san bằng khoảng 400 ha đất rừng thuộc khuôn viên vườn quốc gia Cát Tiên, cách thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía đông bắc. Đây lại là một khu bảo tồn thiên nhiên có hệ sinh thái đa dạng nhất tại Việt Nam, nơi trú ngụ nhiều loài sinh vật quý hiếm như các loại lan rừng và gấu mã lai.
Từ năm 2006, nhà nước Việt Nam đã vận động để UNESCO xếp khu vực này vào danh mục Di sản Thế giới. Những người phản đối còn gởi một thư ngỏ lên chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Phong trào phản đối còn nhận được sự ủng hộ từ nhiều chính quyền địa phương cũng như báo giới trong nước.
Xét từ bên ngoài, sự việc cũng có vẻ rất tầm thường : Một doanh nghiệp lớn đe dọa nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nhà bảo vệ môi sinh phản đối, và chính phủ phải chọn lựa giữa lợi nhuận và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, người Việt Nam còn có một đặc tính khá đặc biệt, họ chỉ phàn nàn về các vấn đề môi trường nếu có đụng chạm đến quyền lợi của mình.
Cuộc chiến bảo vệ rừng Cát Tiên khác hẳn trước đây
Thế nhưng, sự việc lần này mang một sắc thái khác hẳn hoàn toàn. Cuộc chiến bảo vệ rừng Cát Tiên ít mang tính chất thực dụng, hướng đến tương lai nhiều hơn : Đó là bảo vệ đa dạng sinh thái. Đối với tác giả, cuộc chiến đấu này đánh dấu một bước ngoặc mới về bản chất của sự đấu tranh dân sự. Đối với họ, dù có thất bại hay không, điều đó không quan trọng. Vấn đề là người dân quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển môi trường bền vững, theo như quan điểm của anh Nguyễn Huỳnh Thuật, một trong những người đứng đầu phong trào phản đối.
Cũng theo anh Thuật, cần phải đưa lại khái niệm trách nhiệm tập thể. Người Việt có thói quen giữ nhà cửa rất ngăn nắp sạch sẽ, nhưng lại xem nhẹ vệ sinh nơi công cộng như vứt rác bừa bãi hay tiểu tiện bậy trên hè phố. Đó cũng là do bởi quan niệm « cha chung không ai khóc ».
Tình trạng này đang được dần cải thiện. Ngày nay, giới trẻ có điều kiện đi du học nước ngoài và ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi những điều kiện sống ở các nước tân tiến. Nếu như trước đây, đối với người dân trong nước, bàn về các vấn đề môi trường là một sự xa xỉ do bởi cuộc sống còn quá nghèo nàn, giờ đây đã đổi khác. Ngày càng có nhiều người khá giả hơn. Do vậy, ngày càng có nhiều người cảm thấy có trách nhiệm với môi trường và xã hội, theo như giải thích của anh Bùi Việt Hà, một cựu du học sinh. Bài viết kết luận, như vậy là sẽ ngày càng có nhiều người Việt Nam từ từ bắt đầu khóc cho cha chung rồi phải không?

Tham khảo thêm thông tin liên quan còn lại tại http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130929-viet-nam-bat-dau-co-y-thuc-bao-ve-moi-truong

Cuộc tranh đấu bảo vệ môi trường có hậu: trường hợp Cát Tiên!

