Cuối tháng 7-2012, tôi có được cơ hội về với rừng Cát Tiên. Đoàn chúng tôi có tất cả là 15 anh chị em, Bắc Nam đủ cả. Người công chức, kẻ vẫn còn đang đi học, người tin Chúa, kẻ theo Bụt, tất cả đã kề vai nhau trong hơn 24 giờ. Điểm chung gắn kết chúng tôi chính là mối quan tâm đến sự an nguy của khu dự trữ sinh quyển đã được cả thế giới công nhận. Điều đó có nghĩa đây không còn chỉ là lá phổi của Mẹ Việt Nam mà còn là lá phổi của Mẹ Trái Đất (Mother Earth), lá phổi của nhân loại.
Chuyến đi của chúng tôi vì vậy không thể chỉ dừng lại ở việc thăm viếng, chụp ảnh, quay phim, hay khảo sát. Chúng tôi muốn có một cái nhìn thấu, một cái nghe sâu, một sự xúc chạm chân thật nhất về thực tại của Cát Tiên. Nguyện vọng đó hẳn nhiên không thể thành tựu nếu chỉ dựa vào ý chí của từng cá nhân đơn lẻ. Cần sự đồng lòng và quan trọng hơn nữa là sự tiếp sức từ những người đã ăn, đã sống, đã thở ở nơi chốn này. Tôi muốn nói tới anh Nguyễn Huỳnh Thuật – nguyên cán bộ Phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế Vườn Quốc Gia Cát Tiên (VQGCT). Mối quan tâm của chúng tôi sở dĩ mà có cũng chính là vì những bài viết và hành động đánh động ý thức cộng đồng của anh trong suốt nhiều năm qua. Chương trình sinh hoạt chi tiết của chúng tôi do một tay anh sắp xếp. Anh chăm lo cho chúng tôi cả bữa ăn và chốn ngủ. Và phần lớn chi phí trong chuyến đi là do anh yểm trợ. Theo tôi được biết thì đây không phải là lần đầu anh có những sự hiến tặng như vậy.
Thương rừng như thương thân
Ngày về Cát Tiên của chúng tôi được khởi đầu bằng nửa giờ hơn ngồi yên bên nhau lúc hừng đông. Điểm tâm của chúng tôi là những món chay thanh đạm và món sữa đậu nành ấm nóng. Ăn sáng chỉ gồm những thức ăn có nguồn gốc thực vật. Và ăn trưa cũng vậy. Xen giữa 2 thời là những bước chân thầm lặng giữa rừng xanh. Ở mỗi chặng dừng quan trọng, anh Thuật đã chia sẻ cho chúng tôi rất nhiều điều. Những câu chuyện về cây rừng, về những chủng loại động thực vật, những mối đe dọa đến với Cát Tiên và những bài học đạo đức, sự sống từ rừng cứ miên man không ngừng nghỉ. Sau khi đã nếm, đã trải cảnh vật Cát Tiên, anh đưa chúng tôi đi gặp con người Cát Tiên. Đó là cộng đồng người Châu Mạ, người Stiêng ở xã Tà Lài giáp ranh vùng lõi VQGCT (cộng đồng Stiêng này trước đây sống ở trong rừng sâu nhất là khu vực xung quanh Bàu Sấu và cộng đồng Châu Mạ sống dọc sông Đồng Nai).
Thời gian của chúng tôi là có giới hạn nhưng vừa đủ để tất cả cảm nhận được tình thương yêu của anh Thuật dành cho núi sông và văn hóa nơi này. Ăn cơm với anh, ngồi yên với anh, đi lặng bên anh hay nghe những lời tâm sự từ anh, chúng tôi mỗi người tự tìm thấy được lời giải cho những vì sao, vì sao một người đã tốt nghiệp thứ hạng cao tại Đại Học Nông Lâm đã khước từ tương lai đầy hứa hẹn nơi thành thị để về chốn sơn lâm, vì sao và động cơ nào thôi thúc anh bất chấp những khó khăn được dự báo từ trước để viết lên 2 bức tâm thư gửi những vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam bày tỏ sự quan ngại về dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, và vì sao anh dùng nguồn lực tài chính cá nhân để liên tiếp tổ chức những chuyến thăm rừng quê hương cho các em học sinh vùng ven hay những chuyến đi thực nghiệm tại Cát Tiên cho những người hoàn toàn xa lạ…
Với tôi thì tựu chung chỉ có thể là một chữ thôi. Đó là tình. Một mối tình sâu nặng với thiên nhiên, với sông nước là khởi nguồn của tất cả. Và ở anh tôi thấy mối tình đó lớn lắm, nó lấn áp cả những cảm tình riêng tư cho gia đình. Điều này có thể là một thiệt thòi cho người vợ đang vất vả tần tảo ngày đêm bên tủ thuốc để lo cho những đứa con thơ của anh. Nhưng cũng vì chữ tình đó mà anh đã lay động không biết bao nhiêu tấm lòng từ mọi miền đất nước. Để rồi những trái tim đó đã xích lại gần nhau hình thành một nhóm bạn hữu có chung một tên gọi “Yêu quý và bảo vệ Cát Tiên”. Họ đã cùng nhau truyền tải những thông điệp, những tiếng gọi từ anh, từ Cát Tiên vang xa. Đã có những buổi triễn lãm ảnh về vẻ đẹp cũng như về những nguy cơ mất rừng Cát Tiên để thức tỉnh lương tri và ý thức bảo vệ rừng nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung ở Tp Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, ở Hải Phòng v.v… Thành quả mới nhất của anh và những người bạn hữu là Giải thưởng xanh về môi trường được Viện Hàn Lâm Khoa học và công nghệ Asean trao tặng vào thời điểm cuối năm vừa rồi [2012]. Trong sự kiện này, anh là người đại diện Việt Nam duy nhất có vinh dự được nhận lãnh.
