Tuesday, September 25, 2012

Các câu hỏi Cử tri gửi Quốc hội để chất vấn 5 Bộ trưởng liên quan đến Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A


Các câu hỏi Cử tri gửi Quốc hội để chất vấn 5 Bộ trưởng liên quan đến Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Ngày 23/09/2012
Nhóm Yêu quý & Bảo vệ VQG Cát Tiên

Được biết có PV của Báo TNMT gặp gỡ và trao đổi với PGS.TS Bùi Cách Tuyến - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch hội đồng Thẩm định Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) cho hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vào ngày 22.09.2012, Nhóm chúng tôi xin tổng hợp nhanh các câu hỏi của người dân gửi gắm đến Thứ trưởng & Quốc hội để chất vấn 5 Bộ trưởng liên quan trách nhiệm đến việc xây dựng hai Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên:

Câu hỏi chất vấn 1. Bộ Công Thương (MOIT) Ô. Vũ Huy Hoàng:
Thưa Bộ trưởng, trong kỳ họp QH vừa qua, Bộ trưởng có trả lời là nhất quyết sẽ cho rà soát và rút khỏi quy hoạch những thủy điện xâm hại đến rừng đặc dụng, vậy tại sao Bộ trưởng không thực hiện lời hứa này đối với Thủy điện 6 Và 6A?

Câu hỏi chất vấn 2. Bộ NN và PTNT (MARD):
Căn cứ vào đâu, luận chứng kinh tế khoa học kĩ thuật nào, báo cáo khả thi nào mà bộ đã có công văn số 228/BNN-TCLN ngày 06 tháng 02 năm 2012 trình Thủ tướng rằng hai thủy điện ĐN 6 + 6A được xây dựng sẽ không ảnh hưởng lớn đến các nội dung và tiêu chí xác lập VQGCT?

Câu hỏi chất vấn 3. Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT – MONRE):
Việc lấy chiếm hơn 50 héc ta rừng đặc dụng là vi phạm điều 7 của Luật Đa dạng sinh học và phải trình QH thông qua nếu là công trình an ninh-quốc phòng. Vậy vấn đề này Bộ đã xem xét và tham mưu chính phủ như thế nào?
Nếu xét thấy hai DTMs thực hiện chưa đạt yêu cầu, chưa thể hiện được ảnh hưởng cộng hưởng của việc nổ mìn, thi công và khai thác đá cũng như việc sẽ phá thêm rừng để mở ít nhất là 30km-40km đường mới và phát tuyến thi công đường dây tải điện,… những việc sẽ làm nguy hại nghiêm trọng đến an toàn của nhiều loài quý hiếm đặc hữu và mất mát những gen gi truyền quý? Vậy Bộ có thực hiện trách nhiệm của mình bằng cách không thông qua DTMs lần này không?

Câu hỏi chất vấn 4. Bộ VH-TT-DL (MOCST):
Bộ đã công nhận di chỉ Óc Eo ở khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay Bộ có chủ trương tiếp tục khai quật các di tích còn lại ở lòng đất để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Vậy việc xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6 sẽ có thể chôn vùi và làm mất đi những cơ hội tiềm năng cho việc phát hiện và công nhận các di tích mới nhất là những di tích, di sản của người Mạ cổ dọc sông Đồng Nai, vậy Bộ trưởng có nhận xét và ý kiến gì về vấn đề này?

Câu hỏi chất vấn 5. Bộ Ngoại giao (MOFA):
Việc thi công xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6 tại rừng đặc dụng-vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar quốc tế và đang chuẩn bị chờ thẩm định để được UNESCO công nhận là Di sản thế giới là vi phạm vào các Công ước và cam kết quốc tế của chính phủ Việt Nam: Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Ramsar, Công ước bảo vệ di sản. Vậy Bộ sẽ ý kiến định hướng như thế nào về việc xây dựng dự án vi phạm cam kết quốc tế này? 

Các câu hỏi chất vấn bổ sung:

Câu hỏi chất vấn 6 - Đã tính toán khả năng động đất như thế nào? Vấn đề động đất kích thích do tích nước hồ chứa? Cơ sở khoa học nào bảo đảm rằng các đứt gãy sụt lún này trong tương lai không có động đất?

Câu hỏi chất vấn 7. Tại sao lại cho phép 2 nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A quá gần nhau như vậy (~9km?), cơ sở khoa học?

