Biến đổi khí hậu là chuyện nhãn tiền cần đối phó (25/06/2013) |
Biến đổi khí hậu là chuyện nhãn tiền ở ngay trên đất nước ta, trong cuộc sống của tất cả nhân dân ta, chứ không phải chỉ là những nội dung sáo mòn được lặp đi lặp lại nhiều lần trên sách báo hay trên diễn đàn các cuộc hội thảo khoa học.
|
Biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả khôn lường
Chúng ta thường nghe nói rất nhiều về hiểm họa của biến đổi khí hậu (BĐKH): nhiệt độ trái đất tăng cao, băng tan ở hai địa cực và mực nước biển dâng lên, dân số tăng quá mức, các sinh cảnh bị thu hẹp, đa dạng sinh học suy thoái, sự xâm nhập có hại của các loài động thực vật ngoại lai, sức ép của công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ thông tin... Tất cả mọi người đã được nghe và hầu hết đều thản nhiên coi đó là chuyện xa xôi, chuyện của ai đó, chẳng liên quan gì đến mình. Đúng như câu ngạn ngữ "Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”.
Một thế giới đang thay đổi
BĐKH đang là hiểm họa nhãn tiền với mọi dân tộc trên thế giới và liên quan trực tiếp đến đời sống của mỗi chúng ta, cho các thế hệ con cháu chúng ta trên mảnh đất này.
Trong thế kỷ 21 bão nhiệt đới sẽ tăng lên cả về số lượng và cường độ (10-20%), hiện tượng El Nino và La Nina tăng hơn cả về tần suất lẫn cường độ. Mưa nhiều hơn, bão lụt nhiều hơn, điều mà chúng ta đã tự nhận thấy trong suốt những năm gần đây. Trong khi đó mùa hè thường nóng gắt tại nhiều nơi trên Trái đất dẫn đến nạn hạn hán nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, trong đó có cả nước ta. Tầng ozôn- nơi hấp thụ tới 90% tia tử ngoại của bức xạ Mặt trời- bị bào mòn và phá thủng tại một số nơi (ở Nam cực và Bắc cực) làm cho các nước phát triển phải ký kết các hiệp ước cắt giảm phát thải khí nhà kính, nhất là phải thay thế CFC bằng các khí khác trong các thiết bị làm lạnh.
Người ta tiên lượng là năng suất cây trồng ở châu Á sẽ bị giảm 2,5-10% vào những năm 2020 và giảm 5-30% vào những năm 2050. Do tốc độ thoát hơi nước tăng nên chỉ số tăng trưởng sinh khối của cây rừng giảm đi. Nhiều cây gỗ quý do bị khai thác quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt (gụ, lim, lát, nghiến, pơmu, trắc...). Rất nhiều cây dược liệu quan trọng sẽ bị người dân nước ta và người nước ngoài đến khai thác đến tuyệt chủng (điển hình như cây Bảy lá một hoa -Paris polyphylla- có tác dụng chống ung thư và nhiều cây khác)
Hiện tượng El Nino làm giảm sút nhanh chóng số lượng ấu trùng cá. Chuỗi thức ăn trong nước biển bị rối loạn do BĐKH. Nhiệt độ bề mặt nước tăng lên làm hàm lượng ôxy trong nước hạ thấp xuống và làm quá mức chịu đựng của một số loài hải sản.
Cảnh báo cho Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học đứng thứ 16 trên thế giới, với trên 75 loài duy nhất chỉ Việt Nam mới có. Nhưng thật đáng tiếc, theo nguồn tin từ Cục Bảo vệ Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới cho hay, chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 1996 đến năm 2006, những loài động, thực vật bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam đã tăng đến mức báo động, từ 709 lên 857 loài.
Những loài như tê giác 2 sừng, heo vòi, cầy rái cá... đã bị tuyệt chủng hoàn toàn. Những loài hươu sao, cá chép gốc, cá sấu hoa cà... cũng tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên, chỉ tồn tại ở trạng thái nuôi dưỡng một vài cá thể. Mặc dù đa số biết đến khái niệm tuyệt chủng, song họ đều nghĩ rằng những loài động thực vật quý hiếm đang suy giảm là do bị săn bắn, bị mất nơi cư trú... chứ chẳng liên quan gì đến việc họ "ăn đặc sản” hay dùng chúng làm thuốc bổ, đồ trang sức...
Trước mối đe dọa mất mùa, thiên tai, suy giảm đa dạng sinh học chúng ta cần có những giải pháp vĩ mô và vi mô. Giải pháp vĩ mô là thực hiện các cam kết quốc tế về Bảo vệ môi trường mà nước ta đã tham gia ký kết. Giải pháp vi mô gồm rất nhiều giải pháp cụ thể thích hợp cho từng lĩnh vực. Về nông lâm nghiệp đó là duy trì và bảo tồn các giống bản địa (ví dụ như giống ngô thích nghi với tình trạng ít nước, ít phân đang gieo trồng trên cao nguyên đá Đồng Văn), các giống động thực vật quý hiếm; bảo vệ nghiêm ngặt rừng và các Vườn Quốc gia, các Khu dự trữ sinh quyển, nghiêm cấm nuôi, săn bắt và tiêu thụ các động vật quý hiếm; thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch trồng mới 5 triệu ha rừng; lựa chọn hoặc nhập khẩu có chọn lọc các giống cây trồng vừa có năng suất cao, có phẩm chất tốt lại kháng sâu bệnh, kháng hạn, kháng úng....
Nghiêm cấm sử dụng các thuốc trừ sâu nguy hiểm cho người, gia súc, gia cầm, thay thế bằng các trừ sâu sinh học, chấm dứt việc nhập khẩu các nguyên liệu có thể sản xuất trong nước (ngô, bông, thuốc lá, đường, khô dầu đậu tương, hạt điều...).
Về ngư nghiệp cần thực hiện các biện pháp nuôi thả bền vững đối với các thủy vực nuôi cá, nuôi tôm, có kế hoạch mở rộng canh tác biển (trồng hải tảo trên các "luống” căng bằng dây thép)...
Về xây dựng cơ bản cần thiết kế các nhà chống chịu được gió bão và lũ lụt (hiện đã có mô hình căn nhà hai tầng chịu được gió cấp 12 với giá khoảng 25 triệu đồng). Cấm xây nhà tại các nơi có nguy cơ sụt lở đất (ven núi, ven sông, ven biển), trồng cỏ Vertiver hoặc xây kè chống sụt lở (như ven các đường cao tốc ở Trung Quốc)…
Về công nghệ cần xây dựng tập trung cho ngành Công nghệ sinh học để nâng cao sản lượng và chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; không xuất khẩu quá nhiều gạo nếu có thể thay thế bằng nông sản khác có giá trị cao hơn; chế biến ngô khoai sắn thành các sản phẩm lên men có giá trị kinh tế rất cao (dược phẩm, chất điều vị, enzim, axit hữu cơ, dung môi…). Kiên quyết xử lý rác theo biện pháp tái chế để thay thế hoàn toàn cho phương pháp chôn lấp (như mô hình tái chế 90% rác tại Huế)...
Chúng ta đang đối mặt với BĐKH và phải khẩn trương tiến hành một cách bền vững và khoa học với hàng loạt các biện pháp trước mắt và lâu dài.
GS.Nguyễn Lân Dũng
|
No comments:
Post a Comment