Thursday, May 2, 2013

LỖI TẠI THẰNG...CƠ CHẾ ??!

02/05/2013 10:51 GMT+7

Cầu vượt qua Đàn Xã Tắc: Sao không học Đà Nẵng?

- "Tại vị trí nút giao Ô Chợ Dừa, phạm vi thi công đủ rộng, lại cần được nghiên cứu phương án tránh Đàn Xã Tắc, tại sao Hà Nội không tổ chức 1 cuộc thi tương tự như Đà Nẵng đã từng làm?" - đc giả Hà An (Hà Nội) trăn trở xung quanh việc xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc.
Sự cần thiết phải xây dựng cầu vượt
Như đã từng cảnh báo, cầu vượt nhẹ hoàn toàn không phải là "cây đũa thần" trong việc xử lý vấn nạn UTGT, nó chỉ là các giải pháp tình thế trong hoàn cảnh thực tại của giao thông Thủ đô.
Tuy vậy, lẽ ra, việc qui hoạch cầu vượt cần phải được nghiên cứu, đề xuất rộng rãi, công khai, và phải trở thành một phần tất yếu của bài toán qui hoạch tổng thể về giao thông Thủ đô, ít nhất cũng thuộc tầm nhìn 10-15 năm.
Khi Hà Nội đầu tư kinh phí để xử lý "Ngã Tư khổ", người dân đã thực sự cảm nhận được sự thông thoáng của Ngã Tư Sở, sau khi cầu vượt qua đây được hoàn thành.  
Cầu vượt Ngã Tư Sở được thiết kế, bố trí theo hướng xuyên tâm, để đảm bảo dòng xe chính (có lưu lượng lớn nhất qua nút) từ trung tâm Thủ đô ra hướng Hà Đông (và ngược lại).
Theo nguyên lý, khi giảm bớt được xung đột qua nút giao, vận tốc xe chạy theo hướng có cầu vượt được đảm bảo, nút giao đó sẽ hết tắc, tuy vậy, dòng xe này lại chạy nhanh đến nút giao kế tiếp.
Trong trường hợp, các phương tiện sau khi qua khỏi nút được thiết kế, qui hoạch chạy theo nhiều hướng khác nhau, theo dạng đường "xương cá", hoặc nút giao tiếp theo cũng được áp dụng khác mức, thì tắc đường sẽ không xảy ra ở nút giao kế tiếp.
Đàn Xã Tắc, cầu vượt, Hà Nội, chuyên gia, Ô Chợ Dừa
Nên xây cầu vượt, nhưng cần cân nhắc các giải pháp thiết kế, qui hoạch
Rõ ràng, do mạng lưới đường từ nút giao Ngã Tư Sở đến ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc không được cải tạo theo hướng phân bổ dòng xe chạy theo hướng xuyên tâm, nên toàn bộ "nỗi khổ" của Ngã Tư Sở, đã được chuyển về ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc.
Chính vì lẽ đó, cầu vượt nhẹ đã được bố trí tại ngã tư này, và nó đã một lần nữa giải quyết được nỗi bức xúc của người dân thường xuyên phải đi qua đây.
Ngay từ khi mới thông xe cầu vượt nhẹ ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc, tác giả đã có cảnh báo rằng, nút giao kế tiếp là Ô Chợ Dừa sẽ thường xuyên xảy ra ùn tắc, không nằm ngoài quy luật này.
Nếu không xây dựng cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa, hiện tượng UTGT sẽ lại là "nỗi khiếm đảm" của những người thường xuyên tham gia qua nút giao này trong giờ cao điểm.
Và lẽ tất nhiên, họ phải chịu nhiều phiền toái, tốn kém... khi phải tiếp tục chịu đựng cảnh UTGT, vì họ không thể không qua ngã tư này, do công việc, nhu cầu thường ngày.
Mặc dù vậy, việc xây cầu vượt qua nút giao Ô Chợ Dừa lại đang vướng vào cuộc tranh luận trái chiều của các nhà khoa học.
Nên, nhưng cần cân nhắc
Cơ quan tư vấn đã đưa ra 5 phương án để có thể so sánh, lựa chọn. Các phương án cũng đã phân tích, chỉ rõ tính ưu việt, trong đó, cũng đã tính đến việc giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc.
Tuy nhiên, cả 5 phương án đều là cầu vượt, hoặc hầm theo hướng trực thông theo Vành đai 1.
Đàn Xã Tắc, cầu vượt, Hà Nội, chuyên gia, Ô Chợ Dừa
"Tại sao Hà Nội không tổ chức 1 cuộc thi tương tự như Đà Nẵng đã từng làm?" - độc giả Hà An trăn trở.
Về nguyên tắc, nếu có thêm 1 phương án cầu vượt lắp ghép bằng kết cấu thép theo dạng chữ Y, chạy theo hướng Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng - Khâm Thiên, thì sự nghiên cứu, lựa chọn sẽ dễ dàng tạo được sự đồng thuận của người dân, cũng như các nhà sử học.
Nếu cầu vượt được thi công theo như thiết kế, thì ngoài việc thuận lợi trong việc bố trí mặt bằng, còn giải quyết được sự liên thông của nút giao hầm Kim Liên, cũng như phát huy được tối đa năng lực thông hành của cả tuyến đường Vành đai 1.
