Thursday, September 13, 2012

VUSTA nói về Hiện tượng động đất (kích thích?) liên tiếp tại khu vực Thuỷ điện Sông Tranh 2

Nhóm mới nhận được Báo cáo của VUSTA, từ nguồn AITAA-VN và VSSMGE. Liên tưởng xa xôi đến 2 thủy điện Đồng Nai 6 & 6A ở Cát Tiên  


LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC
VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

Số:          /LHHVN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày        tháng       năm 2012
               Kính gửi:  …. ……………………………………………..
 Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến hiện tượng động đất liên tiếp tại khu vực thuỷ điện sông Tranh 2. Trước tình hình trên, thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tham khảo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan để đánh giá tình hình động đất bất thường trên. Trên cơ sở các ý kiến của các chuyên gia, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xin có đề xuất như sau:
1. Hiện tượng động đất kích thích như Viện vật lý địa cầu nêu trên các báo là hiện tượng mới ở Việt Nam, chưa có một tiêu chuẩn kỹ thuật nào nói về vấn đề này. Đề nghị nhà nước giao cho một Bộ (ngành) lập tiêu chuẩn này để qua đó đánh giá đập thuỷ điện Sông Tranh 2 có an toàn hay không?
2. Đập thuỷ điện Sông Tranh 2 được đặt trên một nền nằm trong khu vực có những đới đứt gãy (đới ảnh hưởng của đứt gãy hoạt động). Giống như những công trình khác, đơn vị thiết kế đã cho xử lý bằng khoan phụt vữa bê tông để nâng cường độ chịu lực của đập (nền móng). Song việc xuất hiện động đất kích thích nêu trên có thể là dấu hiệu của sự hoạt động trở lại của đới đứt gãy mà việc khoan phụt của thiết kế không giải quyết được tận gốc vấn đề này. Điều này nói lên chỉ tiêu độ an toàn của đập do thiết kế nêu ra cần được tính toán lại khi xét đến yếu tố này.
3. Ngay khi đi vào tích nước, đập đã có hiện tượng thấm quá mức cho phép. Hiện nay đã dược xử lý ở bề mặt đập bằng cách dán màng keo ngăn nước ở thượng lưu. Còn các lỗ hổng trong thân đập do thấm gây ra cần được đánh giá trước khi cho phép tích nước. Do vậy, việc lấy mẫu thân đập vừa qua ở lúc chưa tích nước để kiểm tra về cường độ là chưa đủ bảo đảm thân đập đã ổn định, cần tiếp tục theo dõi ứng suất trong thân đập khi tích nước.
4.  Đứng về quan điểm an toàn hồ đập thì rõ ràng đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa đạt yêu cầu. Do vậy, trong mùa mưa lũ này, khi cho tích nước, cần có quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng hạ du. Cụ thể cần làm những việc sau:
-  Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của địa phương có quyền được giám sát việc tích nước theo quy trình đảm bảo an toàn đập.
-  Trong quá trình tích nước phải luôn theo dõi ứng suất thân đập, nếu ứng suất này vượt quá giới hạn thì phải xả bớt nước.
-  Cần xây dựng phương án di dân khi phát hiện đập có khả năng bị vỡ. Cần tiến hành lập mạng lưới cảnh báo cho người dân, đo vẽ bản đồ theo giả định vỡ đập, đánh dấu các khu có cao trình an toàn để người dân có thể lên đó khi có cảnh báo vỡ đập (theo kinh nghiệm của Thái Lan).

1 comment:

  1. From GS. Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội ĐKTVN - VSSMGE:

    Chào cả nhà,
    Các hội nghề nghiệp có thể tham gia phản biện như VUSTA đã làm.Cũng có thể tham gia vào dự án với những công tác cụ thể.VSSMGE có thể kết hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tham gia vào dự án này. Các kỹ thuật và công nghệ của Hà lan và của Nhật có thể áp dụng cho công trình này.Quan trọng nhất là tập hợp được các số liệu, tiến hành quan trắc bằng nhiều công nghệ. Sử dụng các phần mềm để phân tích, dự báo,phân tích, đánh giá.Từ các kết quả tính toán, dự báo, có thể lập các giải pháp nâng cao an toàn cho đập.

    ReplyDelete