Cái kết có hậu cho Đồng Nai 6 và 6A

TT - Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên - môi trường liên quan đến hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, giao Bộ Công thương xem xét để đưa hai dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch đã được phê duyệt, và rà soát lại quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long đi khảo sát nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ngày 21-7-2011 - Ảnh: Đ.tuyên
Nhận được thông tin trên, TS Vũ Ngọc Long - viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người đã có hơn 20 năm nghiên cứu và triển khai nhiều dự án ở vùng rừng Cát Lộc (vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên - nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng tại đây) - cho biết ông rất hạnh phúc. Từ năm 2009, TS Long là một trong những người đầu tiên và kiên trì lên tiếng phản đối việc xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Áp lực từ nhà đầu tư
* Suốt quá trình phản đối triển khai hai dự án thủy điện này ông có nhận áp lực từ nhiều phía? Có bao giờ ông thấy chán nản và có ý buông xuôi?
- Tôi bị áp lực rất nhiều trong việc này. Ngay trong thời điểm những gian lận trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lần 1 bị phanh phui, tôi muốn tổ chức nhiều hội thảo với các bên có liên quan để lên tiếng cho công chúng biết về tác động ảnh hưởng của hai dự án này đến môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học như thế nào nhưng đã không được phép triển khai, lúc đó tôi là phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới (ITB). Nhất là sau khi chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai bỏ tiền ra thuê một nhóm chuyên gia khác về đa dạng sinh học chính trong viện của tôi (ITB) nhằm đi khảo sát và viết lại ĐTM lần 2 thì tôi càng e ngại hơn. Phải nói rằng cái chiêu của chủ đầu tư bỏ tiền thuê mướn ngay chính một nhóm chuyên gia khác về đa dạng sinh học của ITB để phản bác những lập luận trước đó của tôi và một số cộng sự đã làm tôi rất lúng túng. Vì nếu không cẩn thận chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng đấu đá nội bộ.
Sau khi nhóm chuyên gia của ITB đi khảo sát và làm báo cáo ĐTM lần 2, tôi đã buộc phải im lặng một thời gian dài, cũng muốn buông xuôi. Nhưng sau đó tôi đã thoát ra khỏi "bóng ma" đầy uy lực này và tiếp tục cùng với các nhà khoa học khác lên tiếng đấu tranh bằng cả nhiệt huyết và tâm lực của mình.
* Gần bảy năm về trước, giả sử các nhà khoa học và báo chí không lên tiếng thì theo ông, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được triển khai xây dựng?
- Nếu những nhà khoa học và báo chí không lên tiếng thì có lẽ họ đã "làm thịt" xong hơn 300ha rừng nguyên sinh của Cát Tiên và sông Đồng Nai rồi. Nhưng tôi cũng lưu ý rằng trong cuộc đấu tranh này cũng có cả "cuộc chiến" giữa chính các nhà khoa học với nhau nữa. Không phải nhà khoa học nào cũng công tâm bảo vệ môi trường thiên nhiên đâu.
Còn nhớ ngay sau khi tôi đứng ra tổ chức hội thảo đầu tiên vào tháng 7-2011 tại Vườn quốc gia Cát Tiên để công bố những tác động nặng nề về môi trường tự nhiên và xã hội của hai dự án này, sau đó vài tháng chủ đầu tư đã liên hệ với một hội bảo vệ môi trường tổ chức hội thảo tại Hà Nội. Và không loại trừ từ sự "chi phối" của chủ đầu tư mà trong hội thảo này, một số "cây đa cây đề" trong giới khoa học Việt Nam đã lên tiếng hết sức ủng hộ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Một kịch bản được hội thảo soạn sẵn và đã ra thông báo kết luận hai dự án này gây ảnh hưởng rất ít đến môi trường, có lợi cho đất nước... Rất nhiều vị có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ đã cùng nhau hợp sức lại trong "bản trường ca" hoan hô hai dự án này.
Nhưng rất may, cuối cùng giá trị khoa học chân chính và chân lý đã được công nhận. Phải nói rằng báo chí đã góp phần rất quan trọng cho kết quả của ngày hôm nay.
Huy động được sự đồng lòng của cộng đồng
* Việc phê duyệt ĐTM của một số dự án thủy điện có trường hợp diễn ra rất dễ dàng, sơ sài. Và chỉ từ khi vấn đề này được phản ánh như vụ "lật tẩy báo cáo ĐTM" trong vụ Đồng Nai 6 và 6A thì mới gây được sự quan tâm, chú ý. Ý kiến của ông về việc phê duyệt ĐTM cần phải thực hiện chặt như thế nào?
- Sau vụ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, việc thẩm định và phê duyệt các báo cáo ĐTM cần phải thay đổi theo chiều hướng như: trước tiên, đơn vị làm ĐTM nên có tính độc lập và thoát hoàn toàn ra khỏi sự ràng buộc về tài chính của chủ đầu tư. Sau đó cần phải công khai để công chúng biết. Việc tham vấn cộng đồng cần được thực hiện một cách khoa học và cẩn thận ngay tại nơi bị ảnh hưởng và các vùng lân cận. Không chỉ gửi thư tham vấn lấy ý kiến như cũ mà nên tổ chức các cuộc họp công khai, mời tất cả các bên có liên quan để lắng nghe ý kiến của cộng đồng. Xác định đúng và đủ phạm vi ảnh hưởng của một dự án thủy điện từ thượng nguồn, trung và hạ nguồn. Các cơ quan phê duyệt ĐTM phải làm việc thật công tâm.
* Sau "cuộc chiến" Đồng Nai 6 và 6A, ông có thể cho biết đã rút ra được những kinh nghiệm gì cho những cuộc đấu tranh bảo vệ rừng cũng như bảo vệ môi trường sau này?
- Tôi nghĩ trong vụ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, chúng ta đã huy động được sức mạnh của quần chúng, tiếng nói của nhân dân, sự đồng lòng của cộng đồng. Cần phải công khai thông tin dự án và thông qua báo chí để chuyển tải thông tin đến công chúng theo cách nào đó nhanh, đầy đủ và chính xác nhất. Tiếng nói và sự đồng thuận của các nhà khoa học là rất quan trọng. Ngoài ra cũng cần tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền địa phương.
* Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương rà soát lại quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai cũng như quy hoạch tổng thể của thủy điện trên cả nước. Theo ông, những vấn đề gì cần quan tâm trong đợt rà soát này?
- Đó là việc vi phạm vào tài nguyên rừng, đất rừng. Việc làm suy giảm tài nguyên nước và môi trường. Việc vi phạm luật và cố tình lách luật để qua mặt hệ thống kiểm soát của Nhà nước. Hệ thống giám sát của quần chúng. Việc chạy chọt mua bán ý kiến, chữ ký ủng hộ của chủ đầu tư. Những tác động xã hội đến văn hóa bản địa...
* Hiện nay còn nhiều dự án thủy điện được thiết kế xây dựng trong vườn quốc gia, có nên dừng hẳn hoặc tháo gỡ những công trình thủy điện này?
- Theo tôi, Chính phủ và các bộ liên quan cần rà soát và dứt khoát loại bỏ những dự án xâm phạm vào vườn quốc gia cùng những khu rừng nhạy cảm. Cần phải ra quyết định phá bỏ một vài công trình thủy điện gây nguy hiểm đến an sinh xã hội và môi trường thiên nhiên hoặc có ảnh hưởng lớn đến các lưu vực sông. Trong vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên cần phải nghiêm cấm không cho xây dựng công trình thủy điện dù là nhỏ. Vì những dự án này tuy nhỏ nhưng tác động môi trường rất lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả con em chúng ta sau này.
ĐỨC TUYÊN thực hiện
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:
Người dân Đồng Nai rất vui
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Trí - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - nói: dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được các cấp chính quyền của tỉnh nói rất nhiều. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh từng lên tiếng về những bất hợp lý của hai dự án này. Có nhiều ý kiến khác nhau về hai dự án này, nhưng các cơ quan chuyên môn của tỉnh Đồng Nai đã phân tích rằng hai dự án trên nếu được cho phép thực hiện sẽ gây tác hại rất lớn. Đó là lý do Đồng Nai cũng như một số nhà quản lý, nhà khoa học chân chính đã đòi hỏi phải loại bỏ hai dự án.
Nhưng cũng có nhiều nhà khoa học, thậm chí có một số cơ quan truyền thông, đã "ngầm" ủng hộ hai dự án này. Vì vậy, chúng tôi đã có nhiều văn bản chứng minh hai dự án gây thiệt hại về môi trường, lòng tin của cộng đồng quốc tế khi vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên bị xâm hại... Giờ đây, khi hay tin Chính phủ có ý kiến phải loại bỏ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, người dân ở khu vực sông Đồng Nai rất vui.
H.MI
Theo TTO

