Thủy điện Mê Kông làm mất 500 triệu đô la Mỹ/năm
Ngọc Hùng
Thứ Hai, 3/6/2013, 17:05 (GMT+7)
Các đại diện của Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trong phiên thảo luận về tác động của đập thủy điện trên sông Mê Kông ngày 3-6. Ảnh: Ngọc Hùng
(TBKTSG Online) - Hiện ước tính mỗi năm các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiệt hại về kinh tế cho người dân sống hai bên lưu vực sông khoảng 500 triệu đô la Mỹ. Còn nếu 19 đập thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông xây dựng xong thì thiệt hại sẽ không thể xác định được.
>>> Bàn cách quản lý lưu vực sông Mekong
Ngày 3-6, tại Diễn đàn Mê Kông và đập thủy điện trên ba sông Sesan, Srepok và Sekong (3S) do Tổ chức phi chính phủ TERRA và Tổ chức Sông ngòi thế giới tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động môi trường đã có hơn 20 báo các tham luận. Chủ đề chính xoay quanh việc làm sao cứu được dòng sông Mê Kông trước hàng loạt đập thủy điện nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đất sản xuất nông nghiệp của người dân 6 nước có chung dòng Mekong chảy qua là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Theo các đại biểu tham dự diễn đàn, giờ này trên dòng sông chính Mê Kông và các nhánh sông đổ nước ra sông Mê Kông có hàng loạt đập thủy điện đã được xây dựng và đang có kế hoạch xây dựng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của 60 triệu người dân sống ở đây; trong đó, 80% phụ thuộc trực tiếp vào sông vì lương thực và sinh kế của mình.
Hiện có 19 đập thủy điện đã và nằm trong kế hoạch xây dựng trên sông chính Mê Kông, trong đó, 8 cái ở Trung Quốc với 5 đập đã đi vào hoạt động và 3 đập đang có kế hoạch xây dựng, 9 cái tại Lào và 2 cái ở địa phận Campuchia đang nằm trong dự án sẽ xây dựng của chính phủ. Đó là chưa kể, hàng chục thủy điện lớn nhỏ tại các nhánh sông của sông Mê Kông.
Vì thế, Tổ chức Sông ngòi quốc tế cho rằng, việc các chính phủ, người dân cần có chiến lược để cứu các dòng sông trên sông Mê Kông là một cách để bảo tồn những giá trị văn hóa hai bên dòng sông vốn tồn tại hàng trăm năm nay.
Theo Tổ chức Sông ngòi quốc tế, sông Mê Kông hiện có khoảng gần 1.000 loài cá, trong đó một phần ba các loài có đời sống di chuyển khoảng 1.000 km để kiếm ăn và sinh sản. Ở một số vùng, vào mùa sinh sản lượng cá di chuyển có thể lên đến 3 triệu con mỗi giờ, khiến sông Mê Kông trở thành vùng di cư lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông về đánh giá môi trường chiến lược của các đập thủy điện trên sông Mê Kông cho biết, hệ thống các đập thủy điện đã khiến các dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Kông trở thành các hồ chứa nước tù động. Sự xuất hiện của các đập thủy điện đã ngăn chặn sự di cư của các loài cá cũng như làm thay đổi môi trường tự nhiên của chúng.
Qua kết quả nghiên cứu này, Ủy hội sông Mê Kông cho rằng, từ những ảnh hưởng nêu trên đã khiến lượng cá trên sông Mê Kông đã suy giảm 26-42%, dẫn đến thiệt hại khoảng 500 triệu đô la Mỹ/năm. Ngoài ra, có khoảng hơn 100 loài cá đứng trươc nguy cơ tuyệt chủng và an ninh lương thực của khoảng 2 triệu người bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể hàng triệu người sẽ phải hứng chịu các tác động lên nguồn lương thực, thu nhập và lối sống.
Cũng theo đánh giá này, nếu tất cả các đập thủy điện được xây dựng trên sông Mê Kông thì chất dinh dưỡng, trầm tích đổ vào ĐBSCL chỉ còn khoảng 25%, tức là giảm 75% dinh dưỡng, trầm tích so với trước đây và qua đó, gián tiếp ảnh hưởng đến vựa lúa và nông sản của Việt Nam. Như vậy, một khi vựa lúa ĐBSCL bị ảnh hưởng thì gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới vì 90% lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam là từ ĐBSCL.
Nguồn:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/97314/Thuy-dien-Me-Kong-lam-mat-500-trieu-do-la-My/nam.html
No comments:
Post a Comment