Sunday, March 31, 2013

THẤU CẢM

Trịnh Công Sơn trong tôi

Trịnh Công Sơn trong tôi Nguyễn Thụy Kha

(LĐCT) - Số 13 - Thứ bảy 30/03/2013 08:48
Đến tháng tư này, Trịnh Công Sơn đã rời xa dương thế 12 năm. Nhưng hình như tôi và những người yêu quý anh, yêu quý nhạc Trịnh Công Sơn vẫn có cảm giác anh vẫn đang tồn tại trên cõi đời, đang ở đâu đó nhâm nhi một ly Chivas pha soda với điếu thuốc toả khói trên tay. Và mỉm cười. Một nụ cười thầm kín.
Trong mỗi chúng ta, mỗi người đều có một rung động riêng về ca khúc Trịnh Công Sơn. Tôi cũng không ngoài mọi người. Như còn mới đây, những ngày đầu thanh xuân. Khi ấy, tôi đang học ở trường Đại học Thông tin Liên lạc. Một đêm xuân xa nhà, chúng tôi buồn ngồi bên nhau quanh bếp lửa miền Cẩm Khê (Phú Thọ) sơ tán.

Chợt một người bạn - anh Đặng Đình Đào quê ở Lào Cai - ôm đàn hát nghêu ngao: “Mưa lạnh lùng mưa rơi rớt đêm khuya sao não nề / Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh ướt mi”. Giai điệu của ai thế nhỉ? Của tác giả Việt Nam hay nước ngoài? Ngoài trời đêm, mưa vẫn rỉ rắc trên rừng cọ trung du. Chốc lát, lại một cơn gió lạnh lùa vào căn bếp. Giai điệu vừa dịu dàng vừa da diết khiến không ai cầm lòng được. Tôi nhờ Đào chép cho và học thuộc ngay. Nhưng ai là tác giả, tôi chưa hề biết.

Ngày chúng tôi vào Quảng Trị. Ở thị xã vừa giải phóng, tôi lần đầu tiên được uống bia La Rue bọt trắng xốp và mỏng tang, vừa nghe Hương, cô gái bán bia vừa chơi guitar vừa ngân nga: “Mưa vẫn mưa bay / trên tầng tháp cổ/ dài tay em mấy/ thuở mắt xanh xao”. Cô gái nói đó là bản “Diễm xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cái tên Trịnh Công Sơn bắt đầu có trong tôi từ đấy. Nhưng tôi vẫn chưa biết “Ướt mi” là tình khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn.

Đến ngày vào Buôn Ma Thuột sau mùa xuân 1975, tôi nhặt được trong đống sách vương vãi ngoài đường một cuốn “Ca khúc da vàng” do Trịnh Công Sơn viết tay và tự phát hành với cái tên NXB Nhân Bản.Trong bìa áo cuốn sách, có một câu của người lính Việt Nam Cộng hoà nào đó ghi: “Mẹ Việt Nam ơi! Bao giờ ngưng hết chiến tranh, để chúng con lại được sống chung vui cùng nhau”. Lúc đó, mới thấy ca khúc Trịnh Công Sơn đã thấm đẫm vào thế hệ trẻ miền Nam như câu thơ Nguyễn Bắc Sơn: “Men nhạc Trịnh Công Sơn chảy tràn đêm khuya”.

Tới ngày thống nhất, tôi mới biết “Ướt mi” của Trịnh Công Sơn in trong tập “Tuổi đá buồn” (Nhân Bản) và nghe lại qua giọng Khánh Ly mê hoặc qua băng cối máy cassette AKAI. Tôi như người thèm “của lạ” cứ thế lao vào tìm kiếm sách nhạc và băng Trịnh Công Sơn. Tôi đã chép kín mấy cuốn sổ tay tặng người yêu - hiện giờ là vợ tôi - những tình khúc Trịnh Công Sơn cùng những ca khúc phản chiến. Rõ ràng, Trịnh Công Sơn là một ám ảnh văn hoá sau chiến tranh mà tôi nhập vào mình, cùng những dòng nhạc cách mạng mà từ nó, tôi lớn lên, mà từ nó, tôi cầm súng ra trận. Giai điệu Trịnh Công Sơn cân bằng lại tôi sau những năm chất chồng khí thế.

Hoá ra, cuộc đời còn có những câu chuyện đáng sống khác, bên cạnh “đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng” (đầu đề một bài thơ của Lưu Trùng Dương). Tôi nhanh chóng nạp đầy hồn những gì bấy lâu nay còn thiếu bằng giai điệu Trịnh Công Sơn. Trước giải phóng, công chúng của Trịnh Công Sơn là cả Nam Việt Nam, sau thống nhất công chúng của Trịnh Cộng Sơn là cả Việt Nam. Đó có lẽ là lý do Trịnh Công Sơn không lẫn vào đoàn người di tản. Anh đã đứng lại đất mẹ, ôm đàn hát vang “Nối vòng tay lớn”.

Mùa thu 1983, tôi có hai niềm vui. Niềm vui thứ nhất là có con gái Phương An vừa chào đời. Niềm vui thứ hai là gặp Trịnh Công Sơn tại Hà Nội. Năm đó, anh và nhạc sĩ Trần Long Ẩn ra dự Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ 3. Vậy là có những ngày thảng thốt lãng du qua những địa chỉ kinh thành. Khi thì tại nhà nhạc sĩ Văn Cao 108 Yết Kiêu. Khi thì tại khách sạn Đồng Lợi nơi các anh tạm trú. Khi thì trên nóc gác nhà tôi 60 Hàng Bông. Ở đây, Trịnh Công Sơn vừa uống rượu, vừa nhìn Bùi Xuân Phái vẽ, vừa ngắm những mái nhà phố cổ nhấp nhô như một đại dương để rồi ca từ: “Mái ngói thâm nâu” xuất hiện trong “Nhớ mùa thu Hà Nội”.

Ở đây, Trịnh Công Sơn nghe mọi người hát những ca khúc quen thuộc của anh. Còn anh, thì lại hát một ca khúc mới: “Chiều trên quê hương tôi”. Vui nhất là nghe Phương Thanh - nổi tiếng trong vai “Hiền cá sấu” ở phim “Tội lỗi cuối cùng” hát ca khúc “Đời gọi em biết bao lần” mà Trịnh Công Sơn viết cho phim này. Đến khi cô bạn Dung Hoà hát “Ở trọ” bằng cái giọng khàn khàn thuốc lá, thì Trịnh Công Sơn bỏ kính, nhìn trân trối: “Lạ quá ta”. Tất cả cùng cười và cụng ly.

Cũng vào dịp ấy, tôi mới biết nỗi trắc ẩn của Trịnh Công Sơn khi phải rời xa Huế vào Sài Gòn định cư, để lại căn nhà chân dốc Phú Cam cho nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật ở: “Bao năm rồi lòng tôi gãy cùng cây/ Nỗi vắng cách chính là cơn bão lớn/ Có còn đôi khi chỉ là mùi cơm hến/ Một tinh sương văng vẳng dốc Phú Cam ...”. Đấy là những câu thơ tôi viết tặng anh khi hiểu nỗi trắc ẩn này. Thi pháp Trịnh Công Sơn đã thấm vào tôi lúc nào không hay. Nó hoà cùng thơ Andrei Voznesensky, Ritsos... chưng cất ra những sáng tác của tôi.

 Mùa thu 1984, sau chuyến đi sáng tác ở miền Trung, tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “đổ bộ” vào Sài Gòn. Chúng tôi tới thẳng căn nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ). Trịnh Công Sơn mừng rỡ lấy ra một chai vodka Nga. Vừa cụng ly, chúng tôi vừa nghe anh hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” và “Huyền thoại mẹ”. Cả hai ca khúc đều hay, nhưng tôi nói với anh rằng, có lẽ “Huyền thoại mẹ” sẽ nổi tiếng trước “Nhớ mùa thu Hà Nội” vì khó ngấm hơn (quả nhiên lần ra Hà Nội sau, Trịnh Công Sơn có hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” nhưng chẳng mấy ai để ý. Phải đến mươi năm sau, người thưởng thức mới ngấm “Nhớ mùa thu Hà Nội” và yêu nó như hôm nay). Từ sau đêm đó, anh cùng họa sĩ Đinh Cường, Tạo, và tôi cứ thế rong ruổi trên các nẻo đường lãng du giữa âm nhạc và rượu.

Dịp kỷ niệm 10 năm Sài Gòn giải phóng, sau khi cùng Văn Cao vào Quy Nhơn, tôi lại đưa ông vào Sài Gòn. Ở giữa Văn Cao và Trịnh Công Sơn trong các cuộc rượu, lúc nào tôi cũng thấy mình nhận thêm được điều gì đó từ hai con người dị biệt này. Ở Văn Cao, thường là những chiêm nghiệm từ đời sống. Ở Trịnh Công Sơn, thường là những suy tư của con người.

Từ đó, dường như năm nào tôi cũng gặp anh, đàm đạo cùng anh. Khi thì tôi vào Sài Gòn. Thi thoảng anh ra Hà Nội. Vào mười năm cuối thế kỷ, khi anh trở thành “anh hai” của nhóm “Những người bạn” thì giữa anh và tôi lại có thêm Từ Huy hết lòng vì mọi người. Mùa thu 1997, anh ngã bệnh nặng. Khi tôi và Từ Huy vào bệnh viện thăm, ngỡ anh không thể qua khỏi. Vậy mà anh đã vượt qua tử thần ở chặng hiểm nguy này. Mùa xuân 1998, chúng tôi lại vui vẻ rượu vang cùng anh. Lúc ấy lại nghe “Tiến thoái lưỡng nan” như từ cõi chết vút lên. Mùa thu 1998, lại hoan hỷ gặp nhau giữa kỷ niệm 1.000 năm thành phố Quy Nhơn. Với anh là “Biển nhớ”, còn tôi là “Quy Nhơn thành phố thi ca”. Quy Nhơn là nơi anh từng nhiều năm tháng học trường Sư phạm.

Cuối tháng 3.2001, tôi gọi máy cho anh nói rằng tôi đang viết sách âm nhạc cho thiếu nhi, muốn đưa bài “Đoá hoa vô thường” vào cuốn “Ballade”. Anh cười qua điện thoại: “Đúng đấy! Bài ấy thể Ballade đấy. Kha chọn là đúng rồi”. Không ngờ vào ngày cá tháng Tư 1.4.2001, Trịnh Công Sơn giã biệt cuộc đời ở tuổi 63.

Bây giờ, đã 12 năm qua, Trịnh Công Sơn đã yên nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa “Đứa con xa đã tìm về nhà/ đất hoang vu khép lại hẹn hò...” nhưng giai điệu âm nhạc của anh vẫn rền trên dương thế như giai điệu Đặng Thế Phong, Lê Thương, Văn Cao... Và còn rền vang mãi mãi trong tôi, trong muôn người. Cuối 2012, tôi được mời vào Hội đồng xét cấp phát những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Kết quả là ngày 9.1.2013, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã cấp phép cho 8 ca khúc: “Cánh đồng hòa bình”; “Đồng dao hòa bình”; “Người mẹ Ô Lý”; “Nước mắt cho quê hương”; “Đôi mắt nào mở ra”; “Dựng lại người, dựng lại nhà”; “Ta thấy gì đêm nay”; “Chờ nhìn quê hương sáng chói”. Rồi đến lúc, mọi ca khúc Trịnh Công Sơn sẽ rền vang mãi mãi trên dương gian.

Họ đã nhận ra nhau từ ngày chưa gặp gỡ !

Ngô Thảo nhớ về Trịnh Công Sơn-Văn Cao
03.4.2011-06:00

Trịnh Công Sơn - Văn Cao

NGÔ THẢO

NVTPHCM-  “Cứ nhìn những con người tài năng ấy, mình thấy không có gì phải băn khoăn cho thân phận mình. Có đất nước nào mà những kẻ sĩ chân chính, có khí phách lại không cơ hàn? Nó như thứ trang sức, hơn thế là cái giá, cái vòng nguyệt quế quàng lên đầu lên cổ loại người đó”.

Ngày 04.11.1983
Đêm cuối tháng mười trên sân thượng nhà Nguyễn Thuỵ Kha có cuộc gặp mặt: vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường để chờ Trịnh Công Sơn. Tới muộn có thêm nhạc sĩ Hồng Đăng và Phương Thanh.
Nói tới chuyện thi Quốc ca. Một cuộc thi không có kết quả. Biết bao sự bịa đặt xung quanh một bài Quốc ca. Sáu mươi tuổi, tóc bạc phơ, hom hem hơn cả ông già 80 (kỷ niệm sinh nhật 30.9 vừa rồi), ông Văn Cao nói những chuyện về đời ông. Đối với ông, mấy chục năm qua, là tác giả Quốc ca, ông bị nhốt trong một cái lồng quá chặt. Không thể làm một điều gì sai trái vì mình đã là tác giả Quốc ca. Mặc dầu thế, ông muốn đi qua cuộc đời không để lại gì:Con tàu đi qua để lại bóng. Tôi đi qua để lại… chính tôi. Được vào Chủ tịch Đoàn Đại hội Nhạc sĩ, Đại hội bầu vào Ban chấp hành, đó thật sự là thước đo sự tín nhiệm của giới nhạc sĩ đối với ông. Uống rượu nhiều. Mê say nhiều. Nhưng sống vô vị. Không chút bận lòng về những được mất ở đời.
Cứ nhìn những con người tài năng ấy, mình thấy không có gì phải băn khoăn cho thân phận mình. Có đất nước nào mà những kẻ sĩ chân chính, có khí phách lại không cơ hàn? Nó như thứ trang sức, hơn thế là cái giá, cái vòng nguyệt quế quàng lên đầu lên cổ loại người đó.
Trịnh Công Sơn tới. Sau vài câu chào hỏi xã giao, mọi người yêu cầu Sơn hát. Bắt đầu là một bài hát mới gửi người đi di tản: Em ra đi, nơi này vẫn thế… Một bài hát nhiều lời mà mờ mịt, da diết. Chất Trịnh Công Sơn. Tiếng nấc thật của một thời kỳ bi đát: Chia ly, nghi ngờ, chết chóc, thù hận vì những lý do khó cắt nghĩa rành mạch. Với mỗi người, cuộc đời chỉ còn là quán trọ (Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ/ Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du… Em đi qua chuyến đò ối a vui như ngày hội/ Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi… Tôi vui chơi giữa đời biết đâu nguồn cội…). Đêm đêm nghe tiếng ru đại bác. Đàn bò vào thành phố. Đêm mơ thấy ta là thác đổ. Ngày mai em đi/ Biển nhớ tên em gọi về…/ Nửa bóng xuân qua ngập ngừng/ Nghe trời gió lộng mà thương…
Trịnh Công Sơn hát những bài hát cũ. Nghe vẫn lôi cuốn nhưng không còn xúc động như những ngày xưa. Về âm nhạc, Trịnh Công Sơn không có gì đáng nói. Nét riêng rất rõ nhưng nghèo nàn, đơn điệu, phảng phất như dân ca. Nhưng kết hợp với lời ca giàu sắc điệu, bởi một ngôn từ giàu chất thơ, một thời loạn ly bom đạn và chia xa nên chắc chắn sẽ còn được hát mãi.
Người gầy, hom hem không khác ông Văn là mấy, gọng kính trắng làm cho gương mặt buồn ngời sáng. Ôm chiếc guitar rất ít sử dụng, Sơn hát say sưa theo yêu cầu mọi người. Xem ra Phương Thanh, dẫu là diễn viên kịch còn thuộc lời bài hát hơn chính tác giả. Cô diễn viên thông minh và ham vui, hát chen lời những bài hát buồn. Gương mặt đẹp không giấu được nét buồn một người đang cô đơn.