Sunday, September 29, 2013

Tuyệt tác hội họa mang tên Nguồn Sống do Họa sĩ Ngô Thúy tặng Nhóm SCT và Nguyễn Huỳnh Thuật!


 SCT- Đây là tác phẩm hội họa độc đáo ủng hộ chủ đề vệ môi trường của Họa sĩ Ngô Thúy tặng cho nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên (SCT) và anh Nguyễn Huỳnh Thuật đã thay mặt nhóm nhận quà tặng này!SCT xin đăng ảnh và thư của tác giả gửi cho nhóm và anh Thuật để cùng quý quỵ quan tâm về bảo vệ môi trường cùng suy ngẫm và thưởng lãm.

Tác phẩm : Nguồn Sống
Sơn dầu trên vải
khổ : 1m x 1.1 m
Sáng tác : 2007

Thiên nhiên là mạch sống của loài người và mọi loài khác cùng chung sống trong trái đất này.
Phá hủy thiên nhiên là chúng ta đang phá hủy chính mạch sống của mình.
Thiên nhiên còn là nguồn nuôi dưỡng cảm xúc và sự thăng hoa trong tâm hồn mỗi người! Có thể nói thiên nhiên là mẹ của mọi cảm xúc sáng tạo,  là mẹ của nghệ thuật, của niềm vui sống của vẻ đẹp bí ẩn kỳ diệu đang hiện hữu cùng con người!
Nhưng con người đang làm việc tự hủy diệt đi nguồn nuôi dưỡng mạng sống của mình và giá trị sự tồn tại của loài người trong hành tinh này!
Dù đã là quá muộn để con người nhìn nhận và thay đổi cách hành xử của mình với thiên nhiên và mọi loài đang cùng chung sống. Nhưng ngay hiện tại lúc này, loài người vẫn nên học cách chung sống, bảo tồn và nuôi dưỡng nguồn sống của mình. Không còn thời gian cho bất kỳ sự lưỡng lự và những tham vọng ngu xuẩn nào nữa!
Chúng ta phải nhìn nhận sự thực mang tính sinh tồn này!

