Dũng cảm bảo vệ cái đúng
QUỐC THANH THỰC HIỆN | 03/02/2013 08:24 (GMT + 7)
TT - Vì sao sai phạm, tiêu cực kéo dài nhiều năm nhưng đến bây giờ mới phát hiện, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật?
Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng, ông VÕ TIẾN SĨ - ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về một số vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng.
Ông Sĩ nói:
"Kết quả phân tích chất lượng cơ sở Đảng ở TP.HCM năm 2011 (năm 2012 đang trong quá trình tổng hợp, thẩm định, chưa có số liệu cụ thể), qua đánh giá 1.323 cơ sở Đảng có 911 cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh (68,86%). Nhưng kết quả đó sẽ thực chất hơn nếu như có hình thức, biện pháp để các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân kiểm tra, giám sát và đánh giá"
Ông Võ Tiến Sĩ (ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM)
|
Một sự việc gần đây mà Ban thường vụ Thành ủy TP đã tiến hành xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn khóa trước và khóa hiện tại. Trong vụ này phải thi hành kỷ luật đến mức cách hết các chức vụ trong Đảng, đồng thời cách chức tổng giám đốc tổng công ty này. Tương tự, cấp thẩm quyền cũng thi hành kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng, cách chức tổng giám đốc Tổng công ty Dược Sài Gòn.
Ở hai trường hợp này, vì sao sai phạm, tiêu cực kéo dài nhiều năm nhưng đến bây giờ mới phát hiện, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật? Theo chúng tôi, trong đó có việc vai trò của cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng đã thực hiện sự lãnh đạo của mình rất mờ nhạt. Nguyên tắc tự phê bình bị buông lỏng. Thật khó hiểu khi nói chi bộ, cấp ủy không thấy, không biết những chuyện xảy ra ở đây. Nếu thấy, nếu biết và thực hiện tốt phê bình, tự phê trong Đảng, dù không chấm dứt được các vi phạm thì cũng có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn được.
* Thưa ông, từ những bài học sâu sắc như vậy, giải pháp nào có thể sớm khắc phục được tình trạng này?
- Năm 2012, toàn Đảng, trong đó có Đảng bộ TP.HCM, đã quán triệt và thực hiện nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng. Việc thực hiện nghị quyết này có thể thấy bước đầu mang lại tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh, góp phần ngăn chặn tiêu cực và cũng có thể khẳng định cán bộ, đảng viên, nhân dân đều đánh giá cao. Kết quả kiểm điểm tự phê bình, phê bình bước đầu đã đề ra được các giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm, tạo được sức lan tỏa trong Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân.
Nhưng không được thỏa mãn, chủ quan vì cán bộ, đảng viên, người lao động còn lo lắng lắm, cho rằng qua kiểm điểm này chưa thấy có nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Điều đó cũng đúng thôi, bước đầu của kiểm điểm theo nghị quyết trung ương 4 là tự phê bình để nhận ra những khuyết điểm, những việc cần chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới. Những đảng viên nào sai phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì Đảng cũng sẽ xem xét trách nhiệm để thi hành kỷ luật. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện nghị quyết này một cách bền bỉ, đồng bộ trong những năm tới, trong đó tự phê bình trong Đảng phải được giữ gìn nề nếp, nâng cao chất lượng hơn.
Cùng với việc phê và tự phê, mỗi đảng viên phải rèn luyện giữ gìn đạo đức, lối sống trong sáng, phải giữ mình để không vi phạm những điều đảng viên không được làm. Điều rất quan trọng nữa là mỗi đảng viên phải khép mình để thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng, dũng cảm thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nếu không có sự dũng cảm sẽ không khắc phục được nể nang, không mạnh dạn trong góp ý, không góp phần ngăn chặn tiêu cực trong Đảng.
* Thưa ông, cơ chế nào để có thể bảo vệ được những người dũng cảm, dám đương đầu với sự thật, kiên quyết bảo vệ cái đúng, dám đấu tranh với những sai trái...?
- Trong Đảng phải thực hành tự phê bình, phê bình và thực hành dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách để khuyến khích, bảo vệ những người dũng cảm tố giác sai phạm, tiêu cực... Pháp luật cũng đã có nhiều quy định để bảo vệ những người tố cáo đúng. Nhưng dù có đầy đủ quy định, chặt chẽ đến đâu đi nữa mà không có sự dũng cảm của mỗi đảng viên vì lợi ích chung, vì sự vững mạnh của Đảng thì cũng không thể đưa ra ánh sáng những sai phạm, tiêu cực. Dũng cảm vì lợi ích của Đảng, của nhân dân, điều đó sẽ giúp đảng viên, cán bộ vượt lên chính mình để mạnh mẽ thấy sai phải đấu tranh, thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ.
