Thursday, June 20, 2013

Loạt bài Đồng Nai sông ký sự hưởng ứng ngày Báo chí Việt Nam

Đồng Nai sông ký sự: Những “lát cắt” trên sông (Kì 1)Đập dâng thuỷ điện Đồng Nai 4 và đoạn sông sau đập bị chết do chuyển nước. Ảnh: N.T-L.Đ.D.

Đồng Nai sông ký sự: Những “lát cắt” trên sông (Kì 1)

(LĐ) - Số 139 - Thứ năm 20/06/2013 08:45
    Lời toà soạn: Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A do Tập đoàn Đức Long - Gia Lai làm chủ đầu tư kéo dài đến nay đã 6 năm trời. Gần đây, trên công luận, tại các hội nghị, hội thảo và đặc biệt là trên nghị trường Quốc hội, “câu chuyện” thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A đã trở nên nóng bỏng.
    Nhiều người phản đối quyết liệt vì nó tác động xấu đến môi trường, xâm hại nghiêm trọng đến Vườn quốc gia Cát Tiên, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của cư dân hạ lưu sông Đồng Nai... Song cũng không ít người lại lên tiếng ủng hộ vì cho rằng chủ đầu tư đã nỗ lực tới mức tối đa để giảm thiểu tác động môi trường, rằng cái gọi là rừng nguyên sinh trong khu vực thuỷ điện thực chất chỉ là rừng nghèo, rằng phải giải quyết có lý, có tình bài toán giữa đầu tư phát triển với bảo vệ môi trường mới mong thoát đói, thoát nghèo...

    Còn những người thận trọng, khách quan hơn thì cho rằng, cần đảm bảo hài hoà các lợi ích giữa Nhà nước - người dân - chủ đầu tư - bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có vẻ như câu chuyện thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A không chỉ đơn giản có “3 nhánh” ý kiến như vậy. Dường như các nhà quản lý có trách nhiệm quyết định số phận của dự án này đã khá lúng túng và chịu sức ép khá nhiều của dư luận khi họ đưa ra những đánh giá và kết luận một cách dứt khoát về số phận của dự án này.

    Đây cũng là lý do để dự án này bị “treo” đến 6 năm nay và chưa thấy có hồi kết. Nhà đầu tư như ngồi trên lửa vì dự án càng kéo dài, tiền của họ bỏ ra đánh giá tác động môi trường càng bị “treo” theo năm tháng. Rồi các địa phương, người dân nơi có nhà máy và các vùng lân cận cũng thấp thỏm không yên.

    Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc và công luận một bức tranh tổng thể, trung thực, khách quan về dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, phóng viên Báo Lao Động đã có một chuyến đi thực tế dọc sông Đồng Nai - nơi có tới 14 dự án thuỷ điện lớn nhỏ đã và đang được xây dựng - để tận mắt thấy, tai nghe những tác động môi trường, hệ luỵ của ô nhiễm, thay đổi của dòng chảy..., lắng nghe những ý kiến mong muốn của người dân và lãnh đạo nơi dự kiến đặt nhà máy.

    Đồng thời, báo Lao Động cũng sẽ đăng tải các ý kiến nhiều chiều của các địa phương, cơ quan chức năng có liên quan đến dự án với một mục đích duy nhất: Cần sớm quyết định dứt khoát số phận của dự án đã kéo dài quá nhiều năm nay và tốn kém quá nhiều công sức của chủ đầu tư, các nhà khoa học, các địa phương, các cơ quan quản lý và công luận.

    Kỳ 1: Những “lát cắt” trên sông

    Đồng Nai - con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Như bao con sông khác, dòng chảy của sông Đồng Nai đang hoà cùng dòng phát triển của đất nước qua việc phát điện, tưới tiêu… Nhưng rồi, quá trình đó cũng nảy sinh tranh cãi giữa con người về việc làm nên lợi ích từ dòng sông mà nhiều khi chính nó mới trả lời được. Và đây là câu chuyện “đánh đổi” giữa sự phát triển với sự mất mát; câu chuyện về một phần số phận của dòng sông…

    Ánh sáng

    Sông Đồng Nai có tổng diện tích lưu vực là 38.160km2, dài 610km, chảy qua 11 tỉnh, thành phố như Lâm Đồng, Đắc Nông, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM... Ngày 19.11.2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch khai thác bậc thang thuỷ điện sông Đồng Nai với tổng cộng 16 bậc thuỷ điện. Từ cao nguyên xuôi xuống, bây giờ có thể gặp rất nhiều nhà máy thuỷ điện với quy mô lớn.