Ngày 19.11.1983
Hội Nhạc sĩ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Nhạc sĩ Văn Cao tại trụ sở Hội tầng hai nhà 51 Trần Hưng Đạo. Người tới dự đông đứng chật cả hành lang. Nhiều mái đầu bạc trong giới ngoài giới, bạn vong niên thuộc nhiều ngành nghề: Nguyễn Xuân Khoát, Võ An Ninh… nhạc sĩ Trọng Bằng nói mấy lời giới thiệu. Cụ Văn Cao phát biểu. Trông ông già mới 60 - từ hôm 30.9- mà như ngoài 80! Nghệ sĩ Kim Ngọc, con hoạ mi thuở nào hát Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ. Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn hát bài chào mừng. Dương Minh Đức hát Trường ca Sông Lô, Ngày mùa.
Nhìn lại một đời nhạc sĩ buồn vì những gì mình làm được quả là ít ỏi. Tuổi tôi, qua chỗ gấp thứ hai, liệu còn làm nên điều gì mới mẻ? Chỉ khi ông già ngồi vào piano đánh mấy giai điệu bài Sông Lô cả bằng cùi chỏ tay mới thấy bão táp đang chứa giữ trong lòng người nghệ sĩ lớn mà cuộc đời đa đoan chìm nổi ấy.
(Trích Chuyện đời - Chuyện văn một thuở )
Nguồn: 

Nhắc một Người- Nhớ mọi người!

Chữ “NHÂN” trong dòng nhạc Trịnh Công Sơn

Ngày đăng bài Thứ Ba, ngày 24-01-2012
Tâm thức mỗi người Việt Nam ta đều tiềm tàng ít nhiều những cảm thức minh triết, tôn giáo hoặc niềm tin vào Trời, tín ngưỡng phồn thực, thờ cúng Tổ Tiên, vạn vật hữu linh… Đặc biệt ảnh hưởng của các dòng tư tưởng Nho gia, Đạo gia, Phật giáo, Kitô giáo… đã đâm rễ sâu vào nền văn hóa, kiến trúc, nếp nghĩ suy và lối ứng xử của Việt tộc. Văn hóa truyền thống của nước  Việt được hình thành và phát triển dựa vào những thành tố trên cộng sinh với các yếu tố khác như: lịch sử, địa lý, thổ nhưỡng, chủng tộc, …
Nhạc của Trịnh Công Sơn là một minh họa cho tính tương tác về tư tưởng của các nhân tố kể trên. Việc tìm hiểu quan điểm “Nhân” trong dòng nhạc Trịnh đã tạo niềm say mê cho bản thân, đồng thời được nhiều bằng hữu khích lệ. Do đó, người viết mạnh dạn tìm tư liệu về nhạc sỹ qua tiểu sử và các nhạc phẩm phổ biến…
Bài viết này hình thành do tấm lòng yêu mến và kính phục đối với nhạc sỹ. Kính mong nhận được sự đồng điệu, đồng cảm và quảng đại của chính nhạc sỹ quá cố, thân nhân của ông và quý độc già yêu thích nhạc Trịnh. Vì chỉ là ý kiến cá nhân, nên xin mọi người thông cảm cho sự hạn chế của bản thân người viết…. Chân thành cảm ơn trước.

1. CON NGƯỜI TÌNH CẢM VÀ GIÀU LÒNG TRẮC ẨN
a. Tình yêu nam-nữ: phải thú thật, nhạc sỹ là bậc thầy trong việc dùng từ  để mô tả những cảm xúc thăng hoa, đau khổ, khát khao, chờ đợi của người “đã biết yêu”. Những ca từ để mô tả hoặc ca ngợi nét đẹp của tình nhân thật lãng mạn, đầy hình tượng, giàu cảm xúc và luôn mới mẻ. Bài “Cúi xuống thật gần” cho ta thấy cảm xúc thăng hoa đang khi say men tình:
“…Cúi xuống 
 Cúi xuống thật gần 
 Cho chiếc hôn ngọt nồng 
 Cho trăm năm ưu phiền phút chốc hư không 

 Cúi xuống 
 Cho tình dấy lên 
 Cho da thịt mềm 
 Cho cơn mặn nồng ngất lịm …”
Trong bài “Diễm xưa” ông viết về nỗi nhớ mong “trong cơn đau vùi!” với “hằn lên nỗi đau”

Chiều nay còn mưa sao em không lại 
Nhớ mãi trong cơn đau vùi 
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau 
Bước chân em xin về mau …”
hoặc ở tác phẩm “Cuối cùng cho một tình yêu” có đoạn nói về nỗi “sầu đầy” đến nỗi “xin thôi đầy” vì “đã đầy” (tôi cảm nhận như có “sắc sắc-không không” ở ý từ này)
“Sầu xuống thôi đầy, làm sao em nhớ 
Mưa ngoài song bay, lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đây 
Sầu thôi xuống đầy 
Sầu thôi xuống đầy...
Còn trong bài “Chiều một mình qua phố” tác giả diễn tả về nỗi buồn vắng bóng người yêu, thê thiết đến độ “nắng khuya chưa lên, hoàng hôn chưa tới” mà “tím” cả một loài hoa!!! Hoặc rệu rã bước chân gọi buồn vì nhớ!
“Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em 
Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím 
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em 
Gót chân đôi khi đã mềm gọi buồn cho mình nhớ tên…. “
 b. Tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc Việt Nam
-  Đối với quê hương và đất nước: Ông cũng đau lòng và lo sợ cho việc phân cách và ly tán của nước Việt, tâm tư này ông gởi vào trong bài “Biển nghìn thu ở lại”.
Biển đánh bờ,
Xôn xao bờ đánh biển
Đừng đánh nhau … ơi biển sẽ tàn phai
Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát... 

