Saturday, May 11, 2013

Đừng để lần lật xe thứ 9 xảy ra !

 "Xe bị lật ở cầu vượt Cát Lái là do lỗi thiết kế"

Lê Anh thực hiện
Thứ Sáu,  10/5/2013, 03:17 (GMT+7)
 

 

 

 

Ông Phạm Sanh - Ảnh: Anh Quân.
(TBKTSG Online) - Ngày 7-5, tiếp tục xảy ra vụ lật xe container thứ 8 trên cầu vượt Cát Lái (quận 2, TPHCM) kể từ khi cầu này được đưa vào sử dụng. Vì sao tình trạng lật xe container liên tiếp xảy ra trên cây cầu này? Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng việc xảy ra nhiều vụ lật xe ở cầu vượt Cát Lái là do lỗi thiết kế của cầu.
Ông Sanh nguyên là tổ trưởng tổ công tác cầu Phú Mỹ và đang giảng dạy tại một số trường đại học ở TPHCM.
TBKTSG Online: Từ khi cầu vượt Cát Lái được đưa vào sử dụng từ tháng 8-2010 đến nay đã xảy ra 8 vụ lật xe container. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ lật xe như vậy?
- Ông Phạm Sanh: Đúng là các vụ lật xe container đang gây tâm lý bất ổn cho người đi đường, đặc biệt là những người đi phía dưới cầu. Qua phản ánh của giới lái xe thì hầu hết đều cho rằng cầu vượt Cát Lái vừa dốc vừa cong quá gắt nên rất khó điều khiển.
Quan điểm cá nhân của tôi thì cho rằng lỗi cơ bản là từ khâu thiết kế, trong đó bao gồm cả khâu thẩm định và phê duyệt thiết kế. Nếu có lỗi của lái xe thì cũng không phải là nguyên nhân chính.
Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM khẳng định rằng thiết kế cầu vượt không sai ?
- Theo kinh nghiệm của những chuyên gia giao thông, tai nạn giao thông xảy ra thường xoay quanh 4 nhóm nguyên nhân chính, gồm do người lái, do phương tiện, do môi trường và do công trình.
Qua các vụ lật xe trên cầu vượt Cát Lái, chúng ta có thể loại ngay các nguyên nhân do phương tiện và do môi trường.
Vậy chỉ còn 2 nguyên nhân còn lại là do lái xe và do công trình. Trong khi Sở GTVT TPHCM khẳng định do người lái, còn lái xe lại nghi ngờ do thiết kế công trình không đúng. Hai quan điểm trái ngược này hoàn toàn dễ hiểu bởi ai cũng muốn đổ lỗi cho người khác.
Theo tôi, nguyên nhân sự cố lật xe xảy ra liên tục ở cầu vượt Cát Lái cơ bản bắt nguồn từ sai sót thiết kế, thẩm định và phê duyệt thiết kế, lỗi của người lái xe container chỉ là cái cớ, giống như giọt nước làm tràn ly nước đã đầy.
Việc thiết kế xe vừa leo dốc vừa vào đường cong quá gắt đã khiến người lái xe phải hết sức tập trung và cảnh giác cao độ mới không bị xô ngang ra thành cầu. Việc này vô cùng khó với các lái xe chở container (nặng từ 40 đến 50 tấn, dài 6 đến 12mét) khi leo dốc vào đường cong gắt.
Theo tôi, đơn vị thiết kế và cơ quan thẩm định đã không để ý tính toán cụ thể các thông số hình học của cầu vượt cho xe container.
Chỉ cần một vài vụ lật xe trên cầu là giới lái xe đã cảnh báo cho nhau ngay, làm gì phải chạy bạt mạng để lật xe liên tục. Hơn nữa nếu thiết kế hoàn toàn đúng thì Sở GTVT TPHCM cần gì phải giới hạn vận tốc xe.
Theo ông để hạn chế tai nạn lật container trên cầu vượt Cát Lái cần phải có biện pháp gì ?
- Rất tiếc một công trình cầu vượt tầm cỡ như cầu vượt Cát Lái lại có sự cố về thiết kế, không đảm bảo khổ động học cho các xe container thông dụng tại Việt Nam. Đây là cầu vượt nằm trong dự án vay vốn của Nhật và do tư vấn Nhật thiết kế, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thẩm định thiết kế các nút giao khác mức.
Sự cố lật xe container trên cầu vượt Cát Lái vẫn là một hiểm họa lơ lửng trên đầu những người tham gia giao thông trên xa lộ Hà Nội. Theo tôi, không nên né tránh mà phải nhìn đúng bản chất vấn đề, đánh giá đúng nguyên nhân thì mới tìm ra cách khắc phục.
Về phương án khắc phục, nên mời các tổ chức tư vấn và chuyên gia hàng đầu (kể cả chuyên gia nước ngoài) để phân tích đánh giá đúng nguyên nhân. Đồng thời, nghiên cứu thêm mô hình mô phỏng để tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến tai nạn. Từ đó đưa ra các kịch bản xử lý như cải tạo mở rộng, vuốt dốc…, hoặc cấm xe container đi trên cầu ... Vấn đề mở rộng bán kính cong đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là quá khó bởi mặt bằng khu này đã có.
Trước mắt nên có nhiều biện pháp cảnh báo người tham gia giao thông trên trục xa lộ Hà Nội và đặc biệt hạn chế vận tốc tối đa đối với xe container khi leo lên cầu vượt. Ngoài ra, cần bố trí cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại khu vực này để lái xe không chạy quá tốc độ.
Xin cảm ơn ông!

No comments:

Post a Comment