    Nhánh chính của sông Đồng Nai có tới 9 bậc thuỷ điện, được Chính phủ quy hoạch theo thứ tự từ cao xuống thấp, gồm: Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5, 6, 8 và thuỷ điện Trị An. Nhánh La Ngà bắt nguồn từ TP.Bảo Lộc của Lâm Đồng có 3 bậc thuỷ điện, gồm Bảo Lộc, Hàm Thuận, Đa My. Nhánh sông Bé bắt nguồn từ tỉnh Bình Phước hợp lưu với sông Đồng Nai, sau hồ Trị An, cũng có 3 bậc thuỷ điện, gồm Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng.

    Từ ngày được Thủ tướng phê duyệt đến nay, trong 16 bậc nói trên chỉ còn thuỷ điện Đồng Nai 6 và 8 là chưa được triển khai. Còn lại, 14 bậc đã hoàn thành hằng năm đem về công suất điện lên tới 2.632MW cho quốc gia, sản lượng lên tới 10,5 tỉ kWh. Cạnh yếu tố tích cực này, với thuỷ điện Đa Nhim, có diện tích lòng hồ rộng khoảng 1.100ha, dung tích 165 triệu mét khối nước, trong đó có 5% lượng nước được chuyển dòng về phục vụ tưới cho tỉnh khô khát nhất nước là Ninh Thuận.

    Thuỷ điện Đại Ninh với 2.000ha mặt nước, dung tích 320 triệu mét khối, chuyển 7% lượng nước cứu hạn cho vùng có nguy cơ sa mạc hoá ở Bắc Bình và bắc TP.Phan Thiết (Bình Thuận), hàng chục ngàn hécta đất nông nghiệp được hưởng lợi. Quá trình này cũng đem lại lợi ích về dân sinh và cơ sở hạ tầng cho những vùng toạ lạc. Đây chính là những mặt tích cực về lợi ích của hệ thống sông Đồng Nai.

    Đập tràn của thuỷ điện Đồng Nai 4. Ảnh: N.T-L.Đ.Dũng
    Và những khoảng tối…

    Đi qua thuỷ điện Đồng Nai 3, có gần 1km dòng sông bị “chết” do nước được chuyển qua hệ thống đường ngầm rồi mới trả về sông chính. Tại hồ thuỷ điện Đồng Nai 4, một thân đập cao sừng sững đến 128m - chỉ sau thuỷ điện Sơn La, Bản Vẽ - được xây dựng để ngăn nước. Sau đập này cũng có khoảng 4km sông bị chết hẳn do nước bị chuyển qua lòng núi. Cây cầu mà chúng tôi đi qua bỗng dưng cao vời vợi vì nước đã cạn kiệt. Những khúc sông ở sau thân đập giờ chỉ còn là những con lạch đầy phèn, mà mùa này “con nước” không còn đủ sức đẩy cho một chiếc thuyền giấy của trẻ con. Các loại thuỷ sinh, mặc nhiên không có khả năng tồn tại.

    Theo một số chuyên gia thuỷ điện, hệ luỵ này là do quá trình tính toán xây dựng trước đây chỉ quan tâm đến hiệu suất điện năng, mà ít quan tâm đến yếu tố trả nước cho sông mẹ để phục hồi môi trường thuỷ sinh. Bên cạnh những đập nước và lòng hồ thuỷ điện Đồng Nai, những vách núi và hầu hết những ngọn đồi đã không còn rừng, màu xanh từ cây bụi vẫn đang nhẫn nại “mở đường” cho dòng sông phát sáng. Từ vùng thượng lưu xuống vùng trung lưu của dòng chính sông Đồng Nai, hầu hết dân cư thưa thớt; hai bên lòng sông là vách núi dựng đứng. Quá trình này và ngay từ đầu, đã ít nhiều tác động đến sinh cảnh của Vườn Quốc gia Cát Tiên, chỉ có điều đến nay đã không có mấy ai quan tâm nhắc đến.

