VRN kiến nghị loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A |
06:44 | 23/06/2013 |
(ĐCSVN) - Theo Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), VRN vừa có văn bản gửi tới Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc kiến nghị loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A ra khỏi qui hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai.
Theo VRN, nếu hai dự án trên được xây dựng sẽ xâm phạm nghiêm trọng vào vùng lõi các khu vực bảo tồn của Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, khu Ramsar Bàu Sấu… Theo lập luận của VRN, khả năng đóng góp điện năng của hai dự án rất nhỏ. Nếu công trình vận hành hoàn hảo thì tổng công suất cả hai dự án chỉ là 241 MW. So với nhu cầu điện theo sơ đồ VII thì chỉ chiếm 0,321% tới năm 2020 (75.000 MW) và chỉ chiếm 0,061% tổng công suất quy hoạch tới 2030 (146.800 MW). Như vậy, phần đóng góp điện năng của hai dự án là không đáng kể, hoàn toàn có thể thay thế bởi các dự án năng lượng bền vững khác. Ngoài ra, hai dự án nếu được xây dựng cũng sẽ gây ra tình trạng thiếu nước ở vùng hạ du và có nguy cơ gây xung đột về tài nguyên nước giữa các nhóm sử dụng nước. Bởi lẽ, hai công trình có dung tích hữu ích là 15 và 9 triệu m3, vận hành theo chế độ điều tiết ngày – gây ra tác động rất lớn cho dòng chảy hạ lưu. Sau khi xả nước để phát điện, hồ chứa phải đóng cửa tích nước, khi đó sẽ không có nước xuống hạ lưu, gây ra tình trạng thiếu nước. VRN cũng cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Đức Long Gia Lai còn thiếu cơ sở thực tiễn, khoa học. Cụ thể, ĐTM chưa thể hiện đầy đủ các tác động tiềm năng của hai dự án tới từng vùng, từng loài, từng khu vực…Nhiều số liệu tính toán trong ĐTM (đặc biệt là về thủy văn, bùn lắng…) thiếu độ tin cậy. Các giải pháp đưa ra thiếu tính khả thi. Báo cáo cũng đã bỏ qua nhiều giá trị sinh học đặc trưng của vùng, kết luận “rừng nghèo” là không phù hợp. Diện tích rừng bị mất trên thực tế lớn hơn rất nhiều so tới tính toán của chủ đầu tư. Các tài liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, khu vực rừng Cát Tiên, Cát Lộc – nơi dự kiến xây dựng 2 dự án – là khu vực rất nhạy cảm cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi đây có các loài qúy hiếm mang tính đặc hữu: vượn đen má vàng, bò tót, gấu chó, cu li nhỏ, gà so cổ hung…Các giá trị đa dạng sinh học có thể bị mất đi vĩnh viễn nếu hàng trăm ha rừng tự nhiên giàu có bị nhấn chìm dưới lòng hồ thủy điện. Thêm vào đó, dự án cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái và cảnh quan tiêu biểu vùng đất ngập nước ngọt Bàu Sấu. Đây là nơi duy nhất đang lưu giữ bảo tồn loài cá sấu nước ngọt trong điều kiện tự nhiên của Việt Nam. Do khả năng đóng góp điện năng nhỏ trong khi gây ra tác động môi trường quá lớn, VRN kiến nghị loại bỏ hai dự án này ra khỏi qui hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai cho tới khi có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được thực hiện một cách cẩn thận trên toàn bộ hệ thống lưu vực sông Đồng Nai./. |
Bích Liên
SCT-Trích lược tóm tắt phản biện của nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên:
"Chưa tính đến cơ sở pháp lý nếu hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được duyệt cho xây dựng thì người duyệt sẽ phạm luật và cam kết quốc tế. DMT của hai dự án 6&6A được trình bày rất chi tiết những nội dung không cần thiết, rất khó đọc, có nhiều lỗi về đơn vị.
