|
Ngày càng có nhiều ý kiến về trần lãi suất cho vay gây rủi ro đạo đức. Ảnh: LT. |
(TBKTSG Online) - Ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo lắng
việc tăng cường áp đặt mệnh lệnh hành chính cho thị trường đang làm nảy
nở môi trường cho tham nhũng, làm băng hoại đạo đức kinh doanh.
Áp trần lãi suất
Trong rất nhiều các biện pháp hành chính của các cơ quan nhà nước ban
hành gần đây thì sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường là
vấn đề đáng quan tâm nhất.
Cơ quan này, từ năm 2008 đến nay đã áp dụng hàng loạt các biện pháp can
thiệp mang tính hành chính như trần lãi suất huy động, quy định chênh
lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu
tiên,...
Cơ chế điều hành là “áp đặt” lãi suất huy động trong khi lại để các
ngân hàng tự do thỏa thuận lãi suất cho vay. Theo cơ chế này, người gửi
tiền bị áp đặt trần lãi suất trong khi các ngân hàng có quyền áp đặt lãi
suất cho vay nhiều hơn khi có thể thỏa thuận lãi suất với các doanh
nghiệp đi vay .
Các chuyên gia cho rằng, những chính sách này đã làm băng hoại đạo đức kinh doanh trong vài năm qua.
Trao đổi với TBKTSG Online, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện
trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói: “Tốt nhất là
không áp trần lãi suất gì cả vì biện pháp hành chính nào cũng méo mó về
nguồn lực và đạo đức. Chúng ta biết cả rồi”. Ông bổ sung: “Còn biện pháp
hành chính là còn méo mó. Cơ chế hai giá, hay cơ chế xin cho luôn dẫn
đến rủi ro đạo đức rất cao”.
Ông cho rằng, biện pháp này làm ảnh hưởng đến phân bổ nguồn lực cũng
như quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho
rằng, trong suốt mấy năm qua, chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã giúp
duy trì khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay để tạo cơ
chế “có lợi” cho các ngân hàng thương mại.
Trong khi các doanh nghiệp cần được cấp cứu do lãi suất quá cao thì
ngân hàng thương mại vẫn không muốn chia sẻ một phần lợi ích mình thu
được với doanh nghiệp do chính sách này.
“Cách điều hành lãi suất chỉ bảo đảm an toàn cho các ngân hàng trong
điều kiện khó khăn chung như vậy dường như phản ánh sự chi phối của động
cơ nhóm lợi ích”, ông nói.
Ông Thành hy vọng rằng, đến cuối năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu
dỡ bỏ một số biện pháp hành chính như trần lãi suất với tiền đồng, tiền
đô la Mỹ, và vàng.
Quản lý vàng vì ai?
Nhiều chuyên gia tiếp tục bày tỏ lo lắng khi Ngân hàng Nhà nước quy
định SJC là thương hiệu duy nhất được sản xuất khi ban hành Nghị định 24
về quản lý thị trường vàng. Điều này, đã làm giá vàng trong nước và
ngoài nước chênh lệch rất lớn.
Chuyên gia Ngô Trí Long nói tại một hội thảo gần đây tổ chức ở Hà Nội:
“Chỉ có Việt Nam là một mình một chợ can thiệp vào thị trường vàng bằng
mệnh lệnh hành chính như vậy”.
Ông khẳng định, trong các phiên đấu thầu vàng vừa qua có dấu hiệu bị thao túng, đầu cơ và lợi ích nhóm.
Chuyên gia Nguyễn Thị Hiền cho rằng, Thống đốc đã không giữ được cam
kết giữ giá vàng trong nước/thế giới chỉ chênh lệch 400 ngàn đồng/lượng
vì thực tế gần đây nhiều lúc giá trong nước cao hơn thế giới tới gần 7
triệu đồng/lượng.
Bà nói: “Ngân hàng Nhà nước tập trung chức năng quản lý nhà nước sang
kinh doanh vàng là điều hết sức vô lý đối với một nền kinh tế hội nhập”.
Về phần mình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng thanh minh cho việc
điều hành vàng. Trong lần giải thích gần đây nhất với các phóng viên
nhân dịp tết cuối năm 2012, ông cho rằng, vàng không phải là mặt hàng
quốc kế dân sinh, không phải mặt hàng thiết yếu và cũng không thuộc diện
phải bình ổn trong Luật Giá.
Vì thế, theo ông Bình, giá trên thị trường vàng sẽ do Ngân hàng Nhà
nước “điều kiển” theo ý đồ của quốc gia theo hướng tăng thêm dự trữ quốc
gia bằng vàng, để chuyển đổi toàn bộ số vàng đó bằng tiền cho sản xuất
kinh doanh. “Nhà nước giữ vàng, nền kinh tế có tiền”, ông nói.
Nguồn:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/95568/Chuyen-gia-lo-ngai-menh-lenh-hanh-chinh-ap-dat-thi-truong.html
No comments:
Post a Comment