    Kỳ thực, tác động đến Vườn Quốc gia Cát Tiên còn có nhiều yếu tố “lịch sử” của vùng này. Từ cuối thập kỷ 70, làn sóng di dân từ phía bắc đã tạo mới và phân bổ lại cơ cấu dân cư toàn vùng, liên quan đến các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, trong đó có nhiều ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tại vùng lõi của vườn, hiện nay đã có hàng ngàn hộ dân sinh sống lâu năm, gồm cả đồng bào bản địa và dân nhập cư mà trong quá khứ, họ cũng từng vô thức tác động đến tài nguyên của vùng trong bàng quan của chính quyền ngày đó. 

    Toàn vườn hiện đã hình thành nên những “vườn quốc gia điều” và một số cây trồng khác, rộng trên 2.500ha, ở vùng lõi và vùng đệm. Loại cây trồng này vốn cho giá trị kinh tế thấp mà người dân vốn nghèo không có chọn lựa nào khác. Trong đó và tại vùng trung lưu của sông Đồng Nai, khó khăn nhất là khu Cát Lộc (khu A, khu B là khu Nam Cát Tiên) gồm các xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên) và Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

    Có hơn 2.000 người dân sinh sống trong vùng lõi này, phần lớn là đồng bào dân tộc Châu Mạ, Stiêng. Hiện trạng rừng ở khu Cát Lộc đã bị tác động, xâm lấn nhiều. Đời sống đồng bào khu vực này còn nhiều khó khăn: Đối với xã Đồng Nai Thượng tỉ lệ hộ nghèo chiếm 45,53% (148 hộ), thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/năm, trình độ dân trí thấp; đối với xã Phước Cát 2, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 40,87% (230 hộ), thu nhập bình quân đạt 19 triệu đồng/người/năm.

    Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng kém, trở ngại giao thông, kinh tế chủ yếu dựa vào vườn điều, lúa, bắp, và khai thác lâm sản (măng, tre, nứa, mây...) Hiện các xã Đồng Nai Thượng và Phước Cát 2 đã chuyển đổi khoảng 2.627ha đất rừng sang đất trồng cây công nghiệp, nông nghiệp lâu năm và ngắn hạn. Điều này một mặt giống như “hợp thức hoá” những tác động vào vườn Cát Tiên trong quá khứ; cũng mở ra hướng đi mới cho một vùng nghèo khó.

    Tiến trình này diễn ra khá tương đồng với “lịch sử” mất rừng như ở vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên... trước đây vậy.

    Nuôi cá bè trên sông Đồng Nai đang gây ô nhiễm nặng. Ảnh: H.A.C

    Hạ lưu cũng gồng mình vì ô nhiễm

    Dọc thượng lưu sông Đồng Nai đã chịu ảnh hưởng từ việc xây dựng thuỷ điện. Không khá hơn, phía hạ du, hàng triệu người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM cũng đang phải chịu khổ sở theo một cách khác. Hằng ngày, một lượng ô nhiễm đồ sộ thải ra từ các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở y tế và nước thải sinh hoạt... đang làm ngập ngụa bẩn cả dòng sông, tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người.

    Từ nhiều năm nay người dân TP.Biên Hoà có thói quen xả thẳng nước thải sinh hoạt ra sông, suối, do chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt; nghiêm trọng nhất là khu vực suối Linh, suối Săn Máu. Người dân sống bấp bênh trên sông Cái, sông Đồng Nai (các đoạn đi qua P.Thống Nhất, P.Long Bình Tân, P.Tân Mai, xã Hiệp Hoà, thuộc TP.Biên Hoà) còn trực tiếp sản xuất, xả thải sinh hoạt ra sông.

