Monday, March 25, 2013

Giản đơn mà cao cả làm sao!

Ngày 25.03.2013, 10:06 (GMT+7)
Triết lý cộng sinh của Phát “trồng rừng”

SGTT.VN - Những cánh rừng dày đặc gỗ quý, bên dưới có thảm dây leo chằng chịt sống cộng sinh đã hút hồn gã, mở lối để gã đi đến quyết định: biến đồi đá thành rừng.
Phát “khùng” với rừng cây “cộng sinh”.

Gã đưa tôi đi ngược lên đỉnh núi Vom – sơn trại của gã. Hai bên đường là những rừng cây dầu, xà cừ, keo lai xanh tốt. Gã bảo: “Cứ sớm sớm nắng lên xuyên lá cành đọng đầy sương và khi hoàng hôn xuống khói đá bốc lên khu đồi là thấy sướng mê người. Bù lại cho những ngày cực nhọc đào hố trồng cây”.
Giấc mơ rừng…
Nhà gã đông anh em (gồm hai anh em trai và sáu chị em gái). Những năm thời bao cấp nghèo khó nên khi học xong lớp 10 gã đành nghỉ học xin làm công nhân cho hợp tác xã chế biến gỗ La Hà rồi sau đó làm công nhân cho xí nghiệp mộc Quảng Ngãi. Thấy gã lanh lợi nên cấp trên xếp gã vào nhóm thu mua gỗ. Càng đi, gã càng mục kích những cánh rừng lim thân vài người ôm, dài trên vài chục mét xa hun hút tầm mắt ở vùng Ba Bích, Ba Nam (Quảng Ngãi), những cánh rừng cẩm lai, sến, táu ở Kon Tum, Dăk Lăk. Thời đó, lương thực khó khăn, nên những lâm trường được giao chỉ tiêu phá rừng để lấy đất trồng hoa màu. Đơn vị nào phá rừng nhiều được tuyên dương. Mặc dù chỉ là người thu gom gỗ cho xí nghiệp, nhưng gã hiểu để có những khu rừng giờ chặt phá là cả hàng trăm năm chứ đâu dễ dàng gì. Nhưng tiếc thì tiếc vậy, chứ gã chẳng dám bộc bạch cùng ai, bởi sợ người đời cho mình là gàn dở.
Năm 1994, công ty vật tư nông nghiệp Mộ Đức giải thể một xưởng gỗ ở xã Đức Chánh. Gã nghĩ cơ chế nhà nước đã thoáng rồi và đời công nhân cứ rày đây mai đó, tiền lương eo hẹp nên gã quyết định vay mượn được 10 cây vàng mua lại xưởng gỗ. Cuộc đời làm chủ xưởng gỗ không mấy khó khăn. Nhưng rồi một ngày kia, khi đi mua gỗ ở một cánh rừng Tây Nguyên, gã nhìn thấy cây gỗ hương sau khi bị đốn hạ, mủ chảy ra có màu đỏ như máu, gã mơ hồ nhận ra như cây cũng có linh hồn, và cứ đà chặt phá như thế thì đến hồi rừng cũng kiệt lấy đâu ra gỗ quý mà cưa. Ý định trồng rừng gỗ quý nhen nhóm để rồi năm 2003, gã quyết định sang lại 3,6ha đất dưới chân núi Vom để trực tiếp trồng rừng. Ai cũng bảo gã khùng!
Triết lý cộng sinh
Gã sôi nổi: “Trong bài hát Một đời người một rừng cây có câu: Có một cây là có rừng. Và rừng sẽ lên xanh”. Đó là ca từ của nhạc sĩ, còn với nông dân như mình hiểu, rừng nhiệt đới có những cây gỗ quý thân thẳng, vươn cao. Trên thân cây có vô số loài lan rừng đu bám. Dưới đất còn có vô số loài dây leo mọc dày. Đó là đời sống cộng sinh bền chặt. Nhờ có dây leo nên đất đai được che kín giữ ẩm cho loài danh mộc. Và ngược lại nhờ có những cây danh mộc nên dây leo tha hồ đu bám. Mình trồng rừng cũng phải theo hướng đó, nghĩa là, trồng những loài danh mộc để cây vươn thẳng, để có “ lợi ích trăm năm”. Nhưng dưới đất phải có những loài dây leo, những cây mọc tầm thấp vừa giữ cho đất im, vừa tạo nguồn lợi để nuôi sống mình. Đó là lấy ngắn nuôi dài ”.
Nói rồi, gã đưa tôi dạo quanh khu đồi thấp rộng trên 3ha với trên 1.500 cây xoài, 900 cây dầu, cây sao trồng đã 14 năm, thân vừa đủ một vòng ôm và phía dưới là những trụ tiêu đang mùa ra trái. Gã nói: “Để có mô hình kết hợp này là nhờ đọc sách báo, học lớp sơ cấp lâm nghiệp đó”.
Trước đây, khi mua lại khu đất thấp dưới chân núi Vom, gã tiến hành trồng chuối mốc cho có màu xanh. Sau đó, gã tiến hành trồng chanh mà từ năm 1999 – 2006, cứ mỗi năm gã bán chanh cũng kiếm vài trăm triệu đồng. Nhưng loại cây trồng ngắn ngày này không thoả mãn ý chí nên gã chuyển sang trồng cây sao, cây dầu. Chừng ba năm sau gã đã lên Tây Nguyên mua dây tiêu giống đem về phủ khắp. Rồi khu đồi thấp thuộc sườn đông của núi Vom từng bước tự nuôi mình. Còn những loài cây gỗ quý như dầu, sao cứ thế vươn cao. Năm ngoái có người từ ngoài Bắc vào ra giá mua 800 cây dầu của gã với giá 900 triệu đồng, nhưng gã đã lắc đầu.
