Đừng “chà đạp” thiên nhiên nữa!
Thứ Năm, 13/06/2013 23:30
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam tiếp tục kiến nghị không nên cho triển khai 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do thiệt hại quá lớn và không thể bù đắp
Ngày 13-6, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của Quốc hội và Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ý kiến phản biện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đây là các ý kiến phản biện từ các nhà khoa học là thành viên VRN cũng như nhiều viện - trường và chuyên gia của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên - nơi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 2 dự án.
Nói dối
VRN khẳng định 2 dự án này đã không minh bạch ngay từ đầu với những báo cáo ĐTM cắt dán và cố tình ngụy biện để đổi hại thành lợi. Trong văn bản mới đây gửi UBND tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư (Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai) cho rằng 2 dự án chỉ chiếm 137 ha của VQG Cát Tiên (trong tổng diện tích hơn 370 ha đất rừng đặc dụng đầu nguồn sông Đồng Nai - PV), vị trí 2 bậc thang thủy điện Đồng Nai 6, 6A nằm ở rìa phía Bắc khu Cát Lộc của VQG Cát Tiên. Toàn bộ nhà máy, đường giao thông, đường dây đấu nối, khu phụ trợ phục vụ thi công đều nằm ngoài phạm vi của vườn, thuộc vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyền Đồng Nai…
Cây gõ đỏ hàng chục năm tuổi trong VQG Cát Tiên Ảnh: XUÂN HOÀNG
Tuy nhiên, theo TS Phạm Hữu Khánh, chuyên gia về đa dạng sinh học VQG Cát Tiên, thực tế vị trí xây dựng Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm bên trong khu rừng nguyên sinh thuộc vùng lõi VQG Cát Tiên với hệ sinh thái rừng đặc trưng và ít bị tác động. Ngoài ra, 2 công trình này đều có thiết kế nhà máy điện nằm ngay dưới chân đập, phía hạ du, hệ thống truyền tải điện từ nhà máy đến điểm đấu nối điện lưới quốc gia sẽ băng qua hàng chục km những cánh rừng nguyên sinh của VQG Cát Tiên. Như vậy, diện tích rừng và đất rừng sẽ bị mất gấp nhiều lần so với số liệu mà chủ đầu tư đưa ra.
Khu vực thực hiện dự án không có dân cư nên không cần di dân, tái định cư, đây là yếu tố được chủ đầu tư cho là ưu điểm lớn nhất của dự án. Tuy nhiên, khu vực không có dân cư này lại chính là VQG. Để thực hiện mục tiêu bảo tồn, nhà nước đã phải tốn rất nhiều kinh phí di dời dân ra ngoài ranh giới vườn. Theo VRN, nếu những nhược điểm này trở thành ưu điểm để xét duyệt dự án sẽ mở ra một phong trào xây dựng thủy điện trong các VQG, khu bảo tồn để… khỏi di dân, tái định cư .
Bôi xấu
Theo chủ đầu tư, trong số 372,23 ha diện tích đất rừng sử dụng 2 dự án này, hiện trạng 4,32 ha (1,16%) là rừng giàu, còn lại trên 98% (một báo cáo khác nói 95%) là rừng nghèo, lồ ô, hỗn giao và đất trống, bãi đá… Hình ảnh rừng nghèo luôn được chủ đầu tư xây dựng trong các báo cáo gửi cho cơ quan chức năng.
Thế nhưng, trong báo cáo ĐTM của dự án lại ghi nhận: Tại khu vực dự kiến xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, có 38 loài…, trong đó có 1 loài ếch mày gai mắt đỏ được ghi trong Sách đỏ thế giới ở mức độ chưa đủ dữ liệu và 9 loài bò sát được ghi nhận trong Sách đỏ thế giới (2011) và Sách Danh lục đỏ Việt Nam (2007)…, có 208 loài, thuộc 167 chi, 75 họ, 45 bộ của 3 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành dương xỉ, ngành hạt trần và ngành ngọc lan... “Dù đã cố tình hay vô ý bỏ qua khá nhiều giá trị đa dạng sinh học khác nhưng chính những thống kê trong ĐTM cho thấy vùng bị tác động không hề nghèo” - TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam, nhận xét.
Chưa kể, loài hoa trà Camellia longii vừa được các nhà khoa học Viện Sinh thái học Miền Nam phát hiện và thu thập ngay trong vùng dự án thủy điện Đồng Nai 6A và đến thời điểm hiện tại, khu vực này vẫn được xem là nơi duy nhất trên thế giới lưu giữ nguồn gien quý giá này. Những đánh giá khoa học của cộng đồng quốc tế khẳng định VQG Cát Tiên là trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) xếp hạng năm 2001), nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn - một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN xếp loại, là vùng chim đặc hữu Đông Nam Á (FFI xếp hạng năm 2003) với nhiều loài quý hiếm và có giá trị toàn cầu. Ấy thế nhưng vì lợi ích riêng, chủ đầu tư không ngần ngại quay lưng lại chê tài nguyên đất nước nghèo nàn, thậm chí chà đạp lên các giá trị của thiên nhiên bằng cách vẽ nó thành những bức tranh xám màu với chỉ đá và đất trống!
Thiệt hại cho đất nước
Tổng công suất của cả 2 dự án thủy điện là 241 MW. Với giả thiết là công trình vận hành hoàn hảo như báo cáo thì so với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 thì công suất này chỉ chiếm 0,321% (tới năm 2020) và 0,061% (tới năm 2030) tổng công suất quy hoạch. VRN nhận định phần đóng góp điện năng của 2 dự án này không đáng kể trong khi phần tác hại về môi trường, xã hội và sinh thái là quá lớn, không thể đánh đổi. Công suất này hoàn toàn có thể thay thế bởi các dự án năng lượng bền vững khác. Chẳng hạn, chỉ riêng tỉnh Bình Thuận, hiện nay đã có các dự án điện gió với tổng công suất 1.300 MW, hơn 6 lần công suất 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Từ đó, VRN kiến nghị các cơ quan chức năng không nên cho triển khai 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A và loại khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai do thiệt hại đánh đổi quá lớn, không thể bù đắp.
Thiếu khả thi
Ngày 13-6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang cho biết thông qua kết quả làm việc của Hội đồng Thẩm định báo cáo ĐTM và khảo sát thực tế tại hiện trường 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, hội đồng nhận thấy báo cáo ĐTM của các dự án này chưa thuyết phục, thiếu tính khả thi do chưa làm rõ được một số vấn đề về môi trường cũng như biện pháp giảm thiểu những tác động xấu của các dự án đến VQG Cát Tiên và môi trường ở hạ du. Bộ TN-MT đã có văn bản trả lại hồ sơ và đề nghị chủ đầu tư bổ sung, làm rõ.
T.Dũng
|
THU SƯƠNG
No comments:
Post a Comment