để nói lên cảm xúc xót xa cho cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt của dân tộc Việt Nam, ông Trịnh đã có một kho các ca khúc da vàng hay nhạc phản chiến. Lời của ca khúc “Cho một người nằm xuống” như một điếu văn cho một người lính phi công tử trận. Ý từ và nhạc của bài hát này chua chát, hư vô và “buồn thay cho người xấu số” làm sao ấy:
Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn  đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần, nhìn anh đến những xót xa đành nói cùng hư không!
Bạn bè còn đó anh biết không anh?
Người tình còn đó anh nhớ không anh?
Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên
Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống … 
Ông đã gọi quê hương-dân tộc Việt Nam là Mẹ và kêu gọi mọi người dân Việt hãy nhớ lại cội nguồn của mình, hãy ăn năn nếu trong cuộc đời ai đó đã có lúc làm cho quê hương bị chiến tranh, đồng bào bị ngục tù phi lý … những tâm tình trên và cò nhiều cảm xúc thương yêu Việt Nam khác của ông đã được gửi gấm vào các tác phẩm âm nhạc. Tôi xin trích dẫn bài “Ca dao Mẹ” để dẫn giải cho nhận định trên. 
1.      Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn
Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn
Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên
                 Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình. 
2.      Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân
      Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người 
ĐK: mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh
      Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn
      Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương
      Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng. 
3.      Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa phận mình
      Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong       
      Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương
      Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù. 
c. Con người giàu tình người:Tôi thật thích thú khi đọc được hai câu nói về tâm tình “đạo hiếu” của ông đối với hai đấng thân sinh, trong bài “Có nghe đời nghiêng”
                … Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ
                   Tạ ơn chim chiều hót cho cha …”
Trong bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” ông “nhặt gió trời mời em giữ lấy, để mắt em cười tựa lá me bay …” hay ông chọn đường để đến anh em, đến bạn bè … có yêu thương mến nhau thì mới đến với nhau, nhưng cái hay của ông ở chỗ: khi ông đến vì yêu thương anh em thì chính là lúc ông “sống vui từng ngày” ông nhìn thấy được sự hiện diện của chính ông là “đến trong cuộc đời”        và “đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi”:
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay

Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
Đường đến anh em đường đến bạn bè
Tôi đợi em về bàn chân quen quá
Thảm lá me vàng lại bước qua

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi … 
Ông đau buồn cùng người khi có sự sinh ly tử biệt, đặc biệt là cái chết của con người do chiến tranh. Trong bài “Ngụ ngôn mùa đông”, cái chết bi đát và thảm thương “không chỉ một lần” của những đồng bào đã được ghi lại rõ ràng như là lời kể của một nhân chứng lịch sử:
… Một ngày mùa đông – trên con đường mòn – một chiếc xe tang – trái mìn nổ chậm – người chết hai lần - thịt da nát tan.
Một ngày mùa đông – hai bên là rừng - một chiếc xe tang – trái mìn nổ chậm – người chết hai lần - thịt da nát tan.
Một ngày mùa đông - một người Việt Nam - thôi ra dòng sông – súng nổ thật gần – tiếng đạn đầy hồn - từ đó bâng khuâng - nhớ thưở mẹ bồng – lời ru trong sáng – nhớ mẹ hiền lành - ngồi với đàn con.
Một ngày mùa đông - một người Việt Nam - thôi lên đồi non - súng từ thị thành - súng từ ruộng làng - nổ xé da non - phố chợ thật buồn - cuộn dây gai chắn - chắc mẹ hiền lành - rồi cũng tủi thân.
2. NHÂN SINH QUAN VÀ TRIẾT LÝ
a. Nhân sinh quan: thính giả có thể nhận ra nhân sinh quan của Trịnh Công Sơn là “yêu đời và yêu người một cách lạc quan” cho dù đời có nhiều ngang trái, phi lý hoặc dả, người có lắm tàn bạo, hành động thất nhân tâm! Ông khóc cho người đã chết, buồn với người chịu cảnh sinh ly tử biệt, trong bài “cúi xuống thật gần” ông viết:
“Cúi xuống - nghe đời nhấp nhô - nghe tim rạn vỡ - nghe trong tuổi nhỏ khóc òa
 Cúi xuống - trên bờ xót xa - trên cơn lửa đỏ - trên khuôn mặt đã im lìm …”
Qua bài “Còn thấy mặt người”, nhạc sỹ kêu gọi mọi người lạc quan yêu đời và biết ơn đời để sống tốt hơn:
Mặt trời mặt trời đã lên
Một ngày một ngày đã qua rồi
Từng vùng từng vùng nắng trong
Một ngày một ngày biết ơn đời …

