Wednesday, March 20, 2013

CHỈ ĐẠO TẦM CAO ( TRÊN TRỜI)

Phải bảo vệ rừng Tây Nguyên
Thứ bảy, 16/03/2013, 07:43 (GMT+7)
Sau khi đi thị sát rừng Tây Nguyên bằng máy bay, ngày 14-3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị “Bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên” tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Hội nghị tập trung đánh giá những nguyên nhân để mất rừng và những giải pháp phát triển rừng trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị “Bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên”.
Mất rừng quá lớn...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Tổng diện tích rừng Tây Nguyên hiện có hơn 2,8 triệu hécta, độ che phủ đạt 51,3%. Trong đó, rừng có trữ lượng còn hơn 1,7 triệu hécta với độ che phủ 32,4%, còn lại là rừng chưa có trữ lượng và rừng tự nhiên phục hồi.
Từ năm 2005 - 2012, bình quân mỗi năm Tây Nguyên mất 25.737ha, trong đó do chuyển đổi mục đích chiếm 78%, khai thác rừng trồng chiếm 4%, phá rừng trái phép 6%, cháy rừng 1% và nguyên nhân khác 11%. Mặc dù không chiếm tỷ trọng lớn trong các nguyên nhân làm mất rừng nhưng việc phá rừng trái phép (bình quân mỗi năm mất 1.478ha rừng) gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng và gây bức xúc cho xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều dự án chuyển đổi rừng bị người dân lấn chiếm để lấy đất và gây áp lực đòi chủ dự án bồi thường. Nhiều chủ dự án trồng rừng cũng thiếu năng lực tài chính và thiếu trách nhiệm bảo vệ rừng được giao đã làm rừng bị mất, lấn chiếm trái phép. Trong khi đó, Tây Nguyên có khoảng 1.510 xưởng cưa gần rừng là nơi chế biến và tiêu thụ các loại gỗ lậu.
Ngoài những nguyên nhân trên, một số đại biểu cho rằng rừng Tây Nguyên bị mất còn do sự tiếp tay cho lâm tặc phá rừng của nhiều cán bộ kiểm lâm. Ông Đào Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho rằng: Lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng còn chưa nghiêm, một số nơi còn xảy ra tình trạng “kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc” làm rừng ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia bị phá hoại nghiêm trọng. Vì thế, tỉnh Gia Lai đã phải huy động cả công an và bộ đội tham gia truy bắt các vụ khai thác rừng trái phép.
Còn ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: Năng lực kiểm lâm hiện rất yếu và chưa xử lý được tình trạng phá rừng trái phép diễn ra trên địa bàn. Trong khi đó, việc chuyển đổi liên tục từ lâm trường đến các công ty như hiện nay cũng làm mất dần rừng Tây Nguyên vì các công ty lâm nghiệp lơ là nhiệm vụ bảo vệ rừng; trách nhiệm bảo vệ rừng không thuộc về ai và cũng không xử lý được ai cả.
Phá rừng trái phép tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Công Hoan
Cần giải pháp phù hợp
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) Nguyễn Thế Đồng, việc mất rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của Tây Nguyên. Khi rừng bị mất kéo theo việc mất nguồn nước, suy thoái đất đai, giảm sự đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Việc chuyển đổi rừng phòng hộ sang trồng cao su chỉ đem lại lợi ích kinh tế trước mắt chứ chưa tính đến hậu quả lâu dài tới môi trường. Rừng cao su chỉ phù hợp vùng khác chứ không phù hợp với Tây Nguyên vì không có khả năng giữ nước. Vì thế, cần đánh giá lại hiệu quả việc chuyển đổi rừng trồng cao su ở Tây Nguyên.
Trong những năm qua, việc phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện cũng đã lấy đi rất nhiều cánh rừng Tây Nguyên nhưng chủ đầu tư chưa trồng lại rừng được bao nhiêu trong tổng số hơn 8.000ha diện tích rừng phải trồng lại. Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Khi dự án thủy điện đi vào hoạt động, những cánh rừng xung quanh cũng mất và từ đó làm thiếu nước cho cả nhà máy thủy điện lẫn khu vực xung quanh. Cho nên, phải bắt buộc các chủ đầu tư trồng lại rừng trên những diện tích cần phục hồi rừng.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Rừng Tây Nguyên không chỉ có vai trò quan trọng trong việc giữ nước cho vùng này mà còn giữ nước cho Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Vì thế, phải kiểm kê lại các loại rừng và từ đó có những giải pháp bảo vệ phù hợp. Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải tăng cường quản lý nhà nước về lâm nghiệp, giải quyết tình trạng tranh chấp trên đất lâm nghiệp, di dời các xưởng cưa ra khỏi rừng, bố trí đất cho các chủ dự án thủy điện trồng lại rừng...
Công Hoan

