10:53:09 Thứ ba, 12/02/2013
Dân có tin dân mới ủng hộ, dân ủng hộ tất sẽ làm được
Bá Thư
(baodautu.vn) Ông hẹn tôi đúng vào một buổi tối Hà Nội đang co mình trong giá rét. Vẫn mái tóc bạc trắng, bộ ria trắng quen thuộc, Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc gác lại bữa cơm tối, mà như ông bảo, đã thành chuyện thường lệ, để bắt đầu câu chuyện về những chuyển động của đời sống, xã hội những ngày đầu năm mới.
Cơ hội để lựa chọn và bứt phá
Thưa ông, câu chuyện ảnh hưởng tới đông đảo nhân dân và được quan tâm nhất vào những ngày đầu năm mới 2013 là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được đưa ra lấy ý kiến toàn dân. Là đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri, ông đánh giá thế nào về việc này?
Tôi cho rằng, đây là một cơ hội tốt để xây dựng được một đạo luật gốc phù hợp yêu cầu phát triển của đất nước. Một bộ phận cử tri, cán bộ lão thành tham gia cách mạng rất hy vọng đây là cơ hội để chúng ta có những lựa chọn tốt nhất.
Điểm lại, kể từ khi nước ta có Hiến pháp đầu tiên năm 1946, gắn với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì ta đã có 4 lần thay đổi Hiến pháp để đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập. Trung bình là khoảng 2 thập kỷ có một lần thay đổi.
Vì thế, việc lấy ý kiến lần này cần phải chọn lọc được những điểm tốt nhất. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, thì ít nhất sẽ phải 20 năm nữa mới có thể chỉnh sửa.
Hiện nay, việc lấy ý kiến nhân dân đang được triển khai, nhiều ý kiến đã được đăng tải trên công luận. Đó là tâm huyết của nhân dân với đất nước. Vấn đề là, làm thế nào để việc góp ý có chất lượng, làm sao đánh giá được chất lượng của các góp ý?
Lấy ý kiến nhân dân là một nguyên lý của việc sửa đổi Hiến pháp. Lần này, các cấp lãnh đạo rất quyết tâm, dành 3 tháng cho việc này. Thời gian phải đủ để người dân tìm hiểu, góp ý, đó là điều quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là phương thức lấy ý kiến, có được một bộ lọc tốt để tập hợp được tiếng nói của nhân dân.
Cái khó hiện nay là chúng ta chưa triển khai trưng cầu dân ý, nên không dễ định lượng được chất lượng góp ý của nhân dân. Vì thế, việc lãnh đạo lắng nghe dân là hết sức có ý nghĩa trong đợt lấy ý kiến này.
Làm sao nội dung Hiến pháp được thông qua cho thấy đã điều chỉnh hợp lý từ những bài học thành công, cả bài học chưa thành công trong quá trình phát triển, đó chính là thước đo cho hiệu quả việc lấy ý kiến.
Ông có thể ví dụ về một bài học trong quá trình xây dựng hiến pháp trước đây?
Ví dụ như, trong lời nói đầu của Hiến pháp, tôi thấy cần học và lấy Cụ Hồ làm mẫu mực. Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 rất trong sáng, rõ ràng và có tầm, thể hiện rõ ý chí và năng lực của một dân tộc, tiếp thu những thể chế tiên tiến nhất của nhân loại, với khát vọng độc lập, tự do. Đó là điều cần có ở một văn kiện quốc gia, văn kiện của cả một dân tộc.
Ông vừa nhắc đến Hiến pháp 1946. Đây cũng là văn kiện được nhiều nhà nghiên cứu lập pháp nhắc đến, xem đó là văn kiện có nhiều điểm đáng xem xét, học tập. Ông có thể chia sẻ góc nhìn của ông về Hiến pháp 1946 và quan điểm nói trên?
Hiến pháp 1946 là mẫu mực về lập hiến, điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, phân tích. Trên thực tế, sau khi được Quốc hội thông qua, chưa kịp ban hành thì chiến tranh nổ ra, nên Hiến pháp 1946 chưa có điều kiện đi vào đời sống. Tuy nhiên, phải khẳng định là nó chứa đựng những tư tưởng, định hướng lớn để chúng ta có thể phát triển lâu dài.
Cái lớn nhất của bản Hiến pháp này là tiếp cận được với cơ chế chính trị có thể nói là tiên tiến nhất khi đó, mặc dù chúng ta vừa mới thoát thai khỏi chế độ phong kiến, thuộc địa. Đó là nền tảng chính trị dân chủ cộng hoà. Có thể kể đến những quy định về quyền chính trị của phụ nữ, của dân tộc ít người hay quyền bình đẳng tôn giáo…, đó là những điều mà nhiều quốc gia phát triển khi đó còn chưa có. Hay bao giá trị mà chúng ta đã trở lại, như vai trò của các tầng lớp xã hội, động lực phát triển xã hội, các quan điểm về mở cửa, về đối ngoại…
Như ông vừa phân tích, thì người ta có thể đặt câu hỏi, Hiến pháp 1946 chứa đựng những giá trị bền vững như vậy, dù không có điều kiện lấy ý kiến toàn dân, vậy chúng ta có thể kỳ vọng nhiều ở lần lấy ý kiến toàn dân cho Hiến pháp lần này?
Tôi vẫn khẳng định, lấy ý kiến toàn dân là rất tốt, và sau đó phải định lượng được. Còn tại sao có những thời kỳ, ta không cần lấy ý kiến toàn dân, mà vẫn có những nội dung hiến pháp tốt, như Hiến pháp 1946, thì trước hết là ở sự dân chủ, là ở tầm nhìn của những người đã xây dựng hiến pháp.
Hiến pháp 1946 được xây dựng bởi những con người rất am hiểu luật pháp, khao khát tự do và tiến bộ xã hội, cộng với tầm nhìn của những nhà lãnh đạo khi đó. Đó là thành quả của phát huy dân chủ. Tôi nhớ, Bác Hồ có câu rất đáng suy ngẫm về nghệ thuật lãnh đạo, về phát huy dân chủ, đại ý rằng, dân chủ thật ra là để dân nói lên tiếng nói của mình. Cái khó nhất của nghệ thuật lãnh đạo là ở chỗ đó, làm sao để dân nói thật lòng mình, nói hết lòng mình vì sự phát triển của đất nước.
Đừng để cán bộ tự vo tròn mình
Nhân chuyện làm sao để người dân nói lên tiếng nói của mình, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo do Quốc hội và HĐND bầu từ năm 2013 cũng được nhân dân rất quan tâm. Đây là một bước tiến, thưa ông?
Đó là tín hiệu đáng mừng. Chúng ta quyết tâm thực thi cái đã đặt ra từ trước, nhưng chưa làm được, cũng là cái thiên hạ đã làm từ lâu rồi. Đây cũng là việc chúng ta bắt đầu khắc phục những nội dung trong hiến pháp trước đây còn bị “treo”, nghĩa là không được thể hiện bằng những bộ luật, không đi vào đời sống.
Đó có phải là thách thức đối với Chính phủ và các vị lãnh đạo, thưa ông?
Tôi cho rằng, thách thức thực sự ở đây không phải là đối với Chính phủ, các vị lãnh đạo, mà là thách thức đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Người dân sẽ soi vào đây, xem các đại biểu Quốc hội có thực thi, có nói lên, nói đúng nguyện vọng của họ hay không?
Nhất là, thực hiện việc này sẽ có mâu thuẫn nhất định về cách thức tiến hành. Để đánh giá chính xác, thì phải bỏ phiếu kín. Song bỏ phiếu kín thì người dân lại không giám sát được. Khi đó, nếu kết quả bỏ phiếu mà không phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân, thì uy tín của đại biểu Quốc hội và Quốc hội có thể bị ảnh hưởng.
Một chính sách áp dụng vào thực tiễn, ắt có những phản ứng chính sách. Theo ông, có thể chờ đợi phản ứng gì từ câu chuyện này?
Phản ứng đáng lưu tâm của việc này là, khi thực hiện bỏ phiếu, các lãnh đạo có thể sẽ vo tròn mình lại, lấy sự an toàn là quan trọng nhất.
Nghĩa là, người lãnh đạo sẽ chỉ làm vừa phải. Trong khi đó, thực tiễn đất nước đang rất cần những yếu tố mới, đột phá, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Điều này đòi hỏi bản lĩnh của Đảng và các đảng viên, vì các vị trí lãnh đạo cao cấp đều là đảng viên, 92% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Suy nghĩ và hành động của họ khi bỏ phiếu sẽ thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Việc lấy ý kiến toàn dân về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi và lấy phiếu tín nhiệm các vị lãnh đạo đang được dư luận rất quan tâm. Điểm tích cực gì thu hút sự quan tâm của nhân dân với những chuyển động này, thưa ông?
Nhìn tổng thể, yếu tố tích cực nhất của việc lấy ý kiến toàn dân hay bỏ phiếu tín nhiệm với lãnh đạo chính là, chúng ta càng ngày càng nhận ra, tìm sự đồng thuận của người dân và phát huy dân chủ hơn nữa là điều vô cùng quan trọng để phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh mới, khi mà nhận thức và vấn đề lợi ích ảnh hưởng tới việc tìm sự đồng thuận của người dân.
Với những chuyển động đó, chúng ta có thể trông đợi gì trong năm mới 2013 Quý Tỵ, thưa ông?
Chúng ta cần và chờ đợi những giải pháp đồng bộ, bởi những chuyển động này chỉ có thể thực hiện được khi có giải pháp đồng bộ. Mà một trong những yếu tố quan trọng nhất, tác động lớn nhất tới hệ thống, đó là thể chế. Vì thế, sửa đổi Hiến pháp càng trở nên quan trọng, vì đó là cái nhìn toàn cục. Khi luật gốc tốt, văn bản luật tốt và văn bản dưới luật tốt, thì pháp luật sẽ được thực thi hiệu quả.
Nhưng điều quan trọng nhất hiện nay, bao trùm nhất hiện nay vẫn là lòng tin của người dân. Dân có tin dân mới ủng hộ, dân ủng hộ tất sẽ làm được.
No comments:
Post a Comment