Wednesday, July 3, 2013

Bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sự sống chính ta.

“Hợp tác vì nước”: Nhìn từ đồng bằng sông Cửu Long


Những năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn tài nguyên nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng. Thực trạng đó đang đặt ra vấn đề: muốn phát triển bền vững, các tỉnh, thành ở ĐBSCL cần có một chương trình có quy mô vùng về “hợp tác vì nước” nhằm chia sẻ nguồn nước một cách hữu hiệu và hợp lý. Đây là một kế hoạch liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan đến việc quy hoạch sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ở quy mô vùng, quốc gia và liên quốc gia.


Nước - nguồn tài nguyên sống còn của vùng ĐBSCL 

ĐBSCL là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mê Công, là nơi tiếp nhận toàn bộ nước từ sông Mê Công đổ về, cộng thêm lượng mưa tại chỗ, rồi sau đó chảy ra Biển Đông. Đây là vùng thu nhận nguồn nước lớn nhất nước, cả từ sông và từ biển. Nhờ nguồn nước dồi dào, khối lượng phù sa lớn, điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, trong vài chục năm qua, vùng đồng bằng này là nơi sản xuất sản lượng lương thực và thực phẩm lớn nhất nước, đóng vai trò tiên phong trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cũng như cung ứng nguồn nông, thủy hải sản đáng kể cho thế giới.

Mỗi năm, sông Mê Công chuyển về ĐBSCL khoảng 450-475 tỷ m3 nước và tải theo khoảng 160 triệu tấn phù sa. Nếu đem chia khối lượng nước của sông Mê Công cho khoảng 19 triệu người dân sống ở ĐBSCL thì mỗi người có thể nhận từ 25.000-30.000 m3 nước (gấp 5-6 lần lượng nước nội địa trung bình cho mỗi đầu người Việt Nam). Sông Mê Công còn mang lại một nguồn lợi cá tự nhiên rất lớn, tính trung bình có thể cung cấp khoảng 35 kg cá tự nhiên/năm cho mỗi người trong vùng. Ngoài nguồn nước từ sông Mê Công, mỗi năm vùng ĐBSCL nhận một lượng mưa dao động vào khoảng 1.600-2.200 mm; tổng lượng nước dưới đất dự trữ ước lượng vào khoảng 85-90 triệu m3/ngày. ĐBSCL còn được xem là vùng đất ngập nước lớn nhất Việt Nam với hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học rất cao. Toàn vùng hiện có 10 khu bảo tồn đất ngập nước nổi tiếng, 2 khu bảo tồn Ramsar (Tràm Chim, Mũi Cà Mau), 2 địa danh được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (Kiên Giang và Cà Mau).

Nhờ những yếu tố thuận lợi về đất, nước và khí hậu, ĐBSCL thực sự là vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lớn nhất Việt Nam, đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực cho cả nước (trong đó khối lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90%), 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản và 75% sản lượng trái cây trên toàn quốc. Ước tính, nếu không có những biến động bất lợi về nguồn tài nguyên, tiềm năng nông nghiệp của vùng ĐBSCL có khả năng cung ứng nguồn lương thực và thực phẩm bền vững cho khoảng 120-150 triệu người dân.

Nguồn tài nguyên nước ĐBSCL trước những thách thức 

Nhiều năm qua, nguồn nước sông Mê Công tuy mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế nông nghiệp và thủy sản của vùng ĐBSCL nhưng đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố hạn chế cho vấn đề dân sinh. Vùng ĐBSCL phụ thuộc vào hơn 80% tổng lượng nước ngọt hằng năm từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về. Trong khi đó, chất lượng nước sông bị chi phối bởi cả ba yếu tố: nước mặn từ Biển Đông xâm nhập vào nội địa, nước chua từ các tầng đất phèn và nước ô nhiễm từ các hoạt động của con người.

Một trong những thách thức là việc khai thác nguồn nước nơi này có thể ảnh hưởng đến nơi khác. Dễ nhận thấy là các công trình kiểm soát nước lũ để canh tác lúa - màu ở thượng nguồn có thể gây ngập úng ở hạ nguồn hoặc việc mở rộng diện tích canh tác nuôi trồng thủy sản ven biển có thể làm nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước ở ĐBSCL cũng sẽ gia tăng gấp nhiều lần khi xem xét thêm tác động của biến đổi khí hậu và các dự án thủy điện, công trình khai thác nguồn nước ở các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công. Những năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy tài nguyên nước ở ĐBSCL đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng cũng như sự thay đổi động thái của dòng chảy theo mùa. Sự suy thoái này có thể do các yếu tố tự nhiên hoặc các yếu tố con người hoặc cả hai yếu tố này cùng tác động.

