04/05/2013
Hòa giải, đồng thuận để đại đoàn kết *
Tống Văn Công
Cố
Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần nói “Ngày 30-4 có hàng triệu người vui,
nhưng cũng có hàng triệu người buồn”. Câu nói phản ánh hoàn cảnh lịch sử
khiến cho “đất nước đã thống nhất mà lòng người còn ly tán”. Ba mươi
tám năm qua hố ngăn cách đã hẹp lại theo chiều rộng, nhưng vẫn còn đôi
chỗ hun hút sâu, có thể thấy ở hai thành phố Hoa Kỳ (Garden Grove và
Orange County) nơi có đông người Việt nhất, đã ra nghị quyết không hoan
nghênh quan chức Việt Nam đến thăm, vì e có “rủi ro về an toàn” và “phải
trả dịch vụ cảnh sát cần thiết”. Ở trong nước, cũng dễ thấy không ít
biểu hiện thiếu đồng thuận. Đó là điều cần phải mau chóng khắc phục,
bằng cách mở nhiều kênh hòa giải, tìm sự đồng thuận, để đại đoàn kết
toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người
Việt Nam có lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc, mong muốn có cuộc
sống yên bình và giản dị “tay làm hàm nhai” và tôn trọng “mỗi cây mỗi
hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Tìm sự đồng thuận ở con người và xã hội Việt Nam
không quá khó, họ chỉ bất bình khi bị áp đặt chuyện không bình thường:
Cải tạo công thương nghiệp, nông nghiệp họ cảm nhận sự bất thường nên ùn
ùn bỏ ruộng, bỏ quê. Khi có khoán 10, khoán 100 là họ hăng hái biến đất
nước thành quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Do đó để có
đồng thuận, trước hết phải hòa giải, tức là tháo gỡ những vướng mắc
trong lòng người, làm cho họ thấy lợi ích của mình chắc chắn sẽ được bảo
đảm trong lợi ích chung của đất nước và nếu mình nỗ lực đạt hiệu quả
nhiều hơn cho đất nước thì mình cũng có phần được tăng lên. Sự đồng
thuận sẽ được nâng lên khi nhận thức mới được nâng lên, mỗi người sẵn
sàng chịu thiệt phần mình khi đất nước gặp khó khăn để có ngày mai tốt
đẹp. Nhìn lại một vài sự kiện đáng nhớ trong quá trình 38 năm hòa giải,
đồng thuận có thể rút ra nhiều điều bổ ích.
Giữa
lúc giới trí thức đang băn khoăn giữa chuyện ra đi hay ở lại với chế độ
mới thì xảy ra sự kiện bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, ở bệnh viện Từ
Dũ, từ chối đơn bảo lãnh sang Mỹ của chồng, để ở lại trị bệnh cứu giúp
đồng bào sau chiến tranh. Từ việc này khiến mọi người tò mò tìm hiểu và
thấy ra đã có mối quan hệ rất tốt đẹp giữa các bác sĩ “Việt Cộng” với
bác sĩ, y tá chế độ cũ. “Con đường chị đã chọn” (tựa đề bài viết
về chị Phượng) có tác động rất lớn cho sự hòa giải, góp phần trấn an
đông đảo trí thức, nhất là ngành y, để họ quyết định ở lại xây dựng cuộc
sống mới. Cũng khoảng thời gian ấy những sĩ quan chế độ cũ không thể
tin mình sẽ tìm được chỗ đứng trong xã hội mới. Giữa lúc đang nhấp nhổm
lo âu, họ bỗng nghe tin trung úy quân y Nguyễn Chấn Hùng vừa rời trại
cải tạo đã được nhận vào Trường Đại học Y và Bệnh viện Bình Dân. Ba mươi
tám năm qua, hai bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng và Nguyễn Chấn Hùng đã
khẳng định tài năng và tâm huyết trong công việc của mình và nhận được
sự tin cậy tuyệt đối trong chế độ mới. Chắc chắn hai điển hình này đã
góp phần không nhỏ cho hòa giải, tạo nên sự đồng thuận xã hội, nhất là
trong giới trí thức, sĩ quan chế độ cũ ở phía Nam.
