Wednesday, November 21, 2012

Con đường của Một Dự án (Kỳ 2) - SCT


Đường đi của một Dự án (Kỳ 2)
CÓ LÁCH LUẬT VÀ PHỚT LỜ QUỐC HỘI HAY KHÔNG?
Đã có nhiều thông tin, bài báo, văn bản về Dự án thủy điện Đồng Nai 6 ( sau tách ra Đồng nai 6 và Đồng Nai 6A) xâm hại vùng lõi khu bảo tồn rừng đặc dụng Vườn Quốc Gia Cát Tiên, ảnh hưởng khu Ramsar, đe doạ di tích quốc gia và di sản nhân loại. Có nhiều điều không bình thường trong quá trình làm thủ tục nên đến nay vẫn cứ nhùng nhằng và ĐTM đang nằm chờ Bộ TN& MT thẩm định. Chúng tôi xin giới thiệu tóm lượt về Vườn Quốc gia Cát Tiên và chỉ điểm sơ một số mốc thời gian và sự kiện để những ai quan tâm cùng trao đổi, phân tích thêm.

I. Giới thiệu tóm lượt về Vườn Quốc gia Cát Tiên:
Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, đơn vị chủ quản hiện tại là Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, MARD), được thành lập tại Quyết định số 08/CT ngày 13/01/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nhằm bảo tồn khu rừng tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều sinh cảnh rừng khác nhau như rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh trên đất thấp ưu thế với các loài cây họ Dầu, họ Đậu, rừng rụng lá nguyên sinh và thứ sinh với loài tiêu biểu là Bằng lăng (Lagerstroemia calyculata); đất ngập nước với Bàu và các trảng ngập nước theo mùa gồm các loài đại phong tử, lộc vừng, săng đá xen lẫn lau, lách, cỏ đế, lau sậy...và nhiều sinh cảnh thực vật thứ sinh khác đặc trưng cho kiểu rừng miền Đông nam Bộ. VQG Cát Tiên là nơi phân bố của các loài động thực vật quý hiếm như Gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), Cẩm lai (Dalbergia), Dáng hương (Pterocarpus macrocarpus), các loài cây họ Dầu...; Voi Châu á (Elephas maximus), Tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus), Bò tót (Boss gaurus) Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), Vượn đen má hung (Hylobates gabriellae), Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis)...là những loài được cảnh báo có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng ở Việt Nam và trên Thế giới.
Ngoài các nguồn tài nguyên đặc trưng cho kiểu rừng miền Đông Nam bộ, VQG Cát Tiên còn có các giá trị về văn hóa-lịch sử, mà nổi bật là di chỉ Văn hóa khảo cổ học Cát Tiên và căn cứ địa cách mạng chiến khu D, là điểm thu hút ngày càng đông khách du lịch trong nước và nhiều nước trên Thế giới đến tham quan, du lịch.
            Với những đặc trưng về địa lý, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị về đa dạng sinh học, các nguồn gien động, thực vật quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam, toàn cầu, ngày 10/11/2001, tổ chức UNESCO/MAB đã công nhận VQG Cát Tiên là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của Thế giới, một mắt xích quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu. Ngày 04/8/2005 Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận vùng đất ngập nước Bàu Sấu là Khu Ramsar thứ 1.499 của Thế giới và thứ 2 của Việt Nam. Từ khi thành lập với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước đã đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước, tài trợ của các tổ chức quốc tế, VQG Cát Tiên đã đạt được kết quả tốt về bảo vệ rừng, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học các sinh cảnh rừng cây họ Dầu và hệ sinh thái đất ngập nước độc đáo cũng như các giá trị văn hoá lịch sử hiện hữu. Bên cạnh đó còn thực hiện tốt các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục về bảo tồn, khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, góp phần cùng chính quyền địa phương phát triển đời sống người dân vùng ven.
 Để thực hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta, nghi quyết của Bộ chính trị và nghị quyết của Quốc hội về bảo vệ môi trường của đất nước trong thời kỳ mới. Để bảo vệ và phát triển bền vững VQG Cát Tiên tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của nó trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hóa đất nước, Vườn quốc gia Cát Tiên đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Cát Tiên giai đoạn 2010 - 2020” (tổng số vốn đầu tư là 239,365 tỷ đồng trong đó giai đoạn 2011-2015 là 130,511 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 108,855 tỷ đồng) tại quyết định số 1535/QĐ-BN-TCLN ngày 11 tháng 07 năm 2011 nhằm đáp ứng các yêu cầu hiện nay và thời gian tới trong hoạt động quản lý, phát triển lâm nghiệp bền vững VQG Cát Tiên cũng như hỗ trợ cộng đồng vùng đệm ổn định kinh tế. Theo QĐ 1535 thì Mục tiêu tổng quát của VQG Cát Tiên Bảo tồn được các hệ sinh thái đặc trưng cho khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là hệ sinh thái rừng nguyên sinh và thứ sinh đất thấp ưu thế với loài cây họ Dầu (Dipterocarpaceae), họ Đậu (Fabaceae) và họ Tử vi (Lythraceae); hệ sinh thái đất ngập nước với các bàu đầm ngập nước theo mùa; các loài thực vật, động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài thú lớn đang bị đe dọa ở Việt Nam và trên toàn cầu. Sử dụng bền vững các tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường rừng và cơ sở hạ tầng của VQG phục vụ phòng hộ, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục và phát triển du lịch sinh thái và 5 mục tiêu cụ thể trong đó có mục tiêu ưu tiên đầu tiên là: 1) Bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng mưa mùa nhiệt đới tiêu biểu: rừng kín thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng hỗn giao gỗ-lồ ô, rừng lồ ô thuần loại, và hệ sinh thái đất ngập nước (ven sông và khu Ramsar Bàu Sấu-di sản thiên nhiên đang trình duyệt).
Gần đây nhất, Danh lam Thắng cảnh Vườn Quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Phước) được cộng nhận xếp hạng Di tích quốc gia đạc biệt theo Quyết định Số 1419/QĐ-TTg  ngày 27 tháng 09 năm 2012 của Thủ tướng chính phủ..
II. Điểm một số mốc thời gian và sự kiện quan trọng liên quan đến dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A :
1,  Từ năm 2001, Công ty Tư vấn xây dựng Điện 2 đã tiến hành lập “Báo cáo quy hoạch bậc thang thuỷ điện sông Đồng Nai – năm 2001” trong đó Công trình thuỷ điện Đồng Nai 6 có công suất lắp máy 180MW và đã được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt tại Công văn số: 1483/CP-CN ngày 19/11/2002.
Theo Quy họach này, tổng diện tích đất ngập tự nhiên của lòng hồ Đồng Nai 6 ứng với MNDBT 205.0 m là 1.954 ha, trong đó huyện ĐakR’lap, tỉnh Đăk Nông ngập 285 ha, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước ngập 937 ha và huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngập 732 ha (rừng gỗ, tre, cây bụi 705ha, đất nông nghiệp 25 ha, thổ cư 1.8ha). Đó là chưa tính phần đường dây và công trình phụ trợ.
2, Ngày 29/6/2006, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11, có hiệu lực từ 01/10/2006. Theo NQ này, Dự án đầu tư sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ hai trăm ha trở lên là dự án, công trình quan trọng quốc gia và phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
3, Giữa năm 2007, XN tư doanh Đức Long ( Gia Lai) đăng ký với tỉnh Lâm Đồng đầu tư DA Thủy điện Đồng Nai 6.
4, Ngày 18/7/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg,  Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI). Trong Quy họach này hòan tòan không có Thủy điện Đồng Nai 6.
5, Tuy nhiên, từ tháng 10 đến tháng 12/2007, Công ty Tư vấn xây dựng Điện 1 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 hay gọi tắt là PECC1) được thuê tiến hành nghiên cứu sơ bộ và lập Báo cáo cơ hội đầu tư để Đức Long Gia Lai xem xét, tiến hành các thủ tục cho các bước nghiên cứu tiếp theo.
6, Ngày 20/5/2008, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai ký  Hợp đồng số 57/2008/HĐTV-TĐĐLGL với PECC1 và từ cuối tháng 5/2008, PECC1 đã triển khai các công tác, thiết kế, lập Báo cáo đầu tư dự án thuỷ điện Đồng Nai 6.
Nhận xét:
6.1. Như vậy, Đức Long Gia Lai đã ký và triển khai Hợp đồng nói trên trước khi có VB trả lời của VP Chính phủ và đương nhiên chưa có "hướng dẫn" của Bộ Công thương.
          6.2. PECC1 được đặt hàng: Qui mô các phương án được xem xét trên cơ sở Diện tích chiếm đất của công trình chính + công trình tạm + hồ chứa nhỏ hơn 200ha. Họ đã khảo sát 35 km sông Đồng Nai ( dưới ĐN 5,  lập nhiều phương án chia tách và chỉ quan tâm sao cho diện tích chiếm đất của từng DA < 200 ha. Khi đó không phải trình Quốc hội xem xét.
7, Trên cơ sở Báo cáo cơ hội đầu tư do PECC1 lập tháng 12/2007, Tập đoàn Đức Long đã báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương (Công văn số 433/BC-DLGL ngày 20/5/2008). Sau khi xem xét, VP Chính phủ có văn bản số 4621/VPCP-KTN ngày 14/7/2008 do phó Văn phòng Văn Trọng Lý ký: " Bộ Công Thương hướng dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lập hồ sơ dự án thủy điện Đồng Nai 6 theo quy định hiện hành, trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.".
Chưa rõ Bộ Công thương hướng dẫn như thế nào ngày 07/11/2008, Cty CP tập đòan ĐLGL làm Tờ trình gửi 03 tỉnh xin chuyển đổi hệ sinh thái và diện tích đất rừng để thực hiện đầu tư xây dựng Công trình thủy điện Đồng Nai 6 và ĐồngNai 6A.

8, Ngày 01/12/2008, Chủ tịch tỉnh Bình Phước-Trương Tấn Thiệu ký VB số 3685/UBND-SX, chấp thuận đề nghị: " xin chuyển đổi hệ sinh thái và diện tích đất rừng để thực hiện đầu tư xây dựng Công trình thủy điện ĐồngNai 6A" ( tại Tờ trình số 828/TT-DLGL ngày 07/11/2008). Chủ tịch tỉnh BP chỉ đạo:
" 2. Giao Sở NN& PTNT chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở TN & MT; UBND huyện Bù Đăng,  hướng dẫn Ban QLRPH ĐồngNai và TĐĐL Gia Lai trình tự, thủ tục chuyển đổi đất lâm nghiệp sang xây dựng công trình thủy điện nói trên và các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành./."
9, Ngày 02/12/2008, Phó chủ tịch tỉnh Đăk Nông- Trần Phương ký VB số: 2857/UB-CN ( phúc đáp Tờ trình số: 827/TT-DLGL ngày 07/11/2008 của Cty CP tập đòan ĐLGL), UBND tỉnh Đăk Nông có ý kiến như sau:
"1. …
Vì lẽ trên, UBND tỉnh Đăk Nông đồng ý về mặt nguyên tắc việc chuyển đổi tòan bộ diện tích đất rừng bị ảnh hưởng theo đề nghị của Cty CP tập đòan ĐLGL để đầu tư hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng nai 6A khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.
2. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, UBND tỉnh Đăk Nông sẽ chỉ đạo các Sở, Ngành chức năng có liên quan, trong phạm vi thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với Cty CPTĐĐLGL triển khai khẩn trương các thủ tục chuyển đổi đất rừng và các thủ tục pháp lý cần thiết khác để sớm đủ cơ sở thi công xây dựng dự án theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước."
Văn bản này cũng đã gửi ra VP Chính phủ để Báo cáo.