Bức tranh Nguồn Sống này tôi là tác giả xin thân tặng nguyên bản tác phẩm gốc của tôi cho nhóm Saving Cát Tiên và Nguyễn Huỳnh Thuật!
Mong rằng có thể góp thêm một tiếng nói để thức tỉnh mọi người!
Trân trọng!
Ngô Thúy 

Lá thư gần đây mà Họa sĩ Ngô Thúy có gửi cho Nguyễn Huỳnh Thuật (người đồng sáng lập và đại diện SCT).

Thân gửi Thuật!
Đấu tranh với mọi điều xấu, ác, hay bất cập với sự trong sáng thực sự và không mang tính vụ lợi cá nhân là một điều vô cùng khó khăn. Vì người thông thường họ không bao giờ hiểu được cái gì ngoài bản thân họ, quan niệm của họ. Chị rất hiểu Thuật đã phải cố gắng rất nhiều để có dũng cảm đi đến cùng điều mình tranh đấu vì lợi ích chung của cộng đồng.
Đối với những ngu dốt và vị kỷ của người thông thường Thuật rất dễ bị coi là khùng nếu không cũng phải có mục đích gì đấy. Nhưng sự trong sáng vô tư với tình yêu của mình để phơi bày sự thực hiểm họa cho cộng đồng rồi cũng được những người có hiểu biết và có tầm nhìn đánh giá đúng và ủng hộ!
Với nhiệm vụ là người đại diện đứng đầu phong trào chắc Thuật có rất nhiều sức ép. Nhưng hãy luôn vững bước nhé vì sự thực thì luôn có sức mạnh riêng của nó. Nó là sức mạnh của đốm lửa tuy nhỏ nhưng có thể thiêu rụi mọi loại cỏ dại. Và còn có cả sức mạnh tình yêu mà Thuật và mọi người có hiểu biết dành cho điều mình tranh đấu. Mà sức mạnh lan tỏa của tình yêu là điều kỳ diệu nhất trong trái đất này mà không sức mạnh bạo lực nào ngăn được !
Chúc mừng Thuật! Mong em tiếp tục vững bước! Chị luôn ủng hộ em!

Ngô Thúy
Thư này cũng được thấy tại comment thứ 2 trong tổng 17 comments  tại bài Tin vui về Cát Tiên được Thủ tướng chỉ đạo!

CUỘC SỐNG THANH BÌNH

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MỚI TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN -VĂN HÓA ĐỒNG NAI 
và DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT DANH LAM THẮNG CẢNH VQG CÁT TIÊN

Vườn Quốc gia Cát Tiên được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập Khu rừng cấm Nam Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên và Khu Bảo tồn tê giác Cát Lộc, nằm trên địa bàn của 3 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Lâm Đồng. Diện tích khu vực trung tâm của vườn là 71.920 ha, trong đó, 39.627ha thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, 27.850ha thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng và 4.443ha thuộc địa phận tỉnh Bình Phước.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc biệt, Danh lam thắng cảnh VQG Cát Tiên đã được công nhận  là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành.
Nhân kỷ niệm tròn 01 năm ngày được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và hoan nghênh Thủ tướng chỉ đạo loại bỏ hai thủy điện xâm hại VQG Cát Tiên, SCT xin công bố một số hình ảnh mới, đã được sự đồng ý trao tặng của các tác giả.
 Vợ chồng Già làng Năm Nổi- người hai lần được phong anh hùng, người " giữ hồn" dân tộc Chơ-ro, hiện sống ở  ấp Lý Lịch, thuộc Khu bảo tồnTN-VH Đồng Nai.
CHUẨN BỊ ĐÓN KHÁCH- Photo Vũ Thành Viên-Cựu Phóng viên chiến trường Miền Đông Nam bộ.
 Con trai Già làng Năm Nổi làm kiểm lâm ( thứ ba từ trái qua) hướng dẫn các nhiếp ảnh gia thăm Khu bảo tồn, sáng tác ảnh về Đa dạng sinh học. Photo Vũ Thành Viên.
 Phút dừng chân trong Khu bảo tồn. Photo Trương Bá Thanh.
 Đi săn ảnh trên Hồ Bà Hào thong Khu bảo tồn. Photo Trương Bá Thanh.
 Niềm vui khám phá rừng. Photo Trần Văn Kỷ.
 Tuổi trẻ Phú Lý ( bên nhà văn hóa Chơ-ro). Photo Trần Văn Kỷ.
 Thăm hang dơi, gần Bàu Sấu-VQG Cát Tiên. Photo Nguyễn Mạnh Hà.
 Du khách khám phá VQG Cát Tiên bằng xe đạp.
Chiều về trên tuyến Tà Lài-Trụ sở Vườn . Photo: Nguyễn Mạnh Hà.