* Ông CAO VĂN PHẬN (phó bí thư thường trực Đảng ủy Công ty Dệt may Gia Định):
Đảng viên trẻ cần có “lửa”
Tôi nhận thức rằng tổ chức cơ sở Đảng là nền móng của Đảng, mà cấu thành trong đó là các đảng viên. Hệ thống này có mạnh thì Đảng ta mới vững mạnh.
Chúng tôi theo dõi, dự các cuộc kiểm điểm, sinh hoạt tại các đảng ủy, chi bộ trực thuộc, thấy những đảng viên trẻ, mới kết nạp, có tuổi đời, tuổi Đảng ít thì khi họp chi bộ phát biểu còn ít, rất giới hạn, nhất là ý kiến góp ý cho thủ trưởng cơ quan, giám đốc, bí thư... Tình trạng rụt rè, e dè như thế này không phải không có, nên đòi hỏi tới đây mỗi đảng viên phải tự rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, phải có “lửa”... trong góp ý, đấu tranh xây dựng nội bộ. Qua các cuộc sinh hoạt, kiểm điểm, chúng tôi có nhắc nhở đảng viên cần mạnh dạn hơn, thể hiện chính kiến trong các kỳ sinh hoạt chi bộ.
Qua thực tế chúng tôi thấy nếu nơi nào cấp ủy có quyết tâm cao trong công tác xây dựng Đảng thì chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên. Qua đó đảng viên từng bước được trưởng thành, có bản lĩnh chính trị, có năng lực và mạnh dạn trong xây dựng nội bộ, ngược lại sẽ phát sinh nhiều vấn đề bức xúc và theo tôi, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Cho nên trước hết mỗi đảng viên phải có dũng khí trong góp ý xây dựng nội bộ. Có như vậy từng đảng viên và tổ chức Đảng mới trong sạch, vững mạnh.
* Ông NGUYỄN VIỆT HÙNG (cán bộ hưu trí, sinh sống tại P.12, Q.4, TP.HCM):
Còn dễ dãi trong phát triển Đảng
Đảng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đúng sự thật về chất lượng đảng viên hiện nay cũng như từng tổ chức cơ sở Đảng. Cũng cần làm rõ người đảng viên trong thời kinh tế thị trường có điểm gì khác so với đảng viên những thời kỳ trước đây không, để từ thực tiễn ấy chúng ta đặt vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của tổ chức Đảng, của các cấp ủy...
Tôi muốn nói nhiều đảng viên đang giảm sức chiến đấu, hay mất sức chiến đấu. Có loại mất sức chiến đấu và cũng có loại chỉ mang danh nghĩa là đảng viên, thậm chí có những đảng viên hư hỏng đang tồn tại. Cho nên mọi chuyện phải bắt đầu từ chất lượng đảng viên. Thực tế những năm gần đây cho thấy chúng ta còn dễ dãi trong phát triển đảng viên, khác với trước đây phấn đấu vào Đảng rất khó khăn. Nhưng cái khó trước đây không phải là sự khó dễ nhau, khắt khe không có cơ sở, mà rất chú trọng chất lượng, chuẩn chất, sự tự nguyện, tinh thần vô tư... Còn bây giờ thì không phải trường hợp nào cũng như vậy.
|
http://nld.com.vn/20130203112532923p0c1002/ban-noi-chinh-trung-uong-hop-phien-thu-nhat.htm
ReplyDeleteÔng Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho biết: “Công việc của ban mới chỉ bắt đầu và còn ở phía trước”
Trích: "So với trước đây, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương được quy định cụ thể hơn, trong đó bổ sung mảng phòng chống tham nhũng.
Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật (trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng); một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và phòng chống tham nhũng; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm VKSND, TAND, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội) và Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban chỉ đạo về chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.
Thứ hai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức Đảng trong lĩnh vực nội chính; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động ở các cơ quan nội chính và hai tổ chức xã hội nghề nghiệp đã đề cập ở trên. Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban chỉ đạo giao.
Thứ ba, thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thứ tư, tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp.
Thứ năm, thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của ban chỉ đạo.
Thứ sáu, thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao."