Monday, October 15, 2012

Các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn dự trữ sinh quyển: “Nhân tai”chưa thôi đe dọa (Đại đoàn kết 13/10/2012)

Các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn dự trữ sinh quyển: “Nhân tai”chưa thôi đe dọa (13/10/2012)
Người ta vẫn bàn thảo nhiều về các mô hình tiêu biểu liên quan đến xác định ranh giới Khu bảo tồn (KBT) hay chia sẻ lợi ích.  Song, có một vấn đề cực kỳ quan trọng bị quên lãng, đó là việc các KBT đang không được quản lý vì mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Đáng tiếc là lý do lại thuộc về "nhân tai”.



Do nạn săn bắt, tê giác một sừng tuyệt chủng, số phận những con bò tót
ở VQG Cát Tiên cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng

Đồng Nai cần quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ môi trường

Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trong buổi làm việc mới đây tại tỉnh Đồng Nai. Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm tại buổi làm việc này, là việc UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị UBMTTQ Việt Nam cần góp tiếng nói với cơ quan chức năng trong việc xây dựng hai công trình Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Nếu xây dựng hai công trình thủy điện trên, Đồng Nai là địa phương phải chịu nhiều tác động nhất, không những ảnh hưởng đến khu vực Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai mà người dân vùng hạ lưu cũng sẽ chịu tác động về biến đổi sinh thái nặng nề.

Trước đó ngày 10-10, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã làm việc với chủ đầu tư công trình thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A và Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, đánh giá về những tác động môi trường khi xây dựng đập thủy điện này vẫn còn nhiều luồng ý kiến và rất mù mờ. Cần phải giao trách nhiệm cho một cơ quan làm đầu mối phản biện tính khoa học của dự án. Bộ KH&CN và Bộ TN&MT cần đứng ra chủ trì để có những đánh giá khoa học nhất giúp Chính phủ xem xét thấu đáo trước khi có quyết định chính thức.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai-Lê Viết Hưng cũng cho rằng, bản đánh giá tác động môi trường do Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện nói khu vực rừng Cát Lộc (nơi quy hoạch xây dựng công trình thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A) không có loài thú và loài thực vật nào nằm trong Sách đỏ, nhưng các nhà khoa học khác lại đánh giá khu vực này có 8 loài thú được ghi trong Sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai chiều 11-10, Chủ tịch Huỳnh Đảm nhấn mạnh, đây là tỉnh đi đầu trong phát triển công nghiệp với tốc độ và tỷ trọng công nghiệp, thương mại chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế. Trong thời gian tới, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội.

Trước đó, ngày 24-9, đoàn chuyên gia Liên đoàn Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) làm việc với tỉnh Đồng Nai về thẩm định hồ sơ đề cử VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới đánh giá rất cao sự giàu có và tính đa dạng của VQG Cát Tiên. "Chúng tôi đã tận mắt thấy nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Từ kết quả làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học có những công trình nghiên cứu về Cát Tiên, chúng tôi càng có cơ sở xác nhận về sự giàu có của vùng di sản này. Vấn đề là hồ sơ đề cử cần thể hiện rõ tính nổi bật toàn cầu và  chứng minh một cách mạnh mẽ thế mạnh của vườn” -  TS. Tobias Garsteki đưa ra nhận định.

Báo động "nhân tai” ở KBT thiên nhiên

Cũng liên quan đến "nhân tai” đe dọa môi trường sống, tình trạng vi phạm lâm luật gia tăng ở KBT thiên nhiên Ea Sô (Đắc Lắc) khiến tài nguyên rừng, các loài động vật quý hiếm ngày càng cạn kiệt là một điển hình. KBT này rộng 26.848ha thành lập từ 1999 nhằm bảo tồn nguyên vẹn sinh cảnh tự nhiên, độc đáo của hệ sinh thái rừng trong khu vực chuyển tiếp Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Đây cũng là nơi có nhiều nguồn gen động, thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm, nhất là các loài thú móng guốc cỡ lớn đặc biệt quý hiếm phân bố tập trung nhất ở Việt Nam như bò rừng, bò tót...cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tháng 10 này, theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Lê Đắc Ý, lực lượng kiểm lâm của KBT  từ đầu năm đến nay phát hiện 135 đối tượng, xử lý trên 100 vụ vi phạm lâm luật, chủ yếu khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng trái phép. Đã tháo dỡ, phá hủy, xử lý trên 500 bẫy thú các loại. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng đi săn thú còn đốt cháy trên 8ha rừng tự nhiên, rừng trồng tại tiểu khu 634 để làm đường đi và bãi săn thú.

Theo ông Jake Brunner, Điều phối viên Chương trình Mê Kông của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đáng lo ngại hiện nay là có đến 158/ 164KBT thiên nhiên nước ta đặt dưới sự quản lý của các tỉnh. "Việt Nam không có một hệ thống KBT quốc gia mà thay vào đó hình thành một hệ thống phân tán, rải rác các KBT được phân cấp mạnh mẽ. Khó khăn sẽ tiếp tục nếu không có những nỗ lực thúc đẩy thực thi và trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn VQG Cát Tiên lo ngại, hồ sơ đề nghị công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới cũng đang được hoàn thiện. Nếu được công nhận là di sản, thế giới sẽ giám sát bằng Luật Di sản và Luật Bảo vệ môi trường. Lúc đó, nếu hai công trình thuỷ điện trên được xây dựng thì thế giới sẽ đánh giá vấn đề này như thế nào? 
Thanh Lê

No comments:

Post a Comment