Saturday, September 28, 2013

BỘ CÔNG THƯƠNG HÃY DŨNG CẢM SỬA SAI !

Báu vật Cát Tiên đã được cứu!

Thứ Sáu, 27/09/2013 21:35

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát để đưa 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi các quy hoạch đã được duyệt

"Hôm nay là ngày vui nhất mà tôi chẳng thể nào quên được!” - TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, run run giọng khi nghe thông tin chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Một góc Vườn Quốc gia Cát Tiên Ảnh: khắc dũng
Ba năm lo lắng…
Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được đưa vào diện quy hoạch trên sông Đồng Nai vào năm 2009. Vị trí dự kiến có thể nằm trong Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên khiến lãnh đạo ban quản lý VQG lo lắng.
Nỗi lo dần thành hình khi ngày 20-6-2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) báo cáo Thủ tướng diện tích chiếm đất của 2 dự án chỉ là dải hẹp dọc sông Đồng Nai, là ranh giới ngoài VQG Cát Tiên, ít ảnh hưởng trực tiếp đến vườn. Do đó, Bộ NN-PTNT thống nhất việc thực hiện 2 dự án khiến VQG Cát Tiên đứng trước nguy cơ mất 137 ha.
Ngày 27-6-2011, Báo Người Lao Động bắt đầu thông tin về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có một phần nằm trong VQG Cát Tiên đến bạn đọc. Ban đầu là những chuyên gia, lãnh đạo các VQG khác…, dần dần, làn sóng phản đối 2 dự án này ngày càng dâng cao trong dư luận xã hội. Có thể nói chưa dự án thủy điện nào lại tốn quá nhiều giấy mực và công sức của các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Các chuyên gia Viện Sinh thái học miền Nam trong một lần vượt suối khảo sát khu vực dự kiến thực hiện 2 dự án thủy điện để tìm sự thật Ảnh: Vũ Ngọc Long
Trong 3 năm, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam 3 lần tổ chức hội thảo liên quan đến 2 dự án này, 2 lần gửi phản biện báo cáo đánh giá tác động môi trường 2 dự án lên Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành.
Ba năm, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đứng ra tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: thủy văn, thủy điện, môi trường, đa dạng sinh học…; 4 lần “cầu cứu” Chính phủ và các bộ, ngành loại bỏ 2 dự án ra khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng liên tục chất vấn Chính phủ và các bộ, ngành về việc có triển khai 2 dự án hay không? Tỉnh Đồng Nai còn tự dừng một số thủy điện trên sông Đồng Nai để nêu gương!
Ba năm, mỗi bộ NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng đã 2 lần khảo sát vị trí dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Ba năm, một nhóm tình nguyện Bảo vệ Cát Tiên được thành lập với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau cùng chia sẻ thông tin, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ VQG này nói riêng và môi trường nói chung. Họ không ngại lặn lội rừng sâu chụp ảnh, triển lãm ảnh, quảng bá cảnh đẹp VQG Cát Tiên nguyên vẹn đến mọi người; bỏ thời gian đi thực địa khu vực dự án, nghiên cứu, chỉ ra những bất cập trong các báo cáo của chủ đầu tư dự án…, chỉ mong cứu được Cát Tiên khỏi sự xâm lấn của các dự án thủy điện. Hơn 5.000 chữ ký phản đối 2 dự án thủy điện này là sự đồng tình của dư luận đối với nhóm, cũng như tình cảm người Việt Nam và bạn bè nước ngoài dành cho Cát Tiên.
Ba năm, dư luận cả nước không ngừng quan tâm, lo lắng, hồi hộp dõi theo diễn biến vụ việc và phản đối đến cùng 2 dự án thủy điện “kỳ lạ” này.
Tất cả cũng vì sự lo ngại tác động tiêu cực của 2 dự án đến môi trường quá lớn, không thể bù đắp. Việt Nam chỉ còn một báu vật Cát Tiên - rừng mưa nhiệt đới ẩm cuối cùng của miền Nam!
Phán quyết công bằng
Qua một thời gian khá dài, ngày 30-8, Bộ TN-MT chính thức báo cáo Thủ tướng về những ảnh hưởng của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Các mặt tác động về môi trường, đa dạng sinh học, thủy văn và vi phạm luật… đã được xem xét thấu đáo, khiến dư luận yên tâm và tin tưởng hơn. Niềm vui vỡ òa khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra phán quyết về số phận của 2 dự án thủy điện “kỳ lạ” này.
VQG Cát Tiên và cả rừng phòng hộ Nam Cát Tiên đã được cứu! Việt Nam đã thực hiện đúng những cam kết với quốc tế về việc bảo vệ khu đất ngập nước Bàu Sấu, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Tiên.
Đó là niềm vui của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý VQG Cát Tiên - những chủ nhân của vườn - vì giữ được “ngôi nhà” nguyên vẹn, không bị tăng thêm gánh nặng cho công tác bảo vệ rừng vốn đã nhiều khó khăn, thử thách.
Đó là niềm vui của người dân cả nước nói chung và người dân tỉnh Đồng Nai nói riêng - địa phương hạ du ảnh hưởng trực tiếp bởi các tác động của 2 dự án về nguồn nước tưới tiêu, về sinh kế.
Đó là niềm vui của các chuyên gia Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Sinh thái học miền Nam vì hệ sinh thái được giữ nguyên vẹn, đa dạng sinh học VQG Cát Tiên không bị chia cắt.
Đó là niềm vui của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam khi diện tích rừng đầu nguồn không bị tàn phá thêm, nguồn nước sông Đồng Nai không bị vắt kiệt thêm và dòng sông không bị “băm nhỏ” thêm vì các hồ thủy điện, thủy lợi.
Đó là niềm vui của nhóm tình nguyện Bảo vệ Cát Tiên vì nỗ lực, nhiệt tình của họ đã đem lại kết quả.
Và, đó cũng là niềm vui của Báo Người Lao Động vì đã hoàn thành nhiệm vụ phản biện, thông tin đến bạn đọc câu chuyện có hậu.