Nhưng, xét về mạng lưới tổng thể, nếu xây cầu theo hướng ngược lại, thì cũng sẽ giải quyết được sự liên thông của 2 nút giao là Ngã Tư Sở và ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc.
Xét về mặt kết cấu, sẽ là không quá khó để có thể đưa ra các phương án cầu vượt, để vừa thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật xây dựng cầu, vừa đảm bảo các yếu tố về cảnh quan, mỹ thuật, tránh được Đàn Xã Tắc.
Về lý thuyết trong bài toán qui hoạch, đối với nút giao này, phương án ưu tiên vẫn là thiết kế cầu vượt theo hướng đường vành đai.
Tuy vậy, nhìn từ thực tế phát triển của Hà Nội, đường vành đai 1 bây giờ thực sự đã trở thành đường phố trung tâm, công năng đường vành đai giờ đã chuyển sang đường vành đai 3, 4.
Hơn nữa, toàn tuyến đường vành đai 1 đến bây giờ vẫn chưa được mở rộng đồng đều, và chưa biết đến khi nào mới được mở rộng hoàn chỉnh.
Do đó, với qui hoạch, thực hiện qui hoạch một cách manh mún như vậy, việc thay đổi tư duy thiết kế cầu vượt qua nút giao này cần được xem xét lại theo hướng, chuyển đổi cầu vượt không theo 5 phương án đã đề xuất (xoay theo các hướng khác, hoặc tổ chức lại mạng lưới giao thông xung quanh, liên quan đến nút giao này).
Một trong những hạn chế của các cầu ở Hà Nội (bao gồm cầu thép, cầu bê tông) là các nhịp cầu ngắn, nên phải xây dựng nhiều trụ cầu, các kết cấu lại đơn giản, trùng lắp...
Do đó, rất cần nghiên cứu thêm phương án cầu dây văng, để kéo dài các nhịp cầu, hạn chế tối đa việc thi công trụ cầu, để tránh việc đặt các trụ cầu vào các vị trí 'nghi ngờ có các dấu tích của Đàn Xã Tắc'.
Đàn Xã Tắc đã được phát lộ năm 2006, và đến nay, chưa ai biết được trung tâm của Đàn Xã Tắc ở đâu? Toàn bộ phạm vi khu vực Đàn Xã Tắc nằm đâu, để có thể đưa ra phương án tránh?
Hiện tại, trong 5 phương án đưa ra, Hà Nội cũng mới chỉ khẳng định rằng, cứ xây cầu, và nếu trong quá trình thi công móng, mố trụ cầu, nếu thấy phát hiện dấu tích kiến trúc hoặc di vật, cổ vật, thì nhà thầu nhanh chóng phải báo cáo với cơ quan thẩm quyền.
Việc làm này không khác gì "sự đã rồi" và thể hiện sự thiếu tầm nhìn trong qui hoạch xây cầu vượt ngay tại nút giao này.
Cũng là phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng Đà Nẵng đã làm được những điều thần kỳ, thể hiện qua các cây cầu mang những nét đặc trưng về nghệ thuật kiến trúc, là điểm nhấn để thu hút du lịch....
Mỗi cây cầu ở Đà Nẵng, là một nét kiến trúc riêng, từ cầu dây võng Thuận Phước, cầu quay Sông Hàn, và mới đây là cầu Rồng, cầu dây văng Trần Thị Lý đã tạo nên một cảnh quan cực kỳ lạ mắt, đẹp đến mê hồn.
Để làm được điều đó, Đà Nẵng đã phải làm rất nhiều, trong đó, việc qui hoạch được quan tâm đúng mức. Trước khi xây dựng cầu, Đà Nẵng đã tổ chức những cuộc thi quốc tế về kiến trúc cho mỗi công trình, và lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Trong khi đó, tại vị trí nút giao Ô Chợ Dừa, phạm vi thi công đủ rộng, lại cần được nghiên cứu phương án tránh Đàn Xã Tắc, tại sao Hà Nội không tổ chức 1 cuộc thi tương tự như Đà Nẵng đã từng làm?
Để vừa có thể xây dựng 1 công trình cầu vượt vừa đảm bảo mỹ thuật, công năng giao thông, vừa đảm bảo mục tiêu tránh được Đàn Xã Tắc?
Câu hỏi này dành cho lãnh đạo cao nhất của Hà Nội.
Hơn nữa, việc xây dựng một công trình cầu thép theo thiết kế riêng vừa đảm bảo hài hòa được nhu cầu bức xúc của người dân về UTGT, vừa tránh được "hiệu ứng cầu vượt" mà một số nhà khoa học đang băn khoăn, do nếu xây quá nhiều cầu vượt có kết cấu giống nhau, ảnh hưởng đến không gian kiến trúc của Thành phố.
Độc giHà An (Hà Nội)
Nguồn: 
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/119298/cau-vuot-qua-dan-xa-tac--sao-khong-hoc-da-nang-.html

No comments:

Post a Comment