Năm
2000, một sự kiện đáng nhớ là sự trở về của nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi được
nhà báo Lưu Trọng Văn mời ăn bữa cơm đón mừng ông. Hôm đó tôi hỏi động
lực nào giúp ông trở về, ông đáp: “Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện trở về
sau khi đọc bài thơ “Về thôi” của anh Lưu Trọng Văn viết tặng tôi. Nhưng
điều chủ yếu là nhận thấy chính sách văn hóa văn nghệ nay cởi mở rất
nhiều so với trước, đã cho phép được hát tình ca. Nguyện vọng cao nhất
của nhạc sĩ là có nhiều người đàn hát tác phẩm của mình. Một trong những
lý do ra đi của tôi là vì bài Bên cầu biên giới bị cấm phổ
biến”. Như vậy nhạc sĩ Phạm Duy muốn được trở về là do có sự đồng thuận
về văn hóa. Một nhân vật quan trọng khác là nguyên Phó Tổng thống Việt
Nam Cộng hòa, tướng Nguyễn Cao Kỳ về nước năm 2004. Nhiều lần trả lời
phỏng vấn vì sao một người suốt đời chống cộng như ông lại vui vẻ về
nước cộng tác với chế độ vốn đối nghịch với mình, ông Kỳ cho rằng nguyện
vọng của cả dân tộc là thống nhất đất nước, phía của ông thua trận
không thực hiện được thì phải biết tôn trọng những người chiến thắng.
Nhưng ông cho rằng điều quan trọng là hiện nay nước ta đã theo cơ chế
thị trường, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế, do đó đang tạo điều kiện
thuận lợi để đất nước phát triển và hội nhập quốc tế. Ông nói, mình
muốn đóng vai trò hòa giải dân tộc, để góp phần kêu gọi đầu tư xây dựng
đất nước. Như vậy có thể hiểu sự hòa giải thành công với những người như
ông Nguyễn Cao Kỳ và rất đông doanh nhân trong và ngoài nước, chủ yếu
là sự đồng thuận về tự do kinh tế. Sự đồng thuận đó đã tạo nên những
điều mà báo chí thế giới dự báo về “con rồng Việt Nam”, khi nước ta thu
hút vốn đầu tư mạnh mẽ cả trong và ngoài nước, dẫn đầu chỉ tiêu xóa đói
giảm nghèo của Liên Hiệp Quốc, vượt qua ngưỡng nước nghèo, bước vào nước
có thu nhập trung bình thấp. Ngay lúc ấy, đã có sự cảnh báo của các nhà
nghiên cứu trong và ngoài nước về “cái bẫy của thu nhập trung bình”.
Mấy năm qua, cho thấy sự cảnh báo ấy là có căn cứ, bởi nền kinh tế bị
khủng hoảng từ sự trì kéo chủ quan, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh
tế giẫm chân tại chỗ quá lâu, nạn tham nhũng đang thách thức một cách lì
lợm, nạn khiếu kiện đất đai vượt cấp chưa có điểm dừng. Trong khi đó từ
Biển Đông tiếng gầm rú của tàu chiến, thậm chí lác đác có kèm theo
tiếng súng đang uy hiếp sự lao động bình thường của hơn 4 triệu ngư dân
Việt Nam, những “cột mốc sống” chủ quyền trên biển. Hơn lúc nào hết đất
nước đang đòi hỏi phải khẩn trương tìm lời đáp cho hòa giải, đồng thuận
để đại đoàn kết toàn dân tộc đem lại sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc.
Lời giải thực ra đã có: “Đổi
mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp”
(Văn kiện Đại hội 11, trang 99), “Phát huy dân chủ và đại đoàn kết dân
tộc” (Văn kiện, trang 33). Công việc cụ thể để thực hiện vấn đề lớn lao
đó cũng đã có: Góp ý xây dựng Hiến pháp 1992 sửa đổi, và thực hiện Cải
cách tư pháp đến năm 2020 để có một nền tư pháp độc lập. Làm tốt các
việc trên chính là tìm ra sự đồng thuận chính trị, mở ra một thể chế dân
chủ tự do mà lâu nay còn bị ách tắc như chưa thực hiện được quyền lập
hội, quyền biểu tình… mà Hiến pháp 1992 đã ghi nhận. Đồng thuận về chính
trị sẽ là cái gốc để chúng ta tiếp tục phát huy sự đồng thuận về kinh
tế và văn hóa cao hơn nữa. Các quyền tự do, quyền con người nên được
hiểu theo nội dung phổ quát của nhân loại văn minh, tránh tìm cách quẩn
quanh để bó hẹp lại. Lâu nay, có quan điểm chỉ đạo “thông tin phải theo
định hướng”, nhưng ở trường hợp góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, lãnh đạo
đã có chủ trương là không có vùng cấm, do đó, những vấn đề còn có nhận
thức khác nhau rất nên tổ chức cho tranh luận công khai trên các phương
tiện truyền thông, để tạo ra đồng thuận từ sự tự giác nhận thức, tránh
tình trạng nói một chiều, gây ra kiểu đồng thuận áp đặt, mà kinh nghiệm
cho thấy kiểu dân chủ hình thức ở một số quốc gia làm tiềm ẩn, tích tụ
sự bất bình gây hậu quả rất xấu trong tương lai.
T. V. C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
* Bài đăng trên báo Lao động số kỷ niệm 30.4. và bị Tòa soạn bỏ một số đoạn. Đây là bản gốc chưa bị kiểm duyệt bỏ.
No comments:
Post a Comment