08:32 | 02/05/2013
Chờ Bộ Công Thương
TP - Hôm nay, 2/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức
hội thảo liên quan Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp Khai khoáng (EITI).
Đây là sự kiện được mong chờ từ lâu bởi các bên tham gia cuộc vận động
thúc đẩy VN cam kết tham gia mạng lưới toàn cầu EITI này. Vì sao vậy?
Khai khoáng thiếu kiểm soát hiệu quả không chỉ tàn phá
môi trường, gây tổn thất tài nguyên, mà còn dung dưỡng tham nhũng, gây
bất ổn xã hội. Thiếu minh bạch quản lý nguồn thu và chi tiêu từ tài
nguyên khai thác làm gia tăng bất công giữa các nhóm hưởng lợi, trầm
trọng thêm nạn hối lộ và nhận hối lộ.
Phát triển tràn lan các hoạt động khai thác càng khiến
khó kiểm soát các hoạt động khai khoáng. Suốt gần 10 năm, từ 1996-2008,
các cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ chỉ cấp 928 giấy phép khai khoáng.
Vậy mà chỉ bốn năm, từ 2005 đến 2008, khi Luật Khoáng sản 2005 phân cấp
việc cấp giấy phép khoáng sản cho địa phương, số giấy phép được cấp lên
đến 3.495.
Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam (VCCI) và Viên Tư vấn Phát triển (CODE), ngành khai khoáng mấy
năm qua đóng góp 10-11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Năm 2012, tổng kim
ngạch xuất khẩu khoáng sản đạt trên 9,6 tỷ USD. Đóng góp nhiều nhất vẫn
là dầu thô với 8.228 triệu USD và than đá với 1.238 triệu USD.
Hỏi: Khoáng sản sau khi khai thác được mua bán ra sao?
Tiền bán khoáng sản được chi tiêu, sử dụng thế nào? Số giấy phép được
cấp tăng vọt có phải chứng tỏ năng lực quản lý đã được củng cố hay làm
bộc lộ lo ngại về sự thiếu minh bạch trong quá trình cấp phép?
Hầu như không mấy ai biết, trừ một nhóm nhỏ được gọi là
“những người có trách nhiệm”. Đã không biết, ắt không thể trả lời các
câu hỏi này. Khi số đông không biết, không trả lời được, ắt tồn tại một
vùng tối mà ở đó ánh sáng pháp luật khó có thể rọi tới.
Thực hiện EITI gần như đồng nghĩa chúng ta sẽ tìm được
đáp án để trả lời các câu hỏi nhạy cảm trên. Năm 2010, Indonesia đã tham
gia sáng kiến này. Tiếp đó là Philippines và Myanmar. Ở ta, cùng năm
2010, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu EITI.
Nhưng tốc độ nghiên cứu bị nhiều người cho là quá chậm.
Đóng góp của ngành khoáng sản được dự báo sẽ tăng lên
nhiều hơn nếu việc quản lý khai thác khoáng sản được thực hiện một cách
khoa học và minh bạch hơn. Hy vọng sau hội thảo hôm nay, Bộ Công Thương
sẽ sớm trả lời Thủ tướng về việc VN có thực sự muốn tham gia EITI hay
không và, nếu có thì bao giờ.
Chi Giao
Minh bạch khoáng sản: Nhà quản lý có thực mong muốn?
TP - Nghiên cứu của tổ chức nước ngoài về tính khả thi
của Việt Nam (VN) tham gia Sáng kiến Minh bạch ngành Công nghiệp Khai
khoáng (EITI) sẽ được báo cáo hôm nay, 2/5, tại Hà Nội. Th.S Phạm Quang
Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn&Phát triển (CODE) trao đổi với Tiền
Phong xung quanh sự kiện này.
Th.S Phạm Quang Tú. |
Là một trong số ít tổ chức xã hội dân sự tích cực thúc đẩy EITI ở VN, CODE có đánh giá gì về thuận lợi khi VN gia nhập EITI?
Như những nghiên cứu trước đây của chúng tôi cũng như
trong báo cáo nghiên cứu lần này của tổ chức quốc tế Adam Smith
International, về cơ bản quá trình tiếp cận và thúc đẩy thực thi EITI ở
VN là thuận lợi do chúng ta đã có một khung thể chế, pháp lý khá đầy đủ
để đảm bảo việc thực thi sáng kiến này. Nói cách khác, khi thực thi sáng
kiến này, VN sẽ không phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều về thể chế và pháp
luật hiện tại. Đây là lợi thế rất lớn.
Thế giới đã có 37 quốc gia tham gia EITI. Khi thực thi
EITI, VN sẽ có ít nhiều lợi thế của người đi sau. Chúng ta có thể kế
thừa kinh nghiệm của các nước đã thực thi EITI.
Bình Định, nơi tổ chức khai thác titan lớn nhất nước, được chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm minh bạch các nguồn thu từ khai khoáng. Ảnh: QD. |
Ông mong chờ gì hội thảo ngày 2/5 ở Hà Nội về báo cáo của Adam Smith International?
Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp VN
tiệm cận đến EITI, góp phần giúp chúng ta quản lý và sử dụng hiệu quả
hơn tài nguyên khoáng sản và dầu khí của đất nước.
Trước đây, VN đã có các tiếp cận và nghiên cứu về khả
năng thực thi sáng kiến này. Báo cáo nghiên cứu này một lần nữa khẳng
định thông điệp rất cụ thể là VN nên tham gia EITI. Điều đó không chỉ vì
lợi ích chung của VN mà còn vì vai trò, vị trí của VN trên trường quốc
tế. Nó giúp VN tạo dựng lòng tin, uy tín đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Tham gia EITI còn giúp VN thực hiện hiệu quả hơn chương
trình cải cách tài chính công cũng như phòng, chống tham nhũng mà VN
đang nỗ lực thực hiện. Vì những ý nghĩa đó, báo cáo lần này đã đưa ra đề
xuất lộ trình cụ thể cho VN tham gia sáng kiến EITI trong bốn năm.
Một số trở ngại nêu trong báo cáo của Adam Smith International, ông có chia sẻ không?
“Trở
thành thành viên EITI, nhất định VN sẽ có thêm công cụ hữu hiệu đảm bảo
tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, được quản lý, sử dụng hiệu
quả cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh”.
Th.S Phạm Quang Tú
|
Vậy Bộ Công Thương đăng cai hội nghị có nói lên điều gì không?
Có chứ. Các nghiên cứu và hội thảo trước đây phần lớn
được thực hiện bởi các tổ chức ngoài nhà nước như Phòng Thương
mại&Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CODE, Trung tâm Con người&Thiên
nhiên (PanNature).
Bộ Công Thương được Chính phủ giao tiếp cận sáng kiến
này từ năm 2010. Từ đó đến nay, tiến trình tiếp cận với sáng kiến còn
hơi chậm. Tuy nhiên, với việc đăng cai tổ chức hội thảo, Bộ Công Thương
cho thấy họ đang thực hiện nhiệm vụ được giao. Điều đó cũng cho thấy các
cơ quan quản lý nhà nước đã và đang quan tâm EITI. Tôi hy vọng, sau hội
thảo, tiến trình VN tham gia EITI sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.
Cảm ơn ông.
Quốc Dũng
thực hiện
thực hiện
No comments:
Post a Comment