Monday, May 20, 2013

Giản đơn sao mà khó thế !??


Nhớ “mong muốn tột bậc” của Bác

19/05/2013 07:59 (GMT + 7)
TT - Trong một buổi nói chuyện gần đây, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai kể một câu chuyện xảy ra cách nay đã vài chục năm mà theo ông “càng ngày càng thấy thời sự”.
Ấy là vào năm 1976, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, các thầy ở tổ văn rất hào hứng đưa đề thi: phân tích và bình luận câu thơ của nhà ngoại giao Xuân Thủy: 
Ta ước ngày mai hết đói nghèo/ 
Hết tù hết tội hết gieo neo/ 
Bạn bè bốn biển anh em cả/ 
Ôi đẹp vườn xuân sớm lại chiều.

Đưa lên duyệt, bộ trưởng Bộ Giáo dục khi ấy là ông Tạ Quang Bửu không đồng ý. Ông nói: Thống nhất rồi đấy, nhưng nghèo đói, gieo neo, tù tội nào đã hết. Đừng bắt các em phải nói dối.

Đến nay đã 38 năm sau ngày thống nhất. Cả nước vẫn còn hơn 2 triệu hộ thuộc diện nghèo, chiếm 9,6% dân số, mà kể cả ở những hộ không thuộc diện nghèo thì cũng đã xảy ra chuyện một người mẹ tự tử để mong con có tiền ăn học, một người cha nhảy xuống sông vì tuyệt vọng khi không có tiền chữa bệnh.
Mới đây thôi, báo đăng tin hai vợ chồng tử nạn trên sông khi chiếc ghe mưu sinh bị lật, làng xóm phải góp tiền mua áo quan, năm đứa con mồ côi bơ vơ, nheo nhóc. Mà những câu chuyện như thế lại không còn là hãn hữu nữa, ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên mặt báo, giữa cuộc đời. Những tai nạn trên sông, trên biển, trên quốc lộ, trên công trường, chốn rừng xanh núi đỏ, tai nạn bất thình lình xảy ra mọi lúc mọi nơi, hình như không cần có lý do gì chính đáng, và hình như lúc nào nạn nhân cũng là những người nghèo.
Bi kịch của người nghèo lại lộ rõ hơn khi họ phải sống chung với người giàu! Trong khi có những người dân nhập cư phải vơ vất lề đường, gầm cầu, thuê những chiếc ghế bố qua đêm, chui vào những khu trọ ngột ngạt thì cũng có những khu biệt thự mênh mông như cả thành phố bỏ hoang. Trong khi có người nghèo lâm nạn không có tiền mai táng thì cũng có người mặc áo bạc tỉ. Trong khi có ngư dân phải vay nợ ngân hàng để sắm sanh cho chuyến hải trình lênh đênh thăm thẳm thì có người vào nhà hàng chỉ chọn những món bào ngư, vi cá tiền triệu. Trong khi bao nhiêu người nghèo xếp hàng chờ những suất cơm từ thiện, cơm hỗ trợ 2.000 đồng, bao nhiêu người chắt chiu đóng góp từng tờ bạc lẻ thì những con số thất thoát, thiệt hại vì tiêu cực, tham nhũng được thống kê lên đến hàng chục số 0 nối đuôi phía sau...
Vẫn biết sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội là quy luật. Vẫn biết phân công lao động khác nhau, thụ hưởng khác nhau là tùy thuộc khả năng, vị trí mỗi người. Vẫn biết những hiện tượng tiêu cực là không thể tránh. Vẫn biết những giấc mơ về một cuộc đời tươi hồng chỉ là viễn mơ... Biết vậy nhưng vẫn thấy đắng lòng vì những bất công hiện ra khi so sánh. Nhất là khi vào ngày này, ngày sinh nhật Bác, nơi nơi nhắc lại “mong muốn tột bậc: dân tôi ai cũng có cơm ăn áo mặc, trẻ em ai cũng được học hành”.
Cả một đời Bác Hồ đã hi sinh từng giây phút cho mong muốn đó, hàng triệu những người trẻ nước Việt đã ngã xuống cho giấc mơ đó, hàng triệu những người khác, nhiều thế hệ đã cùng đưa tay thề cho ngày mai đó...
Nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Người, chúng ta cần nỗ lực thật nhiều để chính sách xóa đói giảm nghèo phát huy tác dụng; cùng bắt tay đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí. Làm được vậy mới không xấu hổ với sự “mong muốn tột bậc” của Bác.
PHẠM VŨ
Nguồn: 

No comments:

Post a Comment