GS Nguyễn Minh Thuyết: Vụ Tiên Lãng và bài học lòng dân
"Chúng ta đã có bài học về lòng dân từ Thái Bình năm 1997 rồi, nhưng lâu nay có lẽ đã quên, mà quên lần này là hỏng hẳn" - nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận định.Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, dư luận xôn xao, bất bình về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng. Ông có suy nghĩ gì về sự việc này?
Gần một tháng qua, đã có nhiều ý kiến của rất nhiều nhà báo, nhân sĩ, chuyên gia, cựu lãnh đạo, trong đó có ý kiến của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ĐBQH; GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường... phân tích rất đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về vụ việc.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho rằng trong vụ việc này, chính quyền từ huyện đến xã đều sai, khiến cho người dân bị đẩy đến đường cùng phải chống người thi hành công vụ. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng tải sáng nay, nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh còn nhấn mạnh: "Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân."
Chuyên gia về đất đai, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, và nhiều luật sư đã phân tích rất rõ những sai phạm của chính quyền trong việc diễn giải và áp dụng Luật Đất đai, cũng như trong công tác tổ chức cưỡng chế.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đưa ra những lời nhận định đáng suy ngẫm về tác động xấu của vụ việc tới tình hình an ninh chính trị xã hội của đất nước, coi đây là bài học đắt giá về công tác lãnh đạo.
Gần đây nhất có một bài viết hết sức công phu và thuyết phục của GS Hoàng Xuân Phú, công tác ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông phân tích hành vi của cơ quan công quyền trong vụ việc này là hoàn toàn sai trái, không thể gọi là thi hành công vụ một cách chính danh.
Tất cả các ý kiến phát biểu và bài viết nói trên đều đã nói rất đầy đủ những điều cần nói.
Tôi chỉ muốn nói thêm rằng bên cạnh hành vi thu hồi đất trái pháp luật, chính quyền huyện Tiên Lãng còn bội tín với dân, thể hiện qua việc lập biên bản hoà giải tại toà án đồng ý cho dân tiếp tục thuê đất để dân rút đơn kiện, rồi bất ngờ đem lực lượng đến cưỡng chế. Đây có thể coi là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, không thể chấp nhận được, làm mất đi tính chính danh của chính quyền.
Hơn nữa, việc tổ chức lực lượng cưỡng chế hàng trăm người, dồn ép dân, hủy hoại tài sản của dân ngay trước Tết Nguyên đán là hành động trái đạo lý, vô nhân đạo và vi phạm trắng trợn pháp luật của những người có chức vụ ở Tiên Lãng cũng như TP Hải Phòng.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Điều tôi băn khoăn hơn cả là các ban ngành, từ Trung ương đến địa phương vào cuộc quá chậm. Vụ việc đã xảy ra cả tháng, ngoài Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử đoàn giám sát về trước Tết, đến nay mới thấy Bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ bắt đầu vào cuộc.
Các ĐBQH ở đâu trong vụ Tiên Lãng?
LS Lê Đức Tiết, thành viên đoàn giám sát của UB Mặt trận tổ quốc về Tiên Lãng có bày tỏ trăn trở vì sao một sự việc mà có hai cách nhìn nhận sự việc hoàn toàn đối lập nhau gay gắt giữa cán bộ Đảng, chính quyền, cán bộ Mặt trận xã, huyện, của cán bộ chính quyền tỉnh với nhân dân dịa phương. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng như vậy?
Cũng phải hỏi thêm rằng tại sao không chỉ có nhân dân Tiên Lãng mà báo chí và các chuyên gia, các cựu lãnh đạo cũng đứng về một phía khi nhận định về vấn đề Tiên Lãng. Vì sao lại thế?
Và tại sao trong toàn bộ sự việc không hề thấy bóng dáng các đại diện của nhân dân ở đâu. Ngoài đại diện của Hội nghề cá, thì các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đang ở đâu?
Trước một việc nghiêm trọng như vậy, vì sao không thấy nói Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đã cử người về giám sát? Riêng các đại biểu được người dân Tiên Lãng bầu ra, chẳng lẽ họ phải đợi chính quyền phân công thì mới về gặp dân sao?
Thông thường mỗi người dân nước ta đều có đến 7 - 8 đại diện từ các hội đoàn, tổ chức... thế mà suốt tháng nay không thấy một đại diện nào của người dân huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng lên tiếng, ngoài các vị đóng cả vai hành pháp, lên tiếng đòi xử lý dân về hành động chống người thi hành công vụ hoặc đổ lỗi cho dân. Vậy trách nhiệm của người đại diện nhân dân ở đâu?