Từng ngày thấy mặt trời
Thấy mọi người òng đã thấy vui
Từng đêm tối ngồi chờ đợi
Từng đêm tối ngồi chờ đợi
Cho từng sớm mai thấy lại mặt người
Ông là người yêu hòa bình, ông kêu gọi người Việt Nam hãy yêu thương nhau vì tình cảm da vàng máu đỏ, vì nghĩa đồng bào, Ông Trịnh còn là người rất trân trọng và thấm nhuần văn hóa truyền khẩu bình dân Việt Nam. 
b. Triết lý của Trịnh Công Sơn: qua các tác phẩm của ông, tôi thấy ông mô tả tình cảm, cảm xúc, của con người bằng những từ đầy hình tượng, nhân cách hóa của thiên nhiên vũ trụ, đồng thời ông cũng nói lên sự liên đới giữa tình trạng sướng-khổ của con người với sắc thái nở rộ hay úa tàn của muôn hoa, xanh biếc hay ủa sầu của cỏ cây. Có khi phủ cả khăn tang lên đồi núi, đồng bằng. Qua bài “Về trong suối nguồn”: 
Quê hương trẻ mãi như tâm hồn thiên nhiên
Em đi qua đó không bao giờ muộn phiền
Xanh xanh cây lá biển hát chiều mưa.
Quê hương nằm thức bên bờ biển bao la,
Sau cơn chinh chiến núi non vẫn mượt mà,
Bay đi trong mưa nắng những câu chuyện thần tiên.
Từ nghìn xưa lúa reo trên đồng,
Lời ca dao hát trong nhân gian,
Tình nhẹ như cánh chim cò trắng
Chở chiều vàng đi đã bao nghìn năm.
Tìm về trong suối nguồn,
Trái tim bốn mùa vẫn dịu dàng ngân,
Bao nhiêu mùa gió bay trong lòng quê hương,
Mang qua bao thôn xóm những câu chuyện ngày thường,
Cho em yêu mãi nhé những tâm hồn cỏ non.
 Những điều đã trình bày trên dẫn đến vài nhận định sau:
     -  Ông Trịnh là học trò của Đức Khổng Tử, vì tư tưởng chủ đạo của Đức Khổng là “hữu vi”, xây dựng một xã hội “nhân hòa” người với người sống để thương nhau. Lý tưởng trên đã được ông Trịnh gửi gấm vào lời bài hát để vận động cho tình yêu thương giữa người với người, nhắm đến một xã hội hòa bình – hạnh phúc – yêu thương nhau.
-  Ông cho rằng con người và thiên nhiên có mối liên hệ khắng khít hữu cơ, thiên nhiên vốn dĩ hài hòa tốt đẹp, sự hài hòa này nhằm mục đích cho con người được hưởng môi trường sống hòa bình, mạnh khỏe và yêu thương nhau. Khi con người không còn yêu thương nhau nữa thì chiến tranh xảy ra, mà đã có chiến tranh thì hậu quả là tàn phá và chết chóc, những gãy đổ trong tương quan giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Sự suy yếu về tương quan này khiến thiên nhiên bị tàn phá. Đây là một cái nhìn rất tích cực đáng cho ta suy nghĩ thêm (xin tham khảo thêm bài: Đóa hoa vô thường, Có nghe đời nghiêng, Cũng sẽ chìm trôi, Dấu chân địa đàng)
-  Nhạc sỹ có lối nhân cách hóa thiên nhiên rất sống động, khiến tôi nghĩ ông thích triết lý “vô vi” của Lão tử, các bài Biển nghìn thu ở lại, cánh chim cô đơn, … như bộc bạch điều này.
     -  Thế nhưng, dường như Trịnh Công Sơn vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa thỏa cho cuộc đời của ông, còn thiếu cái gì đấy! Do đó, nhạc sỹ thao thức trăn trở tìm kiếm đáp án cho những vấn đề của kiếp người (nguồn gốc, cùng đích, mai hậu, cái chết, đời sau … Xin độc giả nhớ đến các bài hát: Cát bụi, Còn có bao ngày, Còn mãi tìm nhau, Tử biệt, Chuyện đóa quỳnh hương, Con mắt còn lại, dã tràng ca 1, Một cõi đi về, Phúc âm buồn 