     Theo thống kê, hiện có trên 850 bè cá của gần 400 hộ dân tập trung tại khu vực này, khiến tình hình ô nhiễm trở nên trầm trọng do mật độ bè cá, số lượng cá và số hộ dân sinh sống trên sông ngày càng dày đặc; trong số này có khoảng 190 hộ sống trực tiếp trên bè, nước thải sinh hoạt được đổ trực tiếp xuống sông. 
    Chính từ thói quen đó, nhiều năm qua, dân làng bè Tân Mai đã phải chịu cảnh khốn đốn do cả trăm tấn cá chết hàng loạt, do mật độ lồng nuôi dày đặc, vượt mức quy định cùng nước thải sinh hoạt của người dân sống trên bè và tàu thuyền... làm môi trường ô nhiễm nặng, khiến dịch bệnh bùng phát trên đàn cá. 

    Riêng tại tỉnh Đồng Nai, kết quả quan trắc hằng tháng cho thấy mức độ ô nhiễm nghiêm trọng tại một số khu vực hạ lưu sông Đồng Nai như: đoạn từ cầu Hoá An tới cầu Đồng Nai; khu vực giữa làng cá bè, cống thải nhà máy giấy Tân Mai và bến đò An Hảo. hàm lượng các chất hữu cơ, sắt và vi khuẩn gây bệnh đều vượt quy chuẩn. Chất lượng nước hợp lưu suối Săn Máu, hợp lưu suối Linh cũng chỉ đạt mục đích sử dụng cho giao thông thuỷ, còn lại rất nguy hại đối với con người vì mang nhiều mầm bệnh.

    Đoạn sông Buông đến hợp lưu sông Sài Gòn với sông Đồng Nai cũng đang bị ô nhiễm không kém. Đi qua xã Tam An, xã Long Tân hay rạch Nước Trong... người dân không thể ngửi nổi, bởi dòng nước ở đây hôi hám, đục ngầu.

    Ông Trương Văn Vở - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đồng Nai: Nên dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Trao đổi với Lao Động bên lề Quốc hội  về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Trương Văn Vở  cho rằng: Để xây dựng hai thủy điện này sẽ có hơn 372 hécta rừng bị mất, trong đó có gần 137 hécta vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên và gần 144 hécta thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Hiện phía thượng nguồn dòng sông này đã có 5 nhà máy thủy điện bậc thang, chúng đua nhau tích nước làm tình trạng thiếu nước trên sông Đồng Nai đã trở nên nguy cấp, khiến tình trạng xâm mặn phía hạ lưu  trở nên gay gắt, đe dọa an ninh lương thực cũng như an sinh xã hội trên lưu vực sông này. Nếu nay thêm 2 nhà máy thủy điện này nữa thì tình hình càng trở nên trầm trọng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị: Các cơ quan chủ quản cho dừng triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.    D.H ghi

    Khi phóng viên Báo Lao Động đặt vấn đề: Trong Luật Bảo vệ môi trường có nói đến vấn đề sử dụng nước đầu nguồn phải xin phép các tỉnh ở hạ lưu. Quy định này có được áp dụng trong trường hợp này không? Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng: Chúng ta phải xem lại quy định như thế nào là có xin phép các tỉnh hạ lưu không. Các tỉnh hạ lưu hoàn toàn có quyền lên tiếng vì những tác động này. Ví dụ như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tác động xuống dưới về mặt môi trường chủ yếu là các tỉnh phía dưới, nên Đồng Nai và các tỉnh khác họ có ý kiến là vì lý do thế. Nhưng các tỉnh đặt các công trình thủy điện đấy họ cũng có lý của họ vì họ có nguồn thu ngân sách nên những tỉnh có công trình này thì họ ủng hộ, còn những tỉnh ở dưới chịu tác động thì họ không ủng hộ. Đấy là những vấn đề phải được xem xét cho thật thấu đáo.    Anh Đào ghi
    Nguồn: http://laodong.com.vn/Phong-su/Dong-Nai-song-ky-su-Nhung-lat-cat-tren-song-Ki-1/122600.bld

    No comments:

    Post a Comment