BỂ KHỔ THỦY ĐIỆN (*)
Đánh đổi để nghèo khó
SCT- Thủy điện Thượng Kon Tum xẻ "trái tim: VQG Yordon, qua mặt QH và lách luật thành công. Thế còn thủy điện Đồng Nai 6 và 6A xẻ "trái tim: VQG Cát Tiên sẽ thành công hay công còn phải đợi?! Thời gian sẽ là câu trả lời, vấn đề là thời gian và áp lực công luận, áp lực QH.
Một quốc gia hủy diệt thiên nhiên sẽ tự hủy diệt. Núi rừng là lá phổi của đất nước, thanh lọc không khí và tạo năng lượng mới cho con người (Franklin Roosevelt) http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/ai-ln-hoa.html
Một quốc gia hủy diệt thiên nhiên sẽ tự hủy diệt. Núi rừng là lá phổi của đất nước, thanh lọc không khí và tạo năng lượng mới cho con người (Franklin Roosevelt) http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/ai-ln-hoa.html
Thứ Sáu, 31/05/2013 00:13
(NLĐO) Chủ đầu tư chỉ lo tập trung thu hồi đất thật nhanh để xây dựng thủy điện, coi nhẹ việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tái định cư, đẩy họ vào một cuộc sống bất ổn, thu nhập bình quân chỉ khoảng 7,2 triệu đồng/năm
Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH), Ban Dân nguyện QH về kết quả, tồn tại và bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ, bồi thường và tái định cư khi xây dựng các dự án thủy điện. Đây là những nhận định từ thực tế của 21 dự án thủy điện lớn trên cả nước.
Thu hồi nhanh, cấp lại chậm
Để có đất thực hiện 21 dự án thủy điện, có trên 75.000 hộ (trên 324.600 người) phải di dời nhà cửa, rời bỏ ruộng vườn. Bộ NN-PTNT nhận xét: Khâu thu hồi, giải phóng mặt bằng được chủ đầu tư và chính quyền địa phương thực hiện khá tốt, tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện cơ bản thực hiện đúng tiến độ. Tuy vậy, việc cấp đất sản xuất diễn ra còn chậm, ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi sinh kế của người dân tái định cư.
Như thủy điện Sơn La thực hiện di dân vượt tiến độ 3 năm nhưng đến nay nhiều hộ ở tỉnh Điện Biên vẫn chưa có đất sản xuất, phải tự tìm đủ kế sinh nhai để tồn tại. Khi dự án này triển khai đã ảnh hưởng 35.569 ha đất nông nghiệp nhưng đến nay mới chỉ cấp được 24.361 ha đất nông nghiệp.
Mất đất do thủy điện, nhiều cánh rừng ở tỉnh Phú Yên bị người dân đốn hạ để lấy đất sản xuất Ảnh: HỒNG ÁNH
Chưa kể, khi triển khai, các thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát… được Chính phủ phê duyệt thực hiện chính sách hỗ trợ - bồi thường, di dân - tái định cư theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sản xuất cho hộ tái định cư tại các dự án thủy điện nói trên hiện nay rất thấp. Như dự án trọng điểm quốc gia là thủy điện Sơn La cũng chỉ có 19 triệu đồng/hộ. Thiếu đất sản xuất, không được hỗ trợ sinh kế, nhiều người dân kéo nhau đi phá rừng làm nương rẫy và bán gỗ mưu sinh mà dự án thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) là điển hình.
Nguyên nhân của vấn đề này chủ yếu là sự tắc trách, coi thường công tác an sinh xã hội của chủ đầu tư khi thực hiện dự án. Bộ NN-PTNT nhận xét: Hầu hết các dự án thủy điện được các chủ đầu tư chuẩn bị nghiên cứu trong một thời gian dài nhưng khi tổ chức tái định cư thì thực hiện gấp gáp, bỏ qua một số bước nhằm sớm giải phóng mặt bằng. Hậu quả là hầu hết các khu tái định cư thiếu nước sinh hoạt; các hạng mục như điện, đường, trường, trạm chậm hoàn thành hoặc xuống cấp...
Vượt trội về… tỉ lệ hộ nghèo
Theo báo của Bộ NN-PTNT, khi dời người dân đến nơi ở mới để triển khai các dự án thủy điện, chủ đầu tư chưa chuẩn bị nguồn tài chính lâu dài để hỗ trợ họ sau tái định cư; phần lớn chỉ mới quan tâm, hỗ trợ giai đoạn đầu. Khi hết thời gian hỗ trợ, người dân không được nhận khoản tiền nào nữa nên việc phục hồi sinh kế, ổn định đời sống rất khó khăn. Theo các chuyên gia, thời gian để người dân tái định cư ổn định cuộc sống ở chỗ mới là trên 5 năm; thậm chí đối với người dân tộc thiểu số để làm quen với tập quán, văn hóa, ngành nghề mới thì cần trên 10 năm.
Không có việc làm ổn định, người dân tái định cư thủy điện Bình Điền, tỉnhThừa Thiên - Huế phải đi bóc vỏ tràm thuê.
(Ảnh do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cung cấp)
Kết quả là thu nhập bình quân đầu người của hộ dân tái định cư các dự án thủy điện rất thấp, chỉ có 7,2 triệu đồng/người/năm (chưa bằng 30% thu nhập bình quân cả nước năm 2012). Trong đó, tại một số dự án thủy điện, thu nhập của người dân tái định cư còn thấp hơn mức trung bình này rất nhiều: Đồng Nai 3 (Lâm Đồng) chỉ 5,5 triệu đồng/người/năm, Sông Tranh 2 là 4,5 triệu đồng/người/năm, Cửa Đạt (Nghệ An), An Khê - KaNak (Gia Lai) chỉ 4,2 triệu đồng/người/năm.
Trong khi tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước năm 2012 là 10% thì tỉ lệ này ở các khu tái định cư là 36,6%. Cá biệt, dự án thủy điện Hòa Bình có tỉ lệ hộ nghèo là 39%, Khe Bố và Đồng Nai 3 hơn 60% , Bản Vẽ gần 90% và thủy điện Tà Cọ là 100%.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ NN-PTNT kiến nghị QH thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư sau tái định cư bằng việc trích một khoản thu nhất định từ thu nhập bán điện của nhà máy (được tính vào giá thành bán điện) nhằm gắn trách nhiệm giữa chủ đầu tư - địa phương - người dân. Đồng thời, sử dụng một phần thuế dành cho địa phương để xây dựng vùng tái định cư và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ban đầu hứa “ngon” lắm!
Tỉnh Phú Yên hiện có 3 thủy điện đang hoạt động là Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’năng. Để đổi lấy 344 MW công suất máy của 3 nhà máy thủy điện trên là hơn 2.600 ha đất của 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Kết quả là người dân đói nghèo phải phá rừng làm rẫy để kiếm cái ăn. Theo ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, có gần 600 hộ dân trong 11 khu tái định cư thủy điện trên địa bàn huyện. 99% trong số này là hộ nghèo và cận nghèo. Đời sống của những hộ này rất khó khăn vì thiếu đất sản xuất nhưng quỹ đất của huyện cũng không còn.
Tỉ lệ hộ nghèo của người dân tái định cư vì thủy điện ở Sơn Hòa là 36%. “Lúc xây dựng thủy điện, chủ đầu tư hứa “ngon” lắm, bảo rằng đời sống người dân sẽ phát triển nhờ thủy điện. Đã hơn 10 năm, nhà máy thủy điện đã hoạt động rồi nhưng lợi không thấy đâu, chỉ thấy dân mình ngày càng nghèo hơn” - ông Lê Thanh Lai, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, xót xa.
H.Ánh
|
THU SƯƠNG
No comments:
Post a Comment