Chủ tịch Đức Long Gia Lai: Chấp hành vì lợi ích chung
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 27-9, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, bày tỏ: “Trước hết, tôi xin cảm ơn sự quan tâm của báo chí đối với 2 dự án này. Song, hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu rà soát đưa 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch thì doanh nghiệp (DN) phải chấp hành. Đây là việc quốc gia, cần nghĩ đến cái chung, không nên chỉ vì lợi ích riêng của DN”.
Trả lời câu hỏi trước quyết định của Chính phủ, Tập đoàn Đức Long Gia Lai có đề xuất gì nhằm tháo gỡ bớt khó khăn cho DN, ông Bùi Pháp cho biết: “Tập đoàn Đức Long Gia Lai là DN kinh doanh đa ngành nghề, khối lượng công việc rất lớn nên chúng tôi sẽ tập trung vào những hoạt động sản xuất kinh doanh mình đang làm. Trước mắt, chúng tôi chưa có kiến nghị gì thêm”. T.Dũng
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam:


 Niềm tin cho các nhà khoa học
VQG Cát Tiên không bị cắt một phần lõi, khu Cát Lộc ven sông Đồng Nai đã được giữ nguyên vẹn, dòng nước về Bàu Sấu không bị chặn, cộng đồng xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) không bị ảnh hưởng sinh kế - đời sống. Những mối nguy cơ đe dọa đến đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên đã giảm đi rất nhiều. Không chỉ riêng tôi mà chắc chắn những ai yêu quý thiên nhiên đều vui mừng và đồng tình với chỉ đạo của Chính phủ.
Về phía Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, quyết định này còn là một sự động viên và niềm tin để chúng tôi tiếp tục lên tiếng về những dự án, công trình gây hại đối với nguồn nước và rừng đầu nguồn của Việt Nam, như các dự án thủy điện dự kiến thực hiện trong VQG Chư Yan Sin, Chư Mon Ray, Yok Đôn…
Ông Lê Dương Quang, thứ trưởng Bộ Công thương:

Sẽ làm nhanh!
Quy trình loại bỏ một dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch khi không bảo đảm 1 trong 5 tiêu chí: Ảnh hưởng ít nhất đến việc phá rừng, ảnh hưởng ít nhất đến di dân tái định cư, ảnh hưởng môi trường, hiệu quả kinh tế và sự an toàn. Trước đây, do yêu cầu kêu gọi đầu tư vào xây dựng thủy điện vừa và nhỏ để bù đắp nhu cầu sử dụng điện lớn nên các chủ đầu tư cứ đăng ký là đưa vào quy hoạch, do vậy đã có dư thừa thủy điện. Thậm chí, trong quá trình thực hiện, đã có những dự án mà chủ đầu tư không làm báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ, trung thực...
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát để đưa dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi các quy hoạch được duyệt thì bộ sẽ tuân thủ. Đặc biệt, 2 dự án này có sự lên tiếng của giới khoa học, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội và chính quyền các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM thì Bộ Công Thương càng phải làm nhanh.
Ông Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:

Tránh được những hệ lụy khó lường
Quyết định của Chính phủ là phù hợp với ý nguyện của nhân dân cũng như Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi mong Bộ Công Thương sớm thúc đẩy việc rà soát lại quy hoạch thủy điện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sớm loại bỏ hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, cứu VQG Cát Tiên, tránh cho Đồng Nai những hệ lụy khó lường.
T.Sương-X.Hoàng-T.Dũng
ghi
Nhóm phóng viên
Nguồn:
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bau-vat-cat-tien-da-duoc-cuu-2013092709355288.htm
21 ý kiến