Giáo dục đạo đức môi trường
Có được cơ hội lắng nghe trực tiếp từ anh tôi hiểu hơn những gì mà anh đang nhắm tới. Với anh, bảo vệ Cát Tiên không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi trong thời điểm hiện tại. Đó là một việc cấp thiết trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn thì anh có cho tôi hay về bản phác thảo gồm 7 hướng đi rất rõ ràng, cụ thể.
1. Giáo dục đạo đức môi trường cho đối tượng chính là học sinh các cấp vùng ven rừng đặc dụng Cát Tiên nói riêng và VN nói chung cùng với các hộ dân thường hay vi phạm luật bảo vệ rừng. Tổ chức hội thảo, hội trại, tập huấn, triển lãm ảnh ấn tượng nhiều nơi nhằm góp phần nâng cao ý thức và đạo đức bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở địa phận Đồng Nai.
2. Xây dựng mạng lưới tình nguyện viên vì mái nhà xanh (vì Mẹ Thiên Nhiên), mạng lưới những người không ăn thịt động vật, mạng lưới quán ăn chay trọng điểm ở các khu rừng đặc dụng, di sản,… nhằm góp phần kết nối, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường.
3. Tuyển chọn, xây dựng các mô hình canh tác hữu cơ (Organic farming) bền vững, tiến đến hỗ trợ (cây con giống, tập huấn,…) cho nông dân vùng rừng, vùng di sản thiên nhiên-văn hóa sản xuất thực phẩm sạch (không sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng hóa chất độc hại,…)
4. Nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, xuất bản ấn phẩm (tài liệu, sách, CDs,…) về hệ thống tri thức bản địa (cây thuốc dân tộc học, tri thức bản địa về sử dụng lâm sản ngoài gỗ (NTFPs) bền vững, các giá trị văn hóa tâm linh,…) của các cộng đồng dân tộc sống trong và xung quanh khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên cũng như các khu dự trữ sinh quyển, khu rừng đặc dụng và di sản khác trong cả nước Việt Nam.
5. Gắn điện mặt trời, máy nước nóng năng lượng mặt trời cho mỗi trường học, trạm y tế ở vùng sâu vùng xa vùng cao vùng rừng.
6. Soạn và viết sách giáo dục về đạo đức môi trường và đạo đức ứng dụng cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học để phân phối đến các thư viện. Các sách báo hướng dẫn đơn giản thiết thực về nếp sống hiện đại nhưng thân thiện với môi trường (tiêu thụ ít tài nguyên) cho quần chúng nói chung……
7. Mở các cuộc thi đua về các sáng kiến vì màu xanh (vì Mẹ Thiên Nhiên, vì mái nhà xanh, vì di sản,…) và dự án xanh cho cộng đồng của địa phương để khuyến khích lớp trẻ động nảo và tích cực thực hiện các dự án khả thi và hữu ích v.v…. và việc lập, xây dựng 1 đội ngũ tình nguyện viên về kỹ thuật, có kiến thức và huấn luyện kỹ thuật để hướng dẫn người dân thực hiện các chương trình đã đề ra.
Trong 7 hướng đi này, tôi ấn tượng nhất với cụm từ “Giáo dục Đạo Đức Môi Trường bằng tiếng Anh”. Viết tắt là 4Es (nguyên văn là Envrionment Ethics Education in English for Peace and Environment). Tôi cảm thấy 7 điều anh nêu ra có thể rút gọn lại và nằm hẳn trong 4Es.
4Es có thể nói là một sự đầu tư cho tương lai và đối tượng trọng điểm chính là những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường ngay từ bậc mầm non. Tầm ảnh hưởng của kế hoạch này quả thật rất sâu, rất rộng và không thể nào đo lường được. Trước hết là hãy nói về chiều rộng.
