MÔI TRƯỜNG -
Bài đăng : Chủ nhật 31 Tháng Ba 2013 -
Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 31 Tháng Ba 2013
Trung Quốc : Người dân dùng Internet để chống ô nhiễm
Cảnh sông ô nhiễm vùng ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 24/03/2013.
Reuters
Mấy thập niên qua kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ
phi mã nhưng lại là một sự phát triển không bền vững, tức chỉ chạy theo
chỉ số tăng trưởng mà lơ là chất lượng tăng trưởng, dẫn đến những hệ lụy
nguy hại về xã hội và môi trường. Người dân bất bình đấu tranh, và
Internet đã trở thành một phương tiện hữu hiệu, tạo được một số hiệu quả
đáng kể.
Tạp chí Courrier International quan tâm đến hồ sơ này trong
lĩnh vực môi trường qua bài trích dẫn của tờ Financial Times với dòng
tựa : «Vi Bác phơi bài tai họa ung thư ở các ngôi làng ». Tờ báo nhắc
lại, người dân Trung Quốc ngày càng hướng về Internet để biểu thị sự
phẫn nộ về hiện tượng ô nhiễm, đến mức mà đôi khi buộc chính quyền phải
hành động.
Tờ báo nhìn về một ngôi làng thuộc tỉnh Sơn Đông. Trước kia, nước sông cũng như nước ngầm ở làng này rất sạch, thế nhưng hiện tại đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến mức mà khiến ngôi làng trở thành nơi có tỷ lệ nhiễm ung thư cao nhất thế giới.
Thế là đầu tháng này, một nhà báo địa phương đã đăng lên trang Vi Bác bức thư báo động về vụ việc. Thông điệp này đã nhanh chóng được lan truyền, các kênh truyền hình buộc phải đề cập đến vấn đề này, và chính phủ buộc phải thừa nhận rằng tại Trung Quốc đang tồn tại những « ngôi làng ung thư », một hiện tượng mà bấy lâu nay nhà cầm quyền cố tình giấu nhẹm.
Hưởng ứng hành động của nhà báo trên, trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán vừa qua, nhiều người Trung Quốc khi về quê ăn tết, đã nhân đó chụp lại cảnh ô nhiễm ở địa phương mình và tung lên mạng Vi Bác.
Đi sâu hơn vào hồ sơ ô nhiễm nguồn nước tại Trung Quốc, Financial Times cho biết, hiện có đến 70% mạch nước ngầm tại Trung Quốc bị ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng. Hậu quả theo các nhà khoa học là làm tăng số người bị ung thư và những căn bệnh khác.
Hồi tháng rồi, một doanh nhân đã tuyên bố trên trang Vi Bác là sẵn sàng tặng 200.000 nhân dân tệ (khoảng 25.000 euro) cho một quan chức phụ trách môi trường ở địa phương nếu quan chức này dám tắm ở những con sông đang bị ô nhiễm. Một tuần lễ sau, trên truyền hình quốc gia, quan chức nọ đã có câu trả lời là đồng ý xuống tắm nhưng phải là trong từ 3 đến 5 năm nữa.
Ô nhiễm là « bí mật quốc gia »
Ô nhiễm mạch nước ngầm kéo theo ô nhiễm lòng đất và biến các sản phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm độc hại bởi vì nông dân sử dụng nước giếng để tưới ruộng rẫy. Chẳng hạn như có những địa phương, người dân tưới các rẫy rau cải bằng nước của những giếng tọa lạc gần các nhà máy hóa dầu hoặc nhà máy sản xuất giấy, tức những nơi thải ra chất thảy vô cùng độc hại.
Trong bối cảnh đó, thì mức độ ô nhiễm lòng đất được nhà cầm quyền xem như là một « bí mật quốc gia » vì Bắc Kinh đã từ chối việc công bố rộng rãi kết quả điều tra ô nhiễm được tiến hành từ nhiều năm qua. Theo những người đấu tranh chống ô nhiễm thì nguyên nhân của việc che giấu này là vì chính phủ Trung Quốc sợ tạo ra một làn sóng sợ hãi trong xã hội, và đặt biệt là làm ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất, bởi vì thủ phạm của tình trạng ô nhiễm lòng đất tại Trung Quốc là do nước thải độc hại của các nhà máy công nghiệp không được xử lý đàng hoàng.
Nguồn:
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130331-trung-quoc-nguoi-dan-dung-internet-de-chong-o-nhiem
No comments:
Post a Comment