Các số liệu quan trắc thủy văn cho thấy, từ trận lũ lịch sử năm 2000 đến nay, dòng chảy mùa lũ từ thượng nguồn xuống vùng ĐBSCL ngày càng giảm sút rõ rệt, trong đó năm 2010 được xem là năm có dòng chảy thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Lũ thấp kết hợp với tình trạng không khí khô nóng trong mùa khô làm nguồn nước các sông, kênh, rạch bốc hơi mãnh liệt, nhiều vùng ven biển bị khô hạn nghiêm trọng, nước mặn từ Biển Đông xâm nhập sâu vào đất liền, khiến nhiều nơi gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Lũ thấp nên nguồn cá tự nhiên giảm sút nghiêm trọng, làm nguồn cung cấp đạm cho người dân ít đi. Lũ ít làm cho việc vệ sinh đồng ruộng không được đầy đủ, các mầm bệnh, dịch hại, chuột bọ, các độc chất trong đất không được rửa trôi, khiến việc canh tác nông nghiệp và thủy sản khó khăn hơn. Sự sụt giảm nguồn nước mặt còn là nguyên nhân chính khiến phèn tiềm tàng trong đất trở thành phèn hoạt động khiến chất lượng nước và chất lượng đất nhiều nơi trở nên xấu đi. Ngoài ra, do không gian chứa nước lũ từ hai vùng trũng là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười ngày càng bị suy giảm nên nhiều vùng đất ở hạ lưu bị ngập sâu hơn và kéo dài thời gian ứ nước hơn, ngày càng nhiều bờ sông bị sạt lở do dòng chảy gia tăng tốc độ.

Tình trạng khai thác ồ ạt qua các giếng khoan tư nhân nhưng thiếu kiểm soát và chưa có biện pháp quản lý tài nguyên nước dưới đất hữu hiệu hiện nay đang làm cho nguồn nước ngầm có dấu hiệu xấu đi. Nhiều nơi tầng nước ngầm đã sụt giảm 3-5m hoặc hơn nữa so với nhiều năm trước. Một số nơi, nước giếng có sự hiện diện của thạch tín (asenic). Các giếng nước ở vùng ven biển, nhất là các giếng nông, ngoài sự hiện diện khá cao của i-on sắt còn có dấu hiệu nhiễm mặn từ nước biển.

Chính sách phát triển kinh tế quá nhanh nhưng thiếu kiểm soát, cộng thêm yếu tố gia tăng dân số khiến chất lượng nguồn nước ở ĐBSCL đang trở nên xấu hơn. Việc đẩy mạnh các hình thức thâm canh, tăng vụ trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc khiến nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, các chất hữu cơ chưa phân hủy... Kế hoạch phát triển lớn diện tích lúa vụ ba buộc nhiều vùng trũng ở các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long phải tăng diện tích đê bao triệt để. Trong khi đó, chất lượng nước trong các vùng đê bao triệt để khá xấu do tích tụ nhiều hóa chất nông nghiệp, do nước thải từ các dân cư và không có điều kiện trao đổi với nguồn nước sạch bên ngoài. Ngoài ra, tập quán cất nhà, họp chợ, chăn nuôi ngay bên sông, kênh, rạch; hầu hết các tỉnh, thành đều có hình thành các khu công nghiệp, khu chế biến và các nhà máy ven sông lớn nhưng chưa chú trọng xử lý nước thải công nghiệp càng làm chất lượng nước suy thoái tới mức báo động.

Nhiều khảo sát ở các trạm quan trắc môi trường cho thấy, chất lượng nước trong các kênh, rạch nhỏ đang ô nhiễm nghiêm trọng, vượt nhiều lần mức cho phép của tiêu chuẩn nguồn nước, khiến khả năng tự làm sạch nguồn nước tự nhiên bị hạn chế. Môi trường sống nhiều loài thủy sinh bị đe dọa; hàng trăm vụ tôm, cá, các loài nhuyễn thể đột ngột chết hàng loạt do nguồn nước bị ô nhiễm đã minh chứng cho thực tại rất đáng lo ngại này.