Khi Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) chọn Cát Tiên làm nơi để thực hiện Dự án giáo dục bảo tồn môi trường sinh thái rừng thì họ đã chọn ngay anh Thuật làm một thành viên nòng cốt. Một điều không có gì lạ bởi kinh nghiệm và thực tài của anh. Nhờ vào quá trình cộng tác cùng WWF, anh đã có cơ hội giảng giải ý thức bảo vệ môi trường cho hơn 10.000 học sinh. Như vậy là đã chiếm 1/10 số lượng học sinh (ước tính khoảng hơn 100.000 em) ở 42 trường học nằm trên địa bàn 32 xã thuộc 8 huyện khu vực lân cận VQGCT. Về chiều sâu, sau quá trình thâm nhập này, được sự cho phép của chính quyền địa phương, năm 2005 anh đã tổ chức lớp dạy tiếng Anh miễn phí và các môn khác cho các em học sinh cấp 3 người dân tộc bản địa tại xã Tà Lài sống cạnh VQGCT.
Kết quả đầu tiên chính là việc em K’Tiên trở thành người dân tộc đầu tiên ở Cát Tiên đậu đại học và có khả năng trao đổi trực tiếp với người nước ngoài. Không dừng lại ở đây, anh đã dành thời gian và tự bỏ ra chi phí để đến nói chuyện với các thầy cô và các em học sinh vào những giờ chào cờ đầu tuần nhằm tuyển lựa ra những em có khả năng ngoại ngữ rồi tổ chức đưa các em đi thực nghiệm tại VQGCT và Đảo Tiên. Trong những chuyến đi tham quan rừng dành cho du khách nước ngoài, anh Thuật cũng dành một khoản thời gian ngắn để trao cho du khách một số bài tập thiền để họ có một trải nghiệm sâu sắc về mình, về sự tĩnh lặng trước khi trở về rừng. Những bài tập này anh cũng chia sẻ với một số những cán bộ nhân viên nước ngoài cùng công tác với anh. Dưới đây là một số những phản hồi mà anh đã nhận được:
“Hôm qua tôi đã có 1 giờ thiền tập với sự hướng dẫn của anh Thuật. Tôi đã có 3 tuần tại Việt Nam. Với tôi, đây quả thật là một đất nước yên bình với những con người tử tế. Duy chỉ có điều là có nhiều tiếng ồn từ xe máy quá. Kinh nghiệm hôm qua quả thật rất tuyệt vời. Nhờ đó mà hôm nay tôi cảm thấy hoàn toàn thư giãn và có thể tận hưởng thiên nhiên tại VQGCT một cách trọn vẹn.
Chân thành cám ơn anh Thuật!”
Tians Caspers
Du khách người Hà Lan
“Thưa ông Mùi, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên (CTNP)
Sau khi tham dự lớp thiền của anh Thuật, tôi thật sự ngạc nhiên về cách mình đã đi qua những giờ phút đó. Thiền tập vào buổi tối thật sự rất thú vị. Tôi nghĩ rằng du khách nước ngoài sẽ có một sự coi trọng những hoạt động này giống như tôi.
Tôi cảm thấy được thư giãn rất nhiều và thiền tập giúp tôi nhận ra nhiều hơn những gì đẹp và thanh bình vốn có nơi Cát Tiên. Tôi nghĩ rằng nếu hoạt động này trở thành một lớp học định kỳ thì thành công sẽ rất lớn. Mọi người sẽ đến và ở lại lâu hơn khi họ được học cách sống chậm lại (sống thiền, sống chánh niệm, sống tỉnh thức) và cách trân quý thiên nhiên xung quanh. Tôi tin rằng đây sẽ là một sự khởi đầu hết sức độc đáo và đặc biệt trong tiến trình tôn thêm giá trị và vẻ đẹp của Vườn Quốc gia.”
“Có lẽ đối với tôi đây là chuyến đi không bao giờ quên với bao kỷ niệm đẹp về tình bạn, về cuộc đời. Chuyến đi đã dạy cho tôi ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân với môi trường, đối với các loài động vật hoang dã.
Tôi đã tìm cho mình một góc riêng trong tâm hồn – trong mát và ngọt lành”
Nguyễn Thị Lành – THPT Tôn Đức Thắng
“Chuyến đi này đã giúp tôi nhận ra rất nhiều điều. Thiên nhiên thật tuyệt diệu. Nó đem lại cho ta cảm giác yên bình, giải toả căng thẳng và đem lại cho ta rất nhiều lợi ích về cả tinh thần lẫn vật chất. Vậy tại sao ta lại không bảo vệ nó? Có khi nào ta từng nghĩ thiên nhiên đang kêu khóc trước sự tàn phá rừng của con người, việc săn bắn quá mức các loài động vật quý hiếm? Phải chăng thiên nhiên cũng đã nổi giận? Những cơn lũ quét khủng khiếp, những cơn hạn hán kéo dài, những trận động đất… tất cả chẳng phải là sự trừng phạt của thiên nhiên hay sao? Chúng ta cần phải bảo vệ các loài động thực vật, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Khi đó thiên nhiên sẽ là người bạn thân thiết của con người.”