3. THAY LỜI KẾT
Tình cảm trong dòng nhạc Trịnh thật đa dạng, bao hàm cả tình yêu nam nữ, tình gia đình, tình đồng bào, tình yêu đất nước lẫn tình yêu hòa bình, yêu đời hiện sinh. Đàng khác, nhạc sỹ theo cả chủ thuyết hữu vi của Đức Khổng và quan điểm vô vi của Lão Tử, và khuynh hướng minh triết cũng tỏ hiện khá đậm nét trong ca từ.
Chúng ta tạm tóm kết vài ghi nhận sau:
Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng rất sâu tư tưởng Khổng, với nhân, lễ, nghĩa, trí, tín – tam cương và công, dung, ngôn, hạnh – tam tòng, nhưng lại không trực tiếp đề cập đến trong các tác phẩm để đời. Chúng ta chỉ thấy tác giả cổ vũ cho đất nước thanh bình, xã hội an hòa -công bằng-đoàn kết và phát triển hài hòa bền vững. Ông bày tỏ niềm thông cảm sâu sắc với cảnh sinh ly tử biệt, nồi da xáo thịt, gia đình tan đàn xẻ nghé, người với người sống mà không yêu nhau. Đồng thời, ông lại cổ vũ và động viên thính giả: hãy yêu đời, hãy yêu thương nhau. Nhìn từ quan điểm lý thuyết của Khổng Tử, thì có thể nói người nhạc sỹ họ Trịnh quả là một “học trò cưng” của Đức Khổng ở thế kỷ XX này, qua việc “cổ vũ xây dựng nhân hòa”.
Nhưng nhạc sỹ này không dừng ở lý tưởng nhân hòa, vì những thắc mắc mang tính triết học và tôn giáo khiến tác giả nên như “kẻ lang thang” và “thiền nhân yêu đêm” suốt cả đời (đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!). Cả đời nhạc sỹ không ngừng khắc khoải tìm kiếm nơi cuộc đời, nơi tư tưởng các tôn giáo, trong đêm qua dòng thiền …
Thiết nghĩ ông hiểu - biết khá rõ về các tôn giáo, nhưng dường như vẫn chưa chọn được bến đỗ. Trong các tác phẩm để lại, ông tả hình bóng của Lão Tử với: vô vi – đất trời – vạn vật – trường tồn cùng núi sông … chứ không ngưỡng vọng về Thiên đàng, niết bàn hoặc một nơi cực lạc vĩnh phúc.
Thế giới ta đang sống được xem như một ngôi làng, xã hội và con người chịu tác động của môi trường đa nguyên, đa diện, đa văn hóa, đa tôn giáo. Do đó, mỗi người ít nhiều, minh nhiên hay mặc nhiên thuộc về hoặc thiên về một niềm tin hay dòng tư tưởng lớn nào đó. Thế nhưng, tôi ngạc nhiên khi thấy NS Trịnh Công Sơn - nhà trí thức, một tài năng âm nhạc của Đất Việt, một triết nhân, một con người của công chúng đương đại … - lại rất “truyền thống Nho gia” (ý tôi nói là “nho gia quy ẩn”).
Quả vậy, một Nho gia khi gặp thời thì đem tài, trí, chí, đức, tâm để giúp đời; họ thường đảm nhận những vai trò lãnh đạo ở chính quyền hay một tổ chức nào khác. Nhưng “vị Nho gia” đang được nói đến lại không làm chính trị, nên qua các tác phẩm, chúng ta chỉ thấy ông là một con người có lối sống giản dị, ẩn dật, thích thiền, yêu thiên nhiên vạn vật vì yêu vô vi, yêu con người và cuộc đời vì hữu vi, thích nghiền ngẫm suy tư về cuộc đời.
BVHH
Nguồn: http://www.nhipcautamgiao.net/tintuc/555-chu-nhan-trong-dong-nhac-trinh-cong-son-2.html 

SCT:  Trân trọng và cảm phục một con người, một tấm lòng!

BỆNH NẶNG QUÁ RỒI !

Có biểu hiện nhiễm "Căn bệnh Hà Lan"

Ngọc Lan thực hiện
Thứ Sáu,  29/3/2013, 16:23 (GMT+7)
   

 

 

Ông Phạm Quang Tú

(TBKTSG Online) - Việt Nam có nhiễm “căn bệnh Hà Lan” mà nhiều quốc gia giàu tài nguyên mắc phải khi phát triển ồ ạt ngành công nghiệp khai khoáng và xuất khẩu không? Nếu có, ở mức độ nào? TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE), xung quanh vấn đề này.
TBKTSG Online: Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa vào sự đóng góp đáng kể của ngành khai thác và xuất khẩu tài nguyên. Ông có nghĩ rằng, hiện nay nó vẫn mang lại các giá trị lớn cho nền kinh tế?
- Ông Phạm Quang Tú: Không thể phủ nhận vai trò ban đầu của ngành khai khoáng đối với tăng trưởng kinh tế, cụ thể là vai trò của ngành dầu khí và ngành than khi nội lực của Việt Nam cách đây vài chục năm còn rất yếu. Ở giai đoạn đó việc phải chấp nhận bán một phần nguồn lực khoáng sản để tạo đà cho sự phát triển là cần thiết.
Nhưng càng về sau, tư duy về vấn đề quản lý sử dụng tài nguyên phải thay đổi. Việt Nam đã bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, nếu cứ sa đà vào khai thác tài nguyên để phát triển thì “sập bẫy” thu nhập trung bình thấp. Chính phủ đã nhận ra điều đó qua nhiều chính sách, nghị quyết ở tầm vĩ mô. Nhưng từ văn bản đến thực tế lại có khoảng cách.
Từng có nhà lãnh đạo cấp cao khi muốn khai thác bauxite thì nói rằng nguồn tài nguyên dầu khí ngày một cạn kiệt, rất may chúng ta có được trữ lượng bauxite lớn để khai thác. Một vị bộ trưởng thì nói rằng ngoài bauxite chúng ta còn có nguồn titan. Nếu tính giá titan sau chế biến mỗi năm có thể thu được hàng tỉ đô la thay thế cho nguồn dầu khí.
Đây là cách tư duy coi khoáng sản là cứu cánh cho nền kinh tế, khai thác hết tài nguyên này đến tài nguyên khác. Nhưng tài nguyên không phải là vô tận. Nhiều quy hoạch thăm dò khoáng sản như bauxite, titan vẫn được xây dựng trên cơ sở khai thác tài nguyên càng nhanh càng tốt.
Nói tóm lại là tư duy khai thác và xuất khẩu tài nguyên không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Điều đó không đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt công nghiệp khai khoáng mà cần hướng tới tăng cường giá trị gia tăng, nhất là phục vụ các ngành công nghiệp nội địa.
Nhưng có ý kiến cho rằng nhiều ngành công nghiệp trong nước hiện không sử dụng hết lượng khoáng sản khai thác được nên phải xuất khẩu?
- Vậy cũng nên hỏi ngược lại. Ví dụ, than antraxit dùng để luyện than cốc rất cần cho nhiệt điện. Trước đây ta khai thác thủy điện nhiều nên ít dùng loại than antraxit, vì vậy mới phải xuất khẩu. Nay tổng sơ đồ VII của ngành điện hướng đến nguồn nhiệt điện rất lớn, loại than tốt rất cần thì chúng ta lại đang kiệt quệ và phải đi nhập sớm.
Bản chất ngành khai khoáng ở Việt Nam là khai thác và xuất thô. Ông có thể ước tính sự chèn lấn và thiệt hại của nó gây ra cho các ngành kinh tế có liên quan hay không, ít nhất từ cơ hội phát triển?
- Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đều có lập ra các thứ tự ưu tiên, đặt ra các mũi nhọn phát triển và một số địa phương quá chú trọng khai thác tài nguyên. Lúc hết tài nguyên, sẽ có nhiều nơi rơi vào cảnh hụt hẫng, cân đối thu chi ngân sách bị ảnh hưởng lớn.
Một số địa phương ở miền Trung đã chọn khai thác titan, thay vì du lịch, để thu lợi nhanh. Cách làm như vậy càng khiến làn sóng khai khoáng tăng mạnh, nhất là khai thác thô, bán ngay.
Dường như hiện nay nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa tiềm năng với trữ lượng, trong khi thực tế mọi tiềm năng không đồng nghĩa với trữ lượng và kể cả trữ lượng lớn thì không phải cứ đào cho bằng hết?
- Đúng vậy. Nếu không tỉnh táo chúng ta sẽ sa vào bẫy mà các doanh nghiệp khai khoáng “dàn trận”, ảo tưởng về tài nguyên. Chẳng hạn như titan có hai loại: titan trên tầng cát đen (trữ lượng khoảng 20 triệu tấn) và titan trên tầng cát đỏ (trữ lượng khoảng hơn 600 triệu tấn). Hai loại này hoàn toàn khác. Người ta thường gộp cả trữ lượng hai loại khoáng sản này với nhau. Titan tầng cát đen thì dễ khai thác nên đã được cấp phép ồ ạt với quan điểm cứ khai thác hết loại này còn loại khác; song titan tầng cát đỏ là “khúc xương” rất khó làm. Trữ lượng titan tầng cát đỏ chỉ mang tính dự báo tài nguyên.
Việc đánh tráo khái niệm (nếu có) suy cho cùng để đạt được lợi ích. Vì vậy không thể nhầm lẫn và không thể cấp phép ồ ạt, khai thác bừa bãi được.
Con đường xuất khẩu tài nguyên mà Việt Nam đang đi có vẻ giống con đường phát triển của nhiều quốc gia nghèo hoặc phát triển nóng và mắc phải "căn bệnh Hà Lan". Ông nghĩ chúng ta đang ở mức độ nào của "căn bệnh" này và liều thuốc nào để hạn chế sự mắc bệnh đang tăng theo cấp độ thời gian?
- Các quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào khai khoáng, xao nhãng các ngành khác có thể kéo theo sự trì trệ trong phát triển kinh tế, độc tài, nhóm lợi ích… Ở Việt Nam, thực ra ngành khai khoáng (cả dầu thô) chỉ đóng góp 10-11% vào tăng trưởng GDP, do đó chúng ta không rơi vào “căn bệnh Hà Lan” nhưng biểu hiện nhiễm bệnh thì có. Ở cấp quốc gia thì nhẹ nhưng ở một số địa phương thì nặng, nhất là các địa phương mà cơ cấu thu chi ngân sách phụ thuộc vào khai khoáng như Quảng Ninh. Tỉnh đó sẽ như thế nào nếu ngành than chững lại? Nếu không tỉnh táo xoay chuyển nhanh cơ cấu kinh tế vào các ngành dịch vụ, thương mại thì những năm tới sẽ không sống dựa vào tài nguyên mãi được.
Hay như Đắc Nông đã từng rất kỳ vọng vào ngành công nghiệp bauxite vì thế đã định hướng phát triển thị xã Gia Nghĩa thành thành phố công nghiệp –dịch vụ và đã mời đối tác Hàn Quốc lập quy hoạch phát triển Gia Nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng đó. Nhưng với những khó khăn hiện nay của các dự án bauxite, sự kỳ vọng đó cũng đã thay đổi nhiều, bản quy hoạch nói trên sẽ là điều không dễ thực hiện.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn:  http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/93825/Co-bieu-hien-nhiem-%22Can-benh-Ha-Lan%22.html

SCT: Trong bài đầu tiên của năm 2013, chúng tôi đã cảnh báo về Lời nguyền tài nguyên-Căn bệnh Hà Lan ở Việt Nam.
Xin Quý vị xem lại:  http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2013/01/hanh-tinh-xanh-cua-chung-ta-mot-vai.html