Nghệ nhân Tây nguyên và câu chuyện danh hiệu
28/04/2013 18:55 (GMT + 7)
TTCT - Dự thảo nghị định quy định tiêu
chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân
nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” vừa được công bố. Còn rất nhiều ý kiến
tranh cãi trong khi thực tế sống động ở Tây nguyên dường như lại cho
thấy một điều trớ trêu: các nghệ nhân đang lặng lẽ ra đi ngày một nhiều.
Cuộc sống chật vật
Chúng tôi trở về làng Krong Ktu, xã Yang Bắc, huyện Đak
Pơ, tỉnh Gia Lai thăm già làng Păh. Cộng đồng Ba Na luôn kính trọng ông
bởi Păh không chỉ là một già làng mẫu mực, một người xử phạt theo luật
tục nghiêm khắc, uyển chuyển mà còn là một người kể chuyện xưa lừng lẫy.
Sử thi ông hát kể đã được in thành sách dày cả ngàn trang song ngữ...
Bây giờ, già làng Păh đã ngoài 70 tuổi, đang nằm một mình co ro trong
căn nhà sàn ọp ẹp, mặc cho nắng xuyên qua vách lồ ô. Các con lớn đã có
gia đình riêng, trơ lại hai vợ chồng già. Păh bị xơ gan, bệnh viện tỉnh
trả ông về làng. Păh yếu đến độ không còn đủ sức đứng lên chào khách như
thói quen vốn có. Tôi thấy trong mắt ông nỗi tuyệt vọng của một người
sắp gần đất xa trời. Đáng buồn hơn, Păh không phải người duy nhất rơi
vào hoàn cảnh oái oăm ấy.
“Ta cần phong tặng cho các vị danh hiệu đó để tỏ rằng
Đảng, Nhà nước quan tâm đến những “báu vật nhân văn sống” ấy chứ tuyệt
nhiên họ không xin. Nghệ nhân nào tài giỏi thì dân làng đều biết và tôn
trọng, chẳng cần đến chúng ta, họ cũng đã nổi danh rồi”.
GS TÔ NGỌC THANH
|
Cách đây hơn 10 năm, trong một báo cáo khoa học liên
quan đến sử thi Jrai, Ba Na trên địa bàn tỉnh Gia Lai, người viết bài
này đã thống kê chi tiết về 116 nghệ nhân. Ngày nay, con số đó không còn
đủ 10. Đáng kể, các nghệ nhân có khả năng hát kể sử thi thật sự tại địa
phương này tới thời điểm hiện tại chỉ còn vài ba cụ. Sự ra đi của các
nghệ nhân có thể được báo trước bằng những lần đau ốm nặng, nhưng cũng
có khi đơn giản hơn sau một cú ngã... Tính mạng của những người cao tuổi
ấy thật sự mong manh như đèn trước gió.
Nếu về làng, nhìn vào bữa ăn thường nhật của các nghệ
nhân sẽ còn biết thêm một điều đau xót khác: cùng với nồi cơm nấu một
lần cho cả ngày, họ thường xuyên ăn lá mì và cua ốc, ếch nhái nếu may
mắn kiếm được. Ăn uống như thế, sức đâu mà diễn xướng sử thi - mỗi câu
chuyện chí ít cũng dài vài ba đêm, cá biệt có trường hợp kéo dài hàng
nửa tháng trời.
Khắp vùng, ai cũng đều biết cho đến trước lúc chết, ông
Gang ở làng Hơn, xã Yama, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai nổi tiếng về
giọng hát kể hơamon (sử thi Ba Na), đồng tác giả của nhiều cuốn sách sử
thi song ngữ, chỉ có một cái quần dài và một cái khố. Ba anh em người Mơ
Nông nổi tiếng là các cụ Điểu Klứt, Điểu Kâu, Điểu Klung ở tỉnh Đắk
Nông cũng có cuộc sống hằng ngày khá chật vật.
Sự tranh cãi... vô ích?
Các nghệ nhân sống một cuộc đời nghèo khó thật sự. Mặc
dù vậy, tiếp xúc với hàng trăm nghệ nhân sử thi trên khắp Tây nguyên,
tôi đồng thời nhận ra một điều kỳ diệu. Đó là bất chấp việc hằng ngày
phải vất vả đối mặt với cơm áo, phần lớn các cụ đều tha thiết với
“nghiệp” của mình. Nếu được yêu cầu, những con người già yếu ấy vẫn có
thể thâu đêm suốt sáng hát kể mà không màng đến thù lao. Họ coi đó là
việc yang (thần linh) ủy thác, việc của cộng đồng trao và mình có trách
nhiệm phục vụ dân làng, truyền dạy cho thế hệ kế tiếp.
Trong một lần nói chuyện với người viết, giáo sư Tô
Ngọc Thanh, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã than rằng: “Để
có được nghị định về nghệ nhân, ta mất khoảng 10 năm, rồi sau nó sẽ là
thông tư, hướng dẫn... chắc cũng chừng ấy năm. Nhiêu khê lắm. Chục năm
qua, tôi kiên trì đi xin cho các nghệ nhân cái thẻ bảo hiểm mà nào có
được!”.
Trong những người có trách nhiệm đang tranh cãi về tiêu
chí, cách phong tặng..., rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng ở Tây nguyên về
đủ mọi lĩnh vực những năm qua đã vĩnh viễn ra đi cùng với kho tàng văn
hóa vô giá của dân tộc mình. Số phận của người còn sót lại đến hôm nay
có lẽ cũng sẽ không khác là mấy so với những vị đã khuất. Không hề được
đào tạo, chưa từng được đãi ngộ, nhưng bao nhiêu năm qua họ đã lặng lẽ
gìn giữ, truyền bá, góp phần làm nên những giá trị văn hóa mang tính bản
sắc cho miền đất này. Rất có thể phần lớn nghệ nhân ấy không quan tâm
đến điều đó mà chỉ làm theo bản năng. Còn những người có trách nhiệm
không lẽ cũng thờ ơ nốt?
Thành ra sự tranh cãi nói trên rất có thể sẽ trở nên...
vô ích, một khi nó cứ kéo dài mãi, bất hợp lý mãi, trong khi các nghệ
nhân không còn đủ hơi sức chờ đến ngày được tôn vinh.
NGUYỄN QUANG TUỆ (Sở VH-TT&DL Gia Lai)
Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Ban-doc-va-TTCT/545367/nghe-nhan-tay-nguyen-va-cau-chuyen-danh-hieu.html
No comments:
Post a Comment