Không chỉ LS Lê Đức Tiết băn khoăn về 'hố ngăn cách' giữa dân và chính quyền, mà từ lâu cơ chế làm việc của ta đã thể hiện nhiều bất cập.
Báo chí cũng chỉ ra những mối quan hệ mật thiết có dấu hiệu cấu kết phe cánh, tư lợi như anh em ruột chủ tịch huyện Tiên Lãng, chủ tịch xã Vinh Quang; tên tuổi của những người sẽ được giao đầm tôm sau khi thu hồi và quan hệ của họ với những người trong chính quyền.
Tệ hơn, đã có những thông tin về các tay anh chị giang hồ xuất hiện trong vụ cưỡng chế. Tại sao chính quyền lại có thể sử dụng hoặc "phối hợp" với giang hồ trong vụ cưỡng chế.
Chẳng lẽ đã đến mức chính quyền "đi đêm" với những lực lượng như thế trong việc trấn áp dân?
Dân không phải là địch
Theo ông, nên nhìn sự kiện Tiên Lãng như một hiện tượng cá biệt hay là một dấu hiệu cảnh báo những nguy cơ bất ổn như nhận định của LS Lê Đức Tiết rằng, Tiên Lãng là lời cảnh báo cho những "cơn sóng ngầm trong lòng dân"?
Thật ra những mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với nhân dân xung quanh chuyện thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng không phải xảy ra lần đầu. Nếu chỉ có một vài vụ thì có thể nói đó là sai sót của một vài địa phương. Nhưng khi một hiện tượng xảy ra phổ biến, chiếm tới 80% các vụ khiếu kiện thì có thể nói là cái sai của chính sách.
Không được giải quyết hợp lý hợp tình, đất đai sẽ là ngòi nổ của những vụ gây mất ổn định xã hội.
Vụ cưỡng chế đầm nuôi tôm ở Tiên Lãng là một vụ đỉnh điểm để chúng ta nhìn lại nhiều vấn đề: 1, lòng dân; 2, chính sách đất đai; 3, việc thực hiện quyền dân chủ; 4, trách nhiệm "công bộc" của Nhà nước trước dân.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, theo tôi, việc đầu tiên phải quán triệt một vấn đề tưởng hiển nhiên, nhưng đang bị nhiều lãnh đạo nhầm lẫn: DÂN KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊCH.
Đối xử với dân, tức là những người chủ của đất nước, phải thực sự "kính trọng và lễ phép", "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh" như lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng ta đã có bài học về lòng dân từ Thái Bình năm 1997 rồi, nhưng lâu nay có lẽ đã quên, mà quên lần này là hỏng hẳn.
GĐ Công an Hải Phòng, Đỗ Hữu Ca cho rằng việc huy động hàng trăm chiến sĩ lực lượng vũ trang xuống cưỡng chế đầm là một việc làm bình thường, nhưng ngay cả những nhà lãnh đạo, cựu tướng lĩnh quân đội lại cho rằng đó là việc làm tùy tiện. Ý kiến của ông?
Tôi không biết TP Hải Phòng đã chỉ đạo như thế nào. Nhưng từ ý kiến của ông GĐ Công an Hải Phòng đến các ý kiến khác của lãnh đạo của Hải Phòng và Tiên Lãng, tôi thấy nổi lên một điều: nhiều lãnh đạo ở Hải Phòng không phân biệt nổi mâu thuẫn ta - địch với mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Công dân Đoàn Văn Vươn là người lao động chân chính và có công. Nếu Hải Phòng muốn thu hồi đất, nếu đúng pháp luật, thì có nhiều cách làm một cách đàng hoàng chính danh.
Nhưng nhà chức trách ở Hải Phòng lại tổ chức tấn công ông Đoàn Văn Vươn không khác gì một kẻ địch thì sai quá, sai hoàn toàn về nguyên tắc.
Khi thấy ông Đỗ Hữu Ca nói rằng "vụ cưỡng chế là một chiến tích lớn của công an Hải Phòng", tôi vô cùng sửng sốt, không thể tin nổi đây là ý kiến của một giám đốc công an TP.
Ông Ca dùng các cụm từ "rất là hay", "rất là đẹp" nói về sự phối hợp tác chiến trong vụ cưỡng chế. Thú thật là tôi không biết bình luận thế nào.
Tôi chỉ nhớ nhà thơ Việt Phương từng kể một mẩu chuyện về Bác Hồ mà ông đề cập đến trong bài Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương. Có lần Bác Hồ đã gạch bỏ cụm từ "trận đánh đẹp" trong một văn bản trình lên Bác. Bác nói một trận chiến làm chết nhiều người, dù người ở phía nào chăng nữa, đều không thể gọi là một trận đánh đẹp.
