|
(TBKTSG) - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt nam, bà Victoria Kwakwa, trao đổi với TBKTSG về những thách thức mà Việt Nam phải xử lý khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
TBKTSG: Việt Nam từng được Ngân hàng Thế giới và một số
định chế tài chính quốc tế khác ca ngợi là ngôi sao đang lên, nhưng rồi
nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô cao, doanh nghiệp đuối sức
và lòng tin suy giảm. Bà có hình dung ra tình thế của Việt Nam hiện nay?
- Bà Victoria Kwakwa: Trước tiên, tôi phải nói rằng
Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển đáng ca ngợi trong
khoảng 20 năm. Hiện tại là thời điểm khó khăn, và đất nước này không thể
tiến nhanh như trong quá khứ. Câu hỏi, chúng tôi có hình dung được tình
thế này hay không? Bạn không bao giờ có thể tiên đoán bất kỳ điều gì.
Nhìn lại lịch sử kinh tế, người ta không nghĩ quốc gia như Hàn Quốc có
thể phát triển như vậy, hay các quốc gia ở châu Phi lẽ ra phải làm được
nhiều hơn. Có lúc ta đoán đúng, có lúc sai. Nhưng với tốc độ thành công
của Việt Nam, nhiều người hy vọng đất nước sẽ tiếp tục phát triển. Điều
này không xảy ra ở hiện tại. Tốc độ đang rất chậm và chậm hơn quá khứ.
TBKTSG: Vấn đề là hầu hết người Việt Nam không thỏa mãn với
hiện tại. Chẳng hạn khi nhìn sang Thái Lan, Indonesia, Philippines, hay
thậm chí là Myanmar, họ đang tiến nhanh trong khi Việt Nam cứ phải vật
lộn mãi với bất ổn kinh tế...
- Tôi không nói các bạn thỏa mãn với hiện tại, và tôi cũng không nói
mọi chuyện đáng ra phải diễn ra như cần phải vậy. Việt Nam phải ở vị trí
tốt hơn hiện nay. Hiện tại là thời điểm không tốt nếu so với quá khứ.
Trước đây, Việt Nam đã đổi mới về nông nghiệp, đất đai, mở cửa nền kinh
tế và cải cách doanh nghiệp nhà nước, kết quả là đã có sự thay đổi tích
cực về năng suất và hiệu quả đồng thời tăng trưởng nhanh trong thời gian
dài. Nhưng hiện tại, Việt Nam đang suy kiệt về tính hiệu quả. Có nhiều
vấn đề về nền tảng mà Việt Nam phải xử lý, nếu muốn tăng trưởng tốt hơn.
TBKTSG: Những vấn đề nền tảng đó chắc hẳn các nhà hoạch
định chính sách của Việt Nam đã rõ, và bà cũng đã nhiều lần nêu chúng ra
tại các hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ, vậy theo bà, Việt Nam đã
tiếp nhận những khuyến nghị đó thế nào?
- Tại các hội nghị đó, tôi đã nói là Việt Nam cần đổi mới lần hai.
Bạn nhớ là vào tháng 10-2011, Chính phủ tuyên bố kế hoạch tái cơ cấu
kinh tế ba điểm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng.
Chính phủ đã nhìn nhận, họ cần phải làm điều gì đó và đó là cách họ thực
hiện. Nhìn lại năm 2012, cảm nhận của tôi là rất nhiều hành động ban
đầu liên quan đến các vấn đề pháp lý, quy định đã được chuẩn bị. Chẳng
hạn về cải cách doanh nghiệp nhà nước, có rất nhiều luật và quyết định
của Thủ tướng về phân loại doanh nghiệp nhà nước, và trách nhiệm của các
cơ quan nhà nước đã được ban hành. Trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều quy
định cũng đã được thông qua. Có lẽ, Chính phủ dùng năm đầu tiên để thiết
kế các vấn đề pháp lý và quy chế, và nay đã làm xong, nền tảng đã sẵn
sàng, chúng ta cùng hy vọng năm nay là năm hành động.
Một vấn đề khác, ở Việt Nam, mọi thứ không diễn ra qua đêm. Nếu bạn
tính một ngày, một tuần hay một tháng, bạn có thể nói, trời ơi, sao chậm
quá vậy. Song, nếu bạn tính năm năm hay 10 năm, thì bạn có thể thấy sự
thay đổi. Cách thức Việt Nam đổi mới là chậm. Tôi nói vậy không có hàm ý
là đánh giá tốt hay xấu, mà nói những điều tôi chứng kiến Việt Nam làm.
Chúng ta hy vọng rằng, ít nhất với lần đổi mới này, Việt Nam có thể
tiến nhanh hơn.
|
Đến nay, việc tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ
thống ngân hàng thương mại, qua đó tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa có
nhiều tiến triển. Ảnh: Tuệ Doanh. |
TBKTSG: Làm sao tiến nhanh được khi hàng loạt vấn đề vẫn
còn đó, như bất ổn kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp nhà nước, rồi sở hữu đất
đai...?
- Tất nhiên rồi. Nếu Việt Nam chỉ muốn tăng trưởng 5% và chấp nhận đối
mặt với hàng loạt vấn đề về kinh tế và xã hội, thì có lẽ bạn chẳng cần
làm gì. Nhưng nếu bạn muốn thành công như 20 năm trước, bạn phải xử lý
các vấn đề đó, bạn phải thay đổi cách nhà nước vận hành nền kinh tế để
nó hiệu quả hơn. Đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương
mại đều liên quan đến nhau. Những vấn đề này phải được xử lý để Việt Nam
sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
TBKTSG: Tôi nghĩ, điều bà nói nhiều người cũng biết, nhưng
thực tế không có nhiều hành động để hiện thực hóa, mọi thứ quá chậm. Vậy
điều gì mang tính gốc rễ đang cản trở Việt Nam, theo suy nghĩ của bà?