Biến đổi khí hậu cũng đang tác động mạnh lên tài nguyên nước ở ĐBSCL. Kết quả mô phỏng toán học theo các kịch bản phát thải khí nhà kính của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều cho thấy trong tương lai, nhiệt độ vùng ĐBSCL sẽ tăng dần, khiến mức độ khô hạn sẽ nghiêm trọng hơn, lượng mưa và sự phân bố lượng mưa thay đổi thất thường, biến động khác với quy luật nhiều năm trước; bão tố có xu hướng dịch chuyển dần xuống các tỉnh phía Nam vào cuối năm và khó dự báo hơn. Hiện tượng nước biển dâng cao làm đất sản xuất bị thu hẹp, và ảnh hưởng đến diện tích trồng trọt và sản lượng lương thực. Cuộc sống cư dân, nhất là ở các tỉnh ven biển, ngày càng khó khăn hơn do thiếu nguồn nước ngọt sinh hoạt và sản xuất. Nhiều dấu hiệu cho thấy ngày càng có nhiều người dân ở các vùng nông thôn ĐBSCL bỏ quê ra thành thị để tìm sinh kế mới. Tình trạng này ít nhiều có liên quan đến sự suy thoái tài nguyên nước cũng như các nguồn tài nguyên liên quan như đất, rừng, sinh vật,...

Tài nguyên nước vùng ĐBSCL còn bị đe dọa do các ảnh hưởng nguy cơ chưa lường hết được từ các công trình đập nước - nhà máy thủy điện đang và sẽ hình thành trên các sông nhánh và cả dòng sông chính để khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn sông Mê Công. Các công trình này khiến chế độ dòng chảy của sông Mê Công thay đổi, làm nguồn nước ở ĐBSCL ngày càng thiếu hụt, đặc biệt là vào mùa khô. Ngoài ra, việc phát triển các khu kỹ nghệ ven sông ở các nước thượng nguồn cũng sẽ làm chất lượng nước ở hạ lưu xấu hơn.

“Hợp tác vì nước” để phát triển bền vững

“Hợp tác vì nước” không là một khái niệm mới. Vấn đề này đã được đề xuất trong nhiều nghiên cứu về quản lý nước của UNESCO. Tuy nhiên, đây là một khẩu hiệu nhấn mạnh hơn cho mục tiêu hợp tác tạo ra các sáng kiến để đối phó với các thử thách trong quản lý nước, bao gồm cả các hoạt động giáo dục về nguồn nước, ngoại giao nước, quản lý nước xuyên biên giới, hợp tác tài trợ trong khuôn khổ pháp lý giữa quốc gia và quốc tế, liên kết với các mục tiêu Thiên nhiên kỷ của Liên hiệp quốc.

Theo Tổ chức Hợp tác vì nước toàn cầu (Global Water Partnership): “Quản lý tài nguyên nước tổng hợp là một quá trình thúc đẩy sự phối hợp phát triển và quản lý nguồn nước, đất đai và tài nguyên liên quan, nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội một cách công bằng mà không phương hại đến tính bền vững của các hệ sinh thái thiết yếu”. Mục tiêu tổng quát của việc phát triển và quản lý tài nguyên nước là sử dụng bền vững tài nguyên nước đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ các bất hợp lý trong cán cân khai thác và phân phối nguồn nước, khiến nhiều vùng và nhiều người lâm vào tình trạng thiếu nước. Đánh giá khả năng mất an ninh nguồn nước trong một vùng miền, một lưu vực, một hay nhiều quốc gia có thể xác định qua 3 khía cạnh. Thứ nhất, về khía cạnh xã hội: khi một người dân bình thường trong một cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, không thể tiếp cận được nguồn nước cho sinh hoạt bình thường hằng ngày của họ như ăn uống và vệ sinh cá nhân như một quyền cơ bản của con người. Thứ hai, về khía cạnh kinh tế: khi nguồn nước không thể đủ và không an toàn để cung ứng cho sản xuất kinh tế của cộng đồng. Thứ ba, về khía cạnh sinh thái: khi giới hạn tối thiểu và tối đa nhu cầu nước để duy trì và phát triển hệ sinh thái nguyên vẹn của khu vực bị phá vỡ.