Đấy là đánh nhau với địch, còn đây là quan hệ với dân. Ông Ca còn bảo định viết thành giáo trình nghiệp vụ, thì tôi không hiểu giáo trình ấy viết ra để dạy ai?
Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc Tiên Lãng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về hiện trạng bất cập của Luật Đất đai hiện hành, tạo ra những kẽ hở để chính quyền địa phương tùy tiện diễn dịch luật theo ý muốn chủ quan của mình, gây nên mâu thuẫn tích tụ với người dân, có nguy cơ bùng nổ bất kỳ lúc nào. Từng là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, ông thấy Quốc hội đã nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Tôi tham gia 2 khóa Quốc hội. Khóa 11 chính là nhiệm kỳ thông qua Luật Đất đai. Đã có nhiều đại biểu đưa ra những ý kiến rất thẳng thắn về vấn đề sở hữu đất đai. Bản thân tôi từng phát biểu, đề nghị Quốc hội thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, ít nhất là theo hạn điền, nhưng đã không được chấp nhận.
Nhìn lại quá khứ, có lúc chúng ta đã xếp những người giàu có, sở hữu nhiều đất đai, nhà xưởng, thuê công nhân làm việc vào loại thành phần "bóc lột" và ép họ đưa tài sản vào công tư hợp doanh.
Đến thời kỳ Đổi Mới, ta thấy đó là sai lầm. Chính những người chủ tư sản ấy đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng làm ra của cải xã hội, tạo nên sự phồn vinh của xã hội. Bây giờ ta lại phải khuyến khích những thành phần ấy phát triển. Tốt nhất là không đề ra chính sách sai. Nhưng sai thì phải sửa.
Chính những bất cập về chính sách đất đai trong Hiến pháp và Luật Đất đai đang tạo khe hở cho một bộ phận cán bộ có chức có quyền làm dụng chức vụ kiếm lợi, đẩy người dân vào cảnh khốn khó. Nhưng ta lại chưa kịp thời trừng trị những cán bộ như thế để bảo vệ dân. Đừng để đến một lúc nào đó bức xúc vỡ tung ra, giống như vụ Tiên Lãng thì trở tay không kịp.
Có đồng chí lãnh đạo từng nói nếu cứ kỷ luật hết thì lấy ai làm việc, nhưng hiện giờ rất nhiều người có tâm có tài còn đang chưa được sử dụng đúng vị trí, thậm chí nhiều người còn đang chưa có việc làm. Phải sàng lọc liên tục thì mới chọn ra được người tốt, người giỏi. Còn cứ chạy vào được vị trí nào rồi bám chặt vị trí ấy cho đến lúc ... già thì đất nước làm sao chọn được nhân tài mà tiến lên?
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đất đai mới trước năm 2013. Căn nguyên của bất cập luật đất đai, theo nhiều nhà làm luật là quy định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân". Chính quy định mập mờ này đã tạo ra những khe hở pháp lý, dẫn đến tình trạng "đất dân, quyền quan", chính quyền địa phương muốn thu hồi đất của dân lúc nào cũng được. Nhưng liệu chúng ta đã có đủ ý chí chính trị, và thời điểm đã chín muồi để luật công nhận một cách chính thức quyền sở hữu đất đai của người dân?
Luật pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng 'toàn dân' là ai, rất chung chung. Cuối cùng từ toàn dân lại thành của riêng một vài người.
Khi thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp, giá đền bù gần như lấy không, chỉ mấy hôm sau giá đất ấy đã lên hàng trăm lần. Mọi thiệt thòi đều do dân gánh chịu.
Chuyện này đã kéo dài quá lâu rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa đưa ra được những giải pháp thực sự hợp lý cho chính sách đất đai. Nếu bây giờ không có sự đổi mới tư duy, ta sẽ mãi không giải quyết được vấn đề.
Ta nên đặt câu hỏi, tại sao nhiều nước khác thừa nhận quyền sở hữu đất đai nhưng họ không lo mất đất, mất quyền làm chủ hay mất nhân dân. Họ thừa nhận được, tại sao mình lại không?
Tôi nghĩ đây chính là lúc chúng ta nên bàn thảo nghiêm túc, nghiên cứu những giải pháp đền bù hợp lý cho đất đai, và thừa nhận quyền sở hữu đất đai của dân.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-02-02-gs-nguyen-minh-thuyet-vu-tien-lang-va-bai-hoc-long-dan
No comments:
Post a Comment