- Bạn cần nói cho tôi biết chứ. Bạn hiểu Việt Nam tốt hơn tôi mà. Tôi ở
đây bốn năm và đôi lúc tôi không biết. Đôi khi tôi tự hỏi, vì sao lại
thế nhỉ. Điều duy nhất tôi biết, là rất khó tiến hành đổi mới ở vài quốc
gia. Ở Việt Nam, tất cả mọi thứ phải dựa vào đồng thuận. Việt Nam thực
hiện mọi thứ theo cách này. (Chính phủ) Việt Nam phải đạt được đồng
thuận với bên Đảng và Quốc hội. Quá trình ra quyết định nhiều khi quá
dài.
Bạn nên nhìn sang nước Nga, hay các quốc gia rơi vào khủng hoảng. Quyết
định được đưa ra rất nhanh. Một người, hay một ủy ban, hay chính phủ
quyết định rất nhanh. Tuy nhiên, rủi ro đi kèm mà bạn biết đã xảy ra với
Liên Xô cũ khi họ cải cách nhanh là đói nghèo cũng tăng rất mạnh trong
khoảng thời gian ngắn, và các doanh nghiệp nhà nước sau khi cải cách
không mang lại thịnh vượng cho người dân. Đó cũng là rủi ro của cải cách
quá nhanh. Việt Nam cần tìm được điểm cân bằng. Tôi nghĩ, một phần
trong vấn đề của Việt Nam là do quá trình ra quyết định quá lâu. Tất cả
mọi người đều phải dự phần.
TBKTSG: Việt Nam đã đạt được một số ổn định về ngắn hạn, nhưng về dài hạn thì chưa bởi các thách thức vẫn còn nguyên đó?
- Chính phủ đã đạt được một số ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng như bạn
nói, trừ khi Việt Nam xử lý những hạn chế dài dạn, nếu không sự ổn định
đó không thể bền vững. Một trong những nguyên nhân làm mất ổn định là mô
hình tăng trưởng mà Việt Nam theo đuổi. Mô hình đó dựa rất nhiều vào
đầu tư công để các doanh nghiệp nhà nước thực hiện, rồi họ lại vay nhiều
tiền từ các ngân hàng thương mại nhà nước. Để duy trì mô hình này, Việt
Nam cần tăng trưởng tín dụng rất nhanh. Tuy nhiên, các khoản đầu tư lại
thiếu hiệu quả. Điều này tạo ra mất ổn định cho khu vực tài chính. Việt
Nam cần chấm dứt mô hình này để chuyển sang mô hình khác dựa nhiều vào
năng suất và hiệu quả.
TBKTSG: Cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” đã
không còn xuất hiện trong bản dự thảo Hiến pháp mà Việt Nam đang định
sửa đổi. Bà nhìn nhận điều này như thế nào, theo kinh nghiệm của một
chuyên gia quốc tế?
- Nếu Việt Nam thành công về điểm này trong Hiến pháp, tôi nghĩ nó sẽ
có tác động và đột phá lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải chờ xem văn bản
Hiến pháp cuối cùng.
Theo tôi, một trong những vấn đề lớn của Việt Nam là vai trò của Nhà
nước trong nền kinh tế. Tôi không có ý phân biệt giữa khu vực nhà nước
và tư nhân, nhưng vấn đề là khi Việt Nam còn giữ nhiều tài sản nhà nước,
thì tài sản đó phải được quản trị tốt. Hãy nhìn Singapore, họ có rất
nhiều tài sản nhà nước và họ quản lý chúng tách biệt khỏi chính phủ.
Việt Nam phải tách biệt chức năng quản lý nhà nước khỏi doanh nghiệp, và
phải để các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh. Nhà nước đang gánh vác
quá nhiều chức năng. Vì sao Nhà nước phải kinh doanh khách sạn hay khu
nghỉ dưỡng. Cần nhớ nguyên tắc cơ bản, là nhà nước cung cấp những dịch
vụ công.
TBKTSG: Tôi muốn nhắc lại câu hỏi liên quan đến đánh giá
của bà về tình thế của Việt Nam hiện tại, khi doanh nghiệp kiệt quệ và
lạm phát cao có nguy cơ quay lại?
- Lạm phát gia tăng nhưng trong tầm kiểm soát. Ý tôi là bạn không thể
chỉ nhìn những điều tiêu cực. Hãy nhìn Việt Nam, có lúc lạm phát lên
23%, tiền đồng mất giá, dự trữ cạn kiệt... còn bây giờ là câu chuyện
khác. Song cũng phải thừa nhận là khu vực doanh nghiệp nhà nước và hệ
thống ngân hàng đang gặp rất nhiều vấn đề, một số thậm chí đang trong
tình hình nghiêm trọng. Thông điệp của tôi gửi Chính phủ là nếu để mọi
việc quá lâu thì sẽ càng khó xử lý. Khi bạn đã ở trong tình trạng khủng
hoảng thật sự, bạn phải rất đau đớn để giải quyết. Việt Nam phải giải
quyết điều này ngay bây giờ, thời gian là rất quan trọng.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/92247/Moi-viec-de-qua-lau-se-cang-kho-xu-ly.html
|
|
No comments:
Post a Comment