Thủy điện nhỏ “phá” khu bảo tồn lớn
Khu BTTN Đak-rông thành lập năm 2000, được coi là vùng có giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu của thế giới và Việt Nam như sao la, gấu ngựa, voọc, gà lôi lam mào trắng, lan kim tuyến, kim giao… Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt còn là khu vực rừng đầu nguồn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng làm “chốt chặn” cản lũ quét miền ngược.
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, toàn bộ diện tích khu vực dự kiến triển khai xây dựng thủy điện A Chò (hơn 53 ha) đều nằm trong Khu BTTN Đak-rông, trong đó các hạng mục hồ chứa, kênh dẫn, đập dâng, ống áp lực, đường vận hàng nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, còn khu nhà máy và quản lý vận hàng nằm trong phân khu phục hồi sinh thái.
Báo cáo mới nhất của Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị gửi UBND tỉnh này cho hay, nếu xây dựng thủy điện A Chò, Khu BTTN Đak-rông sẽ bị chia cắt làm đôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, sinh thái và đa dạng sinh học của Khu.
Ông Lê Văn Quý - Phó Chi cục trưởng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Chi cục Kiểm lâm không đồng tình việc triển khai dự án thủy điện A Chò”.
Để chứng minh lý do không đồng tính, ông Quý khẳng định việc xây dựng công trình, mở mang giao thông và lượng người tập trung đông sẽ làm các loài động vật di trú và gây áp lực lớn cho việc bảo vệ rừng, đặc biệt ở các tiểu khu lân cận công trình vốn có trữ lượng gỗ lớn nhất Khu hiện nay. Cụ thể, ngoài 38 ha rừng già và 15 ha đất khe suối bị “khai tử”, diện tích rừng bị ảnh hưởng lên tới 4.000ha.
Trước đó, trong công văn gửi Công ty CP thủy điện A Chò, BQL Khu BTTN Đak-rông cũng bày tỏ sự “hết sức lo ngại” đến công tác bảo vệ rừng khi công trình thủy điện được xây dựng.
Có quan điểm giống như Chi cục Kiểm lâm tỉnh, BQL cho rằng những vấn đề về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, di dân tự do… tuy đã được nhắc đến trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhưng chưa đánh giá đầy đủ và chưa có giải pháp thuyết phục. BQL cũng dẫn quy chế quản lý rừng do Thủ tướng ban hành để làm căn cứ phản đối dự án này.
Được biết, dự án thủy điện A Chò đã được “nhấc lên đặt xuống” từ năm 2004, khi không được UBND tỉnh và các ngành liên quan ủng hộ. Song không hiểu vì sao dự án này đến nay lại được tái khởi động và tiếp tục gây phản ứng trong dư luận về vấn đề môi trường cũng như nghi ngờ về việc dự án “mượn” thủy điện để khai thác vàng sa khoáng trên sông Đak-rông.
Nguồn: Dân Trí
|
No comments:
Post a Comment