Câu hỏi chất vấn 8 - Tại sao hầu hết các nước trên thế giới đều ngưng phát triển thủy điện vì cái "lợi bất cập hại" về tài nguyên - môi trường, hệ sinh thái tự nhiên và môi trường nhân văn mà Việt Nam vẫn làm?

Câu hỏi chất vấn 9: Khi cho phép xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã tính toán "khả năng chịu tải" của Hệ sinh thái lưu vực và khả năng chịu tải môi trường lưu vực chưa? kết quả ra sao?

Câu hỏi chất vấn 10: Nếu cho phép triển khai 02 dự án này, thì hai con đường thi công sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho lâm tặc xâm nhập vào vùng lõi từ phía vùng đệm và ngoài vùng đệm của VQG Cát Tiên. Rồi khi xây dựng nhà máy và đập tích nước sẽ ảnh hưởng xấu nghiêm trọng (về nguồn nước, lượng nước, về sự chết dần chắc chắn của khu Ramsar Bàu Sấu…) đến môi trường VQG Cát Tiên, đặc biệt là vùng lõi. Cần có các khảo sát đánh giá thêm hết sức thận trọng. Việc này ai quyết định, thế nào?

Câu hỏi chất vấn 11: Đánh giá tác động môi trường do sử dụng Vật liệu nổ công nghiệp. Tổng lượng thuốc nổ sử dụng khi thi công 2 Dự án khoảng 850 tấn. Vậy đã lưu ý đủ các yếu tố cụ thể và tác động của nó tới khu bảo tồn thiên nhiên chưa?
Ngoài ra, ĐTM của cả hai Dự án đều sử dụng kết quả quan trắc môi trường khi nổ mìn của 02 mỏ đá XD ở Phước Tân-Đồng Nai và cụm mỏ đá XD Tân Đông Hiệp - Bình Dương làm căn cứ lập báo cáo ĐTM là khiên cưỡng vì điều kiện rất khác nhau. Hiện nay ở Tân Đông Hiệp đang khai thác xuống sâu hàng trăm mét và sử dụng kíp vi sai phi điện điều khiển nổ. Yêu cầu phải làm lại ĐTM!
Cả hai hình vẽ cùng số hiệu: " Hình 37: Phạm vi lan truyền tiếng ồn do nổ mìn" trong 02 Báo cáo ĐTM đều có sự nhầm lẫn căn bản về chuyên môn! Phải làm lại!

Câu hỏi chất vấn 12: Khối lượng đá xây dựng các lọai và cát sử dụng của 2 DA thủy điện này là rất lớn (hàng triệu m3). Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa chỉ rõ vị trí khai thác đá; vị trí khu vực nghiền sàng đá và cát nhân tạo (đá mi thay cát); lượng thuốc nổ để khai thác đá khỏang bao nhiêu tấn (khai thác 01 m3 đá cần khỏang 0,4 kg thuốc nổ, vậy cứ khai thác 1 triệu m3 đá sẽ sử dụng thêm khỏang 400 tấn thuốc nổ nữa); thuốc nổ để mở hàng chục km đường mới là bao nhiêu?…
Nếu chủ thầu XD thủy điện mua đá của các mỏ gần nhà máy thì các mỏ này phải nâng công suất khai thác bất thường trong khỏang 2 năm, nghĩa là lượng thuốc nổ, dầu… sử dụng cũng tăng tương ứng. Chủ đầu tư và Tư vấn tại sao chưa có tính toán? Nếu các mỏ này nằm trong phạm vi VQG Cát Tiên thì cần phải có ĐTM bổ sung phù hợp!  

1 comment:

  1. Hai tuyến đường thi công TĐ ĐN 6 và ĐN 6A này như hai mũi dao chọc thẳng vào trái tim của VQG CT. Trong 3-4 năm thi công, các khu rùng gần nhà máy sẽ bị tàn phá. Khi hồ thủy điện tích nước, lâm tặc sẽ không tha bất cứ cây gỗ quý nào. Chúng chỉ cần cưa, đẩy xuống hồ, nhẹ nhàng kéo qua bờ bên kia là có sẵn đường vào nhà máy vận chuyển ngon ơ. Chắc chắn khi đó máu anh em kiểm lâm và bảo vệ của VQG sẽ đổ nhưng cũng không thể giũ được rừng. Ai có thể cam kết giữ được rừng vùng lõi khi giao thông thủy bộ quá thuận lợi.

    ReplyDelete