Để xây dựng ba thủy điện Sông Ha Hạ, Sông Hinh và Krông H’Năng, tỉnh Phú Yên mất hơn 10.000ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp, trong đó có hơn 1.000ha rừng đặc dụng rừng phòng hộ đầu nguồn.
Theo Nghị định số 23/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định rõ: “Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác…”. Tuy vậy, cho đến nay việc tái tạo lại rừng triển khai quá chậm, thiếu nghiêm túc.
Theo kết quả kiểm tra của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ phải trồng lại 204ha; Công ty cổ phần Sông Ba có Nhà máy Thủy điện Krông H’Năng trồng 175ha nhưng diện tích trồng lại rừng quá ít. Còn Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh chưa chứng minh được số liệu trồng rừng phục hồi. Ông Đặng Văn Tuần, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ cho biết, do quỹ đất khó khăn nên hiện công ty mới chỉ trồng được 25,4ha rừng. Công ty đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh giúp đỡ tìm quỹ đất để tiếp tục trồng nhưng chưa có.
Rừng bị mất do công trình thủy điện quá lớn, diện tích trồng lại không đáng kể, nhưng điều đáng lo ngại hơn là do nhân dân vùng dự án thiếu đất sản xuất dẫn đến lấn chiếm đất rừng, phát nương làm rẫy ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Trong năm 2011, toàn tỉnh đã có hơn 1.100 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó phá, khai thác rừng trái phép chiếm hơn 500 vụ, thiệt hại gần 120ha rừng gần 100m3 gỗ”. Một thực tế khác đang diễn ra và ngày càng trở nên “nóng” là việc tích nước của các hồ thủy điện, vô tình đã “thông tuyến” nối các vùng rừng và khu dân giáp ranh giữa các tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc phá rừng, vận chuyển lâm sản ngang dọc trên mặt hồ, gây khó khăn trong kiểm soát, bảo vệ rừng. Đơn cử như phần diện tích lòng hồ thuộc địa bàn xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Tại đây, sau khi khai thác gỗ, lâm tặc dùng xuồng máy vận chuyển qua lại, khiến các ngành chức năng và chính quyền địa phương không thể chủ động kiểm soát, ngăn chặn.
Trong khi các thủy điện lớn chưa hoàn thành trách nhiệm trồng lại rừng, thì các thủy điện nhỏ đang mọc lên, tình trạng “ăn đất rừng” lại tiếp tục khiến rừng càn bị thu hẹp (theo quy định của Bộ Công nghiệp, thủy điện lớn có công suất hơn 100.000kw; thủy điện trung bình có công suất từ 10.000 đến 100.000kw; thủy điện nhỏ có công suất từ 500 đến 10.000kw).
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, một số dự án thủy điện lớn và nhỏ đã, đang và sẽ triển khai ở miền Trung và Tây Nguyên là “đánh cược với thiên nhiên”. Vì vậy, cần có một ủy ban điều tra liên ngành, điều tra thực trạng vận hành các công trình thủy điện. Trước mắt, nên tạm dừng các dự án thủy điện ở miền Trung, đồng thời thành lập một ủy ban lâm thời điều tra về hiện trạng thủy điện, rừng, quản lý đất đai và tài nguyên... Theo
Bộ NN-PTNT các dự án đầu tư thủy điện phải bố trí vốn để trồng rừng, nếu không tự quản lý được thì ủy thác cho Quỹ Bảo vệ phát triển rừng của tỉnh hoặc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Việt Nam thực hiện. Về nguyên tắc, chưa có phương án đầu tư trồng rừng thay thế thì chưa chấp thuận đầu tư dự án thủy điện. Rừng bị mất bao nhiêu thì phải trồng bù lại bấy nhiêu, nếu trong huyện không còn đất để trồng rừng thì tỉnh bố trí trồng rừng thay thế ở huyện khác; nếu tỉnh không còn đất để trồng rừng thì báo cáo Bộ NN-PTNT để bố trí đất ở tỉnh khác.
Ngày 4/7/2012 Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4920/VPCP-KTN chỉ đạo tăng cường công tác quản lý các dự án thủy điện. Theo đó, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT cùng UBND các tỉnh khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông, quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn cả nước và ở từng địa phương, kiên quyết loại bỏ những dự án không hiệu quả, tác động xấu đến môi trường: chiếm nhiều diện tích đất rừng, đất sản xuất, ảnh hưởng lớn đến di dân, tái định cư, cấp nước hạ du.
Đồng thời yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất để chủ đầu tư các dự án thủy điện đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng các dự án thủy điện theo quy định; có biện pháp bắt buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng bù diện tích rừng theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp các dự án thủy điện có yêu cầu phải trồng lại rừng nhưng không có đủ quỹ đất, UBND tỉnh cần yêu cầu chủ đầu tư các dự án thủy điện đóng góp bằng tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để điều tiết trồng bù rừng theo quy định.
Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’Năng khi cổ phần hóa chưa tính đến giá trị đất nông lâm nghiệp khá lớn nên dẫn đến tài sản nhà nước rơi vào một số nhà đầu tư. Do vậy, cần phải tính toán lại giá trị đất đai đưa vào công trình và trách nhiệm của chủ nhà máy là phải trích cổ tức từ giá trị đất đai, nộp cho địa phương để lập quỹ chăm sóc phát triển rừng và chăm lo phúc lợi nhân dân vùng dự án…
Mặt khác, cùng với trách nhiệm phối hợp chính quyền địa phương tái tạo rừng xanh, các nhà máy thủy điện phải thực hiện đúng và đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
No comments:
Post a Comment