Một hệ thống kinh tế sẽ bao gồm hệ thống sản xuất và hệ thống tiêu thụ những sản phẩm của nó. Bên cạnh đó phải có những kết cấu hạ tầng phục vụ. Mọi hoạt động này đều có những nhu cầu tiêu thụ nước đặc thù. Vấn đề là phải kiểm soát sự tiêu thụ nước sao cho không làm suy thoái môi trường đến mức độ không phục hồi được. Tất cả các mối quan hệ này đều ảnh hưởng đến môi trường xã hội và an sinh xã hội.

Mục tiêu của “Hợp tác vì nước” là tạo nên các tuyến thông tin và chia sẻ cho sự bền vững nguồn nước. Trong một báo cáo kỹ thuật của Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), vấn đề được đặt ra là khi khai thác nguồn nước, để tránh các nguy cơ làm an ninh nguồn nước bị đe dọa, chúng ta cần thận trọng trả lời các câu hỏi sau: Hệ quả (xã hội, kinh tế, môi trường) là gì khi lấy nước từ nguồn thiên nhiên? Giữa sử dụng đất và nguồn nước có quan hệ gì? Những gì phải trả giá khi có sự chuyển đổi nguồn nước và sử dụng đất? Những vấn đề xã hội cần lưu ý khi có sự khủng hoảng nguồn nước?

Nước là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt, sản xuất và văn hóa của người Việt Nam nói chung và của người dân vùng ĐBSCL nói riêng. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động về vấn đề nguồn nước xuyên biên giới đang và sẽ là những thử thách rất lớn uy hiếp sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, khiến sự phát triển nền nông nghiệp vùng ĐBSCL có thể bị mất tính bền vững. Do các thử thách lên an ninh nguồn nước ngày càng lớn, đòi hỏi phải chú trọng thực hiện một số giải pháp sau nhằm quản lý, sử dụng và bảo vệ tốt hơn nguồn tài nguyên nước:

- Các cơ quan quản lý tài nguyên và cộng đồng địa phương phải có sự liên kết, có cam kết chính trị và đầu tư tài chính hiệu quả trong việc kiểm soát, quy hoạch, khai thác, phân phối, sử dụng và bảo vệ môi trường nước.

- Quy hoạch nguồn nước cần làm đồng bộ từ cấp cộng đồng trở lên và không thể giới hạn trong phạm vi một địa phương mà phải đặt trong bối cảnh lớn hơn ở cấp liên vùng, lãnh thổ địa lý quốc gia và liên quốc gia. Phải có cơ chế pháp lý thông qua các đàm phán chính trị nhằm cân đối và giải quyết các mâu thuẫn nguồn nước giữa các quốc gia ở lưu vực.

- Cần củng cố, bổ sung và cụ thể hóa hơn nữa Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường để đáp ứng những tình huống mới phát sinh ở hiện tại và tương lai. Theo đó, các hành vi làm tổn hại nguồn nước phải được chế tài bằng công cụ luật pháp.

- Thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng và các nhà quản lý trong việc giữ gìn môi trường, bảo vệ rừng, sử dụng nước tiết kiệm, chống các biểu hiệu làm suy thoái nguồn nước… Chính quyền các địa phương nên hợp tác chặt chẽ với các khoa học để tìm ra các biện pháp sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước thích hợp với cộng đồng.

- Tăng cường hợp tác khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước để chia sẻ thông tin và kiến thức, từ đó có những chọn lựa hợp lý trong khai thác và bảo vệ nguồn nước./.


PGS.TS. Lê Anh TuấnViện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ

World Bank thông qua 160 triệu USD phát triển nguồn nước Việt Nam

World Bank ngày 7/6 đã thông qua dự án Quản lý nguồn nước nhằm phát triển nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Theo đó, Ngân hàng Thế giới World Bank sẽ cho Việt Nam vay 160 triệu USD, đáo hạn sau 35 năm và có thể gia hạn thêm 10 năm.

Dự án được thực hiện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm bảo vệ và tăng cường sử dụng nguồn nước để duy trì sản lượng nông nghiệp, tiếp cận nguồn nước và góp phần thích nghi với biến đổi khí hậu.

Tham khảo:

No comments:

Post a Comment