Sau đây là 10 điểm kết luận chính của báo cáo phản biện của nhóm: 1. Không nói khi khai quang số lâm sản thu hoạch cụ thể là bao nhiêu loại gỗ, bao nhiêu m3, bao nhiêu tiền và sẽ vào tay ai? (chưa kể đến nhiều loài cây thuốc, động thự vật quý hiếm chưa được điều tra kỹ sị bị mất và tuyệt chủng). 2. Chủ đầu tư sẽ được "cho không vĩnh viễn" ít nhất là 372,23 ha đất họ sử dụng: 197,63 ha cho DN 6 và 174,60 ha cho DN 6A, trong đó có trạng thái rừng hỗn giao trạng thái IIIa1, IIIa2, IIIb (rừng giàu) cho 6&6A theo thứ tự là: 92,85 ha, 71,84 ha, 4,32 ha và rừng hỗn giao tre là 100,04 ha (Theo văn bản số 228/BNN-TCLN ngày 06/02/2012 của Bộ NNPTNT gửi thủ tướng CP, trang 2/4). 3. Ngân khoản trồng lại rừng và nuôi thú rất thấp tương đương 1 đến 1,5 USD cho mỗi m2 họ sử dụng. 4. Khả năng giúp hạ nguồn chống lũ coi như không; dung tích hồ có trên mưc nước gia cường ngang vài phút lưu lượng lũ cao. 5. Bản đồ hồ chứa vùng bị ngập không có tỉ lệ không có tọa độ. 6. Không có sơ đồ thiết kế đập và chưa tính đến cũng như đưa ra các kịch bản khi có động đất tự nhiên hay động đất kích thích làm vỡ đập (đây là vùng có độ dốc cao, đia hình chia cắt mạnh, có những đứt gãy, sụt lún sâu trong lòng đất-theo GS.TSKH Lê Huy Bá). 7. Công suất máy DN 6 chỉ có 106 MW nhưng điện lượng DN 6 lại tính trên 125 MW. Lãi IRR 13% có thể trở thành lỗ 3% nếu số giờ máy chạy đúng như báo cáo chỉ có như trong ĐMT. 8. Phương pháp tính toán và mô hình mơ hồ không thể kiểm chứng được. 9. Hai dự án này nằm sát và ngay trên VQG Cát Tiên nhưng DMT không có nghiên cứu tác động ngoài vùng khai thác thủy điện (không có đánh giá ngoại vùng). 10. Mô hình Stella trade-off của nhóm SCT cho ra kết quả lựa chọn mô hình không có thuỷ điện để tăng cường cho việc thực thi REDD+ (giữ rừng tự nhiên để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chống lại tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu), PES, Quản lý Carbon (Carbon management), cơ hội công nhận di sản thế giới và du lịch xanh, tăng trưởng xanh)
Kết luận:
Cát Tiên là một trong 200 điểm nóng về đa dạng sinh học của thế giới cùng với sự đa dạng văn hoá của 33 dân tộc anh em khác nhau trong khu dữ trữ sinh quyển Đồng Nai, là ngôi nhà xanh, là Vùng chim đặc hữu (EBA) vùng đất thấp Nam Việt Nam, là vùng nhạy cảm của nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu, là vùng bảo tồn cảnh quan và danh thắng quốc gia, là vùng bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hoá-di tích lịch sử, là vùng bảo tồn đa dạng văn hoá làm nền tảng để bảo tồn đa dạng sinh học, là vùng phức hợp Sinh quyển-Ramsar-Di sản và môi sinh hiếm quý còn lại cuối cùng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 20 triệu dân sinh sống từ 12 tỉnh thành thuộc lưu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai. Là khu vực rừng đặc dụng duy nhất của Việt Nam có thể đảm bảo chắc chắn cho du khách xem thú ban đêm nhất là Nai, Chồn, Sóc, Culi,…và xem Vượn đen má vàng vào sáng sớm trong hoang dã.
Nếu hy sinh vùng này để khai thác thủy điện thì sẽ có nhiều mất mát và chôn vùi các giá trị hữu hình (vật thể) và vô hình (phi vật thể) sẽ không thể nào nào thay thế hay bù đắp lại được.....
Đã ký và gửi đi. Công bố lên mạng vào thứ ba, ngày 6.11.2012
Xem thêm tại:
|
No comments:
Post a Comment