Wednesday, June 12, 2013

NHỔ RỒI MÀ PHẢI LIẾM THÌ...

Vô vọng chờ đợi loại bỏ 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Thứ Tư, 12/06/2013 18:42

(NLĐO)- "Đến nay vẫn vô vọng, vô vọng và chờ đợi” - đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) tỏ ra thất vọng trước việc nhiều lần đề nghị song chưa thấy loại bỏ 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát trước QH chiều 12-6.

Đại biểu Trương Văn Vở: Bộ trưởng có đồng tình với cử tri là loại bỏ khỏi quy hoạch hai dự án thủy điện 6, 6A hay không?
 
Tại phiên chất vấn chiều nay 12-6, vấn đề đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A dù chỉ nhận được chất vấn của 2 đại biểu nhưng cũng làm nóng không khí hội trường Quốc hội.
 
Đại biểu Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đồng Nai, bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát phối hợp với các bộ, ngành khác để tham mưu Chính phủ cho dừng dự án và loại bỏ 2 dự án thủy điện này khỏi quy hoạch vì không đủ cơ sở pháp lý và có tác động xấu đến môi trường sinh thái. Tuy nhiên đến nay vẫn vô vọng, vô vọng và chờ đợi”.
Sau đó, ông Vở thẳng thắn đặt câu hỏi: “Một lần nữa, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trong việc thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng và nghị quyết của Quốc hội để tham mưu cho Chính phủ. Bộ trưởng có đồng tình với cử tri là loại bỏ khỏi quy hoạch hai dự án thủy điện 6, 6A hay không?”.
Để nhấn mạnh thêm tính nghiêm trọng của vấn đề, ĐB Trương Văn Vở đưa ra dẫn chứng: Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI đã xác định kiên quyết giữ diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội cũng nói rõ về những dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng trên 50 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ vườn quốc gia, thì phải trình Quốc hội.
Nhưng thời gian qua, cử tri rất bức xúc trước việc chuyển mục đích sử dụng Vườn quốc gia Cát Tiên để triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A có sử dụng đến trên 370 ha rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên, trong đó diện tích vùng lõi của Vườn quốc gia là gần 140 ha.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết cá nhân ông đã vào tận nơi để kiểm tra về tình trạng rừng của công trình này. Quan điểm của Bộ trưởng là nên hạn chế việc lấy rừng ở các khu rừng đã được quy hoạch là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu, để vì lợi ích chung của cả xã hội. Trường hợp thật cần thiết thì phải tuân thủ theo quy định của luật pháp.
Về thẩm quyền dừng hay không dừng 2 dự án thủy điện này, ông Phát cho biết cả hai dự án sử dụng hơn 50 ha rừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên nên thẩm quyền thuộc Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định “Sẽ báo cáo trung thực những tác động của việc lấy đất, cũng như việc sử dụng đất rừng của Vườn Quốc gia để làm thủy điện Đồng Nai 6, 6A” và cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
 
Ramsar Bàu Sấu trong Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ ảnh hưởng trầm trọng
hoặc có thể biến mất nếu xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A
 
Hài lòng với phần trả lời của bộ trưởng Cao Đức Phát nhưng ĐB Trương Văn Vở vẫn nhấn chuông để được nói lời tâm huyết: “Tôi xin cảm ơn và đánh giá cao vì Bộ trưởng đã thể hiện trách nhiệm cao của mình trong việc thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội cũng như với cử tri. Tôi có kỳ vọng là mong Bộ trưởng với tinh thần trách nhiệm của mình, sẽ cùng bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Công Thương, sớm trình Chính phủ loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện này, để cử tri yên tâm”.
Cùng quan tâm đến vấn đề thủy điện, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong công tác trồng lại diện tích đất rừng lấy làm thủy điện. ĐB cho biết, từ năm 2006 đến năm 2012 có gần 20.000 ha rừng ở 29 tỉnh, thành, chuyển mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện nhưng mới chỉ trồng bù được 375 ha rừng, trong đó có nơi tỷ lệ rừng trồng sống chỉ đạt 60%.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết việc trồng bù đất rừng tại các dự án thủy điện đang gặp nhiều khó khăn do không bố trí được diện tích đất trồng rừng thay thế. Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương đã đi kiểm tra và đề nghị Chính phủ cho cơ chế cho phép được nộp tiền thay thế vào ngân sách để địa phương thực hiện trồng rừng.
Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm và hứa sẽ cố gắng đốc thúc, giám sát để việc trồng lại rừng ở các dự án thủy điện sẽ có chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới.
“Chia lửa” với người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng báo cáo với Quốc hội rằng hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, sau đó báo cáo kết quả với Chính phủ và Quốc hội. Nếu tác động xấu đến môi trường, trong đó ảnh hưởng lớn đến Vườn quốc gia Cát Tiên, chắc chắn Chính phủ sẽ trình Quốc hội không xem xét.
Về công tác trồng rừng bù vào thủy điện, Bộ trưởng Hoàng cho biết hiện nay có hơn hơn 20.000 ha rừng cần trồng bù cho các dự án thủy điện đã triển khai nhưng trong thực tế, tỷ lệ trồng bù rất ít. Nguyên nhân do chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện hoặc do không bố trí được quỹ đất.
 
 
Trước đó, thay mặt Chính phủ báo cáo triển khai Nghị quyết Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết đến tháng 4-2013, tổng số đập thủy điện đến kỳ phải kiểm định là 104 đập, trong đó 53 đập đã được kiểm định xong, 15 đập đang được kiểm định và 36 đập chưa kiểm định (chủ yếu là các đập thủy điện nhỏ).
 
Về công tác bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư cho các dự án thủy điện cơ bản tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Tại các dự án thủy điện lớn, do thời gian xây dựng kéo dài trong khi các quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư có sự thay đổi nên đã phát sinh khiếu nại của người dân. Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế đặc thù phù hợp với từng địa phương và có lợi hơn cho dân.
 
Tô Hà - Văn Duẩn
Nguồn:

No comments:

Post a Comment