10, Ngày 03/12/2008, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng- Hùynh Đức Hòa ký VB số 8829/UBND chấp thuận đề nghị: " xin chuyển đổi hệ sinh thái và diện tích đất rừng để thực hiện đầu tư xây dựng Công trình thủy điện Đồng Nai 6 và ĐồngNai 6A" ( tại Tờ trình số: 829/TT-DLGL ngày 07/11/2008 của Cty CP tập đòan ĐLGL). Trích:
" Giao Sở NN& PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, TN & MT; UBND huyện Cát Tiên, Vuờn Quốc Gia Cát Tiên, hướng dẫn TĐĐL Gia Lai trình tự, thủ tục chuyển đổi đất lâm nghiệp sang xây dựng công trình thủy điện và các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành./.

11, Ngày 14/10/2009, thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đã ký Quyết định số: 5117/QĐ-BCT, Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy họach bậc thang thủy điện sông Đồng Nai: " Điều chỉnh DATĐ ĐN 6 -180MW thành các DA là TĐ ĐN 6-135MW và TĐĐN 6A ( 106MW).
Tại " Điều 3- Các vấn đề cần lưu ý trong trong các giai đọan nghiên cứu tiếp theo về đầu tư xây dựng công trình:
- Bổ sung điều tra, khảo sát các điều kiện tự nhiên ( địa hình, địa chất, khí tượng - thủy văn, dân sinh, kinh tế - xã hội…) trong khu vực. Trong đó, đối với các thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng nai 6A, cần đặc biệt lưu ý điều tra khảo sát ảnh hưởng đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên;
-…" Riêng đối với các dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A, cần đánh giá chi tiết và đề xuất các biện pháp khả thi nhằm đảm bảo giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực đối với VQG Cát Tiên".
Nhận xét:
11.1. Tại Phụ lục: Điều chỉnh, bổ sung Quy họach bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai ( Kèm theo QĐ 5117/QĐ-BCT nói trên), phần tọa độ vị trí của 7 Dự án đều sai căn bản: kinh độ và vĩ độ không có ghi hướng đông; tây; nam; bắc- tiếng Anh là E; W; S; N.
11.2. Phần Nơi nhận: Hòan tòan không có gửi lên Thủ Tướng, người ký Quyết định bị điều chỉnh, để biết hay Báo cáo. Vậy có đúng thẩm quyền và nguyên tắc hành chính hay không?
11.3. Quyết định này điều chỉnh bổ sung một Văn bản của cấp trên đã hết hiệu lực (VB số : 1483/CP-CN ngày 19/11/2002 của Thủ tướng đã được thay thế bởi Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 phê duyệt Quy họach điện VI) thì phải hiểu là ở Việt Nam có 2 cấp hệ thống Quy họach điện song song?
Theo nguyên tắc, và chỉ đạo tại văn bản số 4621/VPCP-KTN ngày 14/7/2008 của VP Chính phủ, Bộ Công thương chỉ có quyền thẩm định, trình Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung vào Quy họach do Thủ tướng đã duyệt mà thôi. Vậy tính pháp lý QĐ 5117/QĐ-BCT nói trên có phù hợp hay không? Nó được ban hành theo ý chí của ai và hợp thức vấn đề gì?

12, Ngày 19/6/2010, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 49/2010/NQ-QH12 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, có hiệu lực từ 01/08/2010. Theo NQ này, " Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 hécta (ha) trở lên;"  là công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

