Friday, March 1, 2013

MẤT RỪNG = MẤT NƯỚC

Tây Nguyên: Hạn đến sớm
Thứ sáu, 01/03/2013, 08:27 (GMT+7)
Mặc dù chưa bước vào cao điểm hạn hán, nhưng có nhiều ruộng lúa, nương rẫy cà phê ở Tây Nguyên đã “chết khát” vì thiếu nước tưới. Hạn hán đến sớm khiến đời sống người dân Tây Nguyên thêm khốn khó.
Đồng bào dân tộc lấy nước từ các lỗ muội ở gần suối IamaLah, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thái Bằng
Đồng khô, lúa chết...
Chưa năm nào hạn hán đến sớm với Đắk Lắk như năm nay. Tại huyện Krông Ana, khoảng 1.500ha lúa bị khô cháy. Đang cắt đám lúa cháy về cho bò ăn, bà H’jul Adrơng (ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana) ngậm ngùi: “Nhà mình chỉ có một sào lúa này thôi, bây giờ nó cháy hết rồi phải cắt về cho bò ăn thôi. Lúa cháy, gạo trong nhà cũng sắp hết nên hàng ngày mình phải đi bắt ốc để lấy tiền mua gạo”. Còn trên cánh đồng xã Băng Adrênh, khoảng 30ha lúa chết cháy do thiếu nước. Ruộng nứt nẻ, lúa chết cháy làm người dân trong xã phải đối mặt với mùa vụ trắng tay. Trong khi đó, xã Quảng Điền đã phải ngăn sông Krông Ana để lấy nước cho trạm bơm T21 nhằm cứu cánh đồng lúa đang khô hạn. Ngoài thị xã Buôn Hồ và TP Buôn Ma Thuột, các huyện thị còn lại trong tỉnh Đắk Lắk đều đã có diện tích cây trồng gặp hạn, chết cháy. Toàn tỉnh đã có gần 2.000ha lúa bị hạn, hơn 100ha khác mất trắng.
Ở tỉnh Đắk Nông, người dân ở vựa lúa của tỉnh là huyện Krông Nô cũng đang phải tất bật ra sức chống hạn. Từ ngày 19 đến 21-2, người dân xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) đã đắp đập ngăn sông Krông Nô cho trạm bơm D12 lấy nước tưới hơn 120ha lúa, cà phê trong vùng. Theo Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông, ở huyện Krông Nô hiện có khoảng 28ha lúa ở xã Quảng Phú bị chết cháy và khoảng 50ha lúa ở xã Buôn Chóa bị hạn hán nghiêm trọng. Trong khi đó, mực nước tại các hồ đập lớn ở huyện này đã xuống dưới mực nước chết. Hồ chứa Đắk Mâm (xã Nam Đà) có dung tích chứa gần 1 triệu m3 nhưng hiện nước đã xuống cạn đáy. Tình hình hạn hán cũng xuất hiện tại huyện Đắk Song và Đắk Mil khi mực nước các hồ thủy lợi ở đây dần cạn.
Từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài gây hạn hán, thiếu nước tưới đối với các huyện, thị xã phía Đông của tỉnh Gia Lai. Tại huyện Kông Chro, nông dân nơi đây trông mưa từng ngày. Hạn hán đã làm ảnh hưởng gần 3.000ha cây trồng của huyện này, trong đó có 1.136ha bị mất trắng. Diện tích còn lại tập trung ở các xã như: Yang Trung, An Trung, Đăk Kning, Chư Krei, Kông Yang... giảm năng suất từ 30% - 50% . Ông Trần Văn Quang (ở thôn 10, xã An Trung), buồn bã đứng trên ruộng bắp khô héo, cho hay: “Những cây bắp sắp đến ngày cho thu hái giờ đã chết khô. Năm ngoái gia đình tôi đầu tư 6 triệu đồng/ha bắp lai thu về được 10 triệu đồng, nhưng năm nay coi như công cốc rồi”. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, nắng hạn đã làm cho hơn 8.000ha cây trồng các loại tại các huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro, Ia Pa và thị xã An Khê bị thiệt hại nặng và mất trắng.
Tình trạng khô hạn, cây trồng thiếu nước tưới đã xuất hiện trên diện rộng tại tỉnh Kon Tum. Sau tết, nhu cầu tưới nước cho cây cà phê ở vùng chuyên canh cà phê Đăk Hà rất lớn. Đi về các xã Hà Mòn, Đăk Hring, Đăk Mar… (huyện Đăk Hà) trong những ngày này, tiếng máy nổ bơm nước tưới vang rền khắp nơi. Song các hồ thủy lợi ở Đắk Hà cũng đã sắp cạn, nên chỉ dăm ngày nữa sẽ không còn nước để bơm tưới cho cây cà phê.
Sông suối, hồ đập khô cạn...
Mực nước trên các sông suối ở Đắk Lắk và Đắk Nông hiện đang thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong khi đó, mực nước nhiều hồ thủy điện trên sông Srêpốk chỉ còn khoảng 50% dung tích nên thủy điện chỉ xả cầm chừng ra sông. Vì thế, nguồn nước chống hạn đang thiếu nghiêm trọng. Nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 3, sẽ có nhiều diện tích cà phê, lúa ở Đắk Lắk - Đắk Nông thiếu nước tưới trầm trọng và có nguy cơ khô cháy.
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 665 công trình thủy lợi theo thiết kế có thể tưới cho 26.000ha lúa đông xuân, 48.000ha lúa vụ mùa, 132.838ha cà phê và 14.708ha cây hoa màu các loại. Nhưng hiện nay, nước trong các hồ chứa chỉ đạt khoảng 70% so với thiết kế. Trong khi đó, mực nước tại hơn 150 hồ thủy ở Đắk Nông cũng đã bắt đầu giảm nghiêm trọng. 
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, mực nước trên các sông, suối hiện cũng đã xuống rất thấp. Lượng nước dòng chảy chính ở các sông lớn như sông Pô Kô, Đăk Psi đạt thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 15% - 30%. Mực nước trên sông Đắk Bla (đoạn chảy qua TP Kon Tum) đã xuống mức thấp nhất trong vòng 37 năm qua. Nhiều con suối nhỏ đầu nguồn đã hoàn toàn cạn kiệt. Thời tiết khô hạn trên diện rộng khu vực Bắc Tây Nguyên khiến các hồ thủy điện trên sông Ba (ở Gia Lai) chỉ tích nước được từ 40% - 60% so với mọi năm.