Đi tìm nguồn nước
Trên núi Vom, trước mắt tôi là rừng cây muồng, keo và bờ bao là những hàng xà cừ xanh tốt. Trong số 11ha gã được Nhà nước giao 50 năm để trồng rừng có 7ha đã trồng xong. Còn 4ha nằm chính giữa đang là gò đống đá lởm chởm. Gã nói: “Trước đây, đất này quy hoạch trồng rừng 327, nhưng rồi đá ong tầng tầng lớp lớp nên không thể trồng cây được. Khi mình đề đạt xin cấp đất trồng rừng, nhiều người lắc đầu lè lưỡi. Nhưng mình biết, dưới tầng đá ong ấy là một tầng đất khác cây trồng có thể mọc được. Vấn đề là phải bỏ nhiều công sức”.
Nghe gã trình bày có lý, chính quyền địa phương chấp nhận (bởi không chấp nhận thì đồi đá ấy cũng chẳng thể làm gì). Thế là gã bắt đầu cuộc chinh phục mới đầy gian nan.
Cây rừng mọc trên đồi đá phong hoá, như hiểu được lòng gã nên nảy chồi xanh. Nhưng rồi, qua cái mùa khô ở miền Trung nắng chói chang. Khi mặt trời khuất dạng đã lâu, gã đưa tay sờ nền đất vẫn thấy nóng hầm hập. Gã nghĩ, nóng thế này làm sao cây chịu nổi nên quyết định đi tìm nguồn nước. Gã nhớ lại những ngày đi mua gỗ. Xe chở gỗ qua những con đường mà bên lề có cây dương xỉ mọc đầy thường bị sụp hoặc mắc lầy, bởi đoạn ấy có nền đất yếu vì có mạch nước. Nhớ lại điều này gã tỉnh hẳn người và hôm sau lang thang trên núi. Rồi gã cũng tìm được một vùng có cây dương xỉ mọc đầy nên trở về nhà thuê thợ lên khoan. Và khi mũi khoan đến độ sâu 48m thì nước phun lên trong suốt. Gã nằm ngả mình trên đồi đất cho mạch nước tưới lên người.
Gã hiểu trồng những cánh rừng cây gỗ quý khó có thể thu hoạch bán lấy tiền bởi đời cây dài lắm. “Nhưng, ngày xưa khi còn trẻ có bữa mình ăn hết 23 chén cơm, giờ chỉ ăn vài chén. Còn sáu đứa con, có đứa đang du học tại Úc, có đứa vừa mới tốt nghiệp ngành ngân hàng, có đứa đang học đại học, có đưa học trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Tính ra, chúng học hành hơn mẹ cha thì mai này cũng sẽ có con đường của riêng chúng. Mình trồng rừng cây là để có niềm vui của mình. Mai sau mình không còn hưởng thì để lại cho con, cho quê nhà có màu xanh trải rộng”.
Chuyện về gã thì nhiều lắm. Gã tên thật là Lê Tuấn Phát, năm nay gã 53 tuổi. Muốn gặp gã cứ đến vùng Quán Lát, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) hỏi Phát “khùng”, Phát “trồng rừng” thì ai cũng biết!
bài và ảnh: Cẩm Thư
Tấm lòng gã “khùng”
Gã yêu cánh rừng của mình và lâu rồi càng muốn bà con làm được như mình. Những hộ dân trong vùng muốn trồng tiêu đến gã mua tiêu giống với giá tiền chỉ 50% so với các trại giống, những người nghèo khó thì gã cho không. Gã bật mí với tôi: “Hiện nay, mình đang ươm giống cây gỗ cẩm lai. Sắp tới mình
sẽ trồng trên rừng và hỗ trợ cho bà con cùng trồng”.
Anh Nguyễn Đình Vinh, chủ cơ sở mộc ở xã Đức Nhuận: “Nhờ có anh Phát hỗ trợ, mình mới làm cơ sở mộc cho riêng mình được. Dân gian có câu: Thà cho ăn vàng, còn hơn dẫn đường đi buôn, nhưng anh Phát thì không như thế”.
Lão Tích, người thân của mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đê có ba con hy sinh: “Nhờ có nó xây dựng cho cái nhà thờ phụng mẹ và các liệt sĩ, chứ mẹ chết đã lâu đâu có trong danh sách hỗ trợ làm nhà”.
Phó chủ tịch UBND huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) Vũ Nhân: “Anh Lê Tuấn Phát là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Ở anh chúng tôi nhìn thấy được sự đam mê về nghề trồng rừng hay sống vì cộng đồng. Nhiều năm rồi thông qua việc làm của anh, địa phương tích cực vận động bà con nông dân phát triển vườn đồi cải thiện cuộc sống”.
Nguồn: 

No comments:

Post a Comment