13, Tháng 9/2010, Viện quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam (Số 271/3, Đường An Dương Vương, Phường 3, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh) được thuê lập 02 Báo cáo đánh giá tác động môi trường và nộp Bộ TN& MT trình duyệt ( Chủ nhiệm phụ trách chung là Kỹ sư chính-Nguyễn Tất Đạt cùng 23 thành viên là chuyên gia của nhiều ngành khác nhau).
Nhận xét: Vì 2 cái ĐTM này đã bị các nhà khoa học chân chính, báo chí dư luận phanh phui nhiều rồi, chỉ xin lưu ý là: Viện QHTL miền Nam là đơn vị tư vấn rất lớn nhưng khi lập ĐTM cố tình quên viện dẫn Nghị quyết số 49/2010/NQ-QH12 nói trên. Họ còn viện dẫn sai NQ 66/2006/NQ-QH11 ( trích tr. 9-Tập 1 Báo cáo đánh giá tác động môi trường: "- Nghị quyết 66/2007/NQ-QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình quốc hội quyết định chủ trương đầu tư".
Điều ngạc nhiên là phần viện dẫn sai nói trên thấy tái lặp lại trong 02 ĐTM làm lại lần hai do Viện MT& TN-ĐHQG T.P HCM lập thuê ( đều ở trang 6-BC ĐTM thủy điện ĐN6; ĐN 6A). Vậy ai cắt dán của ai?
Lẽ ra ngay từ lúc này, Đơn vị tư vấn và Chủ đầu tư đều biết rõ Dự án phải được Quốc hội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư mới triển khai tiếp. Thế nhưng Chủ đầu tư coi như không biết Nghị quyết số: 49/2010/NQ-QH12 của Quốc hội, ráo riết tiếp tục chạy Dự án, thuê Viện MT& TN-ĐHQG T.P HCM làm lại 02 ĐTM, với ý đồ đặt Quốc hội vào chuyện đã rồi.
14,  Ngày  18/4/2011, Phó GĐ Sở NN & PTNT tỉnh Bình Phước-Trần Văn Lộc ký Quyết định phê duyệt kết quả kiểm tra tài nguyên rừng số 343/QĐ-SNN, theo QĐ này thì: "1. Quy mô kiểm kê:
- Tổng diện tích tự nhiên: 91,42 ha…
- Đối tượng: Thuộc quy họach rừng phòng hộ rất xung yếu theo quy họach 3 lọai rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 19/3/2007.
2. Các chỉ tiêu đặc trưng cho cấu trúc rừng: ( Mục này chỉ có các chỉ tiêu bình quân chứ không tính cụ thể khối lượng gỗ và cây lồ ô)."
15, Ngày 20/5/2011, Sở NN và PTNT Đăk Nông chủ trì kiểm tra " Báo cáo số 46/BC-TT ngày 09/5/2011 của Cty TNHH Đức Thịnh về kết quả kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp khu vực xây dựng Dự án thủy điện Đồng Nai 6A-Tiểu khu 1606, 1607, 1608-thuộc địa bàn xã Đăk Sin, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đăk Nông, kèm theo bản đồ và các văn bản liên quan".
Kết luận: Công trình đạt yêu cầu.
+ Tổng điện tích tự nhiên: 32,644 ha.
( Không có số liệu tổng hợp khối lượng gỗ và lồ ô).
16, Ngày 13/6/2011, Phó GĐ Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng-Lê Văn Minh ký 02 Văn bản thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng trên diện tích Công ty CP tập đòan Đức Long Gai Lai xin thuê đất để xây dụng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A ( số 1141/TĐ-SNN và 1142/TĐ-SNN cùng ngày 13/6/2011:  
+ Tổng trữ lượng gỗ:   14.345 m3.
+ Tổng số lồ ô:           430.004 cây.
Trong cả hai văn bản trên đều ghi rõ tại mục 6:
" 6. Một số nội dung cần lưu ý:
Do diện tích đất lâm nghiệp xin thuê, xin CMĐSDĐ chủ yếu là rừng đặc dụng (hiện do VQG Cát Tiên quản lý), nên Công ty cổ phần tập đòan Đức Long Gia Lai phải lập thủ tục trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội nước CHXHCNVN về dự án, công trình quan trọng Quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Sau khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Công ty cổ phần tập đòan Đức Long Gia Lai tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với diện tích xin thuê và CMĐSDĐ để xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Công ty CP TĐĐLGL phải tổ chức lập hồ sơ thiết kế khai thác tận thu lâm sản trình cấp thẩm quyền phê duyệt và cấp phép khai thác tận dụng lâm sản sau khi hòan thành các thủ tục thuê đất, CMĐSDĐ theo quy định hiện hành.
Văn bản thẩm định làm cơ sở để Công ty CP tập đòan Đức Long Gia Lai lập thủ tục trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, xây dựng quy họach sử dụng đất và lập hồ sơ xin thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 theo quy định hiện hành".
Nhận xét mục 14; 15 và 16: Các Sở  NN và PTNT của 3 tỉnh bị 2 dự án chiếm đất rừng phải kiểm kê theo chỉ đạo cấp trên. Riêng sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng đã lưu ý rất rõ ràng trình tự tất yếu theo Luật pháp và Nghị quyết Quốc hội. Điều này là hiển nhiên và bất cứ ai quản lý rừng; làm Dự án có chiếm đất rừng đều phải biết trước nhất. Tất cả các VB của 03 tỉnh phúc đáp Công văn, Tờ trình của Công ty CP tập đòan ĐLGL, chỉ là chấp thuận về chủ trương, làm cơ sở để chủ đầu tư trình Quốc hội quyết định. Thế nhưng chủ đầu tư luôn viện dẫn các văn bản đó theo hướng: các tỉnh có Dự án đều đồng thuận, nhất trí cho xây dựng.
17, Ngày 20/6/2011, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT-Hứa Đức Nhị ký VB số 1741/BNN-TCLN, " V/v phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Vườn quốc gia Cát Tiên để triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A".
Mục I và II là thống kê hiện trạng điện tích rừng sẽ giao cho Thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A, mục III:
" III. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ BƯỚC ĐẦU VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA HAI DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐẾN VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN
1. Chủ đầu tư hiện chưa báo cáo đánh giá tác động Môi trường theo quy định hiện hành, chưa xác định rõ các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của việc xây dựng công trình đến bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và kế hoạch trồng lại rừng theo quy định.
2. Việc xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A theo quy mô trình bày trên đây về cơ bản là phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước. Hai công trình thủy điện này là kiểu nhà máy sau đập dâng, hồ chứa nhỏ, dung tích làm việc hồ của thủy điện Đồng Nai 6 là 15 triệu m3, của thủy điện Đồng Nai 6A là 9 triệu m3, ít gây gián đoạn dòng chảy cho hạ lưu. Việc xây dựng hai công trình này tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong Vườn quốc gia Cát Tiên và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo tồn loài Tê giác và sinh cảnh Bầu sấu của Vườn quốc gia Cát Tiên (cách khu vực hoạt động của loài Tê giác 07 km đến 11 km, cách khu vực Bầu sấu 25 km), các mục tiêu cơ bản của Vườn này vẫn được đảm bảo do diện tích chuyển mục đích không lớn và kéo dài theo dải hẹp dọc sông Đồng Nai là ranh giới ngoài của Vườn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo."

Nhận xét: Văn bản này rất lập lờ, mâu thuẫn, trích yếu thì ghi là  "phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Vườn quốc gia Cát Tiên để triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A", nhưng tòan VB không có một dòng nói về điều chỉnh quy họach nào đó. Tại mục III, điểm 1. Khẳng định "  Chủ đầu tư hiện chưa báo cáo đánh giá tác động Môi trường theo quy định hiện hành, chưa xác định rõ các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của việc xây dựng công trình đến bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và kế hoạch trồng lại rừng theo quy định" thì ngay điểm 2. Tiếp đó đã khẳng định "các mục tiêu cơ bản của Vườn này vẫn được đảm bảo"? Là Bộ chủ quản chuyên sâu nhưng VB này hòan tòan không tham mưu đề ra được hướng giải quyết mà chỉ báo cáo sơ sơ, chuyền trách nhiệm cho Thủ tướng xem xét chỉ đạo!?

17, Tiếp đó, ngày 11/7/2011, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT-Hứa Đức Nhị ký Quyết định số 1535/QĐ-BNN-TCLN, " V/v phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Cát Tiên gia đọan 2010-2020."
Nhận xét: Quyết định này là phê duyệt quy họach với rất nhiều khu vực có tọa độ, diện tích cụ thể như không nhắc tới Bản đồ hoặc bản vẽ nào đính kèm, là phần phụ lục không thể tách rời Quyết định. VB gồm  06 trang A4 nhưng không có bất cứ dòng nào nhắc đến hai Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A ( mà được viện dẫn nhiều lần).
18. Ngay sau đó, ngày 21/7/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số: 1208/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy họach phát triển điện lực quốc gia giai đọan 2011-2020 có xét đến năm 2030.
Trong Phụ lục I đã có:
- Thủy điện Đồng Nai 6 vận hành vào năm 2015.
- Thủy điện Đồng Nai 6A  vận hành vào năm 2016.

19, Ngày 31/8/2011, Phó Thủ tướng Hòang Trung Hải ký Văn bản số 45/TTg-KTN,  V/v chuyển mục đích sử dụng rừng khu vực Cát Tiên sang xây dựng Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và ĐồngNai 6A.
Văn bản này xét Công văn 1741/BNN-TCLN ngày 20/6/2011 của Bộ NN& PTNT ( mục 17 nói trên), Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
" 1. Bộ NN và PTNT chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Công thương, UBND các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Chủ đầu tư:
- Luận chứng chi tiết diện tích rừng và đất cần phải chuyển mục đích sử dụng để thực hiện Dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A, bao gồm điện tích vùng ngập lòng hồ, diện tích xây dựng đập, nhà máy thủy điện và các công trình phụ trợ.
- Trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển mục đích sử dụng mà ảnh hưởng tới tiêu chí, mục tiêu và nội dung xác lập Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, thì dừngxây dựng Dự án và thông báo cho chủ đầu tư biết."
Từ đây, hàng lọat cá nhân, tổ chức khoa học, chính quyền địa phương có ảnh hưởng, báo chí, hội nghị hội thảo xoay quanh Báo cáo ĐTM do chủ đầu tư thuê Viện MT& TN-ĐHQG T.P HCM lập lại lần thứ hai.
Điều đáng buồn là đơn vị tư vấn này cố tình quên viện dẫn trong phần " 2.1. Các văn bản pháp luật của Việt Nam để lập báo cáo ĐTM" văn bản quan trọng nhất: Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội nước CHXHCNVN về dự án, công trình quan trọng Quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Họ chỉ viện dẫn Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11( nhưng sai năm là 2007 y như trong 2 cuốn ĐTM của Viện QHTL miền Nam đã bị bác bỏ- xem trang 6).
Chính vì vậy, Viện MT & TN Đại học Quốc gia T.P HCM đều khẳng định trong 2 ĐTM là ( trích):
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 là dự án mới, thuộc công trình cấp II,  dự án nhóm A, do đơn vị tư nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư và quyết định đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của Bộ Công Thương." ( trang 1).

" 1.2. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư (hoặc tài liệu tương đương)
Dự án thủy điện Đồng Nai 6A là dự án mới, thuộc công trình cấp II, dự án nhóm A, do đơn vị tư nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư và quyết định đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của Bộ Công Thương." ( trang 2).
Nhận xét: Nếu đơn vị tư vấn nói không biết Dự án này phải trình và được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư mới làm tiếp, là dạng không có tầm, gà mờ ăn quẩn.
Nếu biết là DA phải theo trình tự trong NQ 49/2010/NQ-QH12 ngày 19/6/2010 mà vẫn phớt lờ thì là vô lương tâm. Biết là trái Luật mà vẫn nhắm mắt tư vấn, chạy chọt lách Luật. Hoặc là họ quá coi thường qua mặt, hoặc là quá "quen thân" Hội đồng thẩm định ĐTM của Bộ?
 Dự án của DN tư nhân, tự họ phê duyệt Dự án đầu tư, tự họ ra Quyết định đầu tư, giao cho một Công ty con trong tập đòan thực hiện. Chỉ cần có Quyết định phê duyệt ĐTM của Bộ TN& MT là coi như mọi chuyện đã rồi.

Đa số các nhà khoa học chân chính trong và ngòai nước, báo chí và Chính quyền, đại biểu Quốc hội một số tỉnh lân cận cùng dư luận cộng đồng đều cho rằng hai Dự án thủy điện ĐN6 và ĐN 6A này vi phạm pháp luật và các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký; các báo cáo ĐTM này dù đơn vị khác làm lại hòan tòan vẫn còn nhiều bất cập, không khả thi, trong khi khả năng gây tác hại rất lớn tới VQG Cát Tiên và các tỉnh hạ lưu nếu triển khai dự án. Do đó cần lọai bỏ các thủy điện từ phía dưới TĐ ĐN 5 mà xâm phạm vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Trong 2 báo cáo ĐTM nói trên ( dày gần 400 trang/cuốn), trên 80% là tóm tắt, viện dẫn, cắt dán các bảng biểu, thông số, mô tả cây, con... ( cuốn ĐTM ĐN 6A dày 389 trang thì 13 trang là mục lục; danh mục; 13 trang là tóm tắt…).
Các kiến thức căn bản về trắc địa ( rất nhiều bảng tọa độ nhầm lẫn lung tung), về các đơn vị thông số; việc áp đặt kết quả nghiên cứu 2 mỏ đá XD ở Đồng Nai và Bình Dương đánh giá bụi và tác động nổ mìn là rất khiên cưỡng ( người có chút chuyên môn coi là ngớ ngẩn); một số giải pháp bảo vệ và giảm thiểu tác động môi trường đưa ra được giới chuyên môn đánh giá là " không tưởng".

20, Ngày 12/9/2011, Phó GĐ Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước ký Thư đề nghị số 01/09/2011/WARECOD gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các Hội đồng, UB khoa học, các Bộ, ngành có liên quan Kiến nghị của các nhà khoa học:
"- Yêu cầu chủ đầu tư cần tiến hành đánh giá lại tòan diện những tác động môi trường, xã hội của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đồng thời xây dựng và hòan thiện chương trình quản lý môi trường với các giải pháp giảm thiểu hợp lý, khả thi, cụ thể và cần công khai cho công chúng, các bên liên quan và cộng đồng được biết.
- Dừng lại các họat động cấp giấy phép đầu tư xây dựng cho 2 dự án này và chỉ xem xét đến việc cho phép tiếp tục triển khai hay không 2 dự án thủy điện Đồng nai 6 và 6A sau khi có kết quả thực hiện các yêu cầu nêu trên."
21, Ngày 08/11/2011, Phó GĐ Sở TN& MT tỉnh Đồng Nai đã ký Báo cáo số 356/BC-STNMT ( thay Biên bản) Kết quả hội thảo khoa học về tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đối với vùng hạ lưu trên địa bản tỉnh Đồng Nai. Báo cáo tổng hợp 03 tác động tích cực và 06 tác động tiêu cực của 2 Dự án này. Trong phần nhận xét và kiến nghị có đọan:
" 3,Nhận xét và kiến nghị.
b. Dự án ĐN6 và ĐN6A khi triển khai có những tác động tích cực nhất định nhưng tác động tiêu cực là rất lớn, có thể đánh đổi nhiều thiệt hại chưa thể lường hết được; vì thế, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan chưa nên quyết định đầu tư dự án; chỉ đạo đánh giá lại tòan diện, đầy đủ và chi tiết các tác động, để đưa ra các biện pháp khả thi nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, làm cơ sở xem xét, cân nhắc việc quyết định đầu tư dự án."
22, Ngày 26/12/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số : 2449/QĐ-TTg : Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy họach phát triển điện lực Quốc gia.
Theo đó: 1, Trưởng ban: Phó Thủ tướng Hòang Trung Hải
                2, Phó Trưởng ban: Bộ trưởng Bộ Công Thương                    
                3, Các ủy viên gồm…

23, Ngày 07/01/2012, Bộ NN và PTNT chủ trì cuộc họp tại Văn phòng Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Nông thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng CP tại văn bản số 45/TTg-KTN ngày 31/8/2011 ( mục 19 nói trên). Thành phần gồm đại diện các Bộ; Tổng cục; Vụ; UBND các tỉnh; Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, thiết kế.
Cuộc họp này do ông Hà Công Tuấn-Phó Tổng cục trưởng-Phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp làm chủ tọa. Thời gian chỉ trong 01 buổi sáng.
Lưu ý trong Biên bản cuộc họp có 09 chữ ký của dại diện các bên tham dự đã ghi rõ ý kiến của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường- Bà Trần Thị Hương Giang-Cục Quy họach đất đai, Tổng cục quản lý đất đai:
"- Nếu công trình thuộc tiêu chí phải trình Quốc hội thì đề nghị thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết 49/QH."
Trong ý kiến kết luận của ông Hà Công Tuấn:
" 4. Đề nghị:
-….
-Đề nghị Chính phủ xem xét ý kiến của các ngành liên quan đánh giá tòan diện các yếu tố kinh tế-xã hội-môi trường để Chính phủ xem xét, quyết định.
- Nếu Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, đề nghị: trường hợp hai công trình này thuộc tiêu chí công trình quan trọng quốc gia thì báo cáo Quốc hội; yêu cầu trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng và Chủ đầu tư phải trồng lại rừng trên diện tích sử dụng tạm thời khi kết thúc thi công; quản lý chặt chẽ việc tận thu gỗ, lâm sản, không được mở đường vận chuyển, thi công trong VQG Cát Tiên."
Nhận xét: Tất cả đều biết rõ hai Dự án này phải trình Quốc hội theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội nước CHXHCNVN. Thế nhưng cả hai Dự án đều không thể "co lại " diện tích chiếm đất rừng phòng hộ; Vườn Quốc gia xuống dưới 50 ha để qua mặt Quốc hội một lần nữa. Chính những người có liên quan cố triển khai Dự án nên cứ lòng vòng, né tránh đùn đẩy trách nhiệm, tìm cách lách luật, tránh bị dừng lại theo chỉ đạo của Thủ tướng CP tại văn bản số 45/TTg-KTN ngày 31/8/2011. Việc dây dưa cố ý đưa sự việc thêm phức tạp, tạo dư luận xấu.

24, Ngày 06/02/2012, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT ký Văn bản số:228/BNN-TCLN, v/v chuyển mục đích sử dụng rừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. Gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng CP tại VB số 45/TTg-KTN ngày 31/8/2011.
Tại mục 1 là thống kê, phân lọai diện tích chiếm đất của các Dự án.
Trích mục 2:
" 2. Đánh giá về ảnh hưởng của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đến tiêu chí, mục tiêu và nội dung xác lập Vườn quốc gia Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.
Vườn quốc gia Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên được thành lập nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các ngườn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, các lòai động, thực vất rừng có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng; bảo vệ đất, chống xói mòn đất, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo đảm cân bằng sinh thái và môi trường. Việc chuyển mục đích sử dụng 372,23 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên là 136,68 ha và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, tỉnh Đăk Nông là 143,75 ha, chắc chắn có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường trong khu vực do diện tích rừng bị thu hẹp; ảnh hưởng đến họat động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên trong quá trìnhthi công và sau khi đưa công trình vào sử dụng."
Nhận xét: Đánh giá ảnh hưởng trong phạm vi nhỏ tại chỗ nhưng không dám nói là mức độ nhiều hay ít; tính chất tốt hay xấu. Tại tâm hay tại tầm đây?
Trích tiếp mục 2:
" Quy họach bảo tồn và phát triển bền vững của Vườn quốc gia Cát Tiên đã được phê duyệt tại Quyết định số 1535/QĐ-BNN-TCLN ngày 11/7/2011 của Bộ NN và PTNT, trong đó đã dự kiến có thể chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của Vườn này để xây dựng hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép."
Nhận xét: Nhiếu người đã phải kêu Trời khi xem cái Công văn này. Trong Quyết định số 1535/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2011 ( mục 17 nói trên) không hề có một từ nào nói về dự kiến rừng và đất lâm nghiệp của Vườn chuyển mục đích sang XD thủy điện. Một Bộ có Tổng cục lâm nghiệp được giao quản lý, phát triển bền vững Vườn quốc gia Cát Tiên với tổng vốn đầu tư giai đọan 2010-2020 là hơn 239 tỷ đồng (tiền thuế dân) lại sẵn sàng cắt bớt rừng vuờn cho một tập đòan tư nhân XD Dự án khi DA đó còn chưa được trình lên Quốc hội? Lại vấn đề tâm và tầm. Hoặc là Bộ và Tổng cục LN không biết gì về Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội, vậy thì bay vào Sở NN& PTNT tỉnh Lâm Đồng mà học hỏi chuyên viên của Sở này. Hoặc là biết rõ Nghị quyết QH và Dự án thì không co diện tích chiếm rừng dưới 50 ha nên cắt trước diện tích DA sẽ chiếm ra khỏi Quy họach Vườn cho Quốc hội đỡ …vất vả xem xét!
Chưa hết, xin trích tiếp mục 2:
" Về tổng quát thì ảnh hưởng do xây dựng hai công trình thủy điện này không đến mức làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu, nội dung xác lập Vườn quốc gia Cát Tiên, nhất là khu vực đất ngập nước Bầu Sấu và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.
Tuy vậy, chỉ nên chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng công trình thùy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, khi các lợi ích kinh tế, xã hội mang lại từ hai công trình này cao hơn nhiều so với các tổn thất về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường."
Cuối cùng, trích mục 3. Đề nghị
" Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo./."
Nhận xét: Một Bộ tham mưu giúp việc cho Thủ tướng về chuyên môn ngành mà báo cáo mập mờ, mâu thuẫn trước sau, thiếu căn cứ khoa học, không đưa ra phương án hoặc đề xuất cách giải quyết trong phạm vi chuyên môn được giao quản lý mà lại có tính chỉ đạo ngược, đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ. Vậy trên Văn phòng Chính phủ thì ai có chuyên môn ngành giỏi hơn cả tập thể Bộ để thẩm định xem xét trình Thủ tướng ký?

Qua việc điểm lại một số mốc thời gian, sự kiện nêu trên. Chúng tôi thấy bản chất của quá trình triển khai Dự án thủy điện ĐN 6 ngay từ đầu là lách Nghị quyết của Quốc hội nhằm xâm phạm vào rừng vùng lõi khu bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên. Họ chỉ quan tâm chọn vị trí và cao trình đập chắn miễn sao cho diện tích chiếm đất của Dự án dưới mức phải trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư, do đó các yếu tố thông số kỹ thuật của thủy điện, các yếu tố nền móng đập, nhà máy và nhất là tác động môi trường không được quan tâm là tất yếu.
Khi Quốc hội có Nghị quyết mới với tiêu chí thay đổi, do không thể giảm diện tích hoặc chia nhỏ Dự án thành 6B, 6C, 6Z… nữa thì họ tìm cách vô hiệu chỉ đạo của phó Thủ tướng Hòang Trung Hải trong Văn bản số 45/TTg-KTN ngày 31/8/2011: cố làm sao đưa phần đất Dự án sẽ chiếm không còn thuộc Quy họach Vườn quốc gia nữa. Hoặc bằng cách này khác để lách hết các Quy định Luật pháp Việt Nam, quyết triển khai dự án.
Liệu họ có nghĩ đến các Công ước và cam kết Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến Vườn Quốc gia, bảo tồn…hay không? Liệu có ai chịu trách nhiệm khi chấp thuận tập đòan tư nhân này xây dựng 2 cái thủy điện xâm phạm Vườn quốc gia Cát Tiên thì Việt Nam có thể "mất cả chì lẫn chài": Hồ sơ Di sản bị ách lại và rút luôn các Danh hiệu đã công nhận trước đây? Đó là chưa kể những hậu quả khôn lường về môi trường, trong đó ngay lập tức nguy hại cho nguồn nước ngọt cung cấp chính cho hơn chục triệu dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và T.P Hồ Chí Minh như rất nhiều nhà khoa học chân chính đã cảnh báo.
Nếu Doanh nghiệp nào cũng chạy Dự án theo kiểu Công ty CP tập đòan Đức Long Gia Lai cố ý lách Luật và phớt lờ Quốc hội như đã thấy thì từ Thủ tướng tới các Bộ, ban ngành, Chính quyền địa phương, người dân vùng bị ảnh hưởng còn đâu tâm trí làm việc bình thường. Liệu đất nước có thể phát triển bền vững với những Dự án bất chấp cộng đồng vì lợi ích một nhóm nhỏ hay không?
Liệu rằng có sự tiếp tay, bày vẽ của một số cá nhân, tổ chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước giúp cho Doanh nghiệp chạy Dự án vi phạm luật suốt mấy năm trời đến bước coi là cuối cùng: ĐTM chờ thẩm định tại Bộ TN và MT? Tài thật!
Tất cả bây giờ chỉ còn trông chờ vào sự sáng suốt, công minh của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam-Cơ quan quyền lực cao nhất, cân nhắc và quyết định việc cho đầu tư hay lọai bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A khi Thủ tướng trình Quốc hội xem xét.

Ghi chú: - Phần chữ màu xanh dương là trích trong các tài liệu, Văn bản.
               - Phần chữ màu đỏ là nhận xét đọan được trích bên trên.
               - Phần chữ nét đậm để nhấn mạnh.

Thích Bình Yên

2 comments:

  1. Nguyen Huynh Thuat (Nguyễn Huỳnh Thuật)November 21, 2012 at 9:50 AM

    Tổng hợp tóm tắt, kết luận và kiến nghị của quý thiện hữu tri thức, quý nhà khoa học, quý chuyên gia đa lĩnh vực, đa ngành của nhóm và ý kiến đóng góp của hơn 4.400 người đã ký vào kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dừng hai dự án tại https://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a.

    Quy hoạch và kế hoạch triển khai các dự án phải trên cơ sở hiệu quả tổng thể, gồm cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường và an toàn; trong đó, chú ý đúng mức đến việc tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm sử dụng năng lượng và hướng tới sử dụng năng lượng bền vững theo khuyến cáo của LHQ: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, năng lượng sóng biển,...
    Hai dự án này nằm trong vùng yếu huyệt, vùng giao thoa đa đạng sinh học và đa dạng văn hoá, giao thoa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan văn hoá. Do vậy nếu thực hiện sẽ khai thác nhiều loài gỗ quý hiếm đặc hữu, phá đi ngôi nhà xanh của nhiều loài đặc hữu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu trong đó có loài Tê giác Việt Nam. Làm mất mát đa dạng sinh học và xói mòn văn hoá, tri thức bản địa nhất là của các cộng đồng Mạ, Stiêng, Châu Ro sống dọc sông Đồng Nai vùng hạ lưu. Đó là chưa kể đến nếu không nghiên cứu và tính toán cẩn trọng thì sẽ có động đất kích thích và vỡ đập như GS.TSKH Lê Huy Bá đã cảnh báo.
    Tóm lại, hiệu quả nhỏ kinh tế thì đã rõ nhưng nếu không nói là cung cấp lượng điện năng không đáng kể và thậm chí không cần thiết; rủi ro tài chánh rất cao khi khả năng bảo đảm tài chánh của tư nhân đáng nghi ngại thì hệ luỵ cộng hưởng và tìm tàng không tính hết và chưa thể lường trước đến tác động môi trường nhân văn và môi trường tự nhiên, đến cảnh quan văn hoá và cảnh quan tự nhiên, di sản văn hoá và di sản tự nhiên, di tích quốc gia đặc biệt, Ramsar, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên,… thì sẽ nghiêm trọng mà việc khắc phục là không thể và sẽ là quá muộn mà bài học Sông Tranh cho đến Sông Ba qua thuỷ điện Đắk Rông đã quá rõ.
    Kết Luận: Cát Tiên là khu vực nhạy cảm về mọi mặt, cần đặc biệt quan tâm đến các cơ chế và chính sách đặc thù cho vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và văn hoá cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa khu vực có một không hai trên thế giới này.

    Kiến nghị: Chính phủ ra quyết định dừng hai dự án này và rút khỏi quy hoạch điện VII.
    T/M nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên (SCT)
    Nguyễn Huỳnh Thuật

    ReplyDelete
  2. Tại 24, Ngày 06/02/2012, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT ký Văn bản số:228/BNN-TCLN, v/v chuyển mục đích sử dụng rừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. Gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng CP tại VB số 45/TTg-KTN ngày 31/8/2011.

    Tôi xin đóng góp thêm là: Theo Luật bảo vệ và Phát triển rừng và các văn bản hướng dẫn, khi muốn chuyển mục đích sử dụng rừng phải có báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Như vậy ngay chính Bộ NN và PTNT là cơ quan đầu ngành còn làm không đúng Luật thì không hiểu các cấp dưới còn loạn đến mức nào nữa.

    ReplyDelete