  • Thai tran
    22Thích  
    27/09/2013 23:18
    Một quyết định sáng suốt đáng được khen ngợi.
  • Màu xanh hy vọng
    15Thích  
    27/09/2013 23:42
    mỗi lần đọc báo về 2 dự án này là sợ vô cùng, sợ mảnh vườn quý giá của quốc gia, của thế giới, của mọi loài sinh vật trong đó sẽ bị tổn hại. Chỉ có lần này là vui nhất, quyết định đúng đắn nhất, kịp thời nhất của Chính phủ.
  • HỌA MI
    15Thích  
    28/09/2013 00:15
    Cảm ơn Báo Người Lao Động, các nhà khoa học, các cấp chính quyền và Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã kiên trì phản biện, đấu tranh để bảo vệ và bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên. Cảm ơn và trân trọng ý kiến chỉ đạo sáng suốt của Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải. Thật vui mừng vô cùng!
  • Lê Minh
    13Thích  
    28/09/2013 00:35
    Ông Chủ tịch Đức Long Gia Lai cũng biết chấp hành vì lợi ích chung thì sao từ lúc trước ông không bỏ dự án? Hoan hô chính phủ đã có một quyết định đúng đắn, đồng thời kiến nghị chính phủ nên rà soát và hủy bỏ các dự án tương tự như vậy, rừng Việt Nam cạn kiệt lắm rồi...
  • Dã Quỳ
    10Thích  
    28/09/2013 00:57
    Tối nay, đọc xong bản tin 2 dự án thủy điện ĐN 6 & 6A đã được loại bỏ, tôi rơi nước mắt vì quá đỗi vui mừng. Như vậy VQG Cát Tiên đã được cứu! Đây là một tin tôi cho là vui nhất trong các tin vui mà quý báo đã đem đến cho mọi người. Chân thành cảm ơn BBT Báo NLĐ và nhóm phóng viên đã đem đến những thông tin về dự án thủy điện ĐN 6 & 6A một cách chính xác và kịp thời. Chúc báo NLĐ ngày càng phát triển.
  • Đông Tà
    5Thích  
    28/09/2013 06:04
    Chà, tránh được một nguy cơ, một hậu quả cho thế hệ đời sau vì đã loại bỏ được dự án thủy điện 6, 6A. Công sức của sự đoàn kết toàn dân.
  • Hai Lúa Miền Tây
    4Thích  
    28/09/2013 07:10
    Vui thật là vui, vui đến Hai Lúa không biết dùng từ gì để diễn tả.
  • Hải Sùi
    3Thích  
    28/09/2013 08:14
    Chúc mừng Báo NLĐ và tất cả các bạn đọc tờ báo này, tôi cảm thấy tự hào cùng các bạn đã góp một tiếng nói trong cuộc chiến đấu bảo vệ rừng Cát Tiên. Nay "Báu vật Cát Tiên đã được cứu!", cứ như chúng ta vừa giật lại được một báu vật từ tay kẻ cướp vậy. 
  • Người dân
    5Thích  
    28/09/2013 08:15
    Cuộc sống thật kỳ lạ, có những người luôn nhòm ngó báu vật quốc gia. Họ chẳng muốn để dành gì cả, muốn xẻ thịt luôn. Thật may, có những con người nhiệt huyết ngăn bàn tay họ lại, giữ cho môi trường, tài nguyên thiên nhiên đất nước còn lại chút vốn quý.
  • le van
    4Thích  
    28/09/2013 09:16
    Cuối cùng thì lẽ phải đã Thắng. Cầu mong sau nầy đừng có những dự án trời ơi như vậy để người dân khỏi phải mệt mỏi..
  • ngothanh
    3Thích  
    28/09/2013 09:41
    Là người Đồng Nai. đọc tin này tôi vui quá đến khóc nức nở. Cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đưa ra 1 quyết định sáng suốt, hợp lòng dân, tạo thêm niềm tin cho dân. Phó Thủ tướng là lãnh đạo luôn lo nghĩ cho dân. Kính chúc Phó Thủ tướng nhiều sức khỏe phục vụ lợi ích của nhân dân.
  • Trần Sơn
    7Thích  
    28/09/2013 09:48
    Các nhà thầu tư vấn trong 2 dự án này sẽ bị dính nợ khó đòi là chắc luôn. Nhưng cũng nên vậy để họ thận trọng hơn!
  • Lê An
    5Thích  
    28/09/2013 09:52
    Sáng nay đọc tin này cứ ngỡ mình đang mơ. Đọc đi đọc lại, cuối cùng niềm mong ước bấy lâu đã thành sự thật. Cám ơn tất cả những ai lên tiếng vì một môi trường cho thế hệ mai sau. Vui quá !
  • TƯ HÊN BÌNH DƯƠNG
    4Thích  
    28/09/2013 09:53
    Mừng đến nỗi.....khóe mắt hơi cay....
  • Đồng Thắng Hùng
    1Thích  
    28/09/2013 11:29
    Mừng quá sớm!, Mới chỉ rà soát để loại bỏ, chưa quyết định loại hẳn. Nếu rà soát mà chưa bỏ được, thì sao?.(vụ này không lạ). Lại tiếp tục tranh luận được mất. Trông chờ quyết định: loại hẳn TĐ 6 & 6a, như nắng hạn chờ mưa!!
  • Nguyễn quốc Thụy
    5Thích  
    28/09/2013 11:33
    Đọc xong tin này, mình thấy như một khối u ác tính trong người do uống thuốc nam kiên trì may mắn khỏi . Đêm nằm nghĩ về những con suối, những thảm thực vật, những đàn chim ..... lại được bình yên. Mơ một ngày đi du lịch vườn quốc gia CÁT TIÊN. Tự nhiên thấy yêu đời lên mấy phần. Vui quá.
  • kyky
    1Thích  
    28/09/2013 11:47
    Phải vậy chứ, có vậy thì mới khuyến khích được nhân dân lên tiếng phản đối khi thấy các điều bất bình thường trong xã hội.
  • Dã Quỳ
    0Thích  
    28/09/2013 13:08
    @Đồng Thắng Hùng: Bạn đừng hoãn sự sung sướng vui mừng của mọi người chứ bạn!
  • minh hoàng
    1Thích  
    28/09/2013 13:35
    Tôi cũng vui như Bác Viện trưởng. Cảm ơn báo Người lao động rất nhiều vì đã góp phần rất lớn bảo vệ Báu vật Quốc gia.
  • tang phan hung
    3Thích  
    28/09/2013 14:36
    chúng tôi, những người bênh vực lẽ phải xin cám ơn Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải , báo Người Lao Động cùng các nhà khoa học đã nói lên tiếng nói mạnh mẽ để cứu được rừng QG Cát Tiên cho con em chúng ta mai sao .
  • nhất thống
    1Thích  
    28/09/2013 15:19
    Quyết định hợp lòng dân, chúc mừng nhân dân cả nước vì quyết định này, vì môi trường, vì tương lai Việt Nam.
    SCT: Rất hoan nghênh và chân thành chúc mừng Báo Người Lao Động; VRN và tất cả các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức cùng Chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Nai nói riêng, mọi người có lương tri yêu quý bảo vệ rừng, môi trường nói chung, đồng thời căm ghét các nhóm lợi ích toan tính vơ vét tài nguyên thiên nhiên của Quốc gia. Hẵy tiếp tục bảo vệ 10% rừng nguyên sinh cuối cùng! Chúc tâm hồn luôn thanh thản!
    Các nhà khoa học, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong ngoài nước đều say mê khám phá tại VQG Cát Tiên. Photo: HV CLB nhiếp ảnh ĐN.