“Cạo trọc” rừng phòng hộ
Không chỉ ngang nhiên “cạo trọc” rừng phòng hộ xung yếu để làm nương rẫy, hàng chục hộ dân còn hung hãn chống đối, hành hung cán bộ bảo vệ rừng.
Rừng bị cạo trọc để trồng cà phê.
Cà phê lấn rừng
Ngày 12-3, trong vai những người đi tìm cây thuốc, chúng tôi đột nhập điểm nóng phá rừng tại Tiểu khu 243 (xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Đến thung lũng Đạ Chơ Mo, cái nóng mùa khô Tây Nguyên mỗi lúc một thêm hầm hập vì được cộng hưởng bởi những vụ đốt rừng làm rẫy. Những cánh rừng phòng hộ bao bọc, giữ nguồn nước cho suối Đạ Chơ Mo đang bị người dân chặt hạ, phát đốt không thương tiếc để lấy đất trồng cà phê.
Ông Lê Hồng Nhân, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ (BQL) Nam Ban, cho biết, diện tích rừng nói trên trước đây do Công ty TNHH Dược phẩm Việt Thái nhận quản lý nhưng bị người dân chặt phá, lấn chiếm không quản lý nổi, phải trả lại. Tháng 9-2011, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho BQL rừng Nam Ban quản lý diện tích 115ha rừng phòng hộ. Sau đó đơn vị đã giao khoán cho các hộ nhận khoán bảo vệ theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời dựng trạm và cắt cử lực lượng túc trực thường xuyên. Dù vậy, tình trạng phá rừng trồng cà phê vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, từ đầu năm 2013 (dịp trước và sau Tết Quý Tỵ), hàng chục hộ dân tại các thôn Thực Nghiệm, Hang Hớt, Buôn Chuối, Cổng Trời (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) và thôn Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương) đã ào ạt vào phát đốt rừng với tổng số 16 vụ.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, đến nay đã có 32,5ha rừng tại khu vực này bị phá và đốt làm rẫy, trong đó diện tích mới bị phá là 21ha và 11,5ha bị bà Phan Thị Hằng thuê người phá năm 2010 (hiện bà Hằng đã bị xử lý hình sự).
Bất lực?
Theo ông Lê Hồng Nhân, hiện BQL rừng Nam Ban đã làm hết khả năng nhưng vẫn không thể ngăn chặn tình trạng phá rừng tại Tiểu khu 243. Những đối tượng phá rừng ở đây rất hung dữ, cứ mỗi lần lực lượng chức năng vào kiểm tra rừng là họ kéo đến rất đông, hầu như cả làng, cầm gậy gộc, mã tấu ngăn cản, đe dọa. Khi bắt được quả tang và mời đối tượng phá rừng về làm việc thì cả làng kéo đến ngăn chặn. Trong đó, điển hình là vụ việc xảy ra vào tháng 3-2012, khi ngành chức năng tổ chức đợt giải tỏa 30ha rừng bị chặt phá thì có 40 người dân cầm hung khí xông vào ngăn cản và đánh trọng thương 5 cán bộ.
Không dừng lại ở đó, sau những đợt giải tỏa, ngăn chặn phá rừng, nhiều cán bộ bảo vệ rừng đã bị các đối tượng phá rừng nhắn tin, gọi điện đe dọa. Mới đây nhất, vào ngày 8-3-2013, lực lượng chức năng bắt 2 đối tượng Ya Dim và Ya Ngân đang chặt phá rừng nên đã mời về làm việc, đồng thời tạm giữ giấy tờ liên quan. Ngay lập tức, một đối tượng gọi điện thẳng cho Trưởng ban quản lý rừng Nam Ban đe dọa “trả ngay giấy tờ, không thì liệu cái mạng”.
Trước tình trạng phá rừng xảy ra phức tạp tại tiểu khu 243, ngày 7-3-2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo Công an và Hạt Kiểm lâm huyện nắm chắc những đối tượng cầm đầu phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để đấu tranh, răn đe và củng cố hồ sơ xử lý nghiêm, đồng thời, rà soát nếu người dân thực sự thiếu đất sản xuất thì kịp thời giải quyết và tạo điều kiện hỗ trợ người dân có cuộc sống ổn định, không để tiếp diễn tình trạng phá rừng.
Nam Viên

No comments:

Post a Comment