Rừng Tây nguyên “chảy máu”
(VOV) -Rừng Tây Nguyên đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ tận diệt.
- Vụ phá rừng lớn nhất ở Hà Tĩnh: Án tù 12 năm cho kẻ cầm đầu
- Hà Tĩnh xét xử vụ án phá rừng quy mô lớn
- Yêu cầu làm rõ thành tích giảm phá rừng 95% ở Đắc Lắc
Những khoảnh rừng tại 3 tiểu khu: 540, 544, và 547A, thuộc xã Ea Kiết, huyện Chư M' Nga, tỉnh Đắc Lắc, đã và đang bị lâm tặc, người dân triệt hạ không thương tiếc.
Đi sâu vào trong rừng, những cây cổ thụ cả vòng tay người ôm bị đốn hạ và đốt cháy nham nhở.
Những cây to lâm tặc chưa đốn hạ được thì bị đốt cháy quanh gốc để triệt hạ từ từ. Khắp trong rừng, đâu đâu cũng thấy ngổn ngang cây bị đốn hạ. Có những đám rừng cao trọc không còn bóng dáng một cây gỗ nào. Đối tượng phá rừng rất tinh vi, thường chỉ phá từng khoảnh nhỏ, không phá cùng một lúc, nên khi có phát hiện chính quyền cũng chỉ xử phạt hành chính rồi thả về. Sự việc cứ tiếp diễn hết năm này qua năm khác. Rừng vẫn âm ỉ chảy máu.
Không chỉ rừng ở huyện Chư M’Nga, mà hầu hết các địa phương có rừng ở tỉnh Đắc Lắc vẫn đang từng ngày bị triệt hạ. Chỉ tính từ năm 2008 đến năm 2012, toàn tỉnh Đắc Lắc có hơn 14.000ha rừng bị xóa sổ.
Những địa bàn được xem là điểm nóng về phá rừng là Vườn quốc gia Yók Đôn, các huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Chư M’Nga… Trong năm 2012 và 2 tháng đầu năm nay, tỉnh Đắc Lắc đã xử lý hơn 2.300 vụ vi phạm pháp luật về rừng, thu giữ hơn 4.000m3 gỗ các loại.
Tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên nói chung đang diễn ra hết sức ngang nhiên và công khai. Nhiều cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên giờ chỉ còn là những dải đồi trọc bất tận.
Hết các loại gỗ lớn, lâm sản quý, các đối tượng phá rừng đang khai thác một cách tận diệt. Mỗi khoảng rừng bị lâm tặc chặt lấy gỗ lớn, còn người dân thì tranh thủ đốt trụi để làm nương rẫy….
Anh Dương Văn Lự (Buôn H'Mông cũ, Xã Ea Kiết, Huyện Chư M’ Nga, tỉnh Đắc Lắc) thừa nhận: "Không thể nói, người dân không phá rừng nhưng mà chúng tôi chỉ chặt phá rừng ở gần suối thôi, còn trên núi cao đất xấu thì toàn là người ở nơi khác đến lấy gỗ".
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi năm các tỉnh Tây Nguyên để mất khoảng 25.000ha rừng.
Nạn phá rừng đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, trong khi các ban quản lý rừng, các lâm trường và lực lượng kiểm lâm vẫn không đủ năng lực để tìn ra giải pháp quản lý, bảo vệ lâm phần được giao.
Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thẳng thắn nhìn nhận:"Diện tích và trữ lượng rừng ở Tây Nguyên là giảm rất nhanh. Tình hình vi phạm pháp luật, nhất là trong việc phá rừng trái phép, khai thác gỗ quý diễn ra rất nghiêm trọng".
Cũng là địa phương nóng về tình trạng phá rừng, năm 2012, tỉnh Gia Lai đã phát hiện hơn 1.300 vụ, tăng 155 vụ so với năm 2011.
Từ đầu năm đến nay, địa phương này đã phát hiện 226 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong số những vụ phá rừng phát hiện quy mô lớn, có tổ chức đều do lực lượng công an khám phá hoặc do người dân báo trực tiếp đến chính quyền các cấp, còn các đơn vị chủ rừng và kiểm lâm địa bàn lại “không có thông tin”.
Ông Vũ Ngọc An - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho rằng: Người dân thì đua nhau phá rừng làm nương rẫy, còn lâm tặc thì lập cả đường dây phá rừng có quy mô, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ. Thậm chí, ngay cả doanh nghiệp được giao rừng cũng tìm cách tiếp tay phá rừng.
Thiếu tướng Trần Trung Tín - Cục trưởng Cục Kinh Tế - Bộ Quốc Phòng cho rằng: Cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, những cánh rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá cạn kiệt nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Trước thực trạng này, tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị "Bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên" ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) nhằm hoạch định những giải pháp cụ thể để bảo vệ rừng. Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương này nhanh chóng thành lập lực lượng Cảnh sát Lâm nghiệp, để kiên quyết đấu tranh với nạn phá rừng. Và trong khi chờ cơ quan chức năng thì rừng Tây Nguyên vẫn tiếp tục chảy máu./.
No comments:
Post a Comment