(TBKTSG Online) - Cây tre đã gắn bó với người Việt hàng ngàn đời nay. Tre là nguyên liệu được người Việt khai thác tối đa sự hữu dụng tưởng như vô hạn; từ những vật dụng gần gũi, thiết thân trong đời sống thường nhật cho đến khí cụ chiến đấu, bảo vệ quê hương. Hình ảnh lũy tre thanh bình, thơ mộng trong thi ca, trong bao chuyện tình lãng mạn và cả trong huyền sử Thánh Gióng.
Cách trung tâm TPHCM khoảng 35km về phía bắc, nằm trong địa phận huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, làng tre Phú An được biết đến như một cơ sở nghiên cứu và thực nghiệm bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và xử lý môi trường bằng thực vật.
Làng tre Phú An được hình thành từ năm 1999, dựa trên ý tưởng khoa học của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM với sự hợp tác giữa 4 đơn vị: UBND tỉnh Bình Dương, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, vùng Rhône Alpes (Pháp) và Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp).
Nhớ lại hôm khánh thành ngôi nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, thầy Lê Văn Quới, một vị giáo sư kính mến thay mặt người dân thành phố Cần Thơ đã phát biểu: “Tình yêu tổ quốc ở mỗi con người thường bắt đầu từ những điều bình thường nhất. Đó là lòng yêu một chiếc cầu, một bến sông, một vị ngọt của cây trái quê hương… Cũng từ tình yêu đó, khi tổ quốc lên tiếng gọi, nó sẽ trở thành dòng huyết chảy”. Đến xã Phú An, chúng tôi được nghe các vị bô lão kể lại câu chuyện hình thành làng tre Phú An mới thấy được giá trị lớn lao của tâm huyết, tình cảm của những con người yêu thiên nhiên, yêu quê hương ấy thế nào.
Cô giáo Mỹ Hạnh cùng các học trò của cô đã bỏ ra 3 năm trời vất vả tìm kiếm và liên tục 12 năm ròng rã thực hiện với sự trợ giúp ban đầu của chính quyền, các tổ chức quốc tế. Thầy trò cùng lặn lội từ Bắc chí Nam, từ Hà Giang đến Cà Mau để biến khu vực “tam giác sắt” thành “tam giác xanh” với sự hình thành bộ sưu tập tre tập trung khoảng 1.500 bụi tre với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam; trong đó có nhiều giống quý hiếm như tre vuông, mai ống, tre vàng sọc, luồng (Phú Thọ), mây Muồi Mai (Bắc Kạn), tre ngà (Thái Nguyên), tre mét, hóp lớn (Hà Tĩnh)... trải rộng trên diện tích 10 hecta.
Biểu tượng (logo) của làng tre Phú An với hai hình tam giác đặt chồng lên nhau, trên cùng là lá tre đã nói lên ý nghĩa đó. Địa đạo Tây Nam không đơn thuần mang ý nghĩa địa danh, nó còn là một ”làng ngầm” , một biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến. “Làng ngầm” của cuộc kháng chiến ngày nào đó nay đã mang ý nghĩa bảo tồn sinh thái, bảo vệ cuộc sống xanh bền vững với “làng tre”. Thời chiến, khu vực địa đạo Tây Nam từng nổi tiếng với biệt danh "Tam Giác Sắt".
Tam Giác Sắt (Iron Trianggle) là cái tên do quân đội Mỹ đặt trong thời gian tham chiến tại miền Nam Việt Nam để chỉ một vùng đất thể hiện trên bản đồ thành một hình tam giác với các đỉnh là Bến Súc, thị trấn Bến Cát và một điểm trên sông Thị Tính gần chỗ gặp sông Sài Gòn. Nó bao trùm khu vực liền nhau của ba huyện Củ Chi (TPHCM), Bến Cát (Bình Dương) và Trảng Bàng Đồng Nai, cách sông Sài Gòn từ 30 - 50 km về phía bắc - tây bắc; nằm giữa 2 chiến khu lớn của miền Đông Nam bộ là chiến khu Đ và Dương Minh Châu.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng địa phận ba xã Tây Nam (An Điền, An Tây, Phú An) của huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương chính là điểm đầu tiên được mệnh danh là “Tam Giác Sắt”, là điểm nóng chiến tranh, gây nhiều thiệt hại và thất bại cho quân đội Mỹ.