Vũ Thị Bích Giang – THPT Tôn Đức Thắng
photo by Dạ Lai Hương
Môi trường và con người là một
Thông thường trong suy nghĩ của đại đa số chúng ta bảo vệ môi trường là một việc chính đáng. Nhưng ý niệm “bảo vệ” vẫn còn dựa trên suy nghĩ rằng ta và môi trường bên ngoài là 2 thực thể tách rời. Mình là mình và môi trường là môi trường. Và vì môi trường cho mình không khí sạch, cho mình khoáng sản, cho mình ánh nắng, cho mình sự sống cho nên mình phải trân quý và bảo vệ. Mình phải có trách nhiệm, phải có nghĩa vụ tương xứng. Đây không phải là đường hướng giáo dục đạo đức môi trường đích thực.
Điều mà anh Thuật muốn truyền đạt đến các bạn trẻ, những du khách và ngay cả những người đang đồng hành cùng mình là môi trường bên ngoài và môi trường bên trong cơ thể của mỗi người không thể nào tách rời nhau. Sự truyền đạt này không chỉ nằm trên giấy, trong những buổi nói chuyện, trong những trò chơi, trong những chuyến đi mà anh mong muốn mỗi người tham dự phải có sự trải nghiệm nơi tự thân của họ.
Giữa thiên nhiên trong lành, giữa núi rừng tĩnh lặng những bài thiền tập quay về với hơi thở (để nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt nơi thân mình) trở nên rất hiệu nghiệm. Đạo đức môi trường ở đây chính đạo đức ứng dụng, là những bài tập thực hành mà mỗi người có thể sử dụng để tìm thấy được sự trong sạch và lành mạnh nơi tự thân. Và vì vậy tình yêu thiên nhiên, muốn bảo hộ cho thiên nhiên sẽ đến, đến một cách tự nhiên, không cần phải rao giảng, kêu gọi hay tuyên truyền. Khi có được một trạng thái an tĩnh trên thân thì người ta sẽ dễ dàng phát tâm muốn bảo hộ không gian đã làm nên trạng thái đó. Tự thân đã lành mạnh rồi thì ta sẽ muốn mở rộng ra. Mở rộng sự trong sạch đó ra nơi gia đình, nơi trường học, nơi sở làm và toàn thể xã hội. Đó chính là đích đến, là ý nghĩa thật sự của 4Es. Tôi hy vọng anh Thuật sẽ có đủ những điều kiện thuận lợi để đi trọn vẹn con đường mà anh đã định hướng cho mình.
Lợi ích của 4Es như vừa nêu là không thể nào đo lường được. Anh Thuật có mong ước và đang từng bước thực hiện. Trong xã hội ngày nay, đã có rất nhiều người có được một cái thấy sâu sắc, không phân biệt giữa môi trường nơi thân tâm và môi trường tự nhiên bên ngoài. Việc nhiều tâm hồn đồng điệu hiệp lực cùng nhau chắc chắn sẽ giảm thiểu mức độ ô nhiễm đang có chiều hướng tăng cao và đồng thời dựng xây cho những thế hệ mai sau một không gian sạch trong hơn. Mong sao tất cả họ sẽ tìm tới được với nhau, và chung tay hành động vì một tương lai Cát Tiên, tương lai Việt Nam và tương lai nhân loại.
Dạ Lai Hương
tháng 3, 2013
Nguồn: http://dalaihuongxy.wordpress.com/2014/01/02/ve-voi-thien-nhien-ve-voi-me-hien/
Quyển Ebook Cát Tiên Trong Tôi
bao gồm 3 định dạng:
- pdf (đọc trên PC)
- prc (đọc trên Amazon Kindle)
- ePub (đọc trên iPad)
Tất cả có tại đường dẫn dưới đây:
http://bitly.com/ctttE
Anh/chị vào và có thể lựa chọn tải về tập tin tương thích với thiết bị đọc sách của mình.
Chân thành cám ơn tất cả tấm lòng của quý vị bạn hữu xa gần đã yểm trợ để tập sách này có thể thành hình...
Cùng nhau nuôi lớn hiểu biết về Cát Tiên để thêm yêu Cát Tiên và bảo vệ lá phổi cho chúng ta và những thế hệ mai sau...
2.1.2014
[dạ lai hương]