  • Ông Nguyễn Đại Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đắk Lắk:
"Dự báo trong tháng 3 này, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ có mưa trái mùa nhưng lượng mưa không đáng kể nên chưa thể làm dâng mực nước ngầm"

  • Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Huyện vùng sâu Kông Chro (Gia Lai) đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do khô hạn kéo dài. Thị trấn Kông Chro có 585 hộ đăng ký sử dụng nước máy, còn lại dùng giếng nhưng nhà máy nước chỉ có thể cung cấp khoảng 40% - 50% nhu cầu, máy bơm của nhà máy chỉ bơm được 3 giờ là cạn. Thời điểm cuối tháng 2 này, 75% số giếng trên địa bàn của huyện đã cạn nước. Tại Đắk Lắk, Công ty Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk chỉ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho khoảng 1/3 dân số TP Buôn Ma Thuột. Còn tại huyện Krông Pắk và thị xã Buôn Hồ, lượng nước sinh hoạt cung cấp cho người dân cũng thiếu từ 5.000 - 10.000m3/ngày đêm. 18 giếng khoan và 3 mạch lộ thiên mà công ty đang dùng để cấp nước cho 6 huyện, thị trong tỉnh cũng đã cạn khô nước.


Công Hoan - Đức Trung

No comments:

Post a Comment