Trong ngày Hội Tre 2013 (20-3), cô Mỹ Hạnh rất xúc động khi nhắc về quê hương về lòng yêu thương của cô đối với dự án đầy ý nghĩa trên quê nhà, nơi cô được sinh ra và lớn lên. Xúc động hơn khi cô nhắc đến tai hoạ khi cơn bão Pakhar đổ vào Đông Nam Bộ ngày 01/4/2012 mà xã Phú An là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất vùng. Vườn điều, vườn cao su trong vùng bị thổi ngã rạp và bộ sưu tập ở làng Tre cũng không thoát khỏi tại hoạ đó. Tiếng kêu cứu của làng Tre gần như tuyệt vọng vì ai cũng khó khăn.
Sau cơn bão Pakhar, trong lúc việc khắc phục thiệt hại của bộ sưu tập tre trước sức tàn phá của thiên tai tưởng như bế tắc, cô Hạnh tưởng đã phải buông tay vì sức cùng lực kiệt mình thì cũng là lúc cô nhìn thấy những chồi măng non mọc lên từ những bụi tre gãy đổ, ngã rạp... Và đây là lúc cô nhận ra bài học sáng giá nhất: dù cho có khó khăn đến mấy mọi mầm mống vẫn trỗi dậy. May mắn thay, những cánh tay giúp sức đã tiếp tục nâng cô và cộng sự đứng lên.
Mở cửa đón khách tham quan từ tháng 4/2008 đến nay, làng tre Phú An trở thành một trong 21 ngôi làng trên thế giới nhận giải thưởng Xích đạo (Prix Equateur) về đa dạng sinh học của UNDP (Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc).
Đến đây, du khách như lạc vào mê cung toàn là tre. Tre mọc đan thành lối đi rợp mát, tre tạo dáng, nghiêng ngả thành những bức tranh tự nhiên. Những bụi tre lúp xúp, những mái vòm tre xanh um, địa đạo tre, đường mòn tre… Tre leo mềm mại, nối đoạn rễ từng khoảng, cầu khỉ bằng tre - bóng dáng của văn hoá Nam bộ. Những lá tre to có thể dùng làm mỹ nghệ, tre gai có thể nhìn thấy nhiều ở Sóc Trăng...
Theo tiến sĩ Mỹ Hạnh, cô ấp ủ kế hoạch phát triển cây tre Việt Nam trên toàn quốc và xây dựng một bản đồ tre Việt Nam. Định vị được giá trị lớn lao của các sản phẩm làm từ tre, nghiên cứu bộ sưu tập tre Việt Nam và xa hơn nữa là tre Đông Dương cho nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu của sinh viên học sinh trong nước và thế giới, cho những người yêu mến và tôn trọng thiên nhiên.
Làng tre Phú An là một điểm đến cần thiết trong việc giáo dục thế hệ trẻ về môi trường bền vững, về hình ảnh quê hương. Đến với làng tre Phú An, du khách có thể nhìn thấy những mẫu nhà gợi ý làm từ tre, những bức tường ốp tre, nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật làm bằng tre, tempetarium (khu giữ lại vết tích bão để nghiên cứu về biến đổi khí hậu - hay “nơi chứa bão” vì chưa bao giờ Phú An lại bị bão tấn công).
Với sức phát triển bền bỉ, với lòng ước mong cao quý của những con người ở làng tre Phú An ngày càng cần hơn nữa những cánh tay thân ái, những nhà tài trợ vì thiên nhiên, môi trường và vì một màu xanh bất diệt Việt Nam.
Link bài gốc tại http://www.thesaigontimes.vn/Home/dulich/nhatkyluhanh/92929/Mot-diem-du-ngoan-can-cho-gioi